Thảm họa bom nguyên tử qua hồi ức những người sống sót cuối cùng

 Những người lính Nhật Bản ở thành phố Nagasaki giữa cảnh hoang tàn do vụ thả bom nguyên tử vào ngày 9/8/1945

NGUỒN HÌNH ẢNH,GALERIE BILDERWELT/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Những người lính Nhật Bản ở thành phố Nagasaki giữa cảnh hoang tàn sau vụ thả bom nguyên tử vào ngày 9/8/1945
  • Tác giả,Lucy Wallis
  • Vai trò,BBC News

Chỉ mới sáng sớm nhưng trời đã nóng. Vừa lau mồ hôi trên trán, Chieko Kiriake vừa tìm bóng râm. Đột nhiên, một ánh sáng chói lóa xuất hiện - chưa bao giờ cô bé 15 tuổi trải qua điều gì tương tự. Đó là lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6/8/1945.

"Cảm giác như mặt trời đang rơi xuống vậy, còn tôi thì thấy chóng mặt," bà nhớ lại.

Mỹ khi ấy vừa thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima - quê hương của bà Chieko, đánh dấu việc lần đầu tiên vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh. Mặc dù Đức đã đầu hàng ở châu Âu, nhưng quân đồng minh trong Thế chiến II vẫn đang giao chiến với Nhật Bản.

Cảnh báo: Bài viết có nội dung có thể gây khó chịu cho người đọc

Bà Chieko khi đó còn là học sinh, nhưng như bao đàn anh đàn chị khác, bà phải làm việc trong các nhà máy thời chiến. Bà lê bước tới trường, cõng một người bạn bị thương trên lưng.

Rất nhiều học sinh bị bỏng nặng. Bà Chieko lấy dầu từ phòng học nữ công gia chánh để bôi lên vết thương cho họ.

"Lúc bấy giờ chỉ có thể chữa trị như vậy thôi. Rồi họ lần lượt chết đi," bà Chieko nói.

“Chúng tôi, những học sinh lớn tuổi sống sót, được các giáo viên hướng dẫn đào một cái hố trong sân chơi và tôi hỏa táng các bạn cùng lớp bằng chính bàn tay mình. Tôi cảm thấy kinh khủng vô cùng.”

Bà Chieko hiện đã 94 tuổi. Đã gần 80 năm kể từ khi bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki.

Thời gian đang cạn dần đối với những nạn nhân sống sót - được gọi là hibakusha ở Nhật Bản - để kể lại câu chuyện của mình.

Nhiều người đã sống chung với các vấn đề sức khỏe, mất người thân và bị phân biệt đối xử vì vụ tấn công nguyên tử. Giờ đây, họ đang chia sẻ trải nghiệm của mình cho một bộ phim của BBC Two, ghi lại những gì trong quá khứ để có thể cảnh báo cho tương lai.

Chân dung bà Chieko Kiriake trước vụ thả bom nguyên tử và bây giờ

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS/CHIEKO KIRIAKE

Chụp lại hình ảnh,Chân dung bà Chieko Kiriake trước vụ thả bom nguyên tử và hiện nay

Bà Chieko nói rằng sau nỗi đau, một cuộc sống mới đã bắt đầu trở lại thành phố quê mình.

“Người ta bảo cỏ sẽ không mọc trong 75 năm tiếp theo,” bà kể, “nhưng chỉ sau một mùa xuân thôi, những con chim sẻ đã quay lại.”

Bà Chieko nói rằng bà đã rất gần cái chết nhiều lần trong đời mình, nhưng tin rằng việc mình sống sót là nhờ vào sức mạnh của một điều gì đó lớn lao.

Đa số hibakusha còn sống ngày nay là trẻ em vào thời điểm hai quả bom được thả.

Khi hibakusha (dịch theo nghĩa đen là “người bị ảnh hưởng bởi bom”) già đi, các cuộc xung đột toàn cầu đã trở nên dữ dội hơn. Đối với họ, nguy cơ leo thang hạt nhân có vẻ gần hơn bao giờ hết.

“Cơ thể tôi run rẩy và nước mắt thì tràn ra,” bà Michiko Kodama, 86 tuổi, nói khi nghĩ về các cuộc xung đột trên thế giới ngày nay - như cuộc xâm lược Ukraine của Nga và cuộc chiến Israel-Gaza.

"Chúng ta không được phép tái hiện địa ngục của vụ đánh bom nguyên tử. Tôi cảm thấy khủng hoảng."

Michiko là một nhà vận động mạnh mẽ cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân và cho biết bà lên tiếng để tiếng nói của những người đã khuất có thể được lắng nghe - và những lời chứng thực được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải nghe những câu chuyện từ chính các hibakusha đã trực tiếp trải qua vụ thả bom,” bà nói tiếp.

Bà Michiko kể rằng từ trên trời, cơn mưa màu đen "như bùn" đổ xuống. Đó là hỗn hợp chất phóng xạ và cặn bã từ vụ nổ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS

Chụp lại hình ảnh,Bà Michiko kể rằng từ trên trời, cơn mưa màu đen "như bùn" đổ xuống. Đó là hỗn hợp chất phóng xạ và cặn bã từ vụ nổ.

Vào thời điểm quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, bà Michiko chỉ mới bảy tuổi và đang học ở trường.

“Qua cửa sổ lớp học, một ánh sáng bạo liệt lao về phía chúng tôi. Nó có màu vàng, cam, bạc.”

Bà mô tả những cửa sổ vỡ vụn và bắn tung tóe khắp phòng học - mảnh vỡ bắn ra khắp nơi “đâm vào tường, bàn, ghế”.

“Mái nhà sập xuống, nên tôi nấp dưới gầm bàn.”

Sau vụ nổ, Michiko nhìn quanh căn phòng tan hoang. Ở mọi hướng, bà đều thấy những bàn tay, chân bị mắc kẹt

“Tôi bò từ lớp học ra hành lang còn bạn bè thì kêu lên ‘Cứu với’.”

Khi cha bà đến đón, ông đã phải cõng bà về.

Bà Michiko kể rằng từ trên trời, cơn mưa màu đen "như bùn" đổ xuống. Đó là hỗn hợp chất phóng xạ và cặn bã từ vụ nổ.

Bà Michiko nói rằng con đường về nhà hôm đó như "ở địa ngục"

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS/MICHIKO KODAMA

Chụp lại hình ảnh,Bà Michiko nói rằng con đường về nhà hôm đó như "cảnh ở địa ngục"

Bà Michiko không bao giờ quên được con đường về nhà hôm đó.

"Cảnh tượng như ở địa ngục. Hầu hết những người chạy trốn về phía chúng tôi bị cháy rụi hết quần áo và da thịt họ thì đang tan chảy," bà kể lại.

Bà nhớ rằng đã nhìn thấy một cô bé trạc tuổi mình bị bỏng nặng và hoàn toàn đơn độc.

“Nhưng mắt cô ấy mở to. Đôi mắt ấy vẫn xuyên thấu tôi, không thể nào quên được. Mặc dù đã 78 năm trôi qua, nhưng hình ảnh cô bé đó vẫn khắc sâu trong tâm trí và tâm hồn tôi,” bà nói.

Bà Michiko có lẽ đã không sống sót đến ngày hôm nay nếu gia đình bà khi đó vẫn ở trong ngôi nhà cũ. Căn nhà chỉ cách điểm nổ bom 350m.

Khoảng 20 ngày trước đó, gia đình bà đã chuyển nhà, dù chỉ cách đó vài cây số - nhưng đủ để cứu mạng bà.

Ước tính số người chết ở Hiroshima vào cuối năm 1945 là khoảng 140.000 người.

Tại Nagasaki, nơi bị Mỹ ném bom ba ngày sau vụ thả bom đầu, ít nhất 74.000 người đã thiệt mạng.

Ông Sueichi Kido đã sống cách tâm vụ nổ ở Nagasaki chỉ 2km. Khi đó ông chỉ mới 5 tuổi và bị bỏng một phần mặt. Mẹ ông, người bị thương nặng hơn, đã bảo vệ ông khỏi toàn bộ tác động của vụ nổ.

“Chúng tôi, những hibakusha, chưa bao giờ từ bỏ sứ mệnh ngăn chặn việc tạo ra thêm bất kỳ hibakusha nào nữa,” ông Sueichi, hiện 83 tuổi, người gần đây đã đến New York và phát biểu tại Liên Hợp Quốc để cảnh báo về mối nguy hiểm của vũ khí hạt nhân, nói.

Khi tỉnh dậy sau lần bất tỉnh vì vụ nổ, điều đầu tiên ông nhớ là nhìn thấy một can dầu đỏ. Trong nhiều năm sau đó, ông cứ nghĩ rằng chính can dầu đó đã gây ra vụ nổ và sự tàn phá xung quanh.

Cha mẹ ông đã không nói gì và chọn cách che giấu ông khỏi thực tế rằng đó là một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng bất cứ khi nào ông đề cập đến sự kiện đó, họ đều khóc.

Ông Sueichi Kido nhớ lại ánh sáng chói lòa của vụ nổ bom

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS

Chụp lại hình ảnh,Ông Sueichi Kido nhớ lại ánh sáng chói lòa của vụ nổ bom

Không phải tất cả các vết thương đều có thể nhìn thấy ngay lập tức. Trong những tuần và tháng sau vụ nổ, nhiều người ở cả hai thành phố bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc phóng xạ - và tỷ lệ bệnh bạch cầu và ung thư tăng lên.

Trong nhiều năm, những người sống sót đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong xã hội, đặc biệt là khi tìm kiếm bạn đời.

“Họ nói với tôi rằng: ‘Chúng tôi không muốn máu hibakusha đi vào dòng họ của chúng tôi’,” bà Michiko kể.

Nhưng sau đó, bà đã kết hôn và có hai con.

Bà mất cha mẹ và các anh em trai vì ung thư. Con gái bà qua đời vì nguyên nhân tương tự vào năm 2011.

“Tôi cảm thấy cô đơn, tức giận và sợ hãi, và tôi tự hỏi liệu có phải tiếp theo đến lượt tôi hay không,” bà chia sẻ.

Một người sống sót khác sau vụ thả bom ở Nagasaki là Kiyomi Iguro, khi đó 19 tuổi. Bà kể lại chuyện mình được gả vào một gia đình họ hàng xa và bị sẩy thai - điều mà mẹ chồng bà nói là do bom nguyên tử.

“‘Tương lai của con thật đáng sợ.’ Đó là những gì bà ấy đã nói với tôi,” bà kể.

Bà cũng kể lại rằng mình đã được hướng dẫn không được nói với hàng xóm rằng bà đã trải qua vụ nổ bom nguyên tử.

Kiyomi Iguro mang trang phục truyền thống Nhật Bản khi còn là thiếu nữ

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS/KIYOMI IGURO

Chụp lại hình ảnh,Kiyomi Iguro mang trang phục truyền thống Nhật Bản khi còn là thiếu nữ

Hiện thì bà Kiyomi đã qua đời.

Nhưng cho đến khi 98 tuổi, bà vẫn đến thăm Công viên Hòa bình ở Nagasaki và rung chuông lúc 11 giờ 2 phút - thời điểm bom rơi xuống thành phố - để cầu nguyện cho hòa bình.

Bà Kiyomi nguyện cầu cho thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và chiến tranh

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/MINNOW FILMS

Chụp lại hình ảnh,Bà Kiyomi nguyện cầu cho thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và chiến tranh

Ông Sueichi tiếp tục giảng dạy lịch sử Nhật Bản tại đại học. Ông nói rằng việc là một hibakusha đã phủ bóng lên danh tính của mình.

Nhưng sau đó ông nhận ra mình không phải là một con người bình thường và cảm thấy có nhiệm vụ lên tiếng để cứu lấy nhân loại.

“Trong tôi xuất hiện cảm giác mình là một con người đặc biệt,” ông Sueichi nói.

Đó là điều mà tất cả các hibakusha đang cùng chia sẻ - một quyết tâm bền bỉ để đảm bảo quá khứ không bao giờ trở thành hiện tại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Tim đập nhanh gấp 3 lần bình thường, người phụ nữ trẻ phải đi cấp cứu