Nguyễn Phú Trọng, hình ảnh bi tráng của ‘người cộng sản cuối cùng’

 Ông Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là nhà lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng nhất sau Đổi mới

Chụp lại hình ảnh,Ông Nguyễn Phú Trọng được đánh giá là nhà lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng nhất sau Đổi mới
  • Tác giả,Joaquin Nguyễn Hòa
  • Vai trò,Gửi cho BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ

Có người cho rằng trong các nhân vật chính trị Việt Nam đương đại, ông Nguyễn Phú Trọng có thể được sánh ngang với ông Lê Duẩn. Đánh giá này có lẽ cần được bàn thêm.

Ông Lê Duẩn điều hành một nước Việt Nam trong một bối cảnh có thể nói là ít phức tạp bằng ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Duẩn còn là một vị tổng chỉ huy lực lượng cộng sản chiến thắng ngày 30/4 năm 1975 nên ông có cái uy của vị tư lệnh.

Nước Việt Nam thời ông Duẩn phân định ranh giới “địch-ta” rõ ràng. Xã hội tựu trung chỉ có hai thành phần, cán bộ và dân chúng. Cán bộ thì nắm tất tần tật, còn dân chúng thì mới hoàn hồn sau chiến tranh, cũng chẳng mấy khó để cai trị. Không có internet mà cũng chẳng có mạng xã hội.

Thời ông Nguyễn Phú Trọng khác hẳn. Xã hội có nhiều thành phần, mà cán bộ cũng năm bảy phe. Chiến tuyến “địch-ta” không còn rõ ràng nữa. Có một bộ phận dân chúng trẻ tuổi ngày càng đông, không biết chiến tranh là gì, lại học đủ thứ chuyện bên ngoài thông qua internet, mạng xã hội. Ông Trọng cũng không có một uy thế thủ lĩnh thời chiến như ông Duẩn.

Ông Trọng bị nhiều người chỉ trích, gọi ông bằng những danh từ xách mé, hay là nói ông là kẻ giáo điều cộng sản. Nhưng dù ý kiến thế nào, ông cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam nổi tiếng nhất trong thời bình.

Ông tiếp chuyện ba vị tổng thống Mỹ, quốc gia cựu thù, trong đó có một lần ông được tiếp tại tòa Bạch Ốc, sự kiện cho thấy Hoa Kỳ công nhận ông là nguyên thủ “de facto” (trên thực tế) của nước Việt Nam.

Tên tuổi ông gắn với chính sách ngoại giao mềm dẻo gọi là “cây tre” (người không thích thì gọi là đu dây), cứ đong đưa giữa một bên là phương Tây, bên kia là mối quan hệ phức tạp với “người anh em phương Bắc” Trung Quốc và Nga.

Di sản nổi bật thứ hai của ông là cuộc đấu tranh chống tham nhũng với tên tục là “đốt lò”. Nhiều người không ưa ông, hay không ưa chế độ Việt Nam hiện nay, gọi đấy chỉ là phương tiện để ông cùng các đồng chí cánh hẩu của ông đấu đá nội bộ.

Nhưng tôi cho rằng chuyện “đốt lò” của ông Trọng tạo nên nhiều uy tín cho ông trong dân chúng Việt Nam. Có thể những hình ảnh người ta tiếc thương ông bị báo chí của Đảng nói vống lên một chút, nhưng theo tôi, đa số dân chúng Việt Nam kính trọng ông Trọng.

Hiện tượng Nguyễn Phú Trọng

Rất nhiều người dân Việt Nam tiếc thương trước sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Rất nhiều người dân Việt Nam bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng

Ta có thể có giải thích nào cho hiện tượng Nguyễn Phú Trọng, một viên quan văn theo quan niệm truyền thống là “trói gà không chặt”, không có sáng kiến tư tưởng nào ngoài tín điều Mác-Lênin, mà lại tạo được uy tính trong dân chúng, thống trị tất cả các phe phái?

Tôi nghĩ là có hai nguyên nhân.

Điều thứ nhất, ông Trọng là người trong sạch. Cũng có những lời ra tiếng vào, nói ông dính tới vụ này vụ khác, nhưng không có gì chắc chắn cả.

Ta nên nhớ trong tình trạng các phe bên tám lạng người nửa cân thì nếu ông Trọng có lem nhem gì đó chắc hẳn các phe kia không để yên cho ông. Người ta không nghe nói gì đến con cháu ông, và cho đến cuối đời ông vẫn đi lại bằng một chiếc xe công vụ cũ kỹ.

Có thể nói ông là một Mr Clean (ông Trong Sạch) có thể đứng giữa các phe phái, mà phe nào cũng không ít tì vết.

Nguyên nhân thứ hai là truyền thống Việt Nam cũng như hiện trạng xã hội Việt Nam hiện tại.

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Khổng giáo rất mạnh mẽ, trong đó người ta kính trọng những người trong sạch, những vị quan liêm khiết.

Đại đa số dân chúng là những nông dân, cày ruộng, hoặc (vẫn là nông dân) làm thuê tại các xưởng sử dụng lao động đơn giản. Nhu cầu tinh thần của đa số dân chúng ấy không có gì xa xôi và phức tạp, họ tuân lệnh nhà cầm quyền, có mất tự do một chút cũng không sao, mà nhất là nhà cầm quyền ấy đang được dẫn đầu bởi một người liêm khiết.

Giữa cơn rối loạn tư tưởng hậu cộng sản, cộng với cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, với “những viên đạn bọc đô la”, ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như một yếu tố trung hòa cho mọi nhu cầu.

Một mặt ông lặp đi lặp lại những giáo điều Mác-Lênin, làm cho những đảng viên thuần đảng đang chới với được an tâm. Mặt khác ông tung ra chiến dịch “đốt lò”, chống lại những viên đạn bọc đô la, từ đó duy trì sự ổn định xã hội, cũng như tầng lớp đang cai trị quốc gia.

Ông là một chính trị gia khéo léo, không thua bất cứ nhân vật chính trị quốc tế nào.

Khúc bi tráng của người “cộng sản cuối cùng”

Chiếc xe Toyota Crown đời 1989 mang biển số 80B-2089 đưa đón ông Nguyễn Phú Trọng nhiều năm qua. Hình ảnh chiếc xe này được nhiều người chia sẻ như một minh chứng cho đời sống giản dị của ông Trọng.

Nguồn hình ảnh,CÔNG AN TỈNH QUẢNG BÌNH

Chụp lại hình ảnh,Chiếc xe Toyota Crown đời 1989 mang biển số 80B-2089 đưa đón ông Nguyễn Phú Trọng nhiều năm qua. Hình ảnh chiếc xe này được nhiều người chia sẻ như một minh chứng cho đời sống giản dị của ông Trọng.

Có người bảo ông Trọng là “người cộng sản cuối cùng”.

Câu khẳng định này đúng hay sai tùy theo chủ quan của mỗi người, tùy theo định nghĩa thế nào là cộng sản.

Theo dõi hơn 10 năm nay, tôi nghĩ rằng ông Trọng hoàn toàn hiểu được những lời huấn thị của ông ở những buổi hội họp hoành tráng công khai là chỉ nói thế thôi chứ không có thực chất.

Ông hoàn toàn hiểu rằng các cán bộ kiên trung tư tưởng của ông hoàn toàn có thể gục ngã vì các viên đạn bọc đô la. Ví dụ tiêu biểu cho lớp này chính là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, một học trò Mác-Lênin của ông Trọng, mà ông góp phần qui hoạch dài lâu nhưng rốt cuộc đã mất chức.

Dù Đảng Cộng sản Việt Nam không công bố rõ ông Thưởng mắc khuyết điểm gì, nhưng rõ ràng đó là một trường hợp, mà theo định nghĩa của chính ông Trọng, là “thoái hóa”, “biến chất”.

Ông Nguyễn Phú Trọng hiểu nhưng ông vẫn hy vọng cái mô hình Mácxít-Lêninít có cơ hội trở lại hay chăng, sau khi ông hoàn tất “công cuộc đốt lò”?

Đó chính là bi kịch Nguyễn Phú Trọng.

Ông hoàn toàn hiểu rằng không có cán bộ nào thích đi cái xe công vụ cũ kỹ như ông cả, nhưng ông vẫn cố gắng. Ông biết rằng mấy lời huấn thị giáo điều của ông cứ đi từ lỗ tai này sang lỗ tai khác của các cán bộ, nhưng ông cũng nghĩ… còn nước còn tát. Hẳn ông cũng hiểu rằng sau khi ông lên đường theo Các Mác, Lênin thì khó mà tìm được cán bộ nào chịu đi xe cũ và tiếp tục đốt lò.

Bi kịch ở hiện tình và tráng lệ ở hoài vọng.

Khúc bi tráng Nguyễn Phú Trọng là thế.

Để kết thúc, chúng ta hãy trở lại sự so sánh ông Trọng với ông Duẩn ở đầu bài.

Ông Duẩn mất tháng 7 năm 1986, vài tháng sau Đại hội đảng lần thứ 6 tuyên bố chấp nhận kinh tế thị trường, lật nhào nhiều thứ mà ông Duẩn từng tuyên bố đại trà. Cái chết của ông Duẩn mở ra một thời kỳ thịnh vượng hơn của nước Việt Nam, nhưng ngay sau đó là thời của những vị lãnh chúa bắn nhau bằng những viên đạn bọc đô la.

Ông Trọng mới mất có vài ngày, nước Việt Nam đang đi vào vùng bất định mà những lời giáo huấn của ông Trọng tan đi như những làn sóng nhỏ, mất tăm mất tích. Liệu nước Việt Nam sẽ tìm ra được một nhân vật Nguyễn Phú Trọng thứ hai, để mà tiếp tục đi theo con đường nhân trị Khổng giáo? Hay là các vị lãnh chúa tiếp tục trở lại với những viên đạn bọc đô la?

Hay là một mô hình mới, tốt hơn?

  • Tác giả Joaquin Nguyễn Hòa là cây viết tự do từ San Jose, California, Mỹ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?