William Calley: Cựu sĩ quan Mỹ đứng sau vụ thảm sát Mỹ Lai qua đời
Một cựu sĩ quan Mỹ, người duy nhất bị kết án liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai trong Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời.
William Calley qua đời vào ngày 28/4/2024 ở tuổi 80, tờ Washington Post và New York Times đưa tin, trích dẫn hồ sơ chứng tử chính thức.
Washington Post lần đầu tiên đưa tin về cái chết của ông Calley hôm 29/7, sau khi nhận được tin báo từ một sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Harvard, người đã phát hiện ra thông tin này trong hồ sơ công cộng.
Nguyên nhân cái chết không được trích dẫn
William Calley là ai?
William Calley nhập ngũ năm 1964, từng là sinh viên ở Nam Florida nhưng đã bỏ học.
Ông ta nhanh chóng được thăng cấp sĩ quan cấp thấp và sau đó là thiếu úy, vào thời điểm quân đội Mỹ đang rất cần binh lính.
Năm 1968, William Calley, khi đó 25 tuổi, chỉ huy một trung đội lính bộ binh Mỹ thực hiện vụ thảm sát hàng trăm thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, tại làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, miền Nam Việt Nam (vụ này thường được gọi là Thảm sát Mỹ Lai).
Sáng ngày 16/3/1968, đơn vị của Calley được không vận đến một làng - được lính Mỹ lúc đó gọi là Mỹ Lai 4 - để thực hiện nhiệm vụ truy lùng và tiễu trừ các thành viên và cảm tình viên Việt Cộng.
Theo bài viết của nhà báo Seymour Hersh đăng trên tờ The New Yorker vào năm 1972, khi binh lính Mỹ đến nơi, các sĩ quan không gặp phải sự phản kháng nào từ cư dân trong làng, những người đang nấu bữa sáng trên các bếp lửa ngoài trời.
Ông Hersh đưa tin rằng Calley và đơn vị của ông ta đã tiến hành tàn sát dân thường trong những giờ phút tiếp theo. Nhà báo này cho biết nhiều người đã bị tập trung lại thành từng nhóm nhỏ và bị bắn. Những người khác bị đẩy xuống mương thoát nước rồi bị bắn, hoặc bị giết trong nhà hoặc gần nhà của họ.
Nhà báo Hersh cũng mô tả việc phụ nữ và trẻ em gái bị sĩ quan Mỹ hãm hiếp rồi sát hại.
Vụ thảm sát ban đầu được che đậy và chỉ được công khai hơn một năm rưỡi sau đó, phần lớn nhờ vào thông tin từ nhà báo Hersh, giúp ông giành được giải Pulitzer.
Cựu trung úy William Calley bị kết án tù chung thân vào năm 1971 vì giết 22 thường dân, nhưng chỉ thụ án ba ngày sau song sắt sau khi được Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon ký lệnh cho quản thúc tại gia.
Người duy nhất bị kết án
Vụ thảm sát Mỹ Lai được biết đến là một trong những tội ác chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử quân sự Mỹ. Vụ việc đã gây chấn động dư luận Mỹ vào thời điểm đó và kích động phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam.
Theo chính phủ Việt Nam, 504 người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát.
William Calley là một trong 26 binh sĩ bị buộc tội hình sự và là người duy nhất bị kết án.
Dù bị tuyên án chung thân, ông Calley chỉ bị quản thúc tại gia ba năm rưỡi sau khi Tổng thống Nixon giảm án.
Sau đó, Calley kết hôn với Penny Vick, con gái của một chủ cửa hàng trang sức ở Columbus, Georgia, vào năm 1976. Hai người có một con trai là William Laws Calley III và ly hôn vào giữa những năm 2000.
Cựu sĩ quan hiếm khi nói về vai trò của mình trong vụ thảm sát Mỹ Lai và từ chối tiếp xúc với các nhà sử học và phóng viên.
Năm 2009, ông Calley đã xin lỗi khi nói chuyện với Câu lạc bộ Kiwanis of Greater Columbus, tổ chức tình nguyện hải ngoại của Hoa Kỳ.
“Không ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận về những gì đã xảy ra ngày hôm đó ở Mỹ Lai,” Calley nói. “Tôi thấy thương xót những người dân Việt Nam bị sát hại và gia đình của họ, cũng như những binh sĩ Mỹ tham gia vụ thảm sát và thân nhân họ.”
Bản án phân cực người dân Mỹ
Khi nhà báo Seymour Hersh tiến hành điều tra vụ việc để phơi bày sự thật trên tờ The New Yorker, các sĩ quan cấp cao trong quân đội Mỹ hiểu rằng họ cần phải hành động âm thầm, ngay trước khi chuyện vỡ lở trên báo chí.
Nhưng mục tiêu là chỉ để hạn chế hậu quả, tập trung vào một đại đội, một thôn nhỏ ở Mỹ Lai và chỉ đưa ra tòa án quân sự 5 quân nhân.
Và trong năm người đó chỉ có một duy nhất bị kết án là Trung úy William Calley thuộc đại đội Charlie.
Ông ta bị buộc tội đã giết chết 102 dân làng nhưng sau một phiên tòa kéo dài, cuối cùng chỉ bị kết án thực hiện 22 vụ danh sát nhân.
Trung úy Calley đã tự bào chữa rằng ông ta chỉ tuân theo mệnh lệnh của chỉ huy.
''Nếu tôi phải thừa nhận tôi phạm tội, thì tội lỗi duy nhất của tôi là đã tự đặt cho mình mục tiêu khi tham chiến. Hiển nhiên là tôi sẽ ưu tiên bảo vệ mạng sống của đồng đội của tôi hơn là quân thù, nhất là khi những người lính Mỹ bị giết và tàn sát bởi một kẻ thù vô hình.''
Bản án của Calley đã phân cực người dân Mỹ. Một số người coi ông ta là tội phạm chiến tranh trong khi những người khác cảm thấy vị sĩ quan cấp dưới bị dùng làm “tốt thí” trong một vụ thảm sát mà cấp trên đáng ra phải chịu trách nhiệm.
Tổng thống Richard Nixon cuối cùng đã giảm án về cơ bản cho Calley. Nhưng vào tháng 12/1969, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, cuối cùng ông Nixon đã thừa nhận sự kiện Mỹ Lai là một vụ tàn sát.
''Những gì đã xảy ra dường như chắc chắn là một vụ thảm sát dù kết quả điều tra có thế nào đi nữa. Một trong những mục tiêu chúng ta theo đuổi trong Chiến tranh Việt Nam là giúp miền Nam Việt Nam chống lại sự áp đặt bạo tàn đối với dân chúng, và vì thế, chúng ta không bao giờ nên dùng chính sự tàn ác để đạt được mục tiêu đó.''
Cuộc điều tra Peers về vụ Mỹ Lai
Vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 500 thường dân (theo tài liệu phía Việt Nam là 504 người).
Đây là vụ giết người tạo ra bước ngoặt trong lịch sử trong Chiến tranh Việt Nam.
Trong suốt một năm rưỡi sau vụ việc, những hành động sát nhân và hãm hiếp của quân lính Mỹ đã bị che đậy, trở thành một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử quân sự Mỹ.
Cuộc tấn công kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, bắt đầu lúc khoảng 7 giờ 30 sáng với các cuộc không kích.
Vài phút trước khi kim đồng hồ chỉ 8 giờ, đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai và theo sau là đại đội Bravo tiến vào Mỹ Khê, cách Mỹ Lai 3 km về phía đông. Tổng cộng khoảng 190 lính.
Những gì dư luận thế giới biết chủ yếu đến từ vụ xử Trung úy William Calley trước tòa án binh trong các năm 1970-1971.
Nhưng vụ thảm sát này không chỉ đơn thuần là những hành vi của nhóm lính bất trị gây ra mà là một cuộc bắn giết được lên kế hoạch cẩn thận với mục tiêu giết càng nhiều càng tốt.
Trước vụ xử Calley, quân đội Hoa Kỳ đã có cuộc điều tra riêng về cuộc thảm sát.
Ủy ban điều tra mang tên “The Peers Inquiry” (theo tên tướng William Peers) đã nghe nhiều chứng cớ được giữ kín trong lòng Lầu Năm Góc trong khoảng thời gian từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970.
Bản ghi âm cuộc điều tra này bị quên lãng gần 40 năm.
Trong chương trình buổi tối 15/3/2008 (20:00 GMT), đài BBC Radio 4 ở Anh đã cho thính giả nghe những đoạn quan trọng nhất từ các cuốn băng.
Đó là lần đầu tiên công chúng được nghe lời khai của những người can dự vào vụ Mỹ Lai, và được biết toàn bộ chi tiết các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ tại nơi xảy ra vụ việc ngày 16/3/1968.
BBC cũng phỏng vấn những người lính từng can dự và một trong những người trong ban điều tra.
Gần 400 giờ thu âm đã bị chuyển sang chế độ bảo mật cho tới bây giờ.
Những lời khai khiến người ta choáng váng.
Một lính Mỹ kể:
"Phát đạn đầu tiên trúng vào đầu một trẻ sơ sinh và tôi phải quay mặt đi để nôn mửa."
Một người khác cho biết:
"Đa số đồng ngũ trong đại đội của tôi không coi người Việt là người... Một gã tóm ngay một cô gái và... Sau đó họ bắn chết cả nhóm con gái đó khi đã... xong..."
Các cuốn băng trong cuộc điều tra "The Peers Inquiry" chứng minh rằng các quân nhân Mỹ đã hãm hiếp và giết hàng trăm thường dân không chỉ ở một làng mà trong ba ngôi làng ngày hôm đó.
Băng ghi âm cũng chứng minh rằng hai đại đội, chứ không chỉ đại đội Charlie tai tiếng đó, có liên quan.
Bằng chứng cũng nói rõ rằng nhiều binh sĩ trẻ không được huấn luyện tốt và họ hết sức coi thường pháp luật. Các cuộn băng cũng cho thấy lệnh "Không để ai sống sót" là do các sĩ quan chỉ huy đưa ra.
Trong vòng 14 tuần liền, tướng William Peers và ủy ban đã ghi nhận lời khai của 403 nhân chứng: các quân nhân, sĩ quan chỉ huy, tuyên uý, nhà báo Mỹ và của cả người Việt.
Kết quả cuộc điều tra khiến quân đội Hoa Kỳ bối rối tới mức nó đã bị ỉm đi.
Sám hối và ước vọng hòa bình
Tháng 3/2018, tròn 50 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai, buổi tưởng niệm tại nơi xảy ra thảm sát, nay là một đài kỷ niệm nạn nhân Mỹ Lai, đã diễn ra tương đối lặng lẽ trong bối cảnh mối quan hệ đang ấm lên giữa Washington và Hà Nội.
Những người sống sót hồi tưởng về bóng tối và im lặng bao trùm hàng giờ sau vụ thảm sát, khi họ cố gắng chôn những xác chết trong nỗi sợ hãi lính Mỹ sẽ quay lại tấn công.
Khi đó, nhân chứng Võ Thị Thuận nói với Reuters rằng mỗi đêm nghe tiếng mèo kêu bà thường không ngủ được vì liên tưởng tiếng những đứa trẻ bị giết đang kêu khóc.
Bà Thuận từng chứng kiến 170 người hàng xóm láng giềng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị lính Mỹ giết hại vào ngày 16/3/1968.
Ông Phạm Thành Công - nguyên giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, người mất mẹ, chị gái và em trai trong cuộc thảm sát Mỹ Lai khi ông mới 11 tuổi, thì không thể nhớ rõ những gì đã diễn ra trong cuộc phỏng vấn với AFP năm 2018.
Nhiều năm qua, ông đã "cống hiến cuộc đời mình để giữ lại ký ức về một trong những tội ác man rợ nhất trong chiến tranh", theo AFP.
Tuy thế, ông vẫn có vẻ "ngập ngừng" khi hồi tưởng lại quá khứ đen tối đó và nói rằng ông bị "ám ảnh bởi những hình ảnh bạo lực đẫm máu mà lính Mỹ gây ra tại Mỹ Lai", AFP mô tả.
"Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không thể ngủ được. Ký ức cứ quay trở lại. Nỗi đau, nỗi mất mát của tôi và gia đình... khiến tôi đau lòng," ông Công nói.
"Một nhóm các binh Mỹ cũng tham dự buổi lễ, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã tiến xa thế nào, những kẻ thù trước đây giờ có mối quan hệ đồng minh ấm áp hơn," theo AFP.
Theo Reuters, các cựu binh và người phản chiến Mỹ cho biết khi đó đã chuẩn bị gửi một lá thư, thay mặt cho chính phủ Mỹ, xin lỗi về cuộc tàn sát.
"Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 600 người ký vào lá thư," Chuck Searcy, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh vì Hòa bình, nói.
"Bức thư thể hiện sự hối tiếc và đau buồn của người Mỹ và trách nhiệm chung của chúng tôi đối với những gì đã xảy ra ở đây," ông nói.
Nhận xét
Đăng nhận xét