Bà Aung San Suu Kyi nhận thêm bảy năm tù
- Francis Mao
- BBC News
Một tòa án binh Myanmar vừa kết án bà Aung San Suu Kyi thêm bảy năm tù, đưa tổng số thời gian bà phải chịu tù giam lên 33 năm.
Vị cựu lãnh tụ được dân bầu lên bị quản thúc tại gia kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của bà trong một cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021.
Kể từ đó, bà trải qua 18 tháng xét xử ở tòa với 19 bản án – điều mà các tổ chức nhân quyền nói là các bản án giả dối.
Hội đồng Bảo an LHQ tuần trước kêu gọi thả bà.
Hôm thứ Sáu tuần trước, bà bị kết án vì năm cáo trạng cuối cùng bà phải nhận. Tòa án nói bà phạm tội nhận tham nhũng vì bà đã không tuân thủ các quy định khi thuê máy bay trực thăng cho một bộ trưởng.
Trước đó, bà đã bị buộc 14 tội khác nhau trong đó có vi phạm quy định phòng chống Covid, nhập khẩu điện đàm và vi phạm luật bí mật quốc gia.
Các đợt xét xử bà năm nay được làm sau các cánh cửa đóng kín và công chúng cũng như truyền thông bị cấm bào. Luật sư của bà cũng bị cám nói chuyện với các nhà báo. Bà phủ nhận tất cả các cáo trạng đối với bà.
Người phụ nữ 77 tuổi được trao giải Nobel Hòa bình sống phần lớn thời gian trong điều kiện quản thúc tại gia ở thủ đô Nay Pyi Taw.
Bà Suu Kyi và nhiều thành viên khác trong đảng của bà nằm trong số 16.600 người bị quân đội bắt kể từ khi họ lên nắm quyền – 13.000 người vẫn đang trong tù, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (Miến Điện).
Tuần trước, Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar và thả tất cả các tù nhân chính trị. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu trắng vàn không dùng quyền phủ quyết của họ sau khi văn bản của nghị quyết được sửa đổi.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trước đó nói “sự tấn công pháp lý không ngưng nghỉ” lên bà Suu Kyi cho thấy quân đội đã “dùng tòa án làm vũ khí để đạt được các bản án có động cơ chính trị hay lố bịch chống lại đối thủ của họ”.
Cuộc đảo chính cướp quyền bạo lực của quân đội tháng Hai năm ngoái dẫn đến các cuộc biểu tình rộng khắp, khiến quân đội Myanmar đàn áp mạnh tay những người biểu tình và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Nó cũng làm dấy lại các cuộc nội chiến giữa các nhóm thiểu số ly khai nổi dậy, một lực lượng dân sự chống lại quân đội và các tướng tá cầm đầu.
Quân đội Myanmar bị cáo buộc đã giết người trái phép và mở các cuộc không kích vào làng mạc của người dân. Cho tới nay, ước tính hơn 2600 người đã bị giết vì quân đội đàn áp.
Nhận xét
Đăng nhận xét