Liệu cuộc chiến Đài Loan sẽ xảy ra?

 Project-Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

image.png

Lời người dịchNga xâm chiếm Ukraine đã làm lung lay nền tảng trật tự quốc tế. Trước tinh thần đoàn kết quốc tế chống Ngachính giới cho rằng Trung Quốc dè dặt hơn trong khi Nhật Bản vẫn chưa có một đối sách tương ng.

Thực tế ngược lại. Chiến tranh Ukraine còn kéo dài và Trung Quốc không còn kiên nhẫn chờ đợi cuộc chiến kết thúc, lại còn đặt ra nhiều thách thức lớn nhất mà Nhật Bản phải đối phó, cụ thể, bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng có thể tấn công Đài Loan, các đảo lân cận của Nhật Bản, làm gián đoạn nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn và tạo ra một vòng kiềm tỏa các tuyến đường biển cung cấp dầu từ Trung Đông.

Để ứng phó trước nguy cơ ngày càng nghiêm trọng, Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng quân đội với tổng trị giá 320 tỷ đô la trong năm năm tới, sẽ trang bị các vũ khí hiện đại gồm có hỏa tiễn đánh chặn để phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo, phi cơ tấn công và trinh sát cơ không người lái, thiết bị liên lạc vệ tinh, chiến đấu cơ tàng hình Lockheed Martin F-35, trực thăng, tàu ngầm, chiến hạm, và vận tải cơ hạng nặng.

Mỹ không thể bỏ Đài Loan hay Nhật không thể bỏ Đài Loan là hai chủ để chính hiện nay đang được thảo luận, nhưng quan trọng nhất vẫn là liệu Trung Quốc có xâm chiếm Đài Loan không.

Bài viết sau đây của Joseph S, Nye, Jr. kêu gọi Mỹ cần từ bỏ một chiến lược mơ hồ, vừa ủng hộ Đài Loan vừa tôn trọng chính sách một Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đây là bản dịch.  

***

Trong năm thập niên, cả Trung Quốc và Mỹ đều được hưởng lợi trong việc kéo dài thời gian khi họ đặt vấn đề về tình trạng quy chế của hòn đảo. Để ngăn chặn những gì hiện đang là một cuộc cạnh tranh đang hướng tới mức vượt quá tầm kiểm soát, Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp cẩn trọng nhưng rõ ràng để tăng cường chính sách “răn đe kép” lâu đời của mình.

Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể gây chiến vì Đài Loan? Trung Quốc coi hòn đảo cách bờ biển 90 dặm (145 km) là một tỉnh nổi loạn, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu vấn đề này tại Đại hội lần thứ 20 gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù ông Tập nói rằng ông thích thống nhất bằng các biện pháp hòa bình hơn, nhưng mục tiêu của ông rất rõ ràng và không loại trừ việc sử dụng vũ lực. Trong khi đó, ở Đài Loan, tỷ lệ dân số xác định mình chỉ là người Đài Loan tiếp tục vượt quá tỷ lệ xác định là cả người Trung Quốc và Đài Loan.

Từ lâu, Mỹ đã cố gắng vừa can ngăn Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập, vừa ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại hòn đảo này. Nhưng khả năng quân sự của Trung Quốc đã tăng lên, và hiện nay Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói trong bốn lần riêng biệt rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Mỗi lần như vậy, Nhà Trắng đều đưa ra “các lời giải thích”, nhấn mạnh rằng chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi.

Nhưng Trung Quốc phản bác rằng, các chuyến thăm cấp cao gần đây của Mỹ ở Đài Loan đang làm rỗng đi chính sách đó. Trung Quốc đã đáp trả chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại đây vào tháng 8 bằng cách bắn tên lửa gần bờ biển Đài Loan. Điều gì sẽ xảy ra nếu dân biểu Kevin McCarthy trở thành chủ tịch Hạ viện mới do Đảng Cộng hòa kiểm soát và thực hiện lời đe doạ dẫn đầu một phái đoàn chính thức đến hòn đảo này?

Khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon Hoa du và gặp Mao Trạch Đông vào năm 1972, cả hai nước đều có lợi ích chung trong việc cân bằng sức mạnh của Liên Xô, bởi vì cả hai đều coi Liên Xô là vấn đề quan trọng nhất của họ. Nhưng hiện nay, Trung Quốc có sự liên kết thuận tiện với Nga, bởi vì cả hai nước đều coi Mỹ là vấn đề to lớn nhất của họ.

Tuy nhiên, Nixon và Mao không đồng ý về vấn đề Đài Loan, vì vậy họ đã áp dụng một công thức được thiết kế để trì hoãn vấn đề. Mỹ chấp nhận tuyên bố rằng người dân ở cả hai bên eo biển Đài Loan là người Trung Quốc và họ sẽ chỉ công nhận “một Trung Quốc”: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đại lục, không phải Trung Hoa Dân Quốc trên Đài Loan. Hai bên đã kéo dài thời gian cho điều mà người kế vị của Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, gọi là “khôn ngoan của các thế hệ tương lai”. Việc này gợi nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về một tù nhân thời trung cổ, người trì hoãn việc hành quyết bằng cách hứa sẽ dạy con ngựa của nhà vua biết cách nói. Anh ta nói: “Ai biết được? Vị vua có thể băng hà; con ngựa có thể chết hoặc là có thể nói“.

Trong năm thập niên, cả Trung Quốc và Mỹ đều được hưởng lợi từ việc kéo dài thời gian. Sau chuyến công du của Nixon, chiến lược của Mỹ là cam kết với Trung Quốc với hy vọng rằng tăng trưởng thương mại và kinh tế sẽ mở rộng tầng lớp trung lưu và dẫn đến việc tự do hóa. Hiện nay, mục tiêu này nghe có vẻ lạc quan quá mức; nhưng chính sách của Hoa Kỳ không hoàn toàn ngây thơ. Để tái cam kết, Tổng thống Bill Clinton tái khẳng định hiệp ước an ninh của Mỹ với Nhật Bản vào năm 1996, và người kế nhiệm, George W. Bush,  đã cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ. Hơn nữa, có một số dấu hiệu về trào lưu tự do hóa ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ này. Tuy nhiên, ông Tập đã thắt chặt kiểm soát của Đảng CSTQ đối với xã hội dân sự và các khu vực như Tân Cương và Hồng Kông, cũng như báo hiệu tham vọng giành lại Đài Loan.

Hiện nay, các mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Một số người đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng về mặt lịch sử, Trump giống như một cậu bé đổ xăng vào một đám lửa đang cháy. Chính các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tạo ra ngọn lửa bằng cách thao túng chủ thuyết trọng thương của hệ thống thương mại quốc tế, trộm cắp và cưỡng chế việc chuyển giao tài sản trí tuệ của phương Tây, và quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Phản ứng của Mỹ đối với những hành động này thuộc về lưỡng đảng. Mãi cho đến cuối năm thứ hai khi cầm quyền, Biden mới diện kiến trực tiếp ông Tập – tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Bali.

Mục tiêu của Mỹ vẫn là răn đe Trung Quốc trong việc sử dụng vũ lực chống lại hòn đảo này, và ngăn chặn các nhà lãnh đạo Đài Loan tuyên bố độc lập về mặt pháp lý. Một số nhà phân tích gọi chính sách này là “sự mơ hồ về chiến lược”, nhưng nó cũng có thể được mô tả là “sự răn đe kép”. Trong những tháng trước khi bị ám sát, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã thúc giục Mỹ cam kết rõ ràng hơn trong việc bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên, các chuyên gia khác lo ngại rằng một sự thay đổi chính sách như vậy sẽ gây ra phản ứng của Trung Quốc, bởi vì nó sẽ loại bỏ sự mơ hồ cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc xoa dịu tình cảm thuộc về tinh thần dân tộc.

Cuộc xung đột sẽ xảy ra như thế nào? Vị tư lệnh hành quân của hải quân Mỹ cảnh báo rằng, sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc có thể cám dỗ nước này hành động sớm với niềm tin rằng thời gian không đứng về phía họ. Những người khác tin rằng thất bại của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine đã khiến Trung Quốc thận trọng hơn và nước này sẽ đợi đến sau năm 2030. Ngay cả khi Trung Quốc tránh một cuộc xâm lược toàn diện và chỉ cố gắng ép buộc Đài Loan bằng một cuộc phong tỏa hoặc chiếm một hòn đảo ngoài khơi, một vụ va chạm tàu hoặc máy bay có thể thay đổi mọi thứ nhanh chóng, đặc biệt nếu có tổn thất về nhân mạng. Nếu Mỹ phản ứng bằng cách đóng băng tài sản của Trung Quốc hoặc viện dẫn Đạo luật Giao dịch với kẻ thù, hai nước có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh thực sự (không phải ẩn dụ), hoặc thậm chí là một cuộc chiến tranh nóng.

Trong trường hợp không có vấn đề Đài Loan, mối quan hệ Mỹ-Trung phù hợp với mô hình mà cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd gọi là “cạnh tranh về mặt chiến lược được xử lý”. Cả hai quốc gia đều không gây ra mối đe dọa cho quốc gia kia theo cách mà nước Đức của Hitler đã làm trong thập niên 1930 hay Liên Xô của Stalin đã làm vào thập niên 1950. Không phe nào cố tìm cách chinh phục được đối thủ, cả hai cũng không thể làm như vậy. Nhưng một thất bại trong việc xử lý vấn đề Đài Loan có thể biến cuộc xung đột thành một cuộc xung đột sinh tồn.

Mỹ nên tiếp tục ngăn cản sự độc lập chính thức của Đài Loan, đồng thời giúp Đài Loan trở thành một “con nhím” khó nuốt. Mỹ cũng nên hợp tác với các đồng minh để tăng cường khả năng răn đe về hải quân trong khu vực. Nhưng Mỹ phải tránh các hành động và chuyến thăm khiêu khích công khai có thể khiến cho Trung Quốc đẩy nhanh bất kỳ kế hoạch xâm lược nào. Như Nixon và Mao nhận ra từ lâu, có nhiều điều để nói về các chiến lược và thỏa thuận ngoại giao để kéo dài thời gian.

_________

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. Giáo sư Đại học Harvard, Cựu Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng và là tác giả sách mới nhất: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2020).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù