Điểm Báo Pháp - 29/12/2022

 RFI

Sản xuất Mỹ đón nhận làn sóng đầu tư châu Á

Covid-19 : Mối đe dọa mới lại đến từ Trung Quốc

Một khách du lịch tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/12/2022.
Một khách du lịch tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/12/2022. AP - Andy Wong

Cuộc chiến tranh tại Ukraina và nội tình chính quyền Putin, Trung Quốc mở rộng cửa giữa lúc làn sóng dịch Covid bùng lên dữ dội ở trong nước khiến phần còn lại của thế giới không khỏi lo ngại. Đó là những thời sự đáng chú ý của các báo Pháp ra hôm nay.

Các báo Pháp chú ý đến tình hình đầy lo ngại trước những diễn biến dịch Covid đang bùng lên trở lại ở Trung Quốc. Trong khi người dân Trung Quốc hân hoan đón nhận thông báo từ ngày 08/01, chính sách « zero Covid » cách ly đất nước với thế giới bên ngoài từ gần 3 năm qua, sẽ được xóa bỏ hoàn toàn, mọi người được đi lại tự do, thì phần còn lại của thế giới bắt đầu lo ngại. 

Nhìn vào đất nước 1,4 tỷ dân này từ ba tuần nay sau khi một loạt các biện pháp kiểm soát đại dịch được gỡ bỏ, một làn sóng lây nhiễm Covid-19 đã bùng lên dữ dội với biến thể Omicron, mỗi ngày cả triệu ca nhiễm làm các bệnh viện và cả các nhà thiêu quá tải. Hơn nữa kỳ nghỉ Tết âm lịch (22/01) đang tới gần, nhu cầu đi lại của người dân sẽ bùng nổ khiến người ta không thể không lo lắng dịch sẽ lan tràn trở lại ra ngoài biên giới nước này.

Từ ngày 27/12, một loạt các nước, từ châu Á sang đến châu Âu Mỹ bắt đầu phải kích hoạt trở lại các biện pháp kiểm soát y tế ở biên giới, trước mắt là áp dụng chứng nhận xét nghiệm PCR bắt buộc đối với khách đến từ Trung Quốc. Các nước đều đang theo dõi sát và chuẩn bị các kế hoạch phòng dịch đối phó với khả năng xuất hiện biến thể mới, làm bùng lên làn sóng lây nhiễm mới, được báo Les Echos ví như đợt « sóng thần ».

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : « Covid : Mối đe dọa mới Trung Quốc ». Trước tiên, quan tâm đến khía cạnh kinh tế, tờ báo nhận thấy tình hình bùng nổ lây nhiễm ở Trung Quốc đang ngăn cản các xí nghiệp hoạt động bình thường. Đợt dịch bùng phát này không thể không gây tác động đến kinh tế toàn cầu đang trong nỗ lực phục hồi sau hơn hai năm chìm trong đại dịch.

Les Echos ghi nhận, những ngày qua, đường phố Thượng Hải, đô thị 23 triệu dân, vắng tanh, các nhà máy xung quanh thành phố Quảng Đông thiếu nhân công phải hoạt động cầm chừng, những khu cao ốc văn phòng ở Bắc Kinh cũng vắng bóng nhân viên ….Làn sóng dịch đang càn quét Trung Quốc làm tê liệt hoạt động của nền kinh tế thứ 2 thế giới, khiến dây chuyền cung ứng sản xuất toàn cầu trở nên căng thẳng.

Tờ báo nhận xét, việc từ bỏ chính sách « zero Covid » quá đột ngột làm cho các công ty và các nhà kinh tế không kịp trở tay. Trong khi đó, các chỉ số hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất. Đợt bùng phát dịch này càng làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế. Dự phóng GDP của Trung Quốc năm nay chỉ vào khoảng 3%, mức tồi tệ nhất kể từ khi nước này mở cửa với thế giới bên ngoài.

Châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lớn, nhưng trước mắt đó là tình trạng khan hiếm thuốc. Tiếp đó là chuỗi cung ứng trong một loạt các ngành công nghiệp khác.

Chế độ mất lòng tin

Vẫn theo Les Echos, với nội bộ Trung Quốc, đợt dịch Covid này là một thất bại làm lòng tin vào chế độ và lãnh đạo Tập Cận Bình bị suy giảm nghiêm trọng. Ba năm đóng cửa  chặt kín, kiểm soát dân chúng khắt khe đã khiến Trung Quốc phải trả cái giá kinh tế quá lớn, mà lại không tác dụng gì về mặt y tế, chỉ làm mất thời gian. Jean-François Huchet, giáo sư kinh tế, chủ tịch Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông, được tờ báo trích dẫn nhận định : « Con số người nhiễm và tử vong có thể còn kinh khủng trong những tuần tới. Việc chuyển từ chiến lược « zero Covid » sang mở cửa hoàn toàn, không có chuẩn bị, chứng tỏ rõ thái độ ngạo mạn, thiếu tôn trọng dân của chính quyền Trung Quốc ».

Một bầu không khí cảnh giác, lo ngại đại dịch bùng phát trở lại bỗng phủ lên thế giới những ngày cuối năm 2022 này.

Chiến tranh Ukraina : Putin còn gì để nói với dân ?

Tờ Le Figaro dành nhiều sự chú ý đến tổng thống Vladimir Putin và nội bộ chính quyền nước Nga xung quanh cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Le Figaro chạy tựa trên trang bìa : « Chiến tranh Ukraina, trấn áp bên trong… Vladimir Putin nhắm mắt làm liều ».

Thông tín viên của tờ báo tại Matxcơva có bài viết ghi nhận, « đối mặt với một loạt thất bại quân sự, chủ nhân điện Kremlin lên gân đe dọa hạt nhân nhưng lại lẩn tránh không xuất hiện trên truyền thông ».

Phóng viên của Le Figaro chú ý đến những chi tiết trong lịch hoạt động của tổng thống Nga dịp cuối năm này. Lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, cuộc họp báo hàng năm của ông Puitn, thành thông lệ vào dịp tháng 12, đã không diễn ra. Chương trình truyền hình có tên gọi « Đường thẳng » trong đó lãnh đạo Nga tham dự để trả lời các câu hỏi của người dân Nga trên khắp nước cũng đã bị hủy. Sự kiện nữa là phát biểu hàng năm của tổng thống trước Quốc Hội liên bang, đã được quy định trong Hiến pháp Nga, cũng đã bị lùi sang năm 2023. Tờ báo nhận xét mỉa mai « 10 tháng sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina, dường như ông Vladimir Putin đã cạn lời để nói với truyền thông.

« Tổng thống không còn khả năng để nói về viễn cảnh đất nước trong tổng thế, những mục tiêu dài hạn hay chiến lược hành động », theo nhận xét của nhà nghiên cứu chính trị Nga Abbas Galliamov.

Thay vào các cuộc tiếp xúc, giao lưu với dân chúng, tổng thống Nga liên tiếp gặp các nhóm giới chức quân sự để đưa ra thông điệp chính : Cuộc chiến còn kéo dài, nước Nga sẽ theo đuổi không giới hạn phương tiện nguồn lực, với việc hiện đại hóa vũ khí đáng sợ, kể cả vũ khí nguyên tử. Tổng thống Nga đang đứng trước một thực tế khó khăn là : Chiến thắng không chắc gì có được, còn thất bại thì không thể được. Đây cũng là bế tắc của tổng thống Nga, khiến ông giờ đây nhắm mắt lao theo cuộc chiến tranh không cần biết hậu quả ra sao.

Le Figaro nhận xét : Ngày 31/12 tới, vào sau thời khác giao thừa, người Nga chắc chắn sẽ phải được nghe tổng thống Vladimir Putin chúc mừng năm mới trên truyền hình. Nhiều người dân vẫn tin ở ông hy vọng sẽ được trấn an về tính « đúng đắn » của cuộc chiến tranh tại Ukraina. Nhưng cũng sẽ có không ít người sợ rằng tổng thống sẽ đẩy họ đến gần với hoàn cảnh hỗn loạn trong năm mới.

Nội bộ phân hóa

Vẫn liên quan đến chính quyền Nga và cuộc chiến tranh Ukraina. Le Figaro có bài « Những chia rẽ đầu tiên trong dải ngân hà quyền lực Nga ».

Bài báo trích dẫn thông tin về của nhật báo Anh Financial Times, cho thấy thành phần ưu tú Nga đã phân hóa ra sao trước các quyết định của ông Putin trong bối cảnh tấn công Ukraina.

Theo tờ báo, một tháng trước khi khởi sự cuộc chiến tại Ukraina, hai nhân vật thân cận nhất là ông Herman Gref, chủ tịch ngân hàng Sberbank của Nga và bà Elvira Nabioullina, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, đã xin đến gặp ông Putin tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo, để tìm cách can ngăn tổng thống không tiến hành chiến tranh. Hai nhà kinh tế đã báo cáo rằng các trừng phạt của phương Tây là không thể tránh được trong trường hợp Nga tấn công Ukraina. Trong cuộc gặp, theo báo Financial Times kể lại, ông Putin nhiều lần ngắt lời họ, hỏi có cách nào để tránh điều tồi tệ nhất của trừng phạt. Đây cũng là điểm mà hai vị khách không trả lời được.

Nhật báo Anh cho rằng, hai kinh tế gia hàng đầu của Nga này « đã có can đảm đề nghị cuộc gặp ông Putin, nhưng họ không dám nói với Putin rằng ông ta sẽ phải đối mặt với một tai họa địa chính trị ». Hôm đó, hai nhân vật tinh hoa của kinh tế Nga rời tư dinh của tổng thống mà không biết ông chủ của nước Nga có quan tâm đến thông điệp của họ hay không, hay là ông ta đã có dự định hết rồi. Chỉ đến sáng sớm ngày 24/02/2020 họ mới ngã ngửa khi biết được quyết định của tổng thống.

Theo nhật báo Anh, trong khoảng thời gian trên, có 3 nhân vật khác của chế độ đã thuyết phục được tổng thống hành động. Đó là giám đốc tình báo FSB, Alexandre Bortnikov, thư ký Hội Đồng An ninh Nikolai Patrouchev và nhà tài phiệt thân cận nhất của tổng thống, Iouri Kovaltchouk. Ba nhân vật này đã khẳng định với tổng thống việc chiếm Kiev và Ukraina quy hàng là trong tầm tay. Còn các trừng phạt của phương Tây, nước Nga sẽ vượt qua. Và thế là ông Putin lựa chọn bấm nút hành động.

Phe chủ chiến vẫn áp đảo

Cho đến giờ, sau 10 tháng tiến hành chiến tranh không mang lại kết quả nào, trong vòng thân cận với Kremlin vẫn có hai phe : Những người « thực tế », cho rằng Nga không có được chiến thắng ngay được, cho nên cần phải tạm dừng, củng cố lực lượng quân đội và kinh tế hay thậm chí thay đổi đường lối….

Bên kia là phe cổ vũ leo thang chiến tranh theo họ nước Nga chỉ có thể tránh được thất bại khi quyết định động viên quy mô lớn, tập trung nguồn lực và tiến hành bắn phá tàn khốc hơn nữa Ukraina. Phe này chiếm số đông cho nên viễn ảnh đàm phán hay hòa bình hay chấm dứt chiến tranh vẫn còn là ảo tưởng. 

Pháp : Không thể bao cấp mãi

Trở lại với tình hình nước Pháp. Trước thềm năm mới 2023, vấn đề quan tâm lớn nhất của dư luận cũng như chính phủ Pháp là kinh tế.

 « Chấm dứt chủ trương 'bằng mọi giá', chính phủ đau đầu », tựa chính của Le Figaro. Theo tờ báo từ năm 2020 đến giờ, chính phủ Pháp đã chi ra 250 tỷ euro để đối phó với khủng hoảng Covid-19, liền sau đó là với khủng hoảng lạm phát. Ngân khoản trên chủ yếu để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong và sau đại dịch. Đây là chủ trương được báo chí gắn cho tên gọi là « bằng mọi giá ». Đó là khoản tiền chính phủ Pháp đi vay nợ, nay đã đến lúc không thể tiếp tục được nữa, phải tìm giải pháp chấm dứt chính sách này, tìm nguồn thu mà không đâu khác là lấy từ thuế, cắt giảm các trợ cấp trong khi hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn. Tờ báo lo ngại là những quyết định của chính phủ trong năm tới có thể sẽ lại gây thêm căng thẳng xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn