Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.1)

 Bài bình luận của Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

29-12-2022

Tù chính trị: Liệu thời cộng sản có đỡ hơn thực dân? (P.1)Ảnh minh họa: Hướng dẫn viên Phùng Thị Hương đứng trên nơi gọi là ''Chuồng Cọp "ở Nhà tù Côn Đảo
 Hoàng Đình NamAFP

Ba Sàm lý lịch xấu

Hai thế hệ ở tù

Xưa cha đòi độc lập

Thực dân đưa đi đày

Nay con muốn tự do

Cộng sản cho vào ngục

(Cha tù con tù, Ba Sàm, 2017)

 

Một năm qua đi, đất nước lại thêm rất nhiều “tù chính trị” mới, bị quốc tế chỉ trích (1), nhưng lại vẫn được tái cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Bằng tất cả những điều kiện thuận lợi hiếm có, tôi muốn thử điểm qua vài nét về một góc tăm tối nhất trong xã hội – nhà tù, xem nhân quyền ở đây ra sao khi so sánh với chế độ thực dân gần một thế kỷ trước; chế độ mà ta từng tố cáo nó dã man, còn mình thì sao.

“Tù chính trị”

Thời thực dân Pháp, rồi Việt Nam Cộng hòa, có không biết bao nhiêu tù nhân chính trị. Nhưng ở thời cộng sản hiện nay, khái niệm này không được chính quyền chính thức thừa nhận. Nghịch lý là trong mỗi nhà tù, thường có một khu dành riêng cho loại tù nhân này, nhưng người ta không biết đặt tên cho nó là gì, mà gọi theo kiểu không chính thức là “khu an ninh”, “khu giam riêng”, tách biệt hẳn với khu giam giữ chính, dành cho tù hình sự. 

Tới Trại 5, Thanh Hóa, tôi mới được chứng kiến rõ loại hình giam giữ này, được bắt đầu thực hiện trong khoảng hơn chục năm trước.

Tôi đề nghị gia đình gửi cho cuốn hồi ký về nhà tù thực dân của cha tôi, Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (2).

Mình đọc, cho anh em bạn tù đọc, để so sánh nó với nhà tù cộng sản nơi mình đang ở đây xem sao, cũng học ít nhiều kinh nghiệm tranh đấu của tiền bối.

Xin điểm qua một số chi tiết, chủ yếu tập trung vào đời sống tinh thần, vì điều kiện vật chất ở hai thời cách nhau gần thế kỷ là không dễ so sánh. Hay như thời nay với chúng tôi, hai người trong buồng giam suốt ngày bị theo dõi bằng 3 camera, nhưng thời Pháp thì đâu có được thiết bị này. Hoặc chế độ gia đình thăm nuôi, thời trước cũng không thể có, bởi được coi là thời chiến, rừng núi xa xôi hiểm trở, phương tiện đi lại vô cùng khó, đâu có thể đóng sổ, có chứng thực của chính quyền xã về quan hệ gia đình thì mới được thăm như ngày nay.

Thực dân

Biệt giam: Là chế độ giam giữ chỉ một, hai người một buồng, không được ra khỏi buồng giam. Nhưng tại Nhà đày thực dân nơi cha tôi ở, tù chính trị không bị như vậy. Trích hồi ký: “… Chiều tối, sau bữa cơm, trước khi tập trung vào các buồng ngủ là cặp đôi, cặp ba đi dạo, chuyện trò, huấn luyện chính trị, với những đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo thì là dịp hội ý, hội báo. Những ngày Chủ nhật biến thành sân bóng đá”.

Sách báo“Sách báo cũng được chúng cung cấp một ít, phần nhiều thuộc loại tiểu thuyết hồi đó như Tiểu thuyết thứ bảy của Tự lực văn đoàn… , hai tờ báo Đông Pháp và Thanh nghị”.

Thuốc lá: Rõ ràng là được phép hút, “Người nào được gia đình gửi cho ít tiền thì tuy phải nộp cho Nhà đày giữ nhưng khi cần mua vặt như kẹo, bánh, thuốc lá (thuốc rê Ninh Hòa) … thì vẫn có thể mua được” (tr.23). “… người rít thuốc lá, nói chuyện phiếm, nhóm kia xúm lại đánh cờ tướng …” (tr.39).

Tổ chức“Nhà đày có nhiều tổ chức công khai lo về đời sống vật chất và tinh thần … Người đứng đầu nhà bếp do toàn thể tù nhân sáu buồng bỏ phiếu.”

Bếp ăn: Do bếp được tù nhân quản lý, nên “đời sống tù nhân được đảm bảo ở chỗ không để chủ thầu ăn chặn dưới sự che chở của chúa ngục…”

Nhà ăn“… nhà ăn (chứa được khoảng 300 người)…

Y tế“… mỗi tuần lễ một lần có bác sĩ ở bệnh viện tỉnh vào khám”.

Tăng gia“Vườn rau hoàn toàn thuộc sở hữu của tù nhân, với một diện tích rộng hàng mẫu”.

Ăn Tết: “Cuộc duyệt binh chào cờ Việt Minh. Vào 8 giờ sáng ngày mồng một Tết, một đội quân áo quần xanh chàm, mới, được xếp thẳng nếp … hàng ngũ chỉnh tề chờ lệnh … tham gia duyệt binh độ 100 người, có đội ‘nhạc’ gồm chừng 20 người hát tập thể những bài ca cách mạng, như ’Cùng nhau đi hồng binh’ …”. Thật kinh ngạc! Và còn nhiều lắm những đoạn miêu tả cuộc duyệt binh, mà nay - với chế độ Tết cho tù chính trị Trại 5 - được đọc nó, thấy như thể trên … thiên đường. Ví như có cả đoạn kể về bà vợ viên chúa ngục người Pháp của Nhà đày còn vào ăn bữa Tết cùng, rồi ở lại chơi trò chơi cùng tù chính trị nữa.

le quoc quan 1822014.jpg

Luật sư Lê Quốc Quân ra tòa ngày 18/2/2014 sau thời gian bị giam giữ. 

Ảnh AFP

Cộng sản

Biệt giam: Tới Trại 5, thấy trong “khu an ninh” toàn những buồng giam nhỏ 2 người, tôi khá ngạc nhiên khi biết hầu như mọi người không được tiếp xúc với người ở buồng khác, chỉ được ra khỏi buồng giam khi có gia đình tới thăm, khi làm việc với cán bộ. Chuyện Chủ nhật đá bóng trong sân Nhà đày như cha tôi kể, thật quá xa lạ.

Sách báo: Không có thư viện, càng không có chuyện Trại cấp cho sách theo kiểu của bọn thực dân. Gia đình phạm nhân gửi sách vào còn không được lưu hành đọc chung. Báo chỉ có tờ Nhân dân, bữa đực bữa cái. Anh em trong khu phải hoàn toàn nhờ vào báo chí do nhà gửi.

Thuốc lá: Mặc dù trong Nội quy trại chỉ cấm hút thuốc lá ở một số nơi công cộng (3), trong buồng giam, nhưng chúng tôi từ lâu mặc nhiên bị cấm hoàn toàn theo lệnh miệng. Trên thực tế, hiện tượng này cùng những loại “lệnh cấm bất thành văn” khác đã dung dưỡng hành vi tiêu cực trong cả cán bộ lẫn phạm nhân.   

 + Tổ chức: Đọc tới đoạn cha tôi kể các tù nhân chính trị được có các tổ chức dịch vụ công khai trong Nhà đày, thật khó tin. Ở Trại 5 này, cũng như mọi trại giam khác, các tổ nhóm tù nhân làm việc phục dịch chung đều do cán bộ Trại cắt cử, là tù hình sự, làm gì có chuyện hoang đường là phạm nhân, nhất là loại chính trị, được tự bầu nhau lên. Trại còn tỏ ra rất sợ tù chính trị tập trung nói chuyện, đến độ, khi tôi đấu tranh được ra lao động, họ cũng không cho tất cả 15 người ra một lúc, mà chỉ cho vài người ra, luân phiên.

Bếp ăn: Nhà bếp ở Trại 5 do một cán bộ trại quản lý, gồm một số tù hình sự, không có chuyện tù được tự quản như ở Nhà đày thực dân. Đây là nơi được cán bộ cũng như tù nhân coi là béo bở, có điều kiện thoải mái bớt xén trong tiêu chuẩn ăn và hàng hóa mua giúp phạm nhân. Đơn cử, một quả trứng gà tù nhờ trại mua cho có giá gần gấp ba ngoài thị trường.

Kể thêm để dễ so sánh chế độ ta tươi đẹp so với chế độ tàn ác của bọn thực dân Pháp ra sao, bằng một ví dụ nhỏ. Trong tiêu chuẩn thịt mỗi tuần được đôi ba bữa, tôi cứ thắc mắc tại sao luôn luôn là thịt kho khô khốc, nhạt toẹt. Một cậu tù hình sự quen thân cho biết, cán bộ quản lý bếp bắt tù làm bếp kho nhiều nước, nhưng đổ hết nước kho vào một cái can to, mỗi buổi chiều cuối giờ cán bộ xách can đem đi. Thế là mình phải vận dụng trí tưởng tượng xem cán bộ đem nó đi đâu.

Chuyện cán bộ tham nhũng các kiểu thì nghe kể cũng kha khá. Ví như nhiều phạm nhân, cả cán bộ trại cho biết, vị trưởng phân trại vừa về hưu có mấy khách sạn, cơ sở kinh doanh ngoài Sầm Sơn, chẳng hạn.        

Nhà ăn: Không những tù chính trị, mà cả tù hình sự ở Trại 5 cũng không có nhà ăn, mà phải ăn tại buồng giam. Đây cũng là một kiểu “cách ly” phạm nhân, làm cho đời sống ngục tù của họ thêm đơn độc. Nực cười là ngày nay có điều kiện vật chất gấp nhiều lần thời thực dân, mà khoản này lại thua xa đến vậy. Liệu trong ngân sách nhà nước có khoản tiền cho nhà ăn, vật dụng đi kèm hay không, để rồi nó được “biến hóa” đi đâu đó? Đây là một trong hàng trăm câu hỏi cho một nơi vô cùng sâu kín của xã hội đang đầy dẫy tiêu cực.

Y tế: Thật là có mơ mới được “bác sĩ ở bệnh viện tỉnh vào khám”, lại còn khám hàng tuần như ở Nhà đày thực dân, nghe quá hoang đường. Ở Trại 5, chúng tôi có khai bệnh tật gì thì họa may mới có y tá của phân trại gọi lên trạm xá khám. Cần lưu ý, việc có nhân viên y tế dân sự thăm khám (như ở Nhà đày) là rất quan trọng, vì họ hành xử thuần túy theo y đức, ít bị tâm lý khinh ghét của cai tù với tù nhân, không chịu sự quản lý của nhà tù (ngành công an, như ở Trại 5).

Thêm nữa, tôi còn cho là nhân viên y tế trong trại giam không nên mặc đồng phục như các cán bộ khác của trại, mà phải mặc trang phục y tế (cùng lắm chỉ nên đội thêm mũ hay đeo phù hiệu công an thôi). Không những nó đảm bảo vệ sinh, mà còn ít nhiều tác động tới tâm lý của cả phạm nhân và cán bộ trại giam.

Tăng gia: Trong khu giam riêng của chúng tôi, khuôn viên khoảng hai ngàn mét vuông, có một ít đất bỏ hoang, nhưng phạm nhân không được ra ngoài để trồng rau cải thiện như ở Nhà đày thực dân. Đôi lúc, anh em được ra làm việc là tranh thủ nháo nhào vơ vài cọng rau má về, bổ sung cho bữa ăn hàng ngày luôn toàn thứ như rau lợn.

Ăn Tết: Ở Trại 5, nếu không có bánh chưng, bữa ăn khá hơn chút, thì tù chính trị coi như không biết là có Tết. Tất cả vẫn trong phòng biệt giam.

Đến độ, hôm mùng hai Tết đầu tiên, tôi làm mấy câu thơ họa bài thơ chúc Tết của một bạn tù trong khu, chuyền qua nhiều buồng cho anh ta, nội dung tất cả đều rất “hiền lành”. Thế mà bỗng đâu rầm rập mấy cán bộ xông vào, tịch thu bài thơ. Thầm nghĩ, “Ái chà! Có 3 camera, lại thêm đôi ba ‘điệp viên’ cài cắm nữa có khác. Nhưng … các em bị hố rồi!” (Tưởng chúng tôi trao đổi kế hoạch … vượt ngục chăng?). Tôi làm đơn khiếu nại, tố là Tết đã không được ra vui Tết, chúc Tết nhau,… cán bộ cũng không vào chúc Tết, lại còn cư xử vô nguyên tắc như vậy, thật chẳng còn biết thế nào là truyền thống dân tộc nữa. Họ phải trả lại bài thơ, vị phó phân trại chủ trì việc này liền sau đó bị đổi đi phân trại khác.

Nay đọc cả trường đoạn của cha tôi kể về ngày Tết ở Nhà đày thực dân, mà xót xa cho người tù thời nay, nhưng lại xen lẫn buồn cười, mà chẳng hiểu tại sao mình cười. Không lẽ tôi cười cha tôi đã kể câu chuyện như hoang đường, để ca ngợi mình và các đồng chí tài giỏi trong đấu tranh mới có được như vậy, nhưng hóa ra lại ca ngợi bọn thực dân quá nhân đạo.

 

phien xu basam nhv 2332016.jpg
Những người đòi trả tự do cho Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngoài phiên xử ông hôm 23/3/2016. AFP


Tranh đấu

Ở Trại 5, trong “khu giam riêng” chỉ có khoảng 15 phạm nhân, duy nhất tôi có điều kiện thuận lợi nhiều mặt để tranh đấu cho quyền lợi của anh em. Còn tất cả những người khác đều rất khó khăn, nhiều người gia đình trong miền Nam cả, mỗi năm ra thăm được một lần, người thì hoàn toàn không được thăm nuôi, hoặc người thân ở ngoài không có điều kiện hỗ trợ để tranh đấu. Vậy mình không làm gì thì thật đáng xấu hổ, thậm chí như phản bội lại niềm tin của mọi người ở bên ngoài. Thêm nữa, như đã viết trong bài trước (4), tôi coi việc đi tù là cơ hội để vạch ra những yếu kém, sai trái của ngành công an, trong lãnh địa mà cả xã hội hầu như không được biết.

Trong suốt hai năm rưỡi ở đây, tôi dần phát hiện rất nhiều bất hợp lý, vi phạm quy định pháp luật và thiếu nhân đạo, có những khía cạnh còn thua cả Nhà đày thực dân nơi cha tôi từng ở. Cùng với sự hỗ trợ hết mình của gia đình, người thân, bạn bè ở bên ngoài, của công luận thông qua mạng xã hội, truyền thông quốc tế, tôi đưa ra những kiến nghị với Trại để thay đổi, và họ cũng đã phải chấp nhận đáng kể.

Ngay cả hiện tượng có lẽ không thể có với một tù chính trị nào khác, là trong 2 năm rưỡi mà có tới 4 đoàn bạn học cũ đại học lần lượt vào thăm tôi. Đó là những tướng tá công an cựu sinh viên khóa D6, Học viện An ninh. Chuyện trò vui vẻ, chỉ toàn nhớ về thời sinh viên nội trú thôi, nhưng phía trại, kể cả trên Bộ, không thể không lo ngại ngộ nhỡ bạn bè tôi được nghe kể về điều kiện giam giữ khắc nghiệt, vi phạm pháp luật, chẳng hạn. Bạn M. còn đem cho một rổ trứng gà được bọc cẩn thận, khoe là gà vợ chồng tự nuôi trong nhà. Trước khi đoàn ra về lại còn được lãnh đạo trại chiêu đãi cơm thân mật, gửi mỗi người một … phong bì.

Biệt giam: “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, ai cũng biết câu thơ đó. Thế nhưng, tù một mình một buồng thì còn khủng khiếp hơn nhiều. Họ quá cô đơn, và một khi muốn đấu tranh cho quyền lợi thì không có sự hỗ trợ tập thể. Về vật chất cũng khó hơn. Ở kiểu biệt giam đó cũng dễ phát sinh mâu thuẫn nếu có hai người (thực tế đã xảy ra nhiều), càng làm cho cuộc sống lao tù thêm khắc nghiệt.

Chẳng phải là chuyên gia tâm lý cũng có thể hiểu đây là một cách lặng lẽ đày ải áp chế thêm tinh thần người tù đến độ nào, mà nếu phân tích kỹ thì e lại bị chụp cho cái mũ “các thế lực thù địch” tố cáo chế độ nham hiểm, dã man đày ải tinh thần người tù.

Riêng về điều này, có thể nói Trại 5 nghiệt ngã hơn hẳn Nhà đày thực dân. Có lần nói chuyện với cán bộ, tôi bình luận là tại sao không xây một buồng giam chung, vừa đỡ tốn vật liệu xây dựng, đỡ tốn camera theo dõi, TV cấp cho từng buồng, cán bộ chỉ chống chế đó là quy chuẩn chung từ bộ đưa xuống.

Tôi đã chịu 2 năm rưỡi biệt giam, về đây phải chịu tiếp 2 năm rưỡi tương tự thế nữa thì cũng kinh, dù tôi không ngán, vì đã được “luyện” suốt 7 năm trước, hầu như chỉ một mình với blog Ba Sàm và có quá nhiều mối quan tâm hấp dẫn để quên đi thời gian, là đọc sách, làm thơ, nhiều thứ phải nhớ, nghĩ để tranh đấu với trại.

Đây là điều đầu tiên tôi kiến nghị Trại thay đổi: buổi sáng ra lao động trồng rau, vừa khỏe người, vừa có thêm rau xanh, buổi chiều ra vui chơi thể thao, chuyện trò với nhau.

Đề nghị này, cùng khoảng hai chục kiến nghị khác, tôi đều thông báo với gia đình mỗi lần thăm gặp, nhờ đưa lên mạng, báo đài quốc tế, đồng thời gửi đơn lên Bộ Công an. Khi họ chấp thuận kiến nghị, tôi cũng thông báo, ghi nhận thái độ cầu thị. Vì tôi hiểu, có những quy định của nội bộ ngành công an, công luận không biết, song cũng có những quy định ngầm riêng của Trại, trái với của bộ; vì vậy, người ta sẽ rất sợ thông tin bị rò rỉ ra bên ngoài hoặc lên cấp trên.

Kết cục, sau một tháng có lẽ thỉnh thị trên, họp bàn, Trại đã chấp nhận cho chúng tôi ra ngoài hàng ngày. Một không khí hân hoan, nhưng vẫn khấp khởi lo trong phạm nhân, không biết áp dụng được bao lâu. Anh em bảo nhau khi ra phải tuyệt đối tuân thủ nội quy, kể cả lệnh miệng của cán bộ, tránh họ có cớ siết lại.

Thuốc lá: Đây cũng là một chủ đề thú vị, khá kịch tính. Tôi không hút thuốc lá nên thời gian đầu không để ý chuyện này, chỉ thấy các phạm nhân thì thụt hút trộm. Nhưng một hôm, bỗng nẩy sinh xung đột quanh vụ hút thuốc lào, từ đó tôi mới tìm hiểu.

Nội quy trại không cấm thuốc lá, thuốc lào, nhưng mặc định là phạm nhân không được hút. Tuy nhiên, trong khu giam riêng chúng tôi, có H., một phạm “tự giác” (tù hình sự được ra ngoài phục vụ) chuyên lo việc vặt, kiêm làm tai mắt cho cán bộ, lại được ngầm cho phép hút. Từ đây, anh ta có thể thao túng các phạm nhân khác. Tôi quyết định tấn công vào hiện tượng này. Một mặt, vạch ra tình trạng vụng trộm đó, một mặt, đề nghị Trại công khai cho phép phạm nhân hút, vì nội quy không cấm. Tôi báo gia đình gửi cho một tút thuốc lá, một cân thuốc lào, bảo là để cho bạn tù.

Trại loay hoay đối phó, tìm cách trì hoãn không trả lời đề nghị của tôi, nhưng cũng chấm dứt tình trạng vụng trộm. Suốt gần hai năm, tháng nào tôi cũng yêu cầu trả lời đề nghị về thuốc lá, đòi để tôi tặng bạn tù số thuốc gia đình gửi, nhưng họ cứ tảng lờ.

Cho tới ngày về, không có gì thay đổi. Tôi không đạt được yêu cầu về mặt công khai, nhưng lại thành công thực chất, vì tôi không ủng hộ chuyện cho phép hút thuốc trong trại. Tuy nó giúp cho người tù khuây khỏa nhiều, nhưng họ sẽ bị lệ thuộc vào cán bộ trại, dễ bị sai khiến, bị phân hóa. Người tù ngoài việc tranh thủ tự học, cũng cần tự rèn bản thân, sửa nhiều tính nết xấu.

Giải trí: Có được phương tiện giải trí như thể thao, âm nhạc trong tù thì thật vô giá, nhưng chúng tôi không hề có.

Tôi quyết định mở đầu bằng bóng bàn. Kiến nghị trại, trong anh em chúng tôi có mấy người chơi bóng khá, mà không thấy trại tổ chức môn này. Vậy không dám làm phiền tốn kém cho trại, tôi có bàn bóng ở nhà, xin phép đem vào dùng. Định kỳ có thể tham gia thi đấu giao hữu với phạm nhân khác. Trưởng phân trại hỏi cán bộ giáo dục chiếc bàn bóng duy nhất, nhưng đã hỏng. Họ quay ra quyết định xây cho chúng tôi một chiếc bằng xi măng, để ngoài sân khu giam riêng. Thôi thế cũng tốt rồi.

Tiếp đến, tôi nghĩ tới cầu lông, cầu đá, cờ tướng, cờ vua, cờ vây, đàn guitar, … Trại lại cấp cho cầu, vợt cầu lông, lưới, còn những thứ kia gia đình tôi đem vào. Thế là đủ cho một câu lạc bộ trong tù. Mỗi chiều ra chơi, chỉ 15 người nhưng đủ trò giải trí tùy ý.

Vui nữa là dần dần các cán bộ cũng không còn ái ngại, ngăn cách, cùng vào chơi bóng bàn, đá cầu với chúng tôi.

Thể thao, ca nhạc: Có điều kiện tập luyện rồi, tôi đề nghị được tham gia thi đấu thể thao chung trong trại, hoặc hội diễn văn nghệ, nhưng khoản này thì chỉ nhận được sự im lặng. Dễ hiểu là họ rất sợ chúng tôi tiếp xúc với tù hình sự.

Ăn Tết: Năm đầu tiên, 2017, Tết đến, thấy im ắng quá. Tôi nghe ngoài sân chung của phân trại, hình như có vui chơi thi đấu thể thao, nhưng bọn tù chính trị chúng tôi thì không được tham gia.

Hỏi cậu tù hình sự ở cùng (riêng tôi được “đặc cách” một người ở “kèm”), cậu ta cho biết, gần Tết còn có tổ chức cuộc gặp mặt cho một số đại diện phạm nhân với gia đình, có ăn uống, chuyện trò một buổi. Hỏi cán bộ quản giáo sao chúng tôi không được, chỉ nhận được im lặng.

Thế là tôi cũng đã liên tục đề nghị tù chính trị cũng được đối xử tương tự hình sự trong mỗi dịp Tết, nhưng cán bộ trại cứ lờ đi, chẳng có lý do gì. Chỉ có một thay đổi nhỏ, là mùng Một chúng tôi được ra cùng liên hoan với nhau trong phòng cán bộ, nay đã thành phòng sinh hoạt văn hóa, đọc sách. Có Tết, phó phân trại vào chúc Tết. Mấy ngày sau, sáng được ra chơi nhiều hơn.

(Còn tiếp)

--

(1) Nhân quyền Việt Nam 2022: Không cải thiện, vi phạm nhân quyền leo thang

(2) Nhớ lại những năm tháng ở Nhà đày Buôn Ma Thuột (Nguyễn Hữu Khiếu, NXB Chính trị quốc gia, 2006).

(3) Thông tư 36/2011/TT-BCA, ngày 26 tháng 5 năm 2011

(4) 3694. Bà Nhàn AIC: Cần đề phòng “đột tử”

(5) THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC PHẠM NHÂN GẶP THÂN NHÂN; NHẬN, GỬI THƯ; NHẬN TIỀN, ĐỒ VẬT VÀ LIÊN LẠC ĐIỆN THOẠI VỚI THÂN NHÂN

(6) Diễn biến vụ án Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh (liên tục cập nhật)

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù