Chiến lược gia Úc : 2023 là năm nhiều nguy cơ vì Putin là « nhân tố nguy hiểm »
Một quân nhân Ukraina đỡ đồng đội bị thương trong lúc đoàn quân tiếp tục di chuyển tại vùng đất đã được giải phóng ở Kharkiv, Ukraina, ngày 12/09/2022. AP - Kostiantyn LiberovThùy Dương Bên cạnh các mối đe dọa của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, đối với đảo Đài Loan và chiến tranh công nghệ, năm 2023 được chiến lược gia Mick Ryan dự báo là năm nhiều nguy cơ, rủi ro liên quan đến chiến tranh Ukraina, bởi tổng thống Nga Putin là một nhân tố « nguy hiểm ». Chiến lược gia Mick Ryan cảnh báo Tây phương phải chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất : Chiến tranh sẽ kéo dài nhiều năm, trong khi các ngành công nghiệp châu Âu lại hoàn toàn chưa sẵn sàng. RFI trích dịch bài phỏng vấn tướng Úc, Mick Ryan, tác giả cuốn sách « War Transformed : The Future of Twenty-First-Century Great Power Competition and Conflict (02/2022) » về các thách thức chiến tranh trong tương lai. Bài phỏng vấn đã được tuần báo L’Express đăng ngày 24/12/2022. Ngày 24/12, chiến tranh Ukraina bước sang tháng thứ 11. Chúng ta đang ở một bước ngoặt mới ?Mick Ryan : Tôi nghĩ đúng hơn là cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới, với việc Ukraina đã nắm thế chủ động từ 2 tháng nay. Họ quyết định nơi họ chiến đấu và cách chiến đấu. Nhưng để duy trì lợi thế này, Zelensky cần sự trợ giúp của phương Tây. Đó là lý do ông đã công du Hoa Kỳ hôm 21/12, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, không chỉ để cảm ơn sự hậu thuẫn hàng đầu của Mỹ, mà còn bằng mọi giá duy trì sự chú ý của thế giới đối với chiến tranh Ukraina. Đảng Cộng Hòa, phe giành được đa số tại Hạ Viện Mỹ trong kỳ bầu cử giữa kỳ vừa qua, từng cảnh báo họ sẽ không ký « séc trắng » cho Ukraina, và Zelensky muốn có một sự bảo đảm (tiếp tục được Mỹ tài trợ). Việc Mỹ tài trợ hệ thống tên lửa địa đối không Patriot, được công bố trong chuyến thăm này, sẽ làm thay đổi điều gì ?Về mặt kỹ thuật, Ukraina có thêm năng lực phòng không và chống tên lửa tầm xa, cực kỳ cần thiết để bảo vệ người dân, hệ thống điện, các cơ sở quân sự quan trọng, các tuyến đường tiếp viện và các cơ quan chính quyền. Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ đang gửi một thông điệp : Wahsington không chỉ sẵn sàng cung cấp cho Ukraina những loại vũ khí tối tân hơn trước, mà sau này sẽ còn có thể cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tiên tiến hơn nữa.Ngược lại, Putin cũng hứa hẹn củng cố năng lực của quân đội, tăng 30% quân số. Có phải là quân đội Nga đang điều chỉnh chiến lược ?Mick Ryan : Rất có thể Putin chú ý đến tình hình thực tế hơn so với những tháng đầu của cuộc chiến. Đó là nhờ thay bộ chỉ huy mới hay là do bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đã rút ra các bài học ? Có thể đó là sự kết hợp cả hai yếu tố. Có một điều chắc chắn : Nga đang học hỏi và thích nghi. Sai lầm lớn nhất có thể sẽ là coi họ là những kẻ ngốc. Họ rõ ràng là không ngốc, cho dù họ không có nhiều năng lực trong cuộc chiến này như nhiều người vẫn nghĩ.Chẳng hạn, chúng ta hãy xem chiến lược của Nga đã thay đổi ra sao khi rõ ràng là Kiev không sụp đổ : quân của Putin đã nhắm mục tiêu vào một số khu vực nhất định. Xin nhắc lại rằng quân đội Nga vẫn chiếm gần 20% diện tích lãnh thổ Ukraina và sẽ tương đối khó mà đánh bật họ. Vì vậy, về lý thuyết, người Nga sẽ chiến đấu hết mình, học hỏi và dần dần tiến bộ. Giành lại bán đảo Crimée có phải là mục tiêu mà Ukraina có thể đạt được trong năm 2023 ?Mick Ryan : Crimée là trận chiến cuối cùng trong cuộc chiến tranh này về nhiều phương diện. Đó là lý do vì sao miền đông nam Ukraina là một khu vực quan trọng. Ngoài thế mạnh về nông nghiệp và khai khoáng, các cảng xuất khẩu, đây còn là bệ phóng hướng tới Crimée, nơi mà Kiev sẽ tìm cách giành lại, bằng vũ khí hoặc thông qua đàm phán nếu Nga rơi vào thế yếu.Về vấn đề này, tôi thừa nhận là khá bối rối trước những bình luận của một số lãnh đạo phương Tây, những người có thái độ dè chừng về việc Kiev giành lại Crimée. Theo luật quốc tế, Crimée thuộc về Ukraina. Crimée là một phần của Ukraina từ năm 1954, và nhất từ năm 1991. Nếu chúng ta đặt lại câu hỏi về biên giới của châu Âu, nhiều phần châu lục này sẽ phải được đưa ra đàm phán tiếp. Đưa ra những nghi vấn về việc Ukraina giành lại Crimée chỉ càng có lợi cho Nga. Putin chơi trò câu giờ trong cuộc xung đột này. Trong cuộc gặp với thủ tướng Israel, Putin từng nói : « Chúng tôi là một đất nước lớn mạnh và chúng tôi kiên nhẫn ». Liệu cuối cùng Putin sẽ vắt kiệt sức lực của quân Ukraina ?Mick Ryan : Kể từ đầu cuộc xâm lăng, Putin đã tin rằng Nga có thể thắng phương Tây. Tôi nghĩ rằng ông ta đã không lường trước được là các nước Âu - Mỹ sẽ hậu thuẫn Ukraina mạnh đến thế nào. Putin đã rất ngạc nhiên về điều đó, nhưng về cơ bản, ông sẽ không thay đổi cách nhìn nhận. Putin vẫn tin rằng sớm hay muộn thì rồi công luận phương Tây cũng sẽ chán nản về chiến tranh và chuyển hướng mối quan tâm, và rồi chính phủ các nước cũng sẽ như vậy. Chính vì thế, theo quan điểm của Putin, cần phải tạo dựng một lực lượng có khả năng duy trì cuộc xung đột trong suốt nhiều năm. Đó là lý do của kế hoạch tuyển dụng thêm 30% quân số. Trong khi đó, Ukraina tìm cách nhanh chóng tích lũy năng lực để chiến thắng càng nhanh càng tốt, bởi vì họ cũng phải chuẩn bị khả năng phương Tây cảm thấy mệt mỏi vì cuộc chiến này. Cho nên, Putin vẫn vô cùng nguy hiểm. Tôi xin nhắc lại rằng ông đã biết cách duy trì quyền lực trong hơn 2 thập niên. Do đó, chúng ta cũng phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất : cuộc chiến kéo dài vài năm.Phương Tây có đã sẵn sàng cho kịch bản đó?Mick Ryan : Không hề. Đa phần các nước đã hỗ trợ Ukraina hết khả năng. Ngoài tài chính, các nước đều đã thiếu đạn dược. Các lực lượng Ukraina bắn trung bình 5.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Trong khi Mỹ hiện giờ mỗi tháng chỉ sản xuất được 14.000 đạn pháo, ngang với châu Âu. Về kho dự trữ tên lửa có độ chính xác cao và vũ khí hạng nhẹ, phương Tây cũng đang chịu áp lực. Các nước không có nhiều giải pháp : sản xuất công nghiệp ở các nước phương Tây bắt buộc phải gia tăng, để hỗ trợ Ukraina và bổ sung kho dự trữ vũ khí nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng khác, dù là ở châu Âu (Nga có thể nhắm mục tiêu vào các nước vùng Baltic), hay là các châu lục khác. Phương Tây cần bao nhiêu thời gian ?Mick Ryan : Trong Đệ Nhị Thế Chiến, các nước không phải ở tiền tuyến như Mỹ, Úc, đã cần vài năm để huy động các ngành công nghiệp và đào tạo nhân lực có năng lực. Việc chuyển đổi quy mô sản xuất công nghiệp sẽ không diễn ra một sớm một chiều. Đó là một dự án trung hạn đòi hỏi trước hết một loại hình nhân công nhất định, xây dựng các nhà máy mới và trên hết, đòi hỏi chính phủ các nước phải có một nỗ lực đáng kể về ngân sách.Như vậy có nghĩa là Âu - Mỹ phải chuyển sang kinh tế chiến tranh ?Mick Ryan : Chúng ta có thể nói là một nền kinh tế chuyển hướng nhiều hơn sang chiến tranh. Nếu tất cả các nước phương Tây dành 1% GDP cho chiến lược an ninh, chẳng hạn sản xuất vũ trang, mua sắm trang thiết bị …, chúng ta có thể sẽ có một năng lực khá mạnh. Tư pháp Mỹ mới truy tố 5 người Nga bị tình nghi buôn lậu công nghệ quân sự. Chiến tranh công nghệ đang trở thành một thành phần quan trọng của cuộc xung đột này ?Mick Ryan : Trong cuốn sách mới nhất "Chip war" ( Cuộc chiến chip ) xuất bản tháng 10/2022, giáo sư người Mỹ Chris Miller, mô tả tầm quan trọng của chip điện tử đối với mọi loại phương tiện, từ máy bay, tên lửa, đến vũ khí có độ chính xác cao. Nga không cần những chip điện tử để trang bị cho các phương tiện có từ thời Liên Xô, nhưng không có chip bán dẫn thì không thể phục vụ cho các thiết bị đời mới hơn. Trước chiến tranh, điện Kremlin đã cung cấp chất bán dẫn cho Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu hoặc Nhật Bản, nhưng các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi tình hình.Từ 10 tháng nay, cả thế giới đều nhìn về Ukraina và Nga. Ở giai đoạn này, chính phủ các nước phương Tây đã rút ra được những bài học gì từ cuộc chiến ?Mick Ryan : Điều rõ ràng nhất là bây giờ chúng ta phải chuẩn bị kết hợp kịch bản một cuộc chiến tranh quy mô lớn với một ngành công nghiệp quân sự hùng mạnh. Trung Quốc là quốc gia duy nhất hiện có được điều đó, bởi đó là một phần không thể tách rời trong chiến lược răn đe của Bắc Kinh. Chúng ta phải thắng trong trận chiến công nghiệp. Chính lợi thế này đã cho phép quân đồng minh chiến thắng trong Đệ Nhị Thế chiến.Một bài học khác về cuộc chiến này liên quan đến các hệ thống vũ khí sát thương tự động, chẳng hạn drone. Tư duy quân sự của các nước phương Tây về drone vẫn chưa phát triển đầy đủ. Cuộc xung đột này chắc chắn sẽ dẫn đến các chương trình rất lớn nhằm chống lại drone và tên lửa bay tầm thấp, hơn là phát triển các hệ thống công nghệ cao như Patriot trị giá hàng tỷ đô la/tên lửa. Đối với đạn dược có độ chính xác cao, chúng đã cho thấy những hạn chế. Sẽ cần phải sản xuất một thế hệ mới, rẻ hơn và dễ chế tạo hơn, với lực lượng nhân công có trình độ thấp hơn.Trong số những bất ngờ của cuộc chiến này, có cả sự bùng nổ của tình báo dân sự?Mick Ryan : Quả đúng là việc phối hợp các hệ thống tình báo dân sự và quân sự là một cuộc cách mạng nhỏ trong cuộc xung đột này. Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong các hoạt động thu thập, phân tích, phổ biến thông tin tình báo từ nguồn mở, cho dù đó là các công ty như Bellingcat, chuyên về điều tra nguồn mở, công ty vệ tinh Mỹ Maxar, hay đơn giản là những người dân như tôi và những người viết các tin nhắn Twitter về chiến tranh và thường xuyên lập bản đồ. Trong tương lai, các quân đội sẽ phải phối hợp sử dụng tốt hơn các nguồn lực dân sự này.
Cuối cùng, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng khái niệm phòng thủ dân sự là rất quan trọng. Chúng ta đã thấy Ukraina học hỏi và thích nghi với tình hình từ năm 2014 ra sao. Đây là một kinh nghiệm cho chính phủ các nước khác. Có một bài học lớn trong cuộc chiến này : một nhà lãnh đạo giỏi là cực kỳ cần thiết khi phải đối phó với nghịch cảnh. Zelensky là một ví dụ minh họa, nhưng cũng cần nói tới một số nhà lãnh đạo khác, như thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, thủ tướng Estonia Kaja Kallas. Chắc chắn khi xem TV, nhiều người cũng muốn đất nước mình có một nhà lãnh đạo như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét