GDP Việt Nam năm 2022 tăng lên 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua
Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02% so với năm trước, Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12.
Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ trong nước và xuất khẩu mạnh mẽ, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ suy thoái toàn cầu.
Con số này cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng chính thức là 6,0%-6,5% và mức tăng trưởng của năm ngoái chỉ là 2,58%, khi các đợt phong tỏa do COVID-19 để lại những tổn thương cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy, theo hãng tin Reuters.
Con số tăng trưởng hàng năm cao được đưa ra bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của nó đối với nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam, nhà sản xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, "Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế."
Trong năm 2022, mảng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%, công nghiệp và xây dựng chiếm 38,26%; các ngành dịch vụ chiếm 41,33%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.
Ca ngợi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 là 'kỳ tích', bài viết trên trang web Báo Điện tử Chính phủ dẫn lời tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là nét 'khác biệt đáng tự hào', trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua và tăng trưởng thấp."
Theo Reuters, mặc dù nền kinh tế năm 2022 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, nhưng các nhà kinh tế cảnh báo rằng nó đang phải đối mặt với những cơn gió ngược phía trước, với nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến các chuyến hàng của nền kinh tế.
Reuters dẫn tiến sỹ Cấn Văn Lực, cố vấn của chính phủ và là Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết: “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đang khiến Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào năm tới.”
TS. Lực cho biết áp lực lạm phát tăng cũng đang gia tăng sau khi nguồn cung tiền tăng vào cuối năm 2022, đồng thời nói thêm, "Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hàng hóa mà giá vẫn còn cao, do đó cũng đẩy áp lực lạm phát cao hơn."
Số liệu cả năm cho thấy Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt ước tính khoảng hơn 109 tỷ đô la, còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước tính kim ngạch đạt hơn 119 tỷ đô la.
Trong năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ đô la, cao hơn mức 3,32 tỷ đô la của năm trước đó.
Bài viết trên Báo Điện tử Chính phủ đánh giá đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm.
Năm 2022 có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.
Tuy nhiên, các cam kết FDI cho thấy dòng vốn trong tương lai đã giảm 11% trong năm xuống còn 27,72 tỷ USD, theo Reuters.
Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát 4,5% cho năm tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét