Những mất mát của đội ngũ làm công tác đối ngoại Việt Nam

 5 giờ trước

Việt Hoàng

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ TP. HCM

Pham Binh Minh

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bắt tay cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC, ngày 2/10/2014

Ngày 21/12/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “gọi tên” người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.

Và kể cả sếp của ông Sơn là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao nhiều năm, không những cũng bị “gọi tên”, mà theo tin tức từ nội bộ, rất có thể đã nhận quyết định phải nghỉ hưu từ 1/2/2023.

Các cuộc họp Trung ương bất thường (30/12/2022) và Quốc hội bất thường (5/1/2023) không bỏ qua hai ông mà còn “điểm danh” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tin mới nhất, ngày 30/12, báo VN đưa tin “Trung ương ĐCSVN trong phiên họp bất thường đồng ý cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; ông Phạm Bình Minh thôi Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII và cho ý kiến về hai nhân sự để trình thay thế”.

Loại hết lãnh đạo có trình độ, được đào tạo ở Phương Tây?

Trong một bài viết khá quy mô trước đó của cựu Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề ngày 20/12/2022, sau khi nêu 6 đặc điểm của thời kỳ chuyển đổi hiện nay trong chính trị quốc tế, Đại sứ Nguyễn Trung có rút lại như sau:

Vào thập kỷ những năm 2020 này, trong quá trình định hình một khung khổ trật tự mới nào đấy, giới cầm quyền và đội ngũ trí thức hiện có của nước ta còn đứng rất xa bên ngoài, và gần như thờ ơ với tất cả 6 đặc điểm nêu trên của cục diện quốc tế. Nghĩa là đất nước từ nhiều thập kỷ nay vẫn đang đi tiếp trên con đường mòn đã và đang đi!

Ở đây tôi phải có đôi lời thưa ông Nguyễn Trung. Đúng ra, thế hệ các quan chức làm công tác đối ngoại như Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Bùi Thanh Sơn là những nhà hoạt động có kinh nghiệm trên trường quốc tế. Họ rành ngoại ngữ, và đại diện ở một mức độ nhất định cho một số chuyên gia trong Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ đứng không xa lắm, và lại càng không thờ ơ trước những thách thức mà ông nêu ra.

Có điều là, theo cách hiểu của tôi, hiệu ứng “bóng đè” về định hướng tư tưởng từ Trung Nam Hải khiến cả một thế hệ đó, dù là ông Phạm Bình Minh, ông Bùi Thanh Sơn hay ông Vũ Đức Đam, trên thực tế cũng chỉ làm theo cái gậy chỉ huy của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản VN. Chỉ làm theo mà không thoát khỏi định mệnh bị loại khỏi, bị vô hiệu hóa trong trò chơi quyền lực ngày càng phức tạp ở Ba Đình.

Không có thông tin chính thức nào nói về việc cả ba ông nói trên có can dự trực tiếp vào vụ án Việt Á hay là chuyến bay giải cứu hay không, nhưng với trách nhiệm của người phụ trách ngành ngoại giao và ngành văn hóa – xã hội thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Không thể có bất cứ biện minh nào cho số tiền đưa và nhận hối lộ được tố giác lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn đô la thông qua khoảng 2.000 chuyến bay “giải cứu” giữa thời người dân trong cả nước bị hoảng loạn bởi đại dịch.

Vu Duc Dam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ảnh cũ năm 2014

Thất bại của ngoại giao tự cường

Những phán quyết đang cận kề đe dọa “xóa sổ” hay “vô hiệu hóa” các chuyên gia đầu ngành hay các chuyên viên phụ trách từng lĩnh vực trong đối ngoại chắc chắn sẽ để lại những hậu quả nhãn tiền, theo quan sát của tôi.

Không một ai trong số họ, kể cả ông Phạm Bình Minh, vừa qua dám đề xuất bất cứ kiến nghị nào khác với chỉ đạo từ Ban Bí thư. Các bạn đều thấy, suốt hơn 10 tháng chiến tranh ác liệt ở Ukraine, các lá phiếu của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc đã hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng chung của cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraine, lên án Nga xâm lược.

Chủ trương mời Ngoại trưởng Nga trước khi chuẩn bị đón Ngoại trường Mỹ mùa hè vừa qua gửi ra thông điệp ngoại giao gì từ Hà Nội? Nhân chuyến thăm Hà Nội ngày 6 và 7/7/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người bị EU cấm nhập cảnh, đã lớn tiếng đe dọa Mỹ và châu Âu, những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam:

“Chúng tôi (tức là LB Nga và Việt Nam) đã bàn về các thách thức kinh tế toàn cầu do các nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ gây ra.”

Ông Lavrov khẳng định tiếp rằng Nga và Việt Nam biết cách tiếp tục quan hệ thương mại, kinh tế và đầu tư trong môi trường hiện tại, sao cho không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt đơn phương và phi pháp do Hoa Kỳ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực công bố.

Dẫu ông Phạm Bình Minh có quan hệ thân tình với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, hay đương kim Ngoại trưởng Antony Blinken, thì các chính khách Mỹ vẫn bãi bỏ thăm Hà Nội vào mùa hè vừa qua (vốn đã lên kế hoạch từ trước). Ngay cả cuộc điện đàm được công bố giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dày công lobby những người có cảm tình với Ba Đình trong nội bộ Mỹ, cũng mất tín hiệu.

Rồi đây, chắc sẽ còn lâu mới có một quan chức cỡ Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng phát biểu trực tiếp bằng tiếng Anh trước Đại hội đồng LHQ, truyền tải những thông điệp khá uyển chuyển về đối ngoại như ông Phạm Bình Minh đã làm được hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Phát biểu của ông Minh tuy không vạch mặt chỉ tên, nhưng gián tiếp toát lên lập trường phản đối Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc đơn phương đe dọa Việt Nam, bất chấp UNLOS-1982… Có phải vì thế, mãi sau một tuần lễ, truyền thông Hà Nội vẫn chưa cho phép báo chí Nhà nước đăng tải toàn văn bài phát biểu đã gây bất ngờ tại LHQ?

Bui Thanh Son

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Tương lai 2023 liệu có sáng sủa cho ngoại giao Việt Nam?

Các chuyến thăm cao cấp của lãnh đạo Việt Nam sang Bắc Kinh ngay sau Đại hội 20 của Đảng CS TQ có vẻ như đặt hai đảng lên đường ray của con tàu “Cộng đồng chung vận mệnh”, của các "Sáng kiến Phát triển toàn cầu" và "Sáng kiến An ninh Toàn cầu" do Chủ tịch Tập nêu ra vừa qua.

Đó là những trụ cột của “Trật tự Trung Hoa” mà ông Tập đang rắp tâm thay thế “Trật tự dựa trên luật lệ” của thế giới dân chủ. Nhưng có phải cái gì ông Tập trù liệu, cái gì Trung Quốc ủ mưu, cũng sẽ thành công?

Những xáo trộn trong nội bộ lãnh đạo trên thượng tầng Đảng CS TQ ngay sau Đại hội 20, phong trào biểu tình và phản kháng (chống lại “Zero Covid” chỉ là nguyên cớ) đồng loạt trên 30 thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc cho thấy Tập Cận Bình đang đứng trước nhiều thách thức. Sự tan vỡ của chính sách Zero-Covid mà ông ta đề xướng đã bị nhiều tờ báo Phương Tây đánh giá là “dấu chấm hết của tham vọng xây dựng một Trật tự quốc tế độc đoán “Made in China”.

Tôi nhớ lại rằng tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, trong một bài trên YouTube nói rằng có bàn tay “nước lạ” trong can thiệp vào nhân sự ngoại giao VN. Ai quan tâm có thể xem tham khảo tại đây.

Dù ta có tin vào suy đoán của ông Lê Kiên Thành hay không thì nhưng ý tưởng chỉ đạo như “lý tưởng tương thông, văn hóa tương đồng…” và 13 văn kiện Trung – Việt đã thỏa thuận, khiến các thao tác ngoại giao Việt Nam chỉ có thể diễn ra trong một không gian rất chật hẹp.

Đặc biệt, với việc loại bỏ đội ngũ có chuyên môn cao về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại, số còn lại sẽ phải hoạt động trong một không gian bị chèn ép bởi phe cứng rắn hướng nội, bị tù túng bởi ý thức hệ. Chưa kể có cả sức nặng ngàn cân của quan hệ với Trung Quốc, với nước Nga của Putin, khiến khó ai hình dung nổi tương lai sáng sủa, xứng tầm phát triển kinh tế quốc gia của ngành ngoại giao năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn có người tin tưởng, không phải tất cả Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN đều nghe theo Bắc Kinh. Bởi vì, trên thực tế, nhiều người trong số họ cũng đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau. Mà quyền lợi của những nhóm này không nhất thiết lúc nào cũng “khớp” với các nhóm gắn kết với kinh tế-chính trị Trung Quốc.

Do đó, đối với những người lạc quan sót lại ở trên, tương lai chưa phải đã đóng cửa đối với ngoại giao VN. Vấn đề vẫn là ở nội lực, theo thiển ý. Vấn đề vẫn là ở khả năng tư duy đột phá của đội ngũ làm chính sách.

Mặt khác, ta cần thấy có chỗ Việt Nam đã làm hơn, được quốc tế ca ngợi và́õ·o ràng là có lợi chung, như việc không theo Zero-Covid kiểu ông Tập. Và càng không nên cái gì cũng đổ lỗi cho Trung Quốc.

Trung Quốc dù “ba đầu sáu tay” nhưng nếu VN còn có những nhà hoạch định chính sách và ngoại giao mang dấu ấn của nhân dân mình, có chỗ dựa trong dư luận quần chúng thì họ sẽ vượt qua được cái bóng của ý thức hệ.

Cuối cùng, thay cho lời kết tôi xin phép được nhắc lại các ý hay sáu đặc điểm về tình hình quốc tế tới đây mà cựu Đại sứ Nguyễn Trung nhận dạng trong bài viết của ông tháng này, để thấy hướng đi không chỉ cho ngành ngoại giao VN đang ‘thất bát’ nhân sự nghê gớm năm nay, mà còn cho cả quốc gia:

(1) Đó là thế giới luôn bên miệng hố chiến tranh, giữa hai tập hợp: dân chủ và độc tài – toàn trị; (2) Từ cả hai phe đều có nhiều giá trị đang bị đổ vỡ; (3) Thế giới gặp bất cập cả thể chế lẫn con người nhưng với Covid-19 và chiến tranh Ukraine thì các bất cập ấy đang trở thành các căn bệnh ác tính;

Từ đó ông Nguyễn Trung cho rằng (4) Cải cách thể chế và giáo dục là yêu cầu cấp bách hiện nay cho Việt Nam, bên cạnh việc (5) Bảo vệ và phát huy các giá trị cơ bản: dân chủ, nhân quyền, pháp trị, tuân thủ luật pháp quốc tế… Và cuối cùng thì phải (6) Dân chủ hóa mới thực sự giải phóng được sức mạnh tư duy toàn dân tộc.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Việt Hoàng, hiện sống tại TP. HCM.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù