Vì sao hàng triệu người rời Mỹ - đất nước của người nhập cư? -
THANH HÀ
Điểm đến rộng khắp
Mỹ là điểm đến hàng đầu của người nhập cư trên toàn thế giới, với số lượng người nhập cư nhiều gấp 3 lần so với Đức và Saudi Arabia nhưng chỉ xếp thứ 26 về số lượng người di cư ra nước ngoài. Và không giống như người di cư ở các quốc gia khác, người Mỹ đi khắp thế giới, theo Washington Post.
Một phần của sự phân bố rộng rãi này dường như là di sản từ nguồn gốc nhập cư của nước Mỹ. Đất nước này là điểm đến hàng đầu của người di cư từ khoảng 40 quốc gia và nhiều người Mỹ vẫn gắn bó với quê hương.
Việc di cư của người Mỹ cũng phản ánh phạm vi tiếp cận rộng rãi của quân đội nước này, cũng như các tổ chức dân sự như Peace Corps và các nhà truyền giáo.
Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới thu thập dữ liệu về dân số sinh ra ở nước ngoài từ các cuộc điều tra dân số và khảo sát địa phương trên khắp thế giới, đồng thời sử dụng những dữ liệu này để ước tính mô hình di cư giữa hơn 200 quốc gia và địa phương. Theo ước tính của những tổ chức này, số người Mỹ sinh ra ở nước ngoài vào khoảng 2,8 triệu trong năm 2020.
Các chuyên gia tư vấn làm việc cho Chương trình hỗ trợ bỏ phiếu liên bang (FVAP) - cơ quan giúp người Mỹ ở nước ngoài bầu cử - ước tính có khoảng 4,8 triệu thường dân Mỹ sống ở nước ngoài trong năm 2018. Các chuyên gia tư vấn làm việc với nhóm vận động American Citizens Abroad ước tính có khoảng 3,9 triệu dân thường, cùng với 1,2 triệu quân nhân và những người Mỹ khác làm việc cho chính phủ.
Theo các thống kê, Mexico là điểm đến hàng đầu của người Mỹ rời khỏi đất nước. Nhưng có lý do bất thường cho điều này khi nhìn vào độ tuổi của người Mỹ đến Mexico - chủ yếu là người trẻ tuổi như sinh viên, thủy quân lục chiến còn lại là các chuyên gia trung niên.
Đại đa số họ có cha hoặc mẹ là người Mexico, theo phân tích nhân khẩu học do các học giả Claudia Masferrer (El Colegio de México), Erin Hamilton (Đại học California tại Davis) và Nicole Denier (Đại học Alberta) thực hiện.
Những người này sinh ra ở Mỹ khi lượng người nhập cư Mexico đạt đỉnh điểm, họ trở về Mexico cùng cha mẹ khi dân số Mỹ gốc Mexico đạt đỉnh năm 2007 và giảm xuống dưới thời chính quyền ông Obama và ông Trump. Nhiều bậc cha mẹ tự nguyện trở về Mexico nhưng nghiên cứu cho thấy, cứ 6 người thì có 1 người bị trục xuất.
Mục đích khác biệt
Những điểm đến hàng đầu khác của người Mỹ di cư là Canada, Vương quốc Anh, Đức, Israel, Australia và những nền kinh tế tiên tiến khác, với hầu hết người Mỹ đều có mục đích đến. Ví dụ, học giả Klekowski von Koppenfels lớn lên ở tây Massachusetts, Mỹ đến Berlin, Đức để làm nghiên cứu sinh năm 1996 sau đó bà kết hôn với một người Đức. “Hầu hết chúng tôi rời khỏi đất nước một cách tình cờ" - bà khẳng định.
Dù có những lời phàn nàn sau bầu cử ở Mỹ, Klekowski von Koppenfels nói rằng, rất ít người Mỹ rời quê hương vì lý do chính trị. Thậm chí, người rời Mỹ vì các lý do cưỡng ép còn ít hơn: Cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp Quốc chỉ ra có 426 người Mỹ tị nạn trong năm 2021 với Đức, Vương quốc Anh và Canada là những điểm đến hàng đầu. Con số này quá nhỏ so với 6,8 triệu từ Syria, 2,7 triệu từ Afghanistan hay 2,4 triệu từ Nam Sudan.
Thay vào đó, nghiên cứu của Klekowski von Koppenfels với học giả Helen B. Marrow của Đại học Tufts nhận thấy, phần lớn người Mỹ muốn chuyển ra nước ngoài để khám phá hoặc phiêu lưu.
Những cuộc di cư của người Mỹ hầu như luôn có nhiều hơn một lý do, với một số lý do đặc biệt phổ biến là mong muốn nghỉ hưu ở nước ngoài, làm việc ở nước ngoài và thoát khỏi bối cảnh không mong muốn nào đó ở quê nhà. Tuy nhiên, mong muốn khám phá là động lực chủ đạo cho việc di cư của người Mỹ.
Không có dữ liệu về loại hình công việc mà những người Mỹ di cư làm. Các cuộc khảo sát của cơ quan điều tra dân số theo dõi những người Mỹ trở về cho thấy rằng, họ có nhiều khả năng là quân nhân tại ngũ, làm việc trong lĩnh vực hành chính công hoặc giáo dục, nhưng ít người trong lĩnh vực y tế, sản xuất, bán lẻ hoặc xây dựng.
Joyce Zhang Grey, sinh ra ở Waschington DC và lớn lên ở Texas và Michigan, đã dành phần lớn thời gian tuổi đôi mươi của mình để rong ruổi khắp thế giới, từ Singapore đến Kenya đến Argentina.
“Rất nhiều người Mỹ thực sự có tư duy toàn cầu và họ ngày càng dễ dàng đi theo sự thôi thúc toàn cầu đó khi công nghệ cho phép mọi người đi qua biên giới để lưu trú trung và dài hạn, hoặc đơn giản là để làm việc từ xa”- Joyce Zhang Grey chia sẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét