21 của dân, 48 của quan

 Bình luận của Mai Tiên

2023.01.29

Một khu tạm cư của người dân Thủ Thiêm
 Photo: RFA

Đại gia đình anh Vũ Ngọc Tài tạm cư tại khu 1 ha, nằm sâu trong hẻm 311 Lương Định Của, phường An Phú quận 2 cũ (TP HCM), qua tết này là “ăn mừng” năm tạm cư thứ 13.

Đây là khu tạm cư thứ hai. Trước khi về đây, họ đã có năm năm tạm cư ở khu tạm cư phường An Lợi Đông.  Cả hai khu, như tên gọi, trước kia được xây dựng gấp để chính quyền đưa người dân bị giải tỏa trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm về ở tạm, chờ đền bù bằng tiền hoặc đổi nhà, đổi đất. Sau đó thì “tạm” trở thành “không giới hạn”khi thời gian cứ doãng dần ra mãi với tiến trình thưa kiện ròng ròng nước mắt của dân Thủ Thiêm. Khu tạm cư biến thành cái túi đen ngòm đựng những phận người bất hạnh vì lỡ có nhà đất nằm trúng tầm ngắm của lũ quan lại tham lam tàn bạo, giấu nó vào sự quên lãng cố tình của nhiều cấp, nhiều đời chính quyền.

Nằm dưới tầng trệt dãy nhà đầu tiên của khu 1 ha, “nhà” của anh Tài thuộc loại khang trang, sạch sẽ do nhiều công sức và tiền bạc bỏ ra sắp xếp. Vài chậu mai chúm chím nụ vàng, mồng gà vươn những cái mào đỏ tươi, vạn thọ vàng chói như những mâm xôi tí hon đã đặt rải rác sát nhà. À không, nó vốn là lề đường nhưng dân tạm cư đã cơi nới trọn một đoạn hành lang để có thêm chỗ ở, nên lề đường không còn mà từ lòng đường là bước thẳng vào “nhà”. 

Tết mà! Tết mang rộn ràng vào những biệt thự dát vàng lẫn những đáy hầm sâu đen tối. Tết thản nhiên rắc phấn hồng vào lòng bất cứ ai, kể cả những con người gần như từ lâu đã mất hết hy vọng vào luật pháp.

Bỗng nhiên mất đất

Anh Tài vốn không phải dân gốc Thủ Thiêm. Năm 2001, anh và một đoàn anh em họ hàng cùng vợ con họ, tổng cộng 12 người từ Nam Định vào Thủ Thiêm lập nghiệp. Họ có một ông bác giàu có đã bỏ phần lớn tiền mua 935 m2 đất có ao cá. Đoàn di dân góp thêm mỗi người một ít tiền tùy theo khả năng, rồi đào vét lại ao, nuôi và bán cá, làm những ngôi nhà tạm bằng gỗ lợp tôn để ở, bắt đầu vắt sức gây dựng cuộc sống nơi đất mới với niềm hy vọng tràn trề. Đất phương Nam màu mỡ, rộng lớn, khí hậu bốn mùa điều hòa, con người chân thật. Đại gia đình lao động cật lực trong niềm vui, bởi hiện tại sáng sủa từng ngày và bên họ luôn có hình ảnh thành công của những anh em đồng hương đã di dân vào miền Nam trước vẫy gọi, thúc đẩy và động viên.
Đất quận 2 những năm đó không phải là đất dát kim cương hột xoàn với những khu dân cư Sala hay đảo Kim Cương giá năm bảy trăm triệu/m2 như bây giờ. Tuy chỉ cách trung tâm phồn hoa của Sài Gòn qua một dòng sông không mấy rộng, nhưng bên kia sông rực rỡ sáng chói bao nhiêu thì bên này vẫn tối mờ bấy nhiêu. Ao cá, ruộng lúa, chuồng heo, vườn rau thản nhiên đối diện với khách sạn, bar, pub, quán rượu xa hoa hào nhoáng. Bên kia sông ăn chơi như thiêu thân đến sáng. Bên này sông, người ta đặt lưng lên giường từ chập tối sau cả ngày trời lăn lộn với chợ búa, ruộng vườn. Một giấc ngủ mạnh khỏe trong lành thẳng một mạch đến sáng. 

Nhìn qua sông, dân Thủ Thiêm có thèm thuồng ánh đèn và sự tiện nghi hiện đại của quận 1 hay không? Dĩ nhiên có, nhưng Thủ Thiêm vẫn đang sôi sục phát triển, người dân vẫn đang chăm chỉ làm ăn và làm giàu ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của họ. Tương lai giàu có và hiện đại là chắc chắn, nó đang từng ngày rạng rỡ trên mảnh đất này, chỉ cần chờ thời gian. 

Nhưng trước khi bị cướp đất cướp nhà, tuyệt đại người dân Thủ Thiêm vẫn tin vào nguyên tắc đền bù giải tỏa được quy định trong Luật Đất đai, mà các cấp chính quyền, nhỏ lớn đều thuộc như cháo chảy: khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

935 m2 đất của đại gia đình anh Tài nằm ở số nhà 11 KT3 tổ 39 ấp 4 phường An Lợi Đông quận 2, bây giờ đi hết khu Sala là tới. Khi thành phố quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, người dân phải khai giấy tờ để được tính tiền đền bù. Mảnh đất 935 m2 chuyển nhượng trực tiếp từ người chủ ngay trước đó, vẫn ghi rõ ràng trong sổ đỏ không hề chỉnh sửa, không bán cho ai, vẫn đóng thuế sử dụng đất cho đến ngày cuối cùng trước khi bị san bằng. Bỗng nhiên quận giáng xuống tờ giấy, bảo nó chỉ có 789,28 m2 thôi, phần còn lại chủ cũ đã bán cho người khác. Chính quyền cũng nói 12 người đang ở đó không đủ điều kiện được bố trí tái định cư. Họ chỉ được đền bù tất cả là 700 triệu đồng. 

thuthiemtamcurfa2.jpeg
Nơi ở của người dân Thủ Thiêm sau cưỡng chế. RFA

21 hay 48, vì sao?

Người bác và đại gia đình anh Tài đành nhận 700 triệu đồng, nhưng về diện tích đất thì họ quyết không đồng ý. Họ không bán đất cho ai cả, nếu diện tích đất thiếu so với giấy tờ thì đó là lỗi của chính quyền, tại sao đổ lên đầu họ? Họ kiện chính quyền đòi 145,72 m2 đất còn thiếu. Vụ kiện dai dẳng 13 năm nay chưa kết thúc. Không có nơi nào khác để ở, cũng không đủ tiền mua lại nơi định cư khác, toàn bộ gia đình xin vào khu tạm cư sống và đi kiện. 

Tháng 3/2011, họ vào khu tạm cư phường An Lợi Đông. Đến năm 2015, phường An Lợi Đông tiếp tục giải tỏa nên đến tháng 12 họ lại chuyển vào khu tạm cư 1 ha ở hẻm 311 Lương Định Của phường An Phú TP quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức, thuộc TP HCM). 

Lúc này, từ 12 người ban đầu đã thành 18. Họ xin với Ban quản lý Khu tạm cư cho ở trong ba căn phòng.

Phòng ở trong khu tạm cư 1 ha đều giống nhau, chiều rộng khoảng 3,2 m, dài 7 m. Tính ra diện tích mỗi phòng chỉ 21 m2. Nhưng không hiểu sao toàn bộ giấy tờ thu tiền điện nước mà Ban quản lý phát xuống đều ghi rõ mỗi phòng rộng 48 m2. Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ của chính quyền mà không tận mắt chứng kiến cảnh sống của người dân, chắc không nhiều người đồng tình với dân Thủ Thiêm. 48 m2 x 3 = 144 m2 cho 18 người lớn trẻ em ở ngay trung tâm thành phố, kêu ca gì nữa!

Chỉ tay vào chiếc trường kỷ xếp vào thành ghế, kéo ra thành giường, anh Tài nói phòng ở chật quá nên phải dùng cách này. Nhưng xếp mấy thì xếp, vẫn không thể đủ chỗ cho toàn gia đình đều được ngủ trên giường. Con cháu anh Tài đều phải ngủ ngay trên nền nhà. Bếp, bàn ăn, tủ chén, đồ gia dụng bếp núc đưa tất ra hành lang. Nấu nướng ăn uống ngay sát lề đường. 

-Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nước ngập sát vào tận đây. Rác rưởi tanh hôi, bẩn thỉu hôi thối lắm. Xấu hổ không dám mời ai đến nhà. Mà phải chịu. Chứ giờ mình đi đâu? Họ bảo lên chung cư Bình Khánh, thì ai cũng biết lên đấy sạch sẽ hơn hẳn, đời sống chắc chắn tốt hơn dưới này rồi. Nhưng đây tạm cư, lên đấy cũng lại tạm cư, mà tạm cư dưới này mình còn xin thông cảm cho ở được ba phòng rồi cơi nới. Lên đấy phòng chung cư ai cho mình ngăn vách hay cơi nới, mà không cơi nới thì lấy đâu chỗ cho vợ chồng (các cháu lớn lên) ngủ riêng? Nên chúng tôi xác định cứ ở đây thôi. 

thuthiemtamcuroomrfa.jpeg
Bên trong một căn hộ tạm cư của người dân Thủ Thiêm. RFA

Chúng tôi cũng không đi kiện, đi tiếp xúc gặp gỡ gì nữa cả. Trước đi nhiều lắm chứ, nhưng ông nào cũng hứa rồi về hưu, có ai giải quyết đâu? Chúng tôi cứ đi theo kiện thì lấy đâu thì giờ làm ăn nuôi các cháu?-nhiều người trong gia đình anh Tài đồng thanh nói.

Tháng 7/2018, Bí thư Thành ủy TP HCM bấy giờ là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đi khảo sát các Khu tạm cư của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Tạm cư không phải giải pháp cuối cùng. Thành phố đang tìm giải pháp chấm dứt tạm cư, đưa người dân vào các khu tái định cư”-ông Nhân khẳng định với người dân như vậy.

Đại diện lãnh đạo quận 2 bấy giờ cũng hùng hồn: Việc vận động người dân từ khu tạm cư An Phú lên ở chung cư tái định cư chỉ là thay đổi không gian sống tốt hơn cho người dân trong lúc chờ giải quyết chính sách chứ không phải đây là việc giải quyết chính sách. Đến cuối năm 2018, quận 2 phấn đấu sẽ giải quyết xong tạm cư.

Từ đó đến nay đã lại trôi qua một nhiệm kỳ lãnh đạo mới.
-Giờ chúng tôi chỉ mong muốn có chỗ ở chính thức, định cư chứ không tạm cư nữa. Long đong 13 năm trời rồi, khổ lắm. Mua cái bảo hiểm y tế cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Các đoàn (giải quyết khiếu nại tố cáo của dân Thủ Thiêm) đến mời tiếp xúc cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Làm giấy tờ cho các cháu đi học cũng phải lên phường xin xác nhận tạm trú. Mỗi lần xin có nhanh đâu, mất cả một buổi làm. Chúng tôi chán rồi, sau này đoàn nào về thì về, chúng tôi kệ, mình phải đi làm kiếm sống.  Giờ chúng tôi còn 145 m2 đất đấy, chúng tôi xin mua nhà ở xã hội theo giá không lợi nhuận, trả thẳng hay trả góp cũng được. Nhưng chúng tôi viết đơn, tiếp xúc bao nhiêu lần, họ cũng chỉ nói ghi nhận. Mình lại về. Cứ thế. Chả ai giải quyết gì. Tạm cư từ lúc con chúng tôi học lớp Một, nay cháu tốt nghiệp đại học rồi, cả nhà vẫn tạm cư-anh Tài cười méo xệch.

Những đốm lửa Thủ Thiêm

“Thủ Thiêm” từ lâu đã trở thành cục xương cứng mắc dính trong cổ họng chính quyền TP HCM qua năm đời lãnh đạo, nuốt không trôi, nhả không đặng. Vụ việc càng kéo dài không biết điểm kết thúc khi TP HCM thành lập TP Thủ Đức. Vốn là những quyết định sai trái kéo dài qua nhiều năm của nhiều lãnh đạo, nhiều cấp và nhiều đời của UBND TP HCM, bây giờ việc giải quyết hậu quả được đẩy về cho một cấp bậc hành chính nhỏ hơn, nói đúng ra là “siêu quận” Thủ Đức. 

Hành động chuyền bóng này chỉ gây thêm phẫn nộ cho người dân. Vì trong thực tế, quyền hạn, nhân lực và tài lực của lãnh đạo Thủ Đức (không hơn gì so với trước kia, chỉ là ba cái quận chập một) không thể đủ để gỡ hay chặt bỏ cái mớ bòng bong khổng lồ mà các đàn anh của họ đã ưu ái để lại. 

Một cách cấp bách, đại án Thủ Thiêm phải được xem là tiêu điểm, ưu tiên giải quyết số một của liên minh gồm tất cả bốn cấp chính quyền: các phường nơi người dân bị cướp đất và thưa kiện; chính quyền TP Thủ Đức vì là nơi sự việc diễn ra trên địa bàn; chính quyền TP HCM vì đây chính là di sản tồi tệ nhất mà các đời lãnh đạo tham nhũng trước để lại; và cuối cùng là chính quyền trung ương, để giám sát, thúc đẩy và kiểm tra kết quả thực hiện.

Là vì câu chuyện Thủ Thiêm không chỉ là việc vài trăm hộ dân bị mất đất mất nhà mải miết đi kiện suốt gần 30 năm qua nữa. Nó là hình ảnh tái hiện, là những đốm lửa trông thấy hoặc không trông thấy bằng mắt thường như những Thái Bình 1997, những Tiên Lãng, Bắc Giang… Những đốm lửa của sự đau thương tột độ nơi người dân có thể bùng lên thiêu rụi những gì, lịch sử đã nhiều lần cho biết. 

Cách giải quyết bỏ lơ, dây dưa của hiện tại, dường như đang bịt tai chờ thời gian bẻ gãy sự kiên trì của người dân. Tuy nhiên, nó không khác gì đổ lên lò than rực hồng một lớp tro rồi gật gù yên tâm với cái bề mặt yên ắng. Chỉ có cách trực diện với người dân, khơi bùng nó ra rồi sửa sai tận gốc từng vụ việc một thì mới rửa sạch nổi khối uất hận của người dân Thủ Thiêm.

_________________

Tham khảo: 

https://bnews.vn/du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-bao-gio-het-canh-tam-cu/90988.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

https://vietnamnet.vn/can-canh-khu-tam-cu-o-chuot-cua-nguoi-dan-thu-thiem-663881.html

http://daidoanket.vn/hanh-trinh-tai-dinh-cu-cua-nguoi-thu-thiem--ky-i-noi-buon-duoi-mai-tam-cu-424704.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?