Việt Nam có thêm 27 bảo vật quốc gia - VNExpress

 Thời sự

Thứ hai, 30/1/2023, 16:44 (GMT+7)

Bộ thành bậc điện Kính Thiên, đầu rồng thời Trần, súng thần công thời Lê Trung Hưng, xe tăng T59 số hiệu 377 là những bảo vật quốc gia mới được công nhận.

Ngày 30/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia, trong đó có bộ thành bậc điện Kính Thiên thế kỷ 17, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần.

Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay còn khu nền cũ và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Mặt trước điện, hướng chính nam là thềm xây bằng phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc, có bốn rồng đá, chia thành ba lối lên đều nhau, gọi là thềm rồng. Phía bắc điện có thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn, hai bên có hai rồng đá; lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây...

Thềm bậc điện Kính Thiên là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc hoàng cung thời Lê.

Bậc thềm điện Kính Thiên

Bậc thềm điện Kính Thiên. Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long

Đợt này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn có nhiều hiện vật khác được công nhận bảo vật, là đầu rồng thời Trần, thế kỷ 13; bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ thế kỷ 15-16; súng thần công thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17; tượng An Dương Vương năm 1897, đang thờ tại di tích Cổ Loa.

Bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) có hai hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia là trống đồng Kính Hoa II, thế kỷ 2-1 trước Công nguyên; thạp đồng Kính Hoa, thế kỷ 3-2 trước Công nguyên.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có hai hiện vật là kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796); tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.

Bộ sưu tập vũ khí trường Giảng Võ, thế kỷ 15-18, tại Bảo tàng Hà Nội, cũng là bảo vật quốc gia.

Bộ sưu tập tư nhân An Biên (Hải Phòng) có bốn hiện vật được công nhận bảo vật, gồm: Hai chiếc đĩa gốm men ngọc thời Lý, thế kỷ 11-12; đĩa gốm men lam tím thời Lê sơ, thế kỷ 15; lư hương gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15; hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, thế kỷ 16-17.

Bắc Ninh có ba hiện vật được công nhận bảo vật là thạp đồng văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.200-2.300 năm; bia đá chùa Tĩnh Lự năm 1648; tượng Quan thế âm chùa Cung Kiệm, năm 1449.

Hà Nam có hai hiện vật là trống đồng Tiên Nội 1, văn hóa Đông Sơn; bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), năm 1366.

Chuông chùa rối, bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Chuông chùa Rối, bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Ngoài ra, còn nhiều hiện vật khác được công nhận là sưu tập đàn đá Bình Đa cách nay 3.000 năm (Đồng Nai); Mukhalinga Ba Thê, thế kỷ 6 (An Giang); cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn nửa sau thế kỷ 12 (Bình Định); chuông chùa Rối cuối thế kỷ 14 (Hà Tĩnh); bệ thờ đất nung đền An Xá (Hưng Yên); bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh (tỉnh Nam Định); xe tăng T59 số hiệu 377, năm 1972 (Kon Tum); công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, cách nay 800.000 năm (Gia Lai).

Đến nay, Việt Nam đã có 264 bảo vật quốc gia. Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Mỗi năm, Thủ tướng xét công nhận bảo vật quốc gia một lần.

Viết Tuân

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?