Loạt các lãnh đạo "kỹ trị" buộc phải từ chức và những hiệu ứng ngược khó lường

Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
30-01-2023
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp
Loạt các lãnh đạo "kỹ trị" buộc phải từ chức và những hiệu ứng ngược khó lườngCựu Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
AFP

Ông Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, nhân vật thứ hai sau Tổng Bí thư trong cơ chế lãnh đạo “tôn ty trật tự”, đã xin từ chức, và được Đảng cộng sản (ĐCS) chuẩn thuận công khai ngày 17/1/2023. Trong thông cáo của hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nêu: “nhận thức rõ trách nhiệm của mình, ông Phúc quyết định từ chức và nghỉ hưu” và đồng thời nhấn mạnh ông Phúc phải chịu trách nhiệm về việc “để một số cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.”

Như vậy, trong vòng hơn một tuần, ba lãnh đạo kỹ trị chủ chốt, nguyên và đương nhiệm của Chính phủ đồng loạt rời chính trường với cách thức như trên. Ông Nguyễn Xuân Phúc từng là Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021, các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từng là phó Thủ tướng CP cho ông Phúc là những lãnh đạo được phân nhiệm điều hành kinh tế - xã hội.

Đây là sự kiện “chưa từng có” trong lịch sử cầm quyền của ĐCS, bởi vậy nó thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính trị trong và ngoài nước cũng như sự quan tâm của dư luận trong nước. Khi đặt sự kiện này trong bối cảnh Đảng CS cam kết chống tham nhũng “không vùng cấm” để củng cố quyền lực bài viết trình bày ba nội dung sau: Một, các vị lãnh đạo trên buộc phải từ chức vì cùng lý do; Hai, lý giải vì sao họ là đối tượng chống suy thoái chính trị của Đảng CS; Ba, việc thanh lọc họ gây ra những hiệu ứng ngược khó lường.

Một

Các vị lãnh đạo trên buộc phải từ chức thay vì tự nguyện và, Đảng CS cho rằng họ phải “chịu trách nhiệm chính trị” về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực được Đảng phân công. Đảng quyết định như vậy nhằm đạt ba mục đích chủ yếu: phá vỡ thế bế tắc chống tham nhũng trong “vùng cấm”, cam kết diệt trừ “tận gốc” tham nhũng và làm dịu sự bất mãn của công chúng về quốc nạn này.

Họ buộc phải từ chức vì hành vi “từ chức” không có trong văn hoá chính trị của Đảng CS. Để minh hoạ xin nêu hai ví dụ điển hình. Một là, việc ông Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) xin từ chức  năm 2001 với lý do bất đồng về chương trình cải cách giáo dục. Vụ việc được coi là “lạ lẫm”, gây chút ồn ào và nhanh chóng bị quên lãng. Hai là, năm 2013 ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội đã nêu “văn hoá từ chức”  tại nghị trường, ám chỉ về sự điều hành của Chính phủ có liên quan tới sự “bất ổn kinh tế vĩ mô” trong giai đoạn này. Xin trích: “Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?" Lời phát biểu này cho dù làm thị trường nóng lên, nhưng cũng chỉ là ý kiến.

Đảng CS dựa trên tư tưởng Mác – Lênin và chủ nghĩa tập thể, trong đó thứ bậc quyền lực với tôn sùng lãnh tụ được đề cao trong tập thể lãnh đạo về hình thức, đối nghịch với chủ nghĩa cá nhân, coi các thành viên là bộ phận cấu thành tổ chức, họ cam kết trung thành và “nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản”. Bởi vậy, từ chức, như một phạm trù đạo đức, có thể bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm nguyên tắc đảng gây tổn hại uy tín, thể diện của tổ chức đảng.

Sự kiện này là “khác thường” đang dẫn dắt công chúng trong nước đồn đoán về “trùm cuối” hay sự dính líu của người nhà của các lãnh đạo trên trong các vụ đại án tham nhũng “bộ kít xét nghiệm” và “các chuyến bay giải cứu” (vẫn tiếp tục điều tra, chưa xét xử), và hơn thế, dư luận đặt nghi vấn ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo.

nguyen tan dung 20 10 2022.jpg
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp Quốc hội Khóa XV ngày 20/10/2022. Ảnh Nguyễn Nhạc/AFP

Hai

Nội các Chính phủ, các lãnh đạo “kỹ trị”, bị coi là “đối tượng” chống suy thoái chính trị của Đảng CS. Họ là những trí thức am hiểu chuyên môn, thị trường trước khi chuyển sang làm quản lý, do đó họ có quan điểm điều hành dựa trên cơ sở thống kê hay bằng chứng thực tế thay vì cảm tính, ảo tưởng. Và, cán bộ kỹ trị được cho là có “ưu thế tương đối”, “có quyền và gần tiền” trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường và vẫn duy trì chế độ Đảng CS lãnh đạo về chủ trương, đường lối. Mâu thuẫn giữa hai hệ thống giá trị: thị trường, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản ngày càng trở nên căng thẳng khiến sự thống nhất lãnh đạo của Đảng CS bị phá vỡ. Sự chia rẽ thành hai phe: Chính phủ, “kỹ trị” đối lập với Đảng, “chính trị.”

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sự chia rẽ bùng phát, đặc biệt nóng trong những năm 2010, thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư và ông Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng Chính phủ. Sự bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế đã xảy ra, và Bộ Chính trị cho rằng ông Dũng phải “chịu trách nhiệm chính trị”, nhưng đã không đồng nhận được sự đồng thuận của Ban Chấp hành trung ương. Như đã biết, ông nguyên Thủ tướng Dũng đã cho rằng trong hơn 50 năm theo Đảng ông ta luôn chấp hành sự phân công của tổ chức, và không xin chức quyền… Không thể bị kỷ luật, ông Dũng chỉ nghỉ hưu về làm người “tử tế” khi nhiệm kỳ 2011-2016 kết thúc.

Đó là bài học đắt giá đối với sự lãnh đạo của Đảng CS và cá nhân người đứng đầu. Hai nhiệm kỳ tiếp theo 2016-2021 và 2021-đến nay cương vị Tổng Bí thư vẫn do ông Nguyễn Phú Trọng “đặc cách” nắm giữ. Và, bài học trên đã là “cú huých” quay lại chế độ toàn trị mới, theo đó mô hình Đảng – Nhà nước mạnh đang được thử nghiệm vận hành, trong đó quan chức chính phủ “kỹ trị” có nguy cơ suy thoái cao. Ông ấy từng nhận định, rằng sau 10 năm phát động công tác phòng chống tham nhũng mặc dù có “chuyển biến tích cực” nhưng “chưa đạt kết quả như mong muốn.” Cách tiếp cận “chịu trách nhiệm chính trị” áp dụng đối với các lãnh đạo “kỹ trị” ở “vùng cấm” như một bước đột phá, phá vỡ thế bế tắc này, trong đó các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từng là phó Thủ tướng dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng.

minh dam afp rfa edited.jpeg


Cựu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) và Vũ Đức Đam (phải). Ảnh AFP-RFA edited


Ba

Dường như có lý do biện minh để Đảng phán xét các lãnh đạo kỹ trị trên phải “chịu trách nhiệm chính trị”, nhưng việc thanh lọc họ gây ra những hiệu ứng ngược khó lường. Trước hết, việc họ buộc phải từ nhiệm sẽ gây ra “khoảng trống” năng lực điều hành. Chuyển đổi sang thị trường càng sâu rộng càng đòi hỏi kiến thức và kỹ năng quản trị phù hợp, nghĩa là vai trò của họ cần được coi trọng chứ không phải ngược lại.

Ngoài ra, trong con mắt các nhà đầu tư, họ là các nhà “kỹ trị”  có năng lực điều hành kinh tế. Ông Phúc đã tạo được hình ảnh thân thiện, có thái độ khá cởi mở trong ngoại giao nhà nước, các ông Minh, ông Đam là được cho là có năng lực, kinh nghiệm thực tế… Đây là yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư vượt qua những rào cản của môi trường kinh doanh còn thiếu minh bạch. Họ có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển khu vực kinh tế này như một trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Cạnh tranh thể chế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.

Hiệu ứng ngược tiếp theo là bộ máy hành chính dường như bị “đóng băng” bởi nỗi bất an từ các hồ sơ chống tham nhũng trong quá khứ, và nay sẽ tăng thêm bởi sự mơ hồ về  chuẩn mực “chịu trách nhiệm chính trị”. Hơn thế, việc áp dụng tuỳ tiện mang tính độc đoán có thể gieo rắc nỗi sợ hãi, sản sinh ra những kẻ cơ hội, chờ thời…  Đây là nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về công tác nhân sự.

Sau cùng, như hệ quả, việc giải trình trách nhiệm trước công chúng thêm tồi tệ và quá trình dân chủ hoá trong đảng và ngoài xã hội bị kìm hãm. Mặc dù mới đây Đảng nhận định “nhiều vụ tham nhũng được cho là 'vùng cấm, nhạy cảm' đã được xử lý nghiêm”, nhưng từ sự kiện loạt các lãnh đạo buộc phải từ nhiệm cho thấy sự công khai hoá, minh bạch hoá và bình đẳng trước pháp luật đang là đòi hỏi cấp thiết từ phòng chống tham nhũng để có được niềm tin và sự ủng hộ của người dân.

* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự do. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn