Báo Anh: Chiến dịch 'Đốt Lò' giúp Việt Nam tăng hạng trên bảng cảm nhận tham nhũng
30 tháng 1 2023
Năm 2021, Việt Nam đạt hạng 87/180 quốc gia trên bảng cảm nhận về tham nhũng của Minh bạch Quốc tế.
Chỉ số này, tăng lên từ hạng 104 năm 2020, được cho là một sự tiến bộ.
Năm 2010, thứ hạng của CHXHCN Việt Nam là 112/182 quốc gia được đánh giá.
Vào thời điểm đó, Việt Nam đứng thứ 21 trong 35 quốc gia được đánh giá về tham nhũng ở khu vực châu Á-TBD (xem thêm).
Nhờ chiến dịch 'Đốt lò'
Hôm 26/01/2023, tuần báo The Economist của Anh nói chiến dịch 'Đốt lò' (báo dùng nguyên văn tiếng Việt - 'dot lo' - blazing furnace) đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế.
Có vẻ như 'dot lo' nay hiện diện đều như một từ mới trong tiếng Anh, giống 'doi moi' (Đổi mới), khi báo chí quốc tế viết về chính trị VN.
The Economist gọi đây là chiến dịch mang dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng Cộng sản Việt Nam.
Số liệu cuối cùng tuy thế do Minh bạch Quốc tế đăng về Việt Nam là tháng 12/2021.
Nguyên bản tiếng Anh của Bảng Cảm nhận Tham nhũng (The Corruption Perceptions Index) do Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hàng năm nói đây là thứ hạng công dân, doanh nghiệp hoạt động ở các nước "cảm nhận về tình trạng tham nhũng" của bộ máy công quyền.
Nói cụ thể hơn thì đây là tình trạng hối lộ cho quan chức khu vực nhà nước (public section corruption).
Ở Việt Nam, một phần đánh giá nhìn vào hiện tượng phải trao quà, thậm chí tiền ăn chia cho quan chức khi doanh nghiệp nhận dự án công.
Đây là các con số không hề nhỏ.
Ngay từ 2010, trị giá các dự án đấu thầu, mua bán công ở Việt Nam đã lên tới trên 20 tỷ USD. Không rõ số tiền thất thoát cho nạn tham nhũng là bao nhiêu. Các khoản đầu tư công những năm qua còn cao hơn vì kinh tế VN phát triển đều.
Cùng lúc, tiền tham nhũng cũng cao lên, có khi lên tới hàng trăm triệu USD.
Mới đây nhất, bài của The Economist nhắc đến án kit test Việt Á và các "chuyến bay giải cứu".
Có người phải trả 5000 USD để hồi hương bằng chuyến bay kiểu như vậy hồi đại dịch Covid, và người này còn nói một phụ nữ trong "cơ sở cách ly cùng tôi còn trả ba lần con số đó", theo tờ báo Anh.
Các vụ việc gần nhất đã "hạ bệ cả chủ tịch nước Việt Nam, người chịu trách nhiệm cho vụ scandal".
Làm sao để chống tham nhũng mà vẫn phát triển được?
Tuy thế, bài trên The Economist (Cleaning the House) trích TS Nguyễn Khắc Giang, một nhà quan sát VN từ HN, đánh giá rằng các quan chức nay sợ hãi ký các giấy tờ dự án, khiến đầu tư khu vực công giảm hoặc ngưng tiến độ. Thậm chí tiền thu từ thuế cũng giảm ở Việt Nam.
Nhìn vào phát triển trung hạn của Việt Nam, trang báo Anh có lời khuyên cho TBT Trọng:
"Nếu ông Trọng muốn Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình năm 2030 thì cần phải làm sao để các quan chức trung thực có thể thông qua dự án mà không sợ bị bắt."
Một nghiên cứu từ trước đã chỉ ra hiện tượng chống tham nhũng ở Việt Nam là "trách nhiệm chung nhưng không ai chịu trách nhiệm chính", khiến kinh tế khó vận hành trong lúc chống tham nhũng vẫn luôn nóng.
Vấn đề tham nhũng ở VN bị xem là có tính hệ thống chứ không thuần tuý là chuyện đạo đức.
Luận văn tiến sỹ (2017) của Vũ Anh Đào, làm ở Victoria University of Wellington, New Zealand (Tiền là tiên là phật: Investigating the Persistnece of Corruption in Vietnam) đánh giá:
"Về phòng, chống tham nhũng, 'trách nhiệm' được quy định là trách nhiệm của toàn xã hội, nhiều cơ quan cùng tham gia nhưng không cơ quan nào được giao nhiệm vụ cụ thể, nhất là phòng, chống tham nhũng. Cứ cho là phòng chống tham nhũng thì ai cũng có trách nhiệm nhưng trên thực tế thì không ai chịu trách nhiệm chính,"
Theo kết quả nghiên cứu của Vũ Anh Đào, "thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ."
"...giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, có thể thấy hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận lại quả hoặc hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức chính phủ có xu hướng nghĩ rằng ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống."
"Điều đáng quan tâm là không ai tự coi mình là một mắt xích trong một chuỗi tham nhũng có hệ thống," nghiên cứu kết luận.
Nhận xét
Đăng nhận xét