Nền báo chí cách mạng VN có bị kiểm soát khi đưa tin vụ tấn công ở Đắk Lắk?
Vụ việc hai đồn công an xã ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị tấn công rạng sáng 11/6 là một sự kiện an ninh quốc gia chấn động. Thế nhưng, báo chí chính thống ở Việt Nam chỉ đưa rất nhỏ giọt, với nội dung giống nhau, hầu như chỉ dẫn lại thông tin từ Bộ Công an.
Đến nay, Bộ Công an Việt Nam thông báo đã có tới 74 người bị bắt liên quan vụ tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, trong khi số nghi phạm ban đầu chỉ tầm 30-40 người. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, cùng BBC nhìn là quá trình mà báo chí trong nước đưa tin về vụ tấn công có vũ khí này.
Vụ việc được cho là xảy ra vào khoảng 0 giờ 35 phút ngày 11/6, tại địa bàn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Một phóng viên thời sự giấu tên nói với BBC rằng, tầm khoảng 7 giờ sáng cùng, anh đã nhận được tin tức nhưng cần chờ chỉ đạo vì tính chất nghiêm trọng của vụ tấn công: "Mọi người đều phải chờ tin từ chính quyền, công an vì đã có chỉ đạo kiểm soát thông tin, không mở rộng, đào sâu vụ việc."
Thêm tin và ý kiến về vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công
Kiểm duyệt trên báo chí
Sáng sớm ngày 11/6, báo Công Thương đã đăng tải trên website của mình một mẩu tin nhan đề "Đắk Lắk: Đối tượng lạ mặt xông vào trụ sở xã 6 cán bộ tử vong". Tin chỉ tường thuật vắn tắt sự việc. Tuy nhiên, chỉ một lát sau thì tin này đã bị gỡ.
Tiếp sau đó, báo VnExpress đăng bài viết ngắn "Hai trụ sở công an ở Đắk Lắk bị tấn công" nhưng tầm vài chục phút sau, tin này cũng bị rút.
Cũng trong thời gian này, BBC nhận được thông tin Ban Tuyên giáo đã ra chỉ đạo rằng báo chí phải "chấp hành TUYỆT ĐỐI kỷ luật thông tin, chỉ đăng theo tin chính thức của Bộ Công an; không mở rộng thông tin, kiểm soát chặt chẽ bình luận." Một nhà báo trong nước cho biết thông thường những chỉ đạo này được thực hiện qua tin nhắn điện thoại tới các lãnh đạo cơ quan báo chí.
Tới khoảng 11 giờ, hàng loạt báo như VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên,... đưa lại thông báo từ cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và dẫn lời người phát ngôn của bộ này là Trung tướng Tô Ân Xô nói rằng đang truy bắt nhóm người tấn công. Các bản tin về vụ tấn công của các báo đều rất cơ bản, không có sự quan sát, ghi nhận từ hiện trường hay phỏng vấn nhân chứng mà chỉ trích dẫn từ Bộ Công an. Có thể thấy rằng các báo tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của thượng cấp.
Bản tin mới của VnExpress sau này cũng đục bỏ các chi tiết như "bước đầu ghi nhận 7 người tử vong, 3 người bị thương" hay về diễn biến vụ việc. Nhìn chung, đến lúc này thì đã có nhiều báo đưa tin nhưng chỉ cần đọc một báo là đủ, các bài viết trên các báo khác cơ bản giống nội dung, chỉ khác đôi chút về cách diễn đạt.
Trong bản tin thời sự lúc 19 giờ ngày 13/6, VTV đã phát đi một phóng sự với biên tập viên Liên Liên đưa tin từ hiện trường, cho thấy một số phòng ốc, xe cộ bị đốt cháy, các vết đạn bắn vào trụ sở công an. Cũng trong phóng sự này, VTV đã phát hình ảnh quay cảnh các nghi phạm khai nhận trước công an với tay bị còng. Bản tin này được các trang khác như Tuổi Trẻ, Zing, VnExpress dẫn lại toàn bộ.
Các nghi phạm được đưa lên đài truyền hình quốc gia có nhận dạng và tên tuổi là người dân tộc, họ khai tương tự nhau rằng được hứa hẹn sẽ có cuộc sống giàu sang và được dặn "cứ thấy người là giết, xả súng". Đồng thời, các nghi phạm cũng nói lời ăn năn, dặn dò người dân trong vùng không nên hành động giống họ.
Việc ghi hình lời khai nghi phạm và phát lên truyền hình được coi là một "thông lệ" tại Việt Nam trong các vụ án liên quan tới chính trị hoặc an ninh quốc gia. Trước đây, điều tương tự cũng đã được thực hiện trong vụ luật sư Lê Công Định. Đây là một "thủ tục" rất giống với hành xử của nhà cầm quyền Trung Quốc. Chẳng hạn trong vụ bắt cóc một nhóm xuất bản sách tại Hong Kong hồi năm 2016 thì Đài Truyền hình Phượng Hoàng ở Quảng Đông cũng đã phát cảnh nhận tội của những người này.
Trong bản tin của mình, VTV chỉ trích dẫn nguồn của công an và vắng bóng các nguồn tin độc lập hay các ý kiến phân tích, nhận định về các khả năng, động cơ của vụ tấn công.
Không gian tranh luận, góp ý
Báo chí chính thống được huy động để phát đi thông tin và quan điểm của chính quyền. Chân dung vụ việc và chân dung nghi phạm cũng được truyền đi theo cách ấy.
Trong bối cảnh đó, mạng xã hội Facebook đã trở thành diễn đàn để các ý kiến khác nhau va chạm, cọ xát.
Bên cạnh những ý kiến lên án mạnh mẽ, hoặc thẳng thừng gọi nhóm người thực hiện vụ tấn công là "bọn khủng bố", nhiều trí thức đã đưa ra những ý kiến thảo luận về các vấn đề sắc tộc, các xung đột do lịch sử để lại ở vùng đất Tây Nguyên. Các câu hỏi về cách mà người Kinh đối xử với Tây Nguyên cũng như chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ đối xử với Tây Nguyên hay các vụ tranh chấp đất đai dẫn đến biểu tình cũng được đưa ra.
Nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, viết trên Facebook hôm 13/6, kêu gọi "không để cảm xúc nuôi dưỡng bạo lực" và kiến nghị nhà nước cần sớm có cung cấp "thông tin đúng đắn về nguyên nhân của vụ tấn công vũ trang vào các trụ sở công an vừa xảy ra ở Đắk Lắk. Không nên để lan truyền các suy diễn sai lệch động cơ và diễn biến nội vụ".
Phó giáo sư Võ Trí Hảo hôm 15/6 viết trên Facebook cá nhân về Tây Nguyên, nhắc đến việc giáo dục, không gian sinh tồn và sinh kế của người dân tộc ở vùng đất này. Ông Hảo cho rằng nếu người Kinh bao dung hơn, chỉ dừng ở việc thuyết phục những người lầm lỡ ra đầu thú thì xung đột sẽ không có cơ hội biến thành xung đột sắc tộc.
Cùng ngày, nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) đăng trên trang Facebook cá nhân bài viết "Không chỉ những người Thượng sử dụng bạo lực có lỗi". Tác giả "Bên thắng cuộc" cho rằng sự kiện "những người dân bản địa sử dụng bạo lực lúc 0:35 phút ngày 11/6/2023 ở Tây Nguyên mang màu sắc xung đột sắc tộc, văn hóa [bao gồm tôn giáo]".
"Nó vừa gây tội ác nhưng cũng chứa đựng những ẩn ức của những người cảm thấy bị thua thiệt trong mọi phương diện, bị dồn nén trong không chỉ một thế hệ. Việc tháo gỡ, vì thế, chỉ bạo lực cũng sai, chỉ tiền bạc cũng sai mà chỉ đối phó, sách lược cũng sai…
"Đừng nghĩ đồng bào các dân tộc đương nhiên có nghĩa vụ biết ơn khi người Kinh đặt không gian sinh tồn của họ vào phần 'bờ cõi' mà người Kinh 'mở mang'. Đúng là họ chưa từng 'độc lập' với tư cách một quốc gia. Nhưng ở trong quốc gia ấy, nếu người thiểu số 'lép vế', vừa phải chia sẻ với người Kinh không gian sinh tồn của mình, vừa không có cơ hội ngang bằng với người Kinh khi muốn vươn ra thì nếu họ có coi người Kinh như thực dân chúng ta cũng không nên trách họ," ông Trương Huy San viết.
Từ kiểm duyệt đến tự kiểm duyệt
Thống kê từ một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam sử dụng social listening (lắng nghe mạng xã hội) cung cấp cho BBC chỉ ra rằng, có khoảng 2.258 tin bài trên báo chí, các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội viết và bình luận về vụ tấn công, chỉ trong vòng nửa ngày hôm 11/6. Trong đó có 386 bài báo và 1.707 bài đăng trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).
Một nhà báo làm việc tại tòa soạn ở Việt Nam cũng nói rằng Bộ Thông tin Truyền thông có dùng các công cụ như social listening thống kê từ khóa của các tờ báo mỗi tuần, mỗi tháng đăng bao nhiêu tin tích cực, bao nhiêu tin tiêu cực về các chủ đề cụ thể, và không loại trừ vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk.
"Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý báo chí đã được thực hiện từ trước tới nay, nhưng dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì hoạt động này càng ráo riết. Các công ty công nghệ cung cấp giải pháp quản trị nội dung cho các tòa soạn. Bằng cách này, họ có thể thống kê được nội dung của các báo điện tử. Đây có lẽ là một nguồn 'tham khảo' quan trọng của Bộ TT-TT để quản lý báo chí. Cơ quan quản lý có thể dễ dàng biết được một tờ báo đăng bao nhiêu bài về vụ Đắk Lắk, sử dụng những từ khóa nào,… từ đó đưa ra đánh giá, quyết định liên quan đến nội dung của các báo, chẳng hạn chỉ đạo bớt làm vụ này, đẩy mạnh vụ kia và cuối cùng là đưa ra phê bình, kỷ luật đối với những thứ mà họ cho là sai phạm," người này chia sẻ.
BBC đã phỏng vấn, trò chuyện với năm nhà báo, một thư ký tòa soạn đang làm việc cho các tòa soạn trong nước. Tất cả đều muốn giấu tên vì lo ngại việc trả lời BBC khiến họ rơi vào rắc rối.
Hầu hết đều cho rằng báo chí hiện tại đang ở mức thấp nhất về tự do. Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin - Truyền thông sử dụng triệt để các công cụ họ có để kiểm soát báo chí. Điều này khiến cho không gian tác nghiệp của nhà báo, của tòa soạn ngày càng thu hẹp. Các nhà báo vì thế ngày càng trở nên dễ phục tùng hơn và vai trò tuyên truyền ngày càng được nhấn mạnh, nghĩa là tính độc lập của nhà báo, dù chỉ tương đối, ngày càng trở nên nhạt nhòa.
Một nhà báo từ Sài Gòn nhận xét với BBC rằng xu hướng bổ nhiệm tổng biên tập các báo đã có sự dịch chuyển. Ngày càng có nhiều tổng biên tập không phải là nhà báo, mà là cán bộ từ các cơ quan chủ quản hoặc có làm trong các cơ quan báo chí nhưng không có nhiều hoạt động báo chí.
"Những người vốn không phải là nhà báo khi nắm cơ quan báo chí chắc chắn sẽ đặt nặng nhiệm vụ tuyên truyền lên trên nhiệm vụ báo chí, cũng như họ sẽ trở nên dễ tuân thủ, phục tùng hơn. Đây là điều hoàn toàn khác thế hệ trước đây, khi mà các tờ báo hàng đầu như Tuổi Trẻ, Thanh Niên… từng có những nội dung được coi là 'nổi loạn trong khuôn khổ'," người này nhận xét.
Nhà báo này dẫn ra trường hợp báo Thanh Niên vào năm 2008 từng có bài "Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính" để phản đối một quyết định khởi tố của cơ quan chức năng. Ông Hoàng Hải Vân, khi ấy là Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, sau này đã chia sẻ trên Facebook rằng vì vụ việc ấy mà ông mất chức.
"Và một cuộc truy bức vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí đã diễn ra. Một loạt các nhà báo bị mất chức, bị thu thẻ nhà báo và một loạt nhiều nhà báo hơn bị cơ quan an ninh triệu tập thẩm vấn. Tại báo Thanh Niên, anh Quốc Phong và tôi bị thẩm vấn nhiều nhất, riêng tôi bị thẩm vấn 13 buổi," ông Hoàng Hải Vân viết.
Theo một quy định mới mà BBC tiếp cận được, các tổng biên tập sẽ không được tái bổ nhiệm nếu bị coi là vi phạm hai lần. Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm kể cả với các phát ngôn của nhân viên trên mạng xã hội. Điều này khiến cho những người đứng đầu các tòa soạn trở nên thủ thế hơn, theo nguyên tắc "an toàn là trên hết". Tinh thần ấy từ tổng biên tập sẽ phả xuống cả tòa soạn, tới mọi biên tập viên, phóng viên.
Với kinh nghiệm làm việc với các nhà báo trong nước, Giáo sư Carl Thayer từ Úc chia sẻ với BBC rằng ông "nhận thức sâu sắc những ràng buộc thực tiễn" mà các nhà báo phải chịu.
"Ví dụ, về những vấn đề nhạy cảm như quan hệ với Trung Quốc và tranh chấp ở Biển Đông, tôi biết rằng họ có thể trích dẫn tôi như một nguồn nước ngoài trong khi chính họ không được phép bình luận về cùng một vấn đề. Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng vì chính quyền cáo buộc tờ báo này trích dẫn sai lời Chủ tịch nước và đăng tải quan điểm làm gây mất đoàn kết dân tộc. Tòa soạn và phóng viên vi phạm các nguyên tắc này có thể bị khiển trách, phạt tiền, sa thải hoặc bị bắt, xét xử và bỏ tù. Điều này dẫn đến một hình thức kiểm soát thứ hai, tự kiểm duyệt của các nhà báo," ông Thayer nhận định.
Trên thực tế, kiểm duyệt chỉ là tầng nấc thứ nhất của kiểm soát báo chí. Điều quan trọng của sự kiểm duyệt là phải tạo được ý thức tự giác ở mỗi người làm báo, tức là tự kiểm duyệt.
Các nhà báo mà phóng viên BBC trao đổi cùng đều cho rằng trình độ của nhà báo "cách mạng" được đánh giá bằng bản lĩnh chính trị, hơn là chuyên môn cao:
"Tự kiểm duyệt là tầng nấc cao nhất của sự kiểm duyệt - điều vốn được coi là ý thức tự giác. Ai có bản lĩnh chính trị cao thì phải tự hiểu cái gì được đăng, cái gì không. Kiểm duyệt thực sự triệt tiêu ý thức và ý chí làm báo đúng nghĩa. Mỗi nhà báo, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo, là một cán bộ, một nhà tuyên truyền. Khi là phóng viên thì có thể chưa nhận rõ điều này, nhưng lên một tầm mức nào đấy, một vài người có ý thức làm báo thực thụ sẽ bắt đầu nhận thấy một cuộc chiến bên trong con người mình, giữa một bên là nghĩa vụ của một nhà báo, một bên là cán bộ tuyên truyền của Đảng," một nhà báo khác chia sẻ.
Nhân ngày 21/06/2023, các cơ quan báo chí VN được nhắc nhở như sau, theo một bài mang tính chính thống trên báo Nhà nước:
"Trong thời kỳ mới, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, trong sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình báo chí, các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế báo chí, nhưng dứt khoát không được sa vào xu hướng tư nhân hóa, thương mại hóa, sa vào nguy cơ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Các cơ quan báo chí và những người làm báo Việt Nam luôn kiên định, vững vàng trước mọi diễn biến phức tạp của tình hình, vượt qua những nguy cơ, thách thức, thực hiện thắng lợi trọng trách vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam."
Xem thêm:
RSF lại chỉ trích tự do báo chí ở Việt Nam, xếp hạng 178/180
Nhận xét
Đăng nhận xét