'Ác mộng khi biết mức độ theo dõi của Facebook'
BBC
Thực sự là tôi chưa bao giờ thuộc tuýp người lo lắng quá nhiều về các thông tin cá nhân của mình trên mạng. Tôi biết rằng đó là điều cần để ý, nhưng cố làm gì đó cụ thể thì quả là việc vô nghĩa.
Tôi 28 tuổi, và dành hầu như cả cuộc đời mình để online. Tôi có tài khoản Hotmail vào năm 10 tuổi, có chiếc điện thoại đầu tiên khi 11 tuổi, và có tài khoản Facebook ở tuổi 16. Tôi hẳn là đã vung vãi thông tin cá nhân khắp nơi (chưa kể là còn cả những tấm ảnh rất xấu hổ chụp đăng lên lúc tôi say xỉn thời đang học đại học).
Nhưng khi tin tức loang ra về việc Facebook đã giao dữ liệu của tới 87 triệu người dùng cho hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica mà không hề cho người dùng biết, và cứ trong 20 người dùng ở Anh thì tin tức nói có một người xóa tài khoản, thì tôi bắt đầu băn khoăn không biết mạng xã hội này nắm được bao nhiêu thông tin về cá nhân tôi.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi quyết định đối diện với dữ liệu về mình, và tải xuống tất cả những gì Facebook nắm giữ về tôi.
Trong những tháng gần đây, mạng xã hội này đã làm cho việc trên trở nên thuận tiện hơn. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm nút 'cài đặt', sau đó là nút 'tiếp cận thông tin về bạn'. Hóa ra trong suốt 12 năm 'xông pha' trên Facebook, tôi đã tạo ra tổng số dữ liệu là 324MB.
Điều này không có ý nghĩa lắm đối với tôi cho tới khi tôi phải mất 40 phút mới tải hết chúng về (để so sánh thì mới đây tôi có tải về một bộ phim dài hai giờ đồng hồ, mất chỉ có 5 phút). Facebook biết về tôi nhiều hơn nhiều so với những gì tôi tưởng.
Sau khi tải xong dữ liệu về, tôi hồi hộp mở file. Cách đơn giản nhất là bấm vào tab 'index', từ đó sẽ kéo ra toàn bộ các thông tin được sắp xếp theo format của Facebook. Nó cho thấy ảnh đại diện của tôi, rồi bên dưới là các tab liệt kê mọi thứ, từ hồ sơ cá nhân cho tới bạn bè, cho tới vấn đề bảo mật.
Tôi bắt đầu từ phần hồ sơ cá nhân, và xem được mọi thứ mà tôi đã đoán được trước: số điện thoại, ngày sinh, trình độ học vấn... Thật kỳ quặc khi nhìn thấy rằng Facebook biết rõ ai là mẹ tôi, ai là anh, là người họ hàng, tuy rằng đó là những thông tin mà hẳn là tôi đã cung cấp cho Facebook.
Bên dưới đó, tôi thấy các trang fanpage và các nhóm mà tôi từng 'thích', từ các trang như 'tìm bạn ở chung nhà' cho tới một nhóm có cái tên rất lạc quan mà tôi không thể nhớ là tôi có từng tham gia hay không, 'HÃY GIẢI QUYẾT CUỘC KHỦNG HOẢNG TÍN DỤNG!' Rồi có rất nhiều các nhóm kiểu như 'Mất điện thoại! Cần số mới' mà mọi người từng mở hồi cuối thập niên 2000.
Trong lúc nghiền ngẫm lại các dữ liệu cá nhân, tôi vẫn cảm thấy khá là bình thản - cho tới khi tôi nhấp chuột vào phần tab 'thông tin liên hệ'. Mở ra trước mắt tôi là một danh sách khổng lồ tên và số điện thoại của rất nhiều người. Họ đều là những người tôi từng lưu giữ thông tin trên điện thoại, nhưng không phải ai cũng đều nằm trong danh sách bạn bè của tôi trên Facebook.
Hẳn là tôi từng tải về ứng dụng Facebook xuống điện thoại và cho phép nó đồng bộ hóa với danh sách liên hệ trên điện thoại của tôi - điều đó có nghĩa là app này đã lấy toàn bộ các thông tin liên hệ có trên điện thoại của tôi. Nó gồm cả những số điện thoại mà tôi đã mất từ nhiều năm trước, và điều này khiến tôi băn khoăn không hiểu liệu có phải nó đã lấy dữ liệu từ rất lâu trước năm 2018, cho nên mới lấy được cả những số điện thoại mà tôi đã mất hay không.
Tôi biết rằng tôi phải chịu trách nhiệm về việc cho phép Facebook đồng bộ hóa với điện thoại của mình từ những năm trước, khi tôi lần đầu tiên tải app này xuống, nhưng vẫn cảm thấy kỳ quặc khi mà Mark Zuckerberg & Co có số điện thoại của bác sỹ phụ khoa của tôi. Có lẽ tồi tệ hơn nữa là tôi nay còn có lại một số số điện thoại của các anh bồ cũ sau khi đã cố tình xóa chúng đi.
Với rất nhiều người, mối quan ngại lớn nhất trong chuyện các mạng xã hội lưu trữ thông tin là những thông tin đó được chuyển cho các hãng chuyên quảng cáo. Cho nên tôi cảm thấy ngạc nhiên một cách dễ chịu khi bấm vào tab 'quảng cáo' và thấy chỉ có một số ít các hãng quảng cáo có thông tin liên hệ của tôi. Đó toàn là các hãng mà tôi đang dùng - Airbnb, Spotify, Uber, Deliveroo, và Uber Eats.
Với tôi, phần tab gây khó chịu nhất là phần 'bảo mật'. Nó cho tôi thấy là tôi đã 'tự khóa' (deactivate) tài khoản vào năm 2010 va 2011, rồi lại làm vậy 15 lần chỉ riêng trong năm 2015 (một năm tôi có nhiều chuyện đau đầu). Nhưng rồi nó còn cho tôi thấy cả địa chỉ IP và ngày giờ mỗi lần tôi vào Facebook kể từ 2009 lại đây. Thật là quái dị, đặc biệt là khi có một số thông tin được ghi nhận với những dòng tin nhắn như 'ước đoán vị trí dựa trên IP' - cho thấy nhất cử nhất động của tôi ở bất kỳ nơi nào tôi đăng nhập Facebook đều bị theo dõi.
Điều này có nghĩa là họ luôn biết tôi đang ở đâu. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ này: tôi cho phép họ biết điều đó. Facebook thu thập thông tin vì hai ly do: một phần là vì vấn đề an ninh và để đảm bảo là không có hoạt động bất thường nào xảy ra đối với tài khoản của tôi, và một phần là để họ 'bán' tôi cho đúng những tin quảng cáo phù hợp. Nếu bạn không muốn chia sẻ thông tin này, bạn cần tới mục 'cài đặt tài khoản' và tắt đi phần 'vị trí'.
Việc nhìn rõ Facebook đã có các dữ liệu này khiến tôi đặt câu hỏi là những thông tin đó vào việc gì.
Tôi hỏi Giáo sư Eerke Boiten - một chuyên gia về an ninh mạng tại Đại học De Montfort - câu hỏi này. Ông giải thích rằng vấn đề chính ở đây không phải là thông tin thực sự chúng ta 'nhận thức được' là ta đang cho đi, giống như khi ta trao cho Uber thông tin cá nhân, hay thậm chí các lượt ta 'thích' trên Facebook hay các cookies theo dõi việc lướt mạng của ta, hay dịch vụ bản đồ Google Maps ghi nhận mọi di chuyển của chúng ta".
Ông nói rằng vấn đề ở đây là việc chúng ta đều bị 'theo dõi' theo các cách thức rất khó phát hiện. "Thậm chí khó nhận ra là việc theo dõi đó đang được thực hiện".
Tôi xem tiếp phần còn lại trong lượng 324MB dữ liệu của mình và cảm thấy ít nhiều kinh tởm về việc tôi đã bị 'bán' hoặc 'không bị bán'.
Có vẻ như mọi thứ đều gồm các ảnh chụp và các video (tuy chỉ gồm các ảnh mà tôi tải lên chứ không gồm hàng trăm ảnh tôi được 'tag' vào), và một lượng lớn đến mức lố bịch những tin nhắn riêng tư, được xếp lộn xộn không theo thứ tự nào. Hầu hết đều là những tin nhắn khiến tôi cảm thấy xấu hổ, không muốn xem lại. Nhưng có một tin đã khiến tôi bật khóc.
Đó là cuộc trò chuyện giữa tôi với một người bạn, người đã mất hai năm trước và tôi thì đã quên bẵng đi việc chúng tôi từng trò chuyện trên Facebook.
Tin nhắn cuối cùng là tôi hỏi về các kế hoạch chung giữa chúng tôi, và anh ấy đáp: "Không vấn đề gì, khi nào tiện thì báo cho tôi biết." Tôi đã không trả lời, và anh ấy qua đời sau đó một tháng. Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi đọc những dòng này.
Tải về các dữ liệu mà Facebook lưu giữ về tôi quả là một trong những điều căng thẳng, đau đớn nhất mà tôi từng làm. Ngay cả khi bấm vào 'dòng thời gian' của mình và quay về thời 2006 khi tôi còn học trung học cũng là chuyện không mấy dễ chịu. Nó cho tôi thấy hồi đó tôi và các cô bạn gái đã từng gọi nhau là 'con chó' và 'đồ của nợ' để tỏ vẻ 'cool', hay bỉ bai lẫn nhau. Cảm xúc ngần ngại tới mức nó khiến tôi muốn trao cho tôi của thuở thiếu thời đó một cái ôm thật chặt và nói rằng hãy đừng cố tỏ ra là cái gì đó không phải là mình.
Thật là cảm giác kinh tởm, và tôi không bao giờ muốn xem lại. Nhưng bởi Facebook đã thật tử tế tổng hợp lại hết vào một thư mục ZIP cho tôi, cho nên nó sẽ còn ở đó mãi mãi. Facebook lưu giữ quá nhiều thông tin về tôi qua năm tháng, và cá nhân tôi có một cảm giác đau đớn hơn, đó là tôi sẽ không bao giờ có thể thoát được khỏi chuyện quá khứ.
Tiến sỹ Ilka Gleibs là giáo sư tâm ly học xã hội tại trường đại học London School of Ecoomics. Bà giải thích rằng việc người dùng Facebook 'cảm thấy bị lừa dối và bị mất phương hướng' là hoàn toàn tự nhiên khi họ đọc các thông tin về vi phạm dữ liệu, khi xét đến lượng thông tin khổng lồ mà mạng xã hội này lưu giữ về cá nhân cũng như những thăng trầm tình cảm của họ.
Từ 'dữ liệu' nghe có vẻ như ta đang nói về các con số, nhưng thật ra là chúng ta đang nói về những mối quan hệ bạn bè, các mối quan hệ tình cảm, ky ức, những cảm xúc vui buồn của chúng ta.
Khi tôi tải về 'dữ liệu', mọi thứ thật rõ ràng và nó khiến tôi lại muốn xóa đi tài khoản Facebook của mình. Nhưng điều đó chẳng có y nghĩa thực sự gì bởi dữ liệu của tôi thì vẫn còn đó.
Thay vào đó, tôi hứa với mình rằng từ nay trở đi, thay vì đăng ky sử dụng các dịch vụ app mới thông qua Facebook (đồng nghĩa với việc những người viết ra app đó có thể tiếp cận vào các dữ liệu Facebook của tôi) thì tôi sẽ làm theo cách dài dòng hơn, và sẽ nhập thực sự các thông tin cá nhân vào mỗi khi tạo một tài khoản mới để dùng các app đó.
Tôi cũng đang nỗ lực tìm cách nhận thức rõ hơn về việc data mà các apps và các tổ chức khác nhau thu thập mỗi khi tôi nhanh chóng nhấn nút 'Đồng y' với các điều khoản và điều kiện của họ, qua đó tôi có thể dùng các dịch vụ như taxi, mua đồ ăn hay mua sắm trực tuyến.
Nếu như vụ bê bối Cambridge Analytica có đem lại điều gì tốt đẹp, thì đó là, như Ilka nói, "nó đã giúp mọi người nhận thức được tác động của dữ liệu trên các mạng xã hội và về cách thức các dữ liệu đó được sử dụng".
Nhận xét
Đăng nhận xét