Tin Biển Đông – 28/06/2018
TQ không nhượng bộ ‘một tấc lãnh thổ’,
Tập nói với Mattis
Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ “một tấc lãnh thổ” trong cuộc họp hôm 27/6.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 27/6 tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lần đầu thăm Bắc Kinh.
Về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, ông Tập phát biểu thái độ của Trung Quốc là “kiên định và rõ ràng, không để mất dù chỉ một tấc đất lãnh thổ do tổ tiên để lại, không mảy may tơ hào lãnh thổ của nước khác”.
Ông Tập nói thêm: “Trung Quốc kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, không đi theo con đường chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa thực dân, càng không gây sự xáo trộn cho thế giới.”
Ông Tập cũng nhấn mạnh: “Lợi ích chung giữa hai nước vượt xa những khác biệt.”
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại cuộc họp được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập tuyên bố “Trung Quốc kiên trì đi con đường phát triển hòa bình, không đi theo con đường chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa thực dân, càng không gây sự xáo trộn cho thế giới.”
Ông Tập nói quan hệ hai quân đội Trung-Mỹ những năm gần đây có thể nói có đà phát triển tốt đẹp, đã làm nhiều việc hợp tác trao đổi.
Về phần mình, ông Mattis nói với báo giới rằng các cuộc hội đàm của ông ở Trung Quốc đã diễn ra ‘rất, rất tốt’.
Mattis nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường truyền thông, quan hệ tin cậy lẫn nhau và “thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội để ổn định quan hệ song phương”, theo Tân Hoa Xã.
Trước khi gặp ông Tập, Mattis đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.
“Mối quan hệ giữa hai quân đội đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ – Trung,” ông Mattis nói.
Ông Ngụy, người là bộ trưởng quốc phòng kiêm ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đáp rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể cùng nhau phát triển nếu tránh đối đầu và cư xử với sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.
Trung Quốc tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông dù bị các nước khác trong khu vực phản đối. Điều này có thể đã dẫn đến việc Bắc Kinh bị loại khỏi cuộc tập trận RimPac do Mỹ dẫn đầu trong mùa hè này.
Việt Nam lo ngại việc Trung Quốc
lắp đặt thiết bị quân sự ở biển Đông
Việt Nam bày tỏ lo ngại việc lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông.
Tuyên bố vừa nêu được ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nêu lên tại phiên họp lần thứ 15 cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông – DOC, hôm 27 tháng 6 năm 2018, tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Cuộc họp do hai ông Khổng Huyễn Hựu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và ông Chee Wee Kiong, Bí thư Thường trực Ngoại giao Singapore, đồng chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện DOC đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, đồng thời bày tỏ lo ngại trước các hoạt động tái tạo đảo, lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị quân sự tại các cấu trúc có tranh chấp ở Biển Đông, đi ngược lại nguyên tắc của DOC, ảnh hưởng bất lợi tới tiến trình đàm phán COC.
Ông Dũng kêu gọi các bên kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình làm ảnh hưởng tiến trình đàm phán COC.
Ngoài ra ông Nguyễn Quốc Dũng cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam là COC cần có hiệu lực thực thi phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982, có tính ràng buộc pháp lý và là công cụ điều chỉnh hành vi của các bên trên biển Đông.
Trước đó, từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 6, cũng đã diễn ra phiên họp lần thứ 24 Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện “Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông – DOC”.
Hiện nay, nhóm 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á- ASEAN đang hy vọng đẩy nhanh việc đàm phán “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông – COC”.
“Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông – DOC” được ký kết vào năm 2002 với cam kết giữ nguyên hiện trạng tại khu vực tranh chấp Biển Đông. Thế nhưng trong mấy năm gần đây, Trung Quốc tiến hành bồi lấp xây nên bảy đảo nhân tạo tại Trường Sa; sau đó tiến hành các công trình hạ tầng kiên cố, đưa các trang thiết bị và vũ khí đến. Hoạt động này bị nhiều nước trên thế giới cáo buộc là Bắc Kinh đang gấp rút quân sự hóa Biển Đông. Mục tiêu bị tố cáo nhằm khống chế tuyến đường hàng hải quan trọng đi qua khu vực biển giàu tài nguyên dầu khí và hải sản này.
Nhận xét
Đăng nhận xét