Vụ áo phông lưỡi bò: 'VN để dành sự giận dữ'

BBC
29 tháng 6 2018

Việt Nam, Trung Quốc Bản quyền hình ảnh Getty Images
Có ý kiến cho rằng Việt Nam làm đúng khi chọn 'để dành' sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông.

'Sự kiềm chế đáng chú ý'

Một bài viết trên Channel New Asia mới đây nhắc đến vụ 'áo phông lưỡi bò' và dường như khen cách giải quyết của Hà Nội.
Mạng xã hội ở Việt Nam từng dậy sóng vì hình ảnh 14 du khách Trung Quốc mặc áo in hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò đang nhập cảnh sân bay quốc tế Cam Ranh hôm 13/5.
Những chiếc áo phông này được mua ở Trung Quốc, cuối cùng bị chính quyền Việt Nam tịch thu.
Tác giả Gary Sands cho rằng khi vụ việc 'áo phông' làm dấy lên vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa hai nước thì Việt Nam đã chọn một con đường lịch thiệp hơn để giải quyết sự việc.
Hà Nội chọn ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chỉ trích công khai rằng 'đây là hành động có tổ chức, được chuẩn bị và sắp xếp với ý định xấu thay vì là hành động ngẫu nhiên, tự phát bởi cá nhân các du khách."
Nhưng giới chức địa phương dường như được Bộ Công an yêu cầu không làm gì vượt quá việc tịch thu vật vi phạm, đối với các vụ việc tương tự trong tương lai.
Một số người Việt Nam phản ứng với cách giải quyết 'nhạt nhẽo' của chính quyền, cho rằng lẽ ra phải trục xuất lập tức các khách vi phạm.
Nhưng Hà Nội có lý do để có cách giải quyết như vậy, theo phân tích của Gary Sands.
Các nỗ lực trong nước có thể giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Nhà triển lãm Hoàng Sa, nơi trưng bày các tài liệu cổ xưa hỗ trợ cho các tuyên bố của Việt Nam, là một ví dụ. Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hơn nữa hỗ trợ từ quốc tế cho các tuyên bố chủ quyền của mình.
Do đó Hà Nội có vẻ hài lòng để cho sự cố áo phông in hình đường lưỡi bò lắng xuống.
Hà Nội có lý khi nhìn nhận sự cố này như một vấn đề ngoại giao nhỏ, và đang chọn 'để dành' sự phẫn nộ của mình cho vấn đề nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa khu vực Biển Đông, tác giả bài báo trên Channel New Asia nhận định.
Trước đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng các ý kiến của học giả Trung Quốc cho rằng Việt Nam thiếu tự tin trong vụ 'áo phông'.
Một vài ý kiến khác cũng trên tờ này nói Việt Nam có thể làm tổn hại các quan hệ song phương nếu cứ tiếp tục thổi phồng hay có những biện pháp hung hăng đối với các du khách Trung Quốc.

'Nên kiểm soát chặt du lịch 0 đồng'

Việt Nam, Trung Quốc Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Khách du lịch Trung Quốc ở Nha Trang
Về mặt du lịch, Gary Sands bình luận rằng Việt Nam có thể kiểm soát chặt hơn để không xảy ra các vụ việc tương tự.
Du khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng số khách quốc tế tới Việt Nam.
Trong khi Việt Nam đón khoảng 1,36 triệu du khách Trung Quốc chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, tăng 42,9 % so với cùng kỳ này năm ngoái, doanh thu mà khách du lịch Trung Quốc đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn là câu hỏi, theo Channel New Asia.
Rất nhiều khách Trung Quốc vào Việt Nam theo các tua du lịch 'không đồng', được dẫn thẳng vào các nhà hàng và khách sạn Trung Quốc. Họ cũng sử đụng đồng yên, ví điện tử và các thiết bị thanh toán lưu động không phép để trốn thuế của Việt Nam.
Cán bộ xuất nhập cảnh có thể hạn chế số lượng khách du lịch Trung Quốc đi theo diện 'không đồng' và trừng phạt nghiêm khắc những người tổ chức tua bất hợp pháp cho khách Trung Quốc.
Đường lưỡi bò đã xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ năm 1947. Năm 2016, tòa trọng tài tại The Hague tuyên bố đường này là bất hợp pháp. Nhưng Trung Quốc phủ nhận phán quyết.
Quần đảo Hoàng Sa bị quân đội Trung Quốc chiếm năm 1974. Năm 1988, quân đội Trung Quốc một lần nữa giao chiến với quân Việt Nam tại Đá Gạc Ma, chiếm các bãi đá và đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?