Sóng ngầm đang khuấy động quan hệ Mỹ-Ấn
Ảnh minh họa: Thủ tướng Ấn Narendra Modi và tổng thống Mỹ Donald Trump nhân cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng, ngày 26/06/2017.Reuters
Nhân chuyến ghé thăm Ấn Độ, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Nikki Haley ngày 28/06/2018 đã lên tiếng nhấn mạnh trên tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Ấn, đồng thời khẳng định rằng cơ chế đối thoại chiến lược cấp cao mà lãnh đạo hai nước đã đồng ý thành lập là một ưu tiên của Washington và sẽ hoạt động càng sớm càng tốt. Tuyên bố trên đây của một nhân vật quan trọng trong chính quyền Donald Trump mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hữu hảo Washington-New Delhi đang bị những quyết định mới đây của tổng thống Mỹ khuấy động.
Phải nói là từ ngày tổng thống Donald Trump lên nắm quyền tại Hoa Kỳ, quan hệ Mỹ-Ấn đã phát triển đáng kể, và vào năm 2017, nhân một cuộc họp thượng đỉnh với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai bên đã quyết định thắt chặt hơn nữa quan hệ bằng cách thiết lập một cơ chế đối thoại chiến lược gọi là 2+2, bao gồm lãnh đạo ngành ngoại giao và quốc phòng của hai nước.
Trên nguyên tắc, vào tháng 4/2018, cơ chế đối thoại này họp phiên đầu tiên, thế nhưng cuộc họp đã bị hủy bỏ do việc tổng thống Mỹ cách chức ngoại trưởng Rex Tillerson. Đối thoại đã được dời lại cho đến ngày 06/07/2018, và chương trình nghị sự cũng đã được chuẩn bị đầy đủ, trong đó có các vấn đề như các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga và Iran, hay các thương vụ vũ khí, và tranh chấp thương mại.
Thế nhưng tối 27/06, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi cho đồng nhiệm Ấn Độ Sushma Swaraj vào để loan báo việc Mỹ hoãn cuộc họp vì những lý do « bất khả kháng ». Lần này, không thấy Mỹ loan báo thời điểm cuộc họp sắp tới.
Cả hai phía đều không cho biết là những lý do « bất khả kháng » mà ngoại trưởng Mỹ nêu lên là gì, nhưng các nhà phân tích đã ghi nhận ít nhất ba điểm bất đồng đang khuấy động quan hệ giữa Washington và New Delhi, đặc biệt sau quyết định của tổng thống Trump tái lập trừng phạt Iran, duy trì trừng phạt Nga, và áp đặt thuế quan trên các mặt hàng nhôm thép nhập vào Mỹ.
Trong lãnh vực vũ khí, Ấn Độ cho đến nay mua rất nhiều vũ khí của Nga, và cũng muốn mua thêm vũ khí của Mỹ. Vấn đề là hiện nay, New Delhi đã gần như hoàn tất cuộc đàm phán mua hệ thống tên lửa phòng không S400 của Nga, điều không làm cho Mỹ hài lòng. Washington đã phản đối thương vụ đó của New Delhi, và đe dọa rằng việc Ấn Độ mua S400 của Nga có thể tác hại tới khả năng hợp tác Mỹ-Ấn trong tương lai.
Một đòi hỏi khác của Hoa Kỳ là Ấn Độ tích cực tham gia vào chiến dịch trừng phạt Iran mà Washington đơn phương khởi động. Điều mà Mỹ không quan tâm là Ấn Độ là một trong những khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran, với lượng mua dầu thô chỉ sau Trung Quốc. Iran là nhà cung cấp dầu cho Ấn Độ lớn thứ 3, chỉ thua Irak và Ả Rập Xê Út.
Chính vì vậy mà bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ như vẫn tiếp tục mua dầu của Iran. Ngày hôm qua, 28/06, một quan chức dầu khí Ấn Độ cho rằng « Ấn Độ chỉ công nhận lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc đưa ra mà thôi ».
Hồ sơ thứ ba liên quan đến các thuế quan mà Mỹ áp đặt trên nhôm và thép nhập vào Mỹ, trong đó có sản phẩm của Ấn Độ. New Delhi đã từng đề nghị Washington cho miễn thuế quan, nhưng vô hiệu. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã quyết định trả đũa trên hàng nhập từ Mỹ.
Ấn Độ, nước nhập khẩu rất nhiều hạnh nhân từ Mỹ, đã nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này thêm 20%. Quyết định tăng thuế từ ngày 04/08 còn áp dụng cho nhiều mặt hàng nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, New Delhi còn đánh thuế 120% trên quả óc chó, động thái rõ ràng là mạnh mẽ đối với Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là Washington sẽ phản ứng ra sao trước các quyết định của New Delhi. Bất chấp các làn sóng ngầm kể trên, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc vẫn tỏ ý tin tưởng là sắp tới đây, Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ sát cánh bên nhau, bằng cách này hay cách khác, vì tương lai ổn định của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và thế giới.
Nhận xét
Đăng nhận xét