Tin khắp nơi – 30/06/2018
Trump: Sẽ nêu việc Nga can thiệp bầu cử với Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/6 loan báo sẽ nêu vấn đề Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ trong cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki, Phần Lan, vào tháng tới.Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một trên đường đến New Jersey, ông cho biết cũng sẽ bàn về các cuộc xung đột ở Syria và Ukraine cùng các vấn đề quốc tế khác với ông Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 16/7.
“Tôi sẽ nói với ông ấy về mọi thứ,” ông Trump nói.
“Chúng tôi sẽ nói về Ukraine. Chúng tôi sẽ nói về Syria. Chúng tôi sẽ nói về bầu cử… chúng tôi không muốn bất cứ ai can thiệp vào bầu cử.”
Nga bác cáo buộc của các cơ quan tình báo Mỹ rằng Moscow đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để tăng triển vọng chiến thắng cho ông Trump.
Sau cuộc gặp ngắn với ông Putin ở Việt Nam nhân dịp APEC 2017, ông Trump đã bị chỉ trích ở Mỹ khi nói rằng ông tin lời ông Putin rằng Nga không can thiệp vào bầu cử.
Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 và các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt để đáp trả và sự can thiệp quân sự của Moscow vào nội chiến ở Syria để hỗ trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad là những lý do chính gây ra căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga.
Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga hay không, ông Trump nói: “Chúng ta phải chờ xem.”
Ông cũng đã đưa ra câu trả lời tương tự khi được hỏi liệu ông có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga hay không. “Chúng ta phải xem Nga làm gì,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-s%E1%BA%BD-n%C3%AAu-vi%E1%BB%87c-nga-can-thi%E1%BB%87p-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-v%E1%BB%9Bi-putin/4460882.html
Tổng thống Trump dự tính công bố lựa chọn
thẩm phán Tối Cao Pháp Viện vào ngày 9 tháng 7
Washington DC- Tổng thống Trump cho biết ông hiện đang phỏng vấn sáu hoặc bảy người để thay thế vị trí thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, dự tính sẽ thông báo lựa chọn thay thế thẩm phán Anthony Kennedy vào ngày 9 tháng 7 tới.Ông Trump cũng sẽ có buổi gặp mặt các ứng cử viên tại một sân golf vào dịp cuối tuần. Theo CBS, trong số các ứng cử viên, có hai thẩm phán là nữ giới. Đài CBS cũng cho biết hai ứng cử viên hàng đầu hiện nay là Thẩm phán Brett Kavanaugh của Tòa kháng án vùng D.C và Thẩm phán Amy Coney Barrett của tòa kháng án số 7. Bên cạnh đó, tổng thống cũng đang cân nhắc về thẩm phán Amul Thapar của Tòa kháng án số 6, và nếu ông Thapar được chọn, ông sẽ trở thành người Mỹ gốc Ấn đầu tiên phục vụ trong Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Vào hôm Thứ Sáu 29 tháng 6, phi cơ Air Force One đã lên đường đến câu lạc bộ golf của ông Trump ở Bedminster, New Jersey. Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, tổng thống Trump từ chối trả lời về khả năng ông đang tìm kiếm một thẩm phán sẵn lòng lật đổ kết quả hợp pháp hóa đạo luật Roe v. Wade, cho phép phá thai tại Hoa Kỳ của Tối cao Pháp Viện năm 1973. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox News, ông Trump lại cho biết “có lẽ” ông sẽ không hỏi các ứng cử viên về cách họ bỏ phiếu cho vụ án.
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos công bố hôm Thứ Sáu, sau tuyên bố nghỉ hưu của Thẩm phán Anthony Kennedy, chiếc ghế trống trong Tòa Tối Cao Pháp Viện sẽ thúc đẩy quyết tâm giành quyền kiểm soát Quốc Hội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa mùa. Theo khảo sát, 90% thành viên Dân Chủ cho biết họ sẽ bầu cho Thượng nghị sĩ Dân Chủ, trong khi đó 81% thành viên Cộng Hòa sẽ bầu cho ứng viên của Thượng viện thuộc đảng Cộng Hòa.
Trong khi đó, nhóm cấp tiến cảnh báo rằng Tòa Tối Cao Pháp Viện có thể sẽ bãi bỏ đạo luật hợp pháp hóa việc phá thai nếu thẩm phán mới thuộc phe bảo thủ. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lại cho thấy kiểm soát súng đạn, y tế và quyền công dân là những vấn đề hàng đầu nên được đưa ra trước tòa. Dù vậy, Hai nhóm cánh tả và cánh hữu đều chú ý tới việc liệu đạo luật Roe vs Wade, hợp pháp hóa việc phá thai có bị xóa bỏ hay không. Theo nhà chiến lược đảng Dân chủ, Joshua Henne, việc phá thai sẽ được quan tâm nhiều hơn sau khi người dân Hoa Kỳ nhận ra sự chuyển giao cán cân quyền lực trong Tòa tối cao Pháp viện.
Theo Reuters, tổng thống Donald Trump và lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đều hy vọng Thượng viện sẽ bầu tân thẩm phán mới trước bầu cử giữa kỳ. Đảng Cộng hòa từng có 51 ghế ở Thượng viện. Tuy nhiên Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã vắng mặt suốt nhiều tháng nay vì căn bệnh ung thư não nên đảng này chỉ giữ 50 ghế. Do đó, nếu toàn bộ thành viên đảng Dân chủ và chỉ cần 1 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống, thì tân thẩm phán của ông Trump sẽ chưa thể thay thế vị trí của thẩm phán Kennedy. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-du-tinh-cong-bo-lua-chon-tham-phan-toi-cao-phap-vien-vao-ngay-9-thang-7/
Nhật đề nghị
Mỹ hợp tác chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đang ở thăm Tokyo vào hôm 29 tháng 6 đã đề nghị Mỹ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực hiện chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở.Ông Abe nói quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật không chỉ mang lại hòa bình và an toàn cho Nhật Bản mà còn là trụ cột hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về phía Mỹ, ông Mattis cho biết Washington luôn coi Nhật là đồng minh ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và bày tỏ mong muốn quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển.
Hãng Kyodo trích một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản vào ngày 29 tháng 6 cũng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ có chuyến công du đến Nhật vào đầu tháng 7 và sẽ gặp Thủ tướng Abe.
Theo dự kiến, ông Ngoại trưởng Mỹ đến Triều Tiên vào tuần sau trước khi đến Nhật Bản vào ngày 7 – 8 tháng 7. Tokyo cũng nêu mong muốn được biết về các cuộc hội đàm giữa ông Pompeo và các quan chức Bình Nhưỡng và khẳng định hợp tác nhằm giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 1970 và 1980.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/japan-proposes-us-strategic-cooperation-india-pacific-06292018114509.html
Mỹ yêu cầu Trung Quốc
duy trì trừng phạt Bắc Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh với Trung Quốc tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các biện pháp cấm vận đối với Bắc Triều Tiên để gây áp lực buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn lùi bước.Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo đã nói chuyện với người đồng cấp Vương Nghị hôm thứ Năm ngày 28/6 và bàn thảo các nỗ lực để ‘đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược’.
Ông Pompeo đã lặp lại rằng Bắc Triều Tiên sẽ có tương lai tươi sáng nếu như họ từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh ‘tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ tất cả các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Bắc Triều Tiên’, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một thông cáo.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng điều này đặc biệt quan trọng để ngăn chặn Bắc Triều Tiên xuất khẩu than bất hợp pháp và nhập khẩu dầu tinh chế qua con đường chuyển từ tàu này sang tàu khác vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có cuộc gặp chưa từng có với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hôm 12/6 để thuyết phục ông từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hồi tuần trước đã hối thúc Bắc Kinh tiếp tục các biện pháp trừng phạt và cho rằng biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc giờ đây ‘đang trở nên lỏng lẻo đi một chút’.
Các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng những nỗ lực giao thiệp với Bình Nhưỡng của quốc tế có thể khiến cho các lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Trong tuần này, ông Pompeo đã nói trước một phiên điều trần tại Thượng viện rằng ông đã nhìn thấy việc lùi bước ‘một chút’ của Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là bạn hàng thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên. Ông đã cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh trên vấn đề Bắc Triều Tiên thậm chí khi ông đang đe dọa phát động một cuộc chiến thương mại lớn với Trung Quốc.
“Chúng tôi đã nhận thấy Trung Quốc không thực thi kiểm soát ở khu vực xuyên biên giới gắt gao như họ đã làm cách nay 6 hay 12 tháng,” ông Pompeo nói.
Hồi tháng Tư, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa hàng chục tàu và công ty vận chuyển vào danh sách đen vì đã giúp Bắc Triều Tiên buôn lậu dầu và than, trong số đó có năm công ty đặt ở Trung Quốc.
Hôm 27/6, hãng tin Kyodo của Nhật cho biết Tokyo đã cảnh báo cho Liên Hiệp Quốc về một hoạt động chuyển hàng từ tàu này sang tàu kia xảy ra vào ngày 21/6, trong đó có một tàu chở dầu của Bắc Triều Tiên, trên Biển Hoa Đông.
Ông Pompeo cũng đã nói chuyện với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm thứ Năm ngày 28/6 để thảo luận các biện pháp kế tiếp trong việc can dự với Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Họ nói rằng hai bên đồng ý về việc cần thiết phải duy trì áp lực cho đến khi Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Cũng trong ngày 28/6, tờ Financial Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết ông Pompeo dự định sẽ đi Bắc Triều Tiên vào tuần tới, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận.
Hồi tuần trước, ông Pompeo nói rằng ông có thể sẽ quay trở lại Bắc Triều Tiên ‘trước khi quá lâu’ để tìm cách cụ thể hóa những cam kết đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore.
Ông Trump đã bị các phân tích gia an ninh chỉ trích vì đã đồng ý một thỏa thuận chung với ông Kim Jong-un mà không nói rõ khi nào và làm sao Bắc Triều Tiên, vốn đã bác bỏ việc giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương, sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-y%C3%AAu-c%E1%BA%A7u-trung-qu%E1%BB%91c-duy-tr%C3%AC-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn/4460880.html
Tình báo Mỹ :
Bắc Triều Tiên vẫn phát triển nhiên liệu hạt nhân
Thu HằngCác cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Bắc Triều Tiên không hề ngừng sản xuất nhiên liệu nguyên tử dù mở cửa đối thoại với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa. Thông tin được đài truyền NBC đưa ra trong một phóng sự phát vào ngày 29/06/2018.
Phóng sự của đài NBC, được phát hôm 29/06/2018, khẳng định còn quá sớm để nói rằng Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa hạt nhân như tổng thống Donald Trump từng tuyên bố.
Phóng sự của NBC căn cứ vào năm nguồn tin Mỹ, theo đó một số nguồn tin cho biết Bình Nhưỡng đã mở rộng thêm việc sản xuất uranium được làm giầu trong những tháng vừa qua, song song với việc mở đối thoại với Mỹ. Một trong số các nguồn tin này còn khẳng định với NBC là « có rất nhiều bằng chứng cho thấy rõ là Bắc Triều Tiên đang tìm cách lừa Mỹ ».
Được Reuters liên lạc, cơ quan tình báo Mỹ CIA từ chối bình luận phóng sự của đài NBC, còn bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết không có thẩm quyền và không có ý định bình luận về các hồ sơ liên quan đến tình báo.
Ngoại trưởng Mỹ : Trung Quốc phải tiếp tục trừng phạt Bắc Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – sẽ đến Bình Nhưỡng vào tuần tới – đã điện đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị hôm 28/06/2018 và nhấn mạnh đến « tầm quan trọng phải tiếp tục áp dụng hoàn toàn mọi nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc liên quan đến Bắc Triều Tiên ». Đặc biệt trong việc ngăn ngừa Bình Nhưỡng xuất khẩu than bất hợp pháp, hoặc nhập khẩu dầu lửa bằng các tầu bè bị Liên Hiệp Quốc ngăn cấm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180630-tinh-bao-my-bac-trieu-tien-van-phat-trien-nhien-lieu-hat-nhan
Canada trả đũa thuế Mỹ
Canada phản công lại thuế nhôm và thuế thép của chính quyền Donald Trump hôm thứ Sáu ngày 29/6 với lời đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên 12,63 tỷ đô la hàng hóa Mỹ cho đến khi Washington đấu dịu.Thông báo của Ngoại trưởng Chrystia Freeland đánh dấu quan hệ giữa hai nước láng giềng và hai đối tác thương mại xuống một mức thấp mới. Quan hệ hai nước đã trở nên ngày càng căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền vào đầu năm 2017.
Các biện pháp thuế quan của Canada sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7 và phần lớn nhắm vào các sản phẩm nhôm và thép của Mỹ nhưng cũng sẽ được áp lên các mặt hàng thực phẩm như cà phê, nước sốt và rượu whisky, theo danh sách do Bộ Tài chính Canada đưa ra.
“Chúng tôi sẽ không leo thang và chúng tôi sẽ không lùi bước,” Ngoại trưởng Freeland nói với các phóng viên tại nhà máy của công ty Stelco Holdings Inc ở thành phố thép Hamilton của tỉnh Ontario.
Chính quyền Trump đang nghiên cứu có nên đánh thuế xe hơi Canada hay không mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ đẩy nền kinh tế Canada vào suy thoái. Ngoại trưởng Freeland gọi ý tưởng này là ‘cực kỳ điên khùng’.
Sứ quán Mỹ ở Ottawa nói họ không có bình luận ngay lập tức.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói rằng các mức thuế này được đưa ra một phần là để ngăn thép giá rẻ vào Mỹ thông qua ngõ Canada và các nước khác.
Các quan chức Mỹ cũng đã liên kết việc đánh thuế này với tiến triển chậm chạp của các cuộc đàm phán để hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà ông Trump cho là thảm họa và cần phải được thay đổi.
Bà Freeland cho biết bà mong chờ các cuộc thương thảo về NAFTA sẽ đi vào giai đoạn tăng cường sau cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào ngày 1/7.
https://www.voatiengviet.com/a/canada-tr%E1%BA%A3-%C4%91%C5%A9a-thu%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9/4460867.html
Mỹ chấm dứt 70 năm hiện diện quân sự
ở thủ đô Hàn Quốc
Mỹ đã chính thức chấm dứt bảy thập niên hiện diện quân sự tại thủ đô của Hàn Quốc hôm thứ Sáu với một buổi lễ đánh dấu việc khai trương một tổng hành dinh mới xa hơn khỏi tầm bắn đạn pháo của Triều Tiên.Việc di dời bộ tư lệnh tới Camp Humphreys, khoảng 70 km về phía nam Seoul, diễn ra giữa lúc căng thẳng mới bắt đầu lắng dịu trên bán đảo Triều Tiên, dù việc di dời đã được lên kế hoạch từ lâu. Hầu hết binh sĩ đã được chuyển đến địa điểm mới và Mỹ cho biết những binh sĩ còn lại sẽ rời đi vào cuối năm nay.
Quân đội Mỹ trước đây đặt trụ sở tại khu Yongsan ở trung tâm Seoul kể từ khi quân đội Mỹ đến đây lần đầu tiên vào cuối Thế chiến thứ hai. Đơn vị đồn trú Yongsan là một biểu tượng của liên minh Mỹ-Hàn nhưng việc nó chiếm một vị trí đắc địa cũng là nguồn cơn gây nên xích mích.
Nằm ở thành phố cảng Pyeongtaek ở phía tây và gần một bãi đáp máy bay của Mỹ, bộ tư lệnh mới có diện tích 1.420 hectare, tiêu tốn 11 tỉ đôla để xây dựng và là căn cứ lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Hàn Quốc đã thanh toán khoảng 90 phần trăm chi phí.
Việc di dời nằm trong một kế hoạch rộng lớn của Mỹ nhằm tái bố trí 28.500 binh sĩ và các căn cứ của họ tại Hàn Quốc vào hai trung tâm chính: một ở Pyeongtaek và một ở thành phố Daegu ở phía đông nam. Các quan chức Mỹ nói họ muốn dọn ra khỏi các khu vực đông dân cư và cải thiện hiệu năng và tính sẵn sàng chiến đấu.
Nó cũng di dời các lực lượng Mỹ ra khỏi tầm bắn của hàng trăm khẩu pháo của Triều Tiên nhắm vào khu vực đô thị Seoul, mặc dù Camp Humphreys nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí mới hơn, như súng 300 mm mà Triều Tiên hé lộ vào năm 2015.
https://www.voatiengviet.com/a/my-cham-dut-70-nam-hien-dien-quan-su-o-thu-do-han-quoc/4460611.html
NATO : Mỹ nghiên cứu việc rút quân khỏi Đức
Thu HằngBộ Quốc Phòng Mỹ đang nghiên cứu chi phí cho việc rút quân hoặc chuyển đi số quân nhân Mỹ đang đóng tại Đức, bản doanh lớn nhất của Mỹ ở ngoài lãnh thổ. Thông tin được nhật báo Washington Post công bố ngày 29/06/2018.
Khả năng thứ nhất là hồi hương một số lượng lớn quân nhân Mỹ, khoảng 35.000 quân nhân đang hoạt động. Khả năng thứ hai là chuyển toàn bộ hoặc một phần lực lượng quân đội Mỹ tại Đức sang Ba Lan. Vacxava là một đồng minh chính trị của tổng thống Trump và thường được ông đưa ra làm gương vì đã đạt được mục tiêu dành 2% ngân sách cho quốc phòng.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin ẩn danh của Washington Post, công việc nghiên cứu hiện mới chỉ trong phạm vi nội bộ. Cả hai phát nghiên viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nhà Trắng cũng như của bộ Quốc Phòng Mỹ đều bác bỏ thông tin trên và khẳng định « luôn sát cánh với Đức và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ».
Đức là nơi đồn trú của lực lượng quân sự Mỹ từ Thế Chiến II và trở thành cơ sở cho các chiến dịch của Mỹ ở châu Phi và Trung Đông.
Tổng thống Mỹ trách các thành viên NATO thiếu đầu tư
AFP nhắc lại, ý định rút quân đã được tổng thống Donald Trump nêu lên trong một cuộc họp với các lãnh đạo quân sự Mỹ. Chủ nhân Nhà Trắng cũng đã gửi thư đe dọa đến 7 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Đức và Tây Ban Nha, để nhắc lại cam kết dành 2% GDP cho chi phí quốc phòng từ nay đến năm 2024.
Theo tổng thống Mỹ, Washington phải đóng góp quá nhiều cho ngân sách của NATO. Còn Berlin đã thông báo sẽ không thể thực hiện được lời hứa ngân sách của mình, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Mỹ từ vài tháng nay.
Ý định rút quân cũng khiến các thành viên NATO ở châu Âu quan ngại, vì không hiểu tổng thống Mỹ thật sự nghiêm túc hay muốn gây sức ép, trước thềm thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra tại Bruxelles trong hai ngày 11 và 12/07.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180630-nato-my-nghien-cuu-rut-quan-khoi-duc
Nga tố đài truyền hình Pháp France 24
vi phạm luật truyền thông
Anh VũNhư để trả đũa lại cảnh cáo của cơ quan quản lý truyền thông Pháp đối với chi nhánh đài truyền hình Nga RT tại Pháp, hôm qua 29/06/2018, Cơ quan kiểm soát truyền thông Nga tố cáo kênh truyền hình quốc tế của Pháp France 24 vi phạm luật truyền thông Nga.
Trong một thông cáo chuyển cho AFP, cơ quan quản lý truyền thông liên bang Nga Roskomnadzor cho biết đã “xác định đài France 24 vi phạm điều 19.1 luật truyền thông Nga”.Cơ quan này cảnh báo kênh truyền hình Pháp có thể sẽ bị tư pháp Nga ra quyết định đình chỉ hoạt động.
Kênh truyền hình đối ngoại Pháp France 24 phát bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp trên hệ thống truyền hình cáp tại Nga. Thông cáo của cơ quan quản lý Nga yêu cầu đài Pháp phải có thông tin phản hồi ngay về “các biện pháp để chấm dứt sai phạm”.
Tuy nhiên phát ngôn viên của France 24 hôm qua cho biết không nhận được gì từ các cơ quan chức năng Nga tại Pháp cũng như từ Nga, đồng thời nhấn mạnh France 24 vẫn luôn tôn trọng pháp luật của những nước mà đài có chương trình phát sóng.
Cảnh cáo trên của cơ quan Roskomnadzor được đưa ra một hôm sau khi Hội Đồng Nghe Nhìn Cấp Cao Pháp (CSA) cảnh cáo hoạt động của chi nhánh kênh truyền hình Nga RT tại Pháp.
RT là một kênh truyền hình được cho là cơ quan tuyên truyền phục vụ Kremlin.
Nga vẫn thường xuyên bị các nước phương Tây tố cáo sử dụng các hãng truyền thông như RT và Sputnik tung tin giả, đưa tin đồn không có cơ sở gây mất ổn định.
Hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga đã có phản ứng gay gắt về những cáo buộc của phương Tây. Trang web của bộ Ngoại Giao Nga lập một mục riêng liệt kê những “tin giả” nhằm vào Nga. Hiện mục này đã kê ra khoảng sáu chục bài viết của các báo Times of London, New York Times và nhật báo Pháp Le Monde.
http://vi.rfi.fr/phap/20180630-nga-to-dai-truyen-hinh-phap-france-24-vi-pham-luat-truyen-thong
Pháp: 10 lâu đài cất rượu nho
của một tập đoàn Trung Quốc bị kê biên
Anh VũAFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Tư Pháp của vùng Bordeaux, Pháp hôm qua 29/06/2018 cho biết, trong năm nay 10 lâu đài rượu nho thuộc tập đoàn kinh tế đa ngành Trung Quốc, Hải Xương (Haichang) trong vùng rượu vang nổi tiếng Bordeaux đã bị nhà chức trách Pháp kê biên vì bị nghi ngờ có gian lận.
Theo AFP, từ nhiều năm qua, 24 lâu đài trồng nho cất rượu của tập đoàn Hải Xương mua tại Pháp, chủ yếu trong vùng Bordeaux, đã nằm trong tầm ngắm của các nhà điều tra Pháp. Tập đoàn tư nhân Trung Quốc này hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ vận tải biển, bất động sản đến công viên giải trí, đã mua các lâu đài trên với tổng giá trị khoảng 55 triệu euro.
Cảnh sát Tư pháp Bordeaux cho biết: “Trong 10 lâu đài, chúng tôi đã phát hiện một số vi phạm như rửa tiền, gian lận thuế, giả mạo giấy tờ… Trong quý II năm 2018 chúng tôi đã cho tịch biên những lâu đài mà cách thức mua bán bất hợp pháp”. Nguồn tin này nhấn mạnh là các vi phạm như vậy diễn ra tại Pháp.
Từ năm 2014, cơ quan chức năng Pháp đã chú ý đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn Hải Xương khi có thông tin tập đoàn được cấp vốn Nhà nước Trung Quốc để mua công nghệ nước ngoài, nhưng tập đoàn này đã dùng số tiền trên để tậu các lâu đài trồng nho ở Pháp.
Trong khi chờ đợi kết quả điều tra tiếp theo, 10 lâu đài trồng nho bị tịch biên không bị ngừng hoạt động nhưng nhưng mọi giao dịch bị đình chỉ.
Theo báo chí Pháp, trong những năm qua, người Trung Quốc đã mua khoảng 160 lâu đài rượu nho trong tỉnh Gironde, chiếm 3% diện tích trồng nho của vùng Bordeaux.
Hồ sơ của vụ việc đã được chuyển lên cơ quan công tố quốc gia chuyên về tài chính tại Paris.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180630-phap-10-lau-dai-cat-ruou-nho-cua-mot-tap-doan-trung-quoc-bi-ke-bien
Lãnh đạo thế giới dùng Facebook như thế nào?
Facebook hiện đang là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với hơn hai tỷ người sử dụng tính tới đầu năm nay.Chính vì vậy không ít nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bắt đầu sử dụng Facebook như một cách để kết nối với người dân của chính họ, và cũng như với thế giới.
Vậy các nhà lãnh đạo thế giới dùng Facebook như thế nào?
Campuchia: Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen
‘Ác mộng khi biết mức độ theo dõi của Facebook’
Nghiên cứu công bố vào tháng Ba năm nay của hãng Burson-Masteller dựa trên 650 trang cá nhân hoặc chính thức của các chính trị gia và các tổ chức cho thấy vài kết quả thú vị.
Bảng xếp hạng 2017
Hình ảnh được yêu thích nhất là tấm hình Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cầu nguyện ở ngôi đền Lingaraj xây dựng từ thế kỷ 11 với 1,1 triệu tương tác.
Bỏ qua {socialnetworki} tin bởi Narendra Modi
Cuối Facebook tin bởi Narendra Modi
Video được xem nhiều nhất là của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với video “Thông điệp cho các nhà nghiên cứu, doanh nhân khởi nghiệp, kĩ sư đang làm về vấn đề biến đổi khí hậu”. Video 1’30s này được xem 29,1 triệu lần.
Video trực tiếp được xem nhiều nhất là bài phát biểu toàn quốc hàng tuần của Tổng thống Donald Trump hôm 28/1, đăng trên trang chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ, với hơn 5,1 triệu lượt xem.
Ngày cũng càng nhiều nhà lãnh đạo thế giới sử dụng Facebook Live stream để trao đổi trực tuyến trực tiếp với người theo dõi họ và không ngần ngại trả lời các câu hỏi.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, là một trong số ít chính trị gia, tiến hành một buổi hỏi đáp trực tuyến qua Facebook Live.
Bài đăng nhận được nhiều phản ứng ‘Trái tim’ nhất là hình ảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau chào đón người tỵ nạn Syria đến Canada với hơn 164,605 trái tim.
Bài đăng nhận được nhiều phản ứng ‘Giận dữ’ nhất là buổi Facebook Live của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro với 92.165 phản ứng.
Bài đăng nhận được nhiều phản ứng ‘Bật cười’ nhất là bài của Tổng thống Trump về ông Kim Jong-un hồi 12/11/2017 với hơn 156.000 phản ứng ‘Cười’
“Tại sao Kim Jong-un lại sỉ nhục tôi bằng cách gọi tôi “già” trong khi tôi CHƯA BAO GIỜ gọi anh ta “lùn và mập”. Tôi đã rất cố gắng để làm bạn của anh ta – và có lẽ một ngày nào đó điều đó sẽ xảy ra!”
Bài đăng nhận được nhiều phản ứng ‘Ngạc nhiên’ nhất là bài đăng cảnh báo Cơn bão Irma với “kích thước rất lớn, có lẽ lớn hơn tất cả những gì chúng ta từng thấy. Hãy giữ an toàn và tránh khỏi đường đi của nó. Chính quyền Liên bang đã sẵn sàng, và chúng tôi đồng hành CÙNG BẠN!!”
Bài đăng nhận được nhiều phản ứng ‘Buồn bã’ nhất là tuyên bố của Thủ tướng Cananda Justin Trudeau sau vụ xả súng ở một tòa thờ Hồi giáo ở Thành phố Quebec, với hơn 59.000 phản ứng.
Ai là người được yêu thích nhất?
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: 43 triệu lượt yêu thích
Tống thống Mỹ Donald Trump: 23 triệu
Nữ hoàng Rania của Jordan: 16 triệu
Thủ tướng Campuchia, Samdech Hunsen: 9 triệu
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: 8,9 triệu
Tổng thống Indonesia Joko Widodo: 8 triệu
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi: 7 triệu
Thủ tướng Canada Justin Trudeau: 5 triệu
Tuy nhiên cần phải chỉ ra rằng Tổng thống Modi có lợi thế hơn hẳn vì tỷ lệ dân số Ấn Độ áp đảo so với các nước khác. Tần suất đăng Facebook của ông Trump cũng cao hơn ông Modi 5 lần, dẫn đến lượng tương tác cao gấp đôi ông Modi kể từ đầu 2017, khi ông Trump bắt đầu nhậm chức.
Hầu hết các chính trị gia trên thế giới đều có một đội ngũ truyền thông đăng bài thay trên Facebook, nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ.
Như tân Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, thường thay phát sóng trực tiếp trên Facebook từ nhà của bà và Tòa nhà Thủ tướng hay thậm chí là ở trong ô tô, để cập nhật với những người theo dõi về những quyết định mới nhất của chính phủ và trả lời các câu hỏi trực tiếp.
Hay như Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen, người từng live stream trên Facebook trong lúc…ăn pizza khi trở về nhà sau một ngày dài làm việc.Cấp dưới của ông, Ngoại trưởng Anders Samuelsen còn thân thiện hơn, khi ông cũng hay đăng các tấm hình chụp selfie, hay video lúc ông đứng hát Dancing in the Moonlight cùng một nhóm bạn trẻ.
Ở Việt Nam, trang Thông tin Chính Phủ, tự mô tả là “Cập nhật kịp thời các thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới người dân” có khoảng 220.000 lượt yêu thích.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-44653805
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền:
“Hun Sen là nhà độc tài quân sự”
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trở thành ‘một nhà độc tài quân sự hoàn toàn’ với sự hỗ trợ đắc lực của các tướng lĩnh quân đội và cảnh sát, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết trong một bản phúc trình được công bố hôm thứ Năm ngày 28/6.Với tựa đề ‘12 người bẩn thỉu của Campuchia: Quá trình vi phạm nhân quyền lâu dài của các tướng lĩnh của Hun Sen’, bản phúc trình dài 213 trang cho thấy mức độ kiểm soát cá nhân của ông Hun Sen đối với lực lượng quân đội và cảnh sát thông qua danh sách 12 quan chức an ninh cấp cao vốn ‘tạo thành xương sống của một chế độ chính trị chuyên chế và đàn áp’.
Bản phúc trình được đưa ra trong bối cảnh Campuchia sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử 5 năm một lần vào tháng Bảy mà nhiều khả năng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen lãnh đạo sẽ tiếp tục chiến thắng để đảm bảo cho ông thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng nữa sau khi ông đã có những hành động đàn áp các lãnh đạo đối lập và đỉnh điểm là giải tán Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) hồi năm ngoái.
Nhiều người trong số 12 tướng lĩnh này, trong số đó có Tướng Pol Saroeun, tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang hoàng gia Campuchia và Tướng Neth Savoeun, tư lệnh cảnh sát tối cao của Campuchia, đều từng phục vụ trong quân đội Khmer Đỏ cùng với bản thân Hun Sen.
Mỗi người trong số các tướng lĩnh này có được địa vị cao và chức vụ béo bở như hiện nay là nhờ vào các liên hệ chính trị và cá nhân với Hun Sen trong vòng trên dưới hai thập niên qua, theo thông cáo báo chí của HRW. Theo đó, ông Hun Sen đã tạo dựng được nền cai trị chuyên chế của mình bằng cách cất nhắc các tướng lĩnh dựa trên lòng trung thành của họ đối với ông.
“Thay vì phục vụ dân chúng, những tướng lĩnh này lại đi bảo vệ cho sự cai trị của ông Hun Sen vốn đã cầm quyền được 33 năm,” thông cáo viết và cho biết mỗi người trong số họ đều thể hiện sự sẵn sàng vi phạm nhân quyền cho Hun Sen.
HRW còn cho rằng mặc dù phục vụ trong chính quyền với mức lương chính thức khá khiêm tốn nhưng các tướng lĩnh này ‘đã gom được một lượng tài sản kếch xù không rõ nguồn gốc’.
“Qua nhiều năm, ông Hun sen đã tạo dựng và phát triển thành phần chủ chốt của các tướng lĩnh an ninh vốn thực thi mệnh lệnh của ông ta một cách bạo lực và tàn nhẫn,” ông Brad Adams, giám đốc Á châu của HRW, được dẫn lời nói.
“Tầm quan trọng của các tướng lĩnh này đã trở nên càng rõ ràng hơn trước cuộc bầu cử vào tháng Bảy khi họ tiến hành đàn áp các nhà báo, các đối thủ chính trị và những người phản đối chính phủ và vận động công khai cho Hun Sen,” ông nói thêm.
Bản báo cáo tường trình lại trách nhiệm của 12 tướng lĩnh cao cấp này trong các vi phạm nhân quyền ở Campuchia từ cuối những năm 1970 cho đến nay.
Mặc dù các quan chức này có trách nhiệm pháp lý hành động vì lợi ích của quốc gia thay vì đảng phái và phải thực thi chức trách một cách trung lập và không thiên vị nhưng tất cả họ lại ‘hành động mang tính đảng phái công khai’, theo HRW.
Theo đó, tất cả các tướng lĩnh này đều là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng CPP và do đó họ phải thực thi tất cả các chính sách của Đảng. Điều này, theo HRW, là mâu thuẫn với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế vốn đòi hỏi các quan chức không được có thái độ đảng phái khi thực thi chức trách và không được thiên vị đảng này so với đảng kia.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết từ lâu họ đã theo dõi và ghi lại những vi phạm nhân quyền quá mức của chính quyền Hun Sen. Theo đó, trong hơn ba thập niên, hàng trăm các nhà báo, các nhân vật đối lập, các lãnh đạo công đoàn và những người khác đã bị sát hại. Mặc dù trong nhiều trường hợp những kẻ đứng sau những vụ việc này ‘là các thành viên của lực lượng an ninh’, nhưng ‘không có trường hợp nào mà chính quyền thực hiện điều tra và truy tố một cách đáng tin cậy, nói gì đến kết tội thủ phạm’ và trong một số trường hợp, ‘những kẻ ra tay bị truy tố còn cấp trên ra lệnh cho họ lại không hề hấn gì’.
Ngoài ra lực lượng an ninh Campuchia còn ‘bắt giữ tùy tiện, đánh đập, quấy rối và đe dọa nhiều người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động nhân quyền, các nhà hoạt động công đoàn hay đấu tranh về quyền lợi đất đai, các blogger và những người khác bày tỏ quan điểm trên mạng’.
“Không có nhà độc tài nào vươn tới hay trụ trên đỉnh quyền lực mà không có sự hỗ trợ của những con người tàn bạo khác,” ông Adams nói và nhắc lại việc nhóm tướng lĩnh trụ cột này của Hun Sen cũng không thêm đếm xỉa gì đến nền dân chủ hay tính đa nguyên chính trị cũng giống như Hun Sen trong suốt 33 năm cầm quyền của ông.”
“Cũng như ông chủ của họ, các viên tướng này cần phải được chỉ mặt đặt tên và phải chịu trách nhiệm cho nhiều tội ác của họ.”
Hun Sen làm Thủ tướng Campuchia từ năm 1985. Kể từ năm 2015, ông trở thành chủ tịch của Đảng CPP. Sau khi Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi năm ngoái, giờ đây ông Hun Sen nằm trong số năm nhà lãnh đạo chuyên chế tại vị lâu nhất trên thế giới.
HRW cho biết ông Hun Sen công khai tạo dựng sự sùng bái cá nhân cho ông ấy, trong đó có việc đặt tên ông cho hàng trăm trường học mà nhiều trường trong số này được xây bằng tiền của các nhà tài trợ. Hun Sen tự gọi mình là ‘tướng năm sao vĩnh viễn’ trong khi danh hiệu chính thức của ông là ‘Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen’ vốn dịch ra nghĩa đen là ‘Tư lệnh tối cao vĩ đại được tán dương huy hoàng của quân đội chiến thắng vinh quang’.
“Hun Sen thật sự đã trở thành một nhà độc tài quân sự hoàn toàn, điều mà ông ấy hy vọng có thể che giấu với màn bầu cử vào tháng Bảy vốn sẽ không hề tự do hay công bằng,” tờ Guardian dẫn lời ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á của HRW, nói.
“Điều mà bản phúc trình này cho thấy là cội rễ quân sự vốn định hình chế độ của Hun Sen,” ông Robertson nói. “Ở mỗi bước đi trong những năm nắm quyền, Hun Sen đã tìm cách tập trung sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông ấy và với sự hỗ trợ của 12 tướng lĩnh nguy hiểm này.”
Bên cạnh quân đội và cảnh sát, Hun Sen còn có một lực lượng cảnh vệ – một lực lượng quân sự do cá nhân ông điều khiển vốn chỉ có 60 người vào giữa những năm 1990 phát triển lên thành 23.000 lính vào năm 2015, Guardian dẫn lời ông Lee Morgenbesser, một chuyên gia về các chế độ chuyên chế ở đông nam Á, cho biết.
Sự đàn áp của chính phủ Hun Sen diễn ra khi ông lo sợ phe đối lập dành được quá nhiều sự ủng hộ trong dân chúng trong thời gian sắp đến bầu cử và sự đàn áp này diễn ra thuận lợi với thay đổi của bối cảnh quốc tế.
Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào Campuchia nằm trong dự án ‘Một vành đai, Một con đường’ của họ và Bắc Kinh sẵn sàng hậu thuẫn cho chế độ chuyên chế của Hun Sen. Bắc Kinh đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử vào tháng Bảy tới sẽ diễn ra ‘tự do và công bằng’.
Trong khi đó, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền ở những quốc gia như Campuchia hay Việt Nam như dưới thời của Tổng thống Barack Obama, ông Lee Morgenbesser nói thêm.
“Nói một cách đơn giản, chính quyền này của Mỹ không quan tâm đến dân chủ và nhân quyền ở đông nam Á và điều đó là tiền đề để cho Hun Sen gia tăng đàn áp,” Morgenbesser nói. “Cuộc chơi giờ đây đã thay đổi. Ông Hun Sen gần như không cần phải giả vờ chính danh trong cuộc bầu cử sắp tới đối với Mỹ – chẳng ai còn quan tâm nữa.”
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-theo-d%C3%B5i-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-hun-sen-l%C3%A0-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BB%99c-t%C3%A0i-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1-/4460870.html
Hun Sen bổ nhiệm con trai
làm tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt
Thụy MyHôm nay 30/06/2018 con trai cả của ông Hun Sen đã được bổ nhiệm hai chức vụ cao cấp trong quân đội, vào lúc thủ tướng Cam Bốt đang tìm cách mở rộng quyền lực gia đình.
Trung tướng Hun Manet, con trai đầu của ông Hun Sen được thăng chức tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt, đồng thời phụ trách Bộ Tổng tham mưu. Năm nay 40 tuổi, ông Hun Manet tốt nghiệp trường võ bị West Point, vẫn tiếp tục là người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của bộ Quốc Phòng, và sẽ được thăng lên tướng bốn sao cho tương xứng với chức vụ mới.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt, Chhum Socheat nói với AFP là sự thăng chức này dựa trên năng lực, chứ không phải do là con thủ tướng. Ông nói : « Chẳng có gì lạ cả, sự thăng tiến này dựa trên phẩm chất và kinh nghiệm trong quân đội của ông Hun Manet ».
Thủ tướng Hun Sen, 65 tuổi, cầm quyền từ 33 năm qua, là một trong những nhà lãnh đạo trị vì lâu nhất thế giới, rất nhiều lần khẳng định sẽ tại vị trong một thập niên nữa. Ông bị cáo buộc xây dựng một đế chế chính trị, khi bổ nhiệm ba người con trai vào các chức vụ quan trọng.
Được biết con trai thứ hai của thủ tướng Hun Sen là Hun Manith hiện đang là người đứng đầu lực lượng tình báo quân đội vốn rất nhiều quyền hành, và con trai út Hun Many là dân biểu, lãnh đạo phong trào đoàn thanh niên của đảng cầm quyền.
Trong đợt này, nhiều lãnh đạo quân đội được điều chuyển, như tư lệnh lực lượng quân cảnh Sao Sokha trở thành tư lệnh không quân. Hai người khác là Pol Saroeun và Kun Kim đã rời chức vụ quân đội để ứng cử Quốc Hội trong kỳ bầu cử ngày 29/7 tới. Cả hai đồng minh trên của ông Hun Sen đều nằm trong số 12 tướng lãnh bị Human Rights Watch tuần này tố cáo phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
Đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen được cho là sẽ thắng lớn trong kỳ bầu cử tới, vì đảng đối lập chính đã bị giải thể.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180630-hun-sen-bo-nhiem-con-trai-lam-tu-lenh-quan-doi-hoang-gia-cam-bot
World Cup 2018: Pháp-Achentina,
trận knock-out đầu tiên của 2 kẻ về nhì
Anh VũVào lúc 14 giờ (giờ quốc tế) chiều nay, 30/07/2018, trên sân vận động thành phố Kazan, đương kim á quân châu Âu Pháp và đương kim á quân thế giới Achentina gặp nhau trong trận cầu đầu tiên của vòng 1/8 Cúp bóng đá thế giới Nga 2018.
Vượt qua vòng bảng không mấy khó khăn nhưng thi đấu thiếu thuyết phục, đội quân của huấn luyện viên Didier Deschamps bước vào trận đấu một mất một còn với một đội tuyển Achentina rời rạc, vừa thoát hiểm lách qua cửa hẹp vào vòng 1/8. Hơn bao giờ hết, người Achentina tiếp tục đặt trọn niềm tin vào thần đồng Lionel Messi. Trong khi người Pháp trông chờ sự bùng nổ của dàn sao gồm những Paul Pogba, Antoine Griezmann, Kylian Mbapé.
Nhìn vào chỉ số thống kê các lần hai đội gặp nhau trong quá khứ, ưu thế có vẻ như nghiêng về đội bóng Nam Mỹ. Nhưng nhìn vào lực lượng và lối chơi hiện tại, tuyển Pháp được đánh giá cao hơn.
Chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui từ Sài Gòn nhận định về trận bán kết đầu tiên của World Cup 2018:
http://vi.rfi.fr/phap/20180630-world-cup-2018-phap-achentina-tran-knock-out-dau-tien-cua-2-ke-ve-nhi
Nhận xét
Đăng nhận xét