Tại sao cuộc Cách Mạng Mùa Hè ở Việt Nam sẽ thành công?

Các ông có thể bỏ tù những nhà cách mạng, nhưng không thể bỏ tù cuộc cách mạng.”
Huey Newton 

Nguyễn Quốc Khải
Voice of America (VOA)
26-6-2018


Cuộc biểu tình tại Sài Gòn, 10-6-2018
 
Trong hai tuần vừa qua ở Việt Nam đã bùng lên nhiều cuộc biểu tình lớn tại Hà Nội, Saigon, và nhiều thành phố khác. Những người đi biểu tình đã trương lên nhửng biểu ngữ và hô lên những khẩu hiệu chống Luật Đặc Khu Kinh Tế nhắm cho thuê đất một thời gian rất dài lên đến 99 năm và Luật An Ninh Mạng nhắm kiểm soát việc sử dụng các mạng thông tin hầu tiêu diệt quyền tự do ngôn luận.  Một vài biểu ngữ và bích chương kêu gọi dân chống lại chế độ cộng sản. 
 
Những cuộc biểu tình này, lớn chưa từng thấy kể từ khi CSVN lên nắm quyền cai trị đất nước từ 1975, đánh dấu khởi đầu của một cuộc cách mạng Mùa Hè ở Việt Nam. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy rằng cuộc cách mạng dân chủ này có nhiều hi vọng thành công. Như chúng ta sẽ thấy trong bài phân tách này, cuộc Cách Mạng Mùa Hè 2018 ở Việt Nam khác với cuộc cách mạng Mùa Hè 1989 tại Trung Quốc, mặc dù cả hai có cùng một mục tiêu giống nhau: chống nô lệ độc tài, xây dựng tự do dân chủ. 
 
Tại sao cuộc Cách Mạng Mùa Hè ở Trung Quốc thất bại?
 
Cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Quốc bắt đầu với những cuộc biểu tình của sinh viên vào cuối năm 1986 và đầu năm 1989 vì sự bất mãn với tình trạng tham nhũng lớn lao và lan rông ở cấp cao trong chính phủ, con cái những viên chức này được hưởng nhiều đặc ân, ngân sách thiếu hụt kinh niên, nạn lạm phát đáng kể (40% - 50% hàng năm), và chênh lệch giầu nghèo quá lớn trong xã hội.   Cuộc cách mạng này bùng nổ lớn vào ngày 17-4-1989 khi khoảng 600 giáo sư và sinh viên đến đặt vòng hoa tại Quảng Trường Thiên An Môn để tưởng niệm cố Tổng Bí Thư Cộng Sản Trung Quốc Hu Yaobang, một người chủ trương cải cách, vừa qua đời trước đó hai ngày. Nhiều sinh viên khác đã kéo đến tham dự ngày càng đông trong bẩy tuần lễ liên tiếp. Đoàn người biểu tình đòi hỏi chánh quyền đánh giá lại di sản của Ô. Hu Yaobang, các viên chức chánh quyền phải kê khai lương bổng và tài sản, bãi bỏ chánh sách kiểm duyệt báo chí, tăng lương cho những nhà trí thức, và tăng ngân sách quốc gia về giáo dục.
 
Chánh quyền lên án những cuộc biểu tình, ban bố tình trạng khẩn trương và ra lệnh thiết quân luật vào ngày 20-5-1989. Tuy nhiên những biện pháp này không những vô hiệu mà còn làm tăng sự ủng hộ của dân chúng đối với sinh viên. Ngoài ra cuộc viếng thăm Trung Quốc của Chủ Tịch Nga Xô Mikhail Gorbachev trùng hợp vào thời gian này làm tăng khí thế của sinh viên. Sau cùng bực bội đối với cuộc biểu tình kéo dài, bị làm nhục và lo sợ ngày càng nhiều người ủng hộ phong trào dân chủ, vào ngày 3 và 4, tháng 6, 1989 Ô. Deng Xiaoping, mặc dầu đã về hưu nhưng vẫn sử dụng quyền lực ở hậu trường, theo phe cứng rắn, ra lệnh cho quân đội với 250,000 binh sĩ, hàng trăm xe tăng và xe bọc sắt vây Quảng Trường Thiên An Môn và bắn vào sinh viên để giải tán đám biểu tình ôn hòa. Trước đó, hàng trăm sĩ quan cao cấp trong quân đội đã viết thư cho Thủ Tướng Trung Quốc Li Peng từ chối không điều động quân để giết sinh viên.

Cuộc biểu tình ở công trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, 3-6-1989. 

Một trong những lý do chính làm cho cuộc Cách Mạng Mùa Hè 1989 tại Trung Quốc thất bại là vì phong trào dân chủ không tiếp cận tới được giới nông dân và được khối lượng người rất lớn này hưởng ứng. Mặc dù nông dân quan tâm đến nạn tham nhũng lan rộng khắp nơi, lợi tức suy giảm, và tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng, nông dân Trung Quốc, một giai cấp rất nghèo, hài lòng với cải cách kinh tế bắt đàu từ 1979 do Ô. Deng Xiaoping khởi xướng.  Phần lớn những người tham dự biểu tình ở Bắc Kinh là sinh viên, giáo chức và một số công nhân trong thành phố. Cuộc biểu tình ở Bắc Kinh được ủng hộ của hàng triệu người ở 80 thành phố, nhưng vẫn thiếu vắng khối nông dân.  Những người lính bắn vào đám đông sinh viên từng là những nông dân.
 
Sinh viên Trung Quốc chủ trương đấu tranh bất bạo động vì không đủ lực lượng đối phó với quân đội. Mặt khác sinh viên e ngại rằng bạo động sẽ là cái cớ để chính quyền đàn áp và tin tưởng rằng những sự khác biệt với nhà cầm quyền hiểu biết có thể giải quyết một cách ôn hòa. Sinh viên tổ chức biểu tình tuần hành với 10,000 người đạp xe đạp và tuyệt thực vào lúc Chủ Tịch Xô Viết Mikhail Gorbachev đến Bắc Kinh. Chính cuộc tuyệt thực đã kích động và lôi kéo công nhân thành phố nhập cuộc.
 
Khối sinh viên là những người ủng hộ dân chủ, nhưng không có ai là chính thức là người người lãnh đạo. Bên trong nôi bộ khối sinh viên có những khác biệt về chiến lược và tư tưởng. Giữa các nhóm sinh viên nẩy sinh ra những va chạm, đặc biệt giữa Bộ Chỉ Huy ở Quảng Trường Thiên An Môn và Liên Hiệp Đoàn Kết Sinh Viên Đại Học Tự Trị. Ngoài ra, về sau có một vài nhóm riêng biệt khác tham gia phong trào, nhưng độc lập với khối sinh viên, như trí thức, ký giả, công nhân, nên việc phối hợp chiến lược càng trở nên khó khăn. 
 
Theo hai sử gia về xung đột bất bạo động Gene Sharp và Bruce Jenkins, cuộc biểu tình ở Quảng Trường Thiên An Môn cho chúng ta hai bài học chiến lược: (1) Chiếm cứ một địa điểm cụ thể dù mang ý nghĩa quan trọng luôn luôn là một rủi ro đối với những người biểu tình. Tôi hoàn toàn đồng ý về nhận xét này. Chiếm cứ một địa điểm thì dễ nhưng giữ được là rất khó. Nó sẽ trở thành một mục tiêu cố định để chánh quyền dễ dàng tấn công và giải tán; (2) Thất bại trong việc động viên những người trong chánh quyến nhưng bất hợp tác với chánh quyền, bao gồm nhân viên dân sự, quân đội, cảnh sát, công nhân trong ngành viễn thông và chuyên chở.
 
Mặc dù, cuộc Cách Mạng Mùa Hè 1989 ở Trung Quốc thất bại, nhưng ngọn lửa cách mạng vẫn cháy trong tim những người ưa chuộng tự do ở Trung Quốc. Cuộc Cách Mạng Mùa Hè ở Trung Quốc gây ra chấn động trên toàn thế giới, đặc biệt là trong khối cộng sản. Cuộc cách mạng này đã giúp những cuộc cách mạng khác ở Đông Âu thành công và không đổ máu, ngoại trừ ở Romania.
 
Tổng Thống Nga Xô Mikhail Gorbachev tử chối gửi quân đội Nga giúp các nước Đông Âu dẹp loạn. Lãnh tụ cộng sản Đông Đức Erich Honecker chủ trương dùng giải pháp Công Trường Thiên An Môn để dẹp biểu tình tại Leipzig và Đông Bá Linh, nhưng đã bị chính những cố vấn, kể cả Bộ Trưởng Công An Erick Mielke, can ngăn ví “không thể đánh đập hàng trăm ngàn người”. Kết quả là Bức Tường Bá Linh xụp đổ vào ngày 9-11-1989 và 11 tháng sau nước Đức thống nhất.
 
Tại sao cuộc cách mạng Mùa Hè ở Việt Nam sẽ thành công?

Cuộc biểu tình của người Việt tại thủ đô Warszawa, Ba Lan, 17-6-2018.

Ngắn gọn, cuộc Cách Mạng Mùa Hè ở Việt Nam, đã bắt đầu từ 10-6-2018, có nhiều lợi điểm so với cuộc Cách Mạng 1989 ở Trung Quốc để thành công.
 
Thật vậy, những cuộc biểu tình trong hai tuần vừa qua tại nhiều tỉnh lớn, nhỏ ở Việt Nam cho thấy một điều rất thích thú là những người tham gia thuộc mọi lớp tuổi và giới tính: già, trẻ, lớn, bé, đàn ông, đàn bà, thuộc mọi giai cấp trong xã hội: thanh niên, học sinh, sinh viên, các bà nội trợ, công nhân, tu sĩ, dân oan bị cướp đất, nghệ sĩ, những người bình thường trong xã hội. Những cuộc biểu tình ở Bình Thuận gồm toàn dân địa phương, phần lớn sống về nghề đánh cá. Điều này chứng tỏ rằng chế độ CSVN hiện nay đã gây chiến với toàn bộ dân Việt. Có những nơi toàn bộ nhà thờ gồm hàng ngàn người kéo nhau đi biểu tình một cách trật tự và ôn hòa. Họ vừa đi vừa hát:
 
“Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…”
 
Một cuộc biểu tình nhỏ bao gồm khoảng 30 công dân bình thường, gồm cả nam và nữ, thuộc Quân 12 của Hà Nội, mặc cùng một loại áo chui đầu mầu lá mạ, đến trước dinh thự của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng biểu tình một cách ôn hòa, trật tự, nhưng ồn ào. Họ nói vọng vào trong dinh rằng “Tham nhũng nhiều quá làm mất nước Bác Trọng ơi”, “Trả tài sản, trả nhà cho dân, Bác Trọng ơi”, “Bác vô tâm vô cảm với dân”, “Cứu dân, cứu nước Bác Trọng ơi”, “Chánh quyền Quận 12 cướp hết tài sản của dân rồi, Bác Trọng ơi.” An ninh đồng phục và thường phục có mặt, ngăn cản không cho dân đến sát hàng rào, nhưng không giải tán đám đông theo những hình ảnh thu nhận được trong hơn 11 phút.
 
Một điều rất đáng chú ý chưa bao giờ xẩy ra trong thời gian gần đây là những cuộc biểu tình này không có ai lãnh đạo cả. Một lý do rất giản dị là CSVN đã bắt giam vào trong tù gần 200 tù nhân lương tâm. Những người đã từng tranh đấu, hết hạn tù, đều bị công an canh gác không cho ra khỏi nhà hoặc thậm chí khóa cửa từ bên ngoài để nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đó là trường hợp của LS Lê Thị Công Nhân.
 
Nhân dân tự động kết hợp cùng nhau tham gia biểu tình. Có những cuộc biểu tình dài đến hơn một cây số. Tại sao những người dân bình thường lại có thể làm nên phép lạ đến như vậy? Chính những vũ khí ác độc chính quyền trao cho người dân tạo nên phép lạ này. Họ đã động đến nọc của toàn dân Việt Nam khi đưa ra Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu Kinh Tế. Luật An Ninh Mạng nhắm bịt miệng dân để bảo vệ đảng, bảo vệ những kẻ tham nhũng. Chính Ông Nguyễn Phú Trọng đã phải xác nhận như thế. Luật Đặc Khu Kinh Tế nhắm cho Tầu thuê đất 99 năm ở ba vị trí chiến lược của Việt Nam: Vân Đồn, Bắc Văn Phong và Phú Quốc.


Biểu tình của dân oan mất đất mất ruộng.
 
Đối với toàn dân Việt Nam, trong và ngoài nước, Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp. Trước những hành động bán nước cầu vinh của CSVN liên tiếp từ khi có Mật Ước Thành Đô 1990 đến nay, trước sự bất lực của CSVN đối với việc lấn chiếm lãnh hải của Việt Nam và chém giết ngư dân Việt ở Biển Đông, dân Việt Nam không thể chấp nhận được sự ươn hèn của các nhà lãnh đạo CSVN.  Chính nguy cơ mất nước cho giặc Tầu, Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ hai, làm cho toàn thể dân Việt vùng dậy, đoàn kết chống ngoại xâm. Cuộc Cách Mạng Mùa Hè 1989 tại Trung Quốc không có yếu tố cực kỳ quan trọng này.
 
Cho đến nay, chánh quyền CSVN đã không ra lệnh giải tán những cuộc biểu tình ôn hòa. Tuy nhiên họ cho công an mặc thường phục trà trộn trong các đoàn biểu tình, theo dõi những người “lãnh đạo”, bắt giữ và đưa những người này về đồn công an để đánh đập và ép cung.  Tuy nhiên biện pháp hèn hạ và bất hợp pháp này chỉ làm cho dân chúng căm giận thêm và nhìn chánh quyền và công an như những công cụ của Trung Quốc. 
 
Một yếu tố vô cùng thuận lợi khác mà cuộc Cách Mạng Mùa Hè 1989 tại Trung Quốc không có là phương tiên truyền thông tiến bộ như ngày nay với Facebook, YouTube, Internet, điện thoại di động. Mọi người trên thế giới có thể liên lạc với nhau trong nháy mắt, nói chuyện nửa vòng trái đất không tốn một xu. Đặc biệt với YouTube, người ta có thể thấy đầy đủ những cuộc biểu tình ở Việt Nam. Nói chung các mạng xã hội là một yếu tố thuận lợi cho cuộc cách mạng mà cách đây ba thập niên chưa có. Cũng chính vì lý do này mà CSVN đưa ra Luật An Ninh Mạng.
 
Cuộc cách mạng nào mà không cần tiền vì người cần làm biểu ngữ, in truyền đơn, mua loa phóng thanh, điện thoại, chi phí di chuyển, … CSVN không những trù dập những người đấu tranh cho tự do dân chủ, mà chúng còn trả thù cả những người trong gia đình, làm cho mất việc làm, không cho con cái đi học, … Việc chuyển tiền ngày nay khá dễ dàng. Có nhiều tổ chức và cá nhân hải ngoại và ở ngay trong nước đã chuyển tiền về để yểm trợ cho những gia đình bị CSVN đầy đọa, những nhà tranh đấu cho tự do và công bằng xã hội và những nạn nhân bị công an đánh đập.
 
Nếu nhìn vào đám đông biểu tình chúng ta sẽ không thể nhận ra ai thuôc giới nghệ sĩ. Nhưng không có sự tham gia của nghệ sĩ sẽ không có cách mạng. Họ thuộc một trong sáu người cần để khởi đầu cho bất cứ một cuộc cách mạng nào: (1) Nhà hoạt động; (2) Trí thức; (3) Nghệ sĩ; (4) Người trong cuộc biết rõ guồng máy cai tri; (5) Thành viên ưu tú bất mãn trong xã hội; và (6) Quần chúng.
 
Giới nghệ sĩ đã đóng đóng góp rất nhiều cho cuộc Cách Mạng Mùa Hè đã bắt đầu ở Việt Nam. Ảnh hưởng của khối nghệ sĩ này rất to lớn nhưng có thể chúng ta chưa chú ý đến. Tôi muốn nói sự đóng góp vô cùng quý báu của các nhạc sĩ Việt Khang, Trúc Hồ, Nguyệt Ánh, Phan Văn Hưng, Việt Dũng, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Đức Quang, Trầm Tử Thiêng, Anh Bằng, Trần Huân, Kiên Thanh. Những bài hát cách mạng đã phá vỡ sự vô cảm của nhiều người Việt và động viện lòng yêu nước của hàng triệu người. Một số bài hát này gồm Việt Nam Tôi Đâu, Trả Lại Cho Dân, Tôi Vẫn Mơ Một Ngày Về, Chúng Đi Buôn, Đáp Lời Sông Núi, Dậy Mà Đi, Phải Lên Tiếng, Triệu Con Tim, Hát Cho Ngày Saigon Quật Khởi, Thề Không Phản Bội Quê Hương, … Chúng ta đã nghe thấy những người biểu tình đã hát một số bài này.
 
Ngoài ra, chúng ta còn thấy nhiều bài thơ đầy cảm súc sáng tác trong thời gian gần đây để kích động lòng yêu nước, ca ngợi cách mạng như Tổ Quốc Lâm Nguy và Xuống Đường Đi của Trần Quốc Bảo, Ngủ của Thùy Dung, Hãy Chụp Hình Giùm Tôi của Trần Văn Lương. Khi đang viết bài này tôi cón nhận được một câu ca dao đầy ý nghĩa dưới đây của Phong Trào Dân Trị:
 
Đánh cho chết thói cuồng ngông,
Đánh cho chúng biết đàn ông nước nhà,
Đánh cho chết thói gian tà,
Đánh cho chúng biết đàn bà nước Nam.
 
Ngược lại, phe chính quyền cộng sản không sản xuất được một bài hát nào, câu thơ nào hay một bích chương trong thời gian gần đây để ca ngợi chế độ độc tài cộng sản hay thiên đường XHCN. Rõ ràng họ đang thua đậm trên mặt trận dân vận và văn hóa.


 
Một điều đáng ca ngợi là những người biểu tình đã mang nhiều bích chương và biểu ngữ rất chuẩn mực, trình bầy sáng sủa và đẹp đẽ. Điều này làm tăng sức mạnh của biểu tình. Tuy nhiên những cuộc biểu tình còn thiếu những biểu ngữ và bích chương bằng tiếng Anh (ngoại ngữ phổ thông nhất hiện nay) để vận động sự hỗ trợ của thế giới bên ngoài. Phải có người có đầu óc họa sĩ và hiểu biết về Photoshop mới làm được những bích chương mỹ thuật và ý nghĩa. Trong đó phải kể đến những bích chương như (1) Nó cấm lên mạng thì ta xuống đường, (2) Cho thuế đất 99 năm là bán nước, (3) Phản đối lưỡi bò Trung Quốc, (4) Không đặc khu, không Trung Quốc, (5) An ninh mạng thế giới, an ninh mạng Việt Nam, (6) Hãy dậy đi hỡi đồng bào ơi, (7) Cây dù không làm chính trị, (8) Luật An Ninh Mạng – Vietnam Cybersecurity Law.  
 
Luật Đặc Khu Kinh Tế và An Ninh Mạng chỉ là những điểm và là ngòi nổ. Diện là cuộc cách mạng dân chủ. Hiện nay cuộc Cách Mạng Mùa Hè của Việt Nam còn thiếu một biểu hiệu cho mục tiêu cách mạng chung: dân chủ, tư do, no ấm, công bằng xã hội.  Trong khi chờ đợi, một số người đã dùng cờ ngũ sắc do LM Nguyễn Văn Lý khởi xướng.
 
Cuộc nổi dậy của dân Việt ở trong nước đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người Việt khắp nơi ở nước ngoài. Nhiều cuộc biểu tình chống CSVN đã diễn ra ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Ba Lan, Na Uy, Nhật, Đài Loan, Đại Hàn, và Phi Luật Tân. Chưa bao giờ người ta chứng kiến hiện tượng phản kháng chế độ CSVN lớn lao như vậy.
 
Môi trường chính trị ở Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho cuộc cách mạng dân chủ. Về mặt nội bộ, Đảng CSVN đã rạn nứt thành nhiều nhóm khác nhau về quyền lợi, chứ không phải vì lý tưởng. Họ còn lý tưởng nào đâu để mà khác biệt. Guồng máy chính trị ngày càng phình to ra, trở nên nặng nề và tốn kém. Chế độ CSVN tin rằng nếu nuôi dưỡng được guồng máy này, đảng sẽ vĩnh viễn tồn tại, nhưng họ quên rằng chỉ có dân mới bảo vệ được đảng mà thôi. Cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, trước thềm Hội Nghị Trung Ương 6 đã tuyên bố phải cách mạng bộ máy chính trị, không có đường lùi. Bộ máy đã trì trệ, chưa nói đến con người. Không ít người toàn ngồi chơi không.
 
Ngân sách quốc gia phải dành ra 82.1% để trả lương cho viên chức, cán bộ, quân đội và khoảng 5 triệu đảng viên cộng sản.  Phần còn lại khoảng 17.9% dành cho đầu tư phát triển. Tuy vậy, vì quá nhiều người trong sổ lương của nhà nước, ngân sách quốc gia chia ra cho họ không đủ sống, nên mạnh ai “kiếm chác” thêm bên ngoài, tạo ra tham nhũng.  Chính quyền thỉnh thoảng lại tăng thuế, bắt dân vô tội è cổ ra nuôi bộ máy chính trị gồm cả 205 tướng công an để đàn áp dân. Bất công ngày càng chồng chất.
 
Về mặt quốc tế, giản dị là chế độ CSVN hiện nay bị cô lập từ mọi phía. Những lãnh tụ CSVN với âm mưu bán nước cầu vinh, đã nhượng bộ, chịu nhục với Trung Quốc nhiều lần khiến dân Việt tức giận và bất mãn, nhưng vẫn chưa làm hài lòng một đồng chí tham lam. Nga đã bỏ rơi Việt Nam khi tuyên bố ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông. Hai nước kế cận là Campuchia và Lào đều theo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Kể từ ngày Ô. Nguyễn Phú Trọng ra lệnh cho bắt cóc Ô. Trịnh Xuân Thanh ở Đức, uy tín của Việt Nam xuống dốc thê thảm đối với thế giới, đặc biệt là Âu Châu.  Việt Nam chỉ còn một đồng minh thân thiết duy nhất là Cuba. Nhưng quốc gia này không thể tự lo cho chính họ nói chi là giúp Việt Nam, ngoại trừ cho phép những lãnh tụ Việt Nam đến tị nạn chính tri khi có biến. Mỹ xem ra sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nhưng với những điều kiện khó nuốt đối với những lãnh tụ đang sa cơ thất thế là tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.


 
Lịch sử cho thấy rằng những lãnh tụ độc tài ít khi nào chịu nhả quyền hành và lợi ích đang nắm trong tay. Do đó những cuộc cách mạng khó có thể kết thúc trong hòa bình. Nhưng vào lúc tuyệt vọng, cuộc thương thuyết cuối cùng có thể đưa đến thay đổi nhanh chóng như trường hợp của cựu Tổng Thống Eduard Shevarnadze của Georgia, nguyên tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Georgia, đã đồng ý từ chức trong một cuộc Cách Mạng Mầu Hồng ôn hòa vào 2003. Lịch sử gần đây cho thấy đây không phải là trường hợp ra đi ổn thỏa duy nhất.
 
So sánh cuộc Cách Mạng Mùa Hè cùa Việt Nam với một vài cuộc cách mạng ở Á châu và Trung Đông


 
Tại Nam Dương sau 32 năm cầm quyền, gia đình của Tổng Thống Muhammad Suharto và những bạn bè thân thuộc trở nên rất giầu có trong khi đó những người từng ủng hộ ông trước đây và đa số dân ngày càng nghèo. Nạn tham nhũng và khủng hoảng kinh tế Á châu 1997-1998 làm chánh phủ Suharto ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân. Sau khi Ô. Suharto tuyên bố “tái đác cử” thêm một nhiệm kỳ nữa vào tháng 3, 1998, những cuộc biểu tình liên tiếp bùng lên ở nhiều nơi. Xung đột giữa cảnh sát và dân làm hơn 1,000 người bị chết nhưng các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng. Ô. Suharto phải từ chức vào cuối năm 1998 sau khi các tướng Nam Dương bảo đảm cho ông về hưu an toàn. Theo Transparency International, Suharto là một người tham nhũng nhất thế giới trong lịch sử cận đại. Ông đã biển thủ khoảng 15-35 tỉ Mỹ kim trong thời gian cầm quyền.
 
Tunisia vào đầu thập niên 2010 là một quốc gia nghèo, với nạn thất nghiệp cao, giá thực phẩm cao, tham nhũng lan rộng và không có tự do dân chủ. Dân chúng đã nhiều lần biểu tình phản đối chính phủ. Sau cùng, một người nghèo tên là Mohammed Bouazizi, 26 tuổi, bán rau để nuôi gia đình gồm 8 người tại thành phố Sidi Bouzid, cách thủ đô khoảng 300 cây số. Anh ta không có giấy phép hành nghề, bị cảnh sát tịch thu xe rau và đánh đập. Bouazizi đến trụ sở hành chánh thành phố để than phiền và đòi lại rau, nhưng không được tiếp nên đã tự thiêu ngay trước trụ sở vào ngày 17-12-2010 vì quá uất ức. Tổng Thống của Tunisia là Ô. Ben Ali đã đến bệnh viện thăm Bouazizi vào ngày 28-12 để làm dịu các cuộc biểu tình. Bouazizi đã qua đời vào ngày 4-1-2011.
 
Tai nạn này khích động hàng ngàn người đã ra đường ở nhiều nơi để phản đối chánh phủ trong nhiều ngày. Dân chúng xô xát với cảnh sát. Một số ít người bị chết hoặc bị thương. Dân chúng phá ngục giải thoát các tù nhân chính trị. Khi các tướng của Tunisia từ chối không bắn vào đám đông, Tổng Thống Ben Ali quyết định chạy trốn ra khỏi Tunisia vào ngày 14-1-2011 và sau đó tị nạn tại Saudi Arabia. Sau biến cố này, Tusisia trở thành một nước dân chủ, đa đảng với những cuộc bầu cử tự do. Cuộc cách mạng 2011 ở Tunisia kích động nhanh chóng toàn thế giới Ả Rập, đưa đến cuộc cách mạng tại Ai Cập từ 25-1 dến 11-2-2011, cuộc cách mạng tại Lybia từ 15-2 đến 23-10-2011 và cải tổ chính trị ở nhiều nước khác.  Báo chí quốc tế gọi đây là “Mùa Xuân Ả Rập”.
 
Cuộc cách mạng ở Ai Cập bắt đầu vào 25-1-2011. Ngày này được nhiều nhóm thanh viên sinh viên chọn để cho trùng hợp với Ngày Cảnh Sát Công An hầu gây chú ý đến sự tàn bạo của họ trong những năm gần đây dưới chánh quyền của Tổng Thống Hosni Mubarak. Những người biểu tình đòi chấm dứt sự hung ác của cảnh sát công an, bãi bỏ luật tình trạng khẩn cấp, giải quyết nạn tham nhũng, thất nghiệp và lạm phát giá thực phẩm, bất công xã hội, chấm dứt chế độ độc tài, phục hồi các quyền tự do.
 
Chánh quyền Mubarak thiết lập giờ giới nghiêm nhưng vô hiệu quả vì cảnh sát và quân đội không thi hành được do dân chúng bất tuân lệnh. Hàng triệu người tham gia biểu tình ôn hòa tại thủ đô Cairo, Alexandria và ở hầu hết các thành phố chính trên khắp nước. Những nghiệp đoàn lao động tổ chức đình công để yểm trợ cuộc cách mạng. Khi đám người biểu tình bị cảnh sát cản trở, xô xát giữa đôi bên đã xẩy ra và làm ít nhất 846 người thiệt mạng và trên 6,000 người bị thương. Những người chống đối đốt cháy 90 đồn cảnh sát trên khắp nước để trả thù. Chưa đầy một tháng, vào ngày 13-2-2011, Ô. Mubarak từ chức.
 
Những lý do căn bản để xẩy ra những cuộc cách mạng gần đây xẩy ra ở Á châu hay Trung Đông đều giống như Việt Nam hiện nay. Những người biểu tình và chánh quyền CSVN nên học hỏi những kinh nghiệm này để máu càng đổ ít bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Máu dành để chống giặc Tầu.  Cố Tổng Thống John F. Kennedy có nói “Những kẻ làm cho cuộc cách mạng ôn hòa không xẩy ra, sẽ làm cho cuộc cách mạng bạo động không thể tránh được.
 
Kết luận


 
Tóm tắt lại, dù mới bắt đầu chưa có tổ chức, chưa có phối hợp, khí thế đã lên cao, cuộc Cách Mạng Mùa Hè của Việt Nam xem ra khởi sắc, mạnh mẽ và trật tự và có nhiều lợi điểm hơn hơn cuộc Cách Mạng mùa Hè 1989 ở Trung Quốc.
 
Leon Trotsky, nhà cách mạng Nga và lý thuyết gia Marxist, từng nói rằng “Nếu nghèo khổ là nguyên nhân của những cuộc cách mạng, sẽ luôn luôn có những cuộc cách mạng.” Theo tôi điều này chỉ đúng một phần vì đa số người dân trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay đều nghèo. Yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ những cuộc cách mạng là những bất công xã hội, một phần thể hiện qua sự chênh lệch giầu nghèo quá mức ngay trong ranh giới một quận huyện, một thành phố hay một quốc gia. Việt Nam đang chứng kiến hiện tượng hiển nhiên này gây ra bởi chính những người từng nhận mình thuộc giai cấp vô sản chuyên chính.  Thật là cay đắng. Đã tới lúc một cuộc cách mạng phải bùng nổ, sớm hay muộn.
 
Việt Nam có tất cả những thành tố căn bản của một cuộc cách mạng tiêu biểu: bất công xã hội, tham nhũng từ trên xuống dưới, giai cấp đảng viên cán bộ giầu có trong khi dân bình thường nghèo khổ, không có tự do dân chủ, dân làm nô lệ cho chánh quyền, nhân quyền bị trà đạp, hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị giam cầm. Nông dân bị cướp đất, ngư dân bị cướp biển, mất phương tiện sinh sống. Sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Công an tự do bắt dân, đánh đập dân thoải mãi, bất kể đến pháp luật. Dân không biết cầu cứu ai, phải vùng lên tự cứu mình và con cháu.
 
CSVN xưa nay vẫn dựa vào hai nguyên tắc kinh điển của Vladimir Lenin để cai trị dân bằng võ lực và dối trá: (1) “Một người có súng có thể kiểm soát được 100 người không có” và (2) “Lời nói dối lập đi lập lại nhiều lần sẽ thành sự thật”.  Tình trạng ở Việt Nam bây giờ xem ra còn tồi tệ hơn Tunisia và Ai Cập bẩy năm trước.
 
Một cuộc cách mạng thường được khởi xướng bởi thanh niên sinh viên, được sự tham gia đông đủ và mạnh mẽ của trí thức, nghệ sĩ, công nhân, nông nhân và sau cùng kéo theo quân đội, cuộc cách mạng đó sẽ thành công. Trường hợp cách mạng Việt Nam đặc biệt và mạnh hơn vì có nhiều vị tu sĩ trong và ngoài nước tham gia và lãnh đạo tinh thần. Che Guevara, một nhà cách mạng Marxist, nói “Cách mạng không phải là trái táo, khi chín sẽ rụng xuống. Chúng ta phải làm cho nó rụng.”


Cuộc biểu tình ở hải ngoại ủng hộ cuộc cách mạng chống độc tài tại quốc nội.
 
Tham khảo:
 
1. Bital Ahmed, “The 1989 Comparison”, Souciant, February 27, 2013.
2. Mark Almond, “How Revolutions Happen: Patterns from Iran to Egypt”, BBC, February 14, 2011.
3. Christopher Amacker, “Why Did Communism Survive in China but Not in the USSR?”, Webster University, Geneva, November 17, 2010.
4. Neal Conan, Shadi Hamid, Simon Schama, “The Elements of a Successful Revolution,” NPR, February 7, 2011.
5. Lester R. Kutz, “The Chinese Pro-Democracy Movement 1987-1989,” George Mason University, October 2010.
6. Sara Robinson, “6 People You Need to Start a Revolution,” Alternet, April 12, 2012.
7. Gene Sharp and Bruce Jenkins, “Non-Violent Struggle in China: An Eyewitness Account”, 1989.
8. Mark Thompson, “To Shoot or Not to Shoot – Post Totalitarism in China and Eastern Europe”, Comparative Politics, October 2001, City University of New York.
9. Đà Trang & Đức Bình, “Đổi Mới Chính Trị: Không Có Đường Lui”, Tuổi Trẻ, 2-10-2017.
10. Michael True, “the 1989 Democratic Uprising in China: A Non-Violent Perspective”, The International Journal of Peace Studies, January 1997.
11. Weihang Wang, “The Revolutions of 1989 in Poland, Romania and China”, Ohio State University, autumn 2014.
12. Wu Wei, “Why China’s Political Reforms Failed”, The Diplomat, June 04. 2015.
 
oo0oo

"The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing" Edmund Burke.
"When Journalists are silenced, people are silenced" Anonymous.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?