Đọc báo Pháp – 30/06/2018
Điểm tuần báo Pháp
Trang nhất các tuần báo Pháp
Tuần báo Le Point dành trang nhất cho « Sự hồi sinh của Hy Lạp », hàng tựa lớn chạy trên trên nền bức ảnh về hòn đảo du lịch nổi tiếng của đất nước này. Phía bên dưới là bức ảnh nhỏ với nụ cười rạng ngời của thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với câu phát biểu : « Trước đây, không ai có thể tin vào chuyện này ». Còn tuần báo L’Obs chạy tít : « Trận chiến ở cho kỳ bầu cử thị trưởng Paris đã bắt đầu. Tất cả đều chống lại thị trưởng Hidalgo ».
Trong khi đó, tuần báo L’Express giới thiệu với độc giả một gương mặt nổi tiếng trong giới văn sĩ Pháp : nhà văn Bernard Pivot, chủ tịch Viện Hàn Lâm Goncourt của Pháp qua hàng tựa « Pivot, những bí mật của một biểu tượng ». Tuần báo Courrier International lại quan tâm đến xe hơi và đặt câu hỏi : « Ô nhiễm, tắc đường : xe hơi không còn được ưa chuộng. Nhưng liệu chúng ta có thể sống thiếu xe hơi hay không ? »
Hồ sơ đặc biệt
Tuần báo L’Obs đặc biệt chú ý tới đề tài người nhập cư : « Di dân và chúng ta ». Bài xã luận mang tựa đề « Thảm kịch của sự khác nhau ». Hình ảnh những con tàu chở di dân lênh đênh trên biển những ngày qua khiến nhà xã luận của L’Obs đặt câu hỏi tại sao nhiều người từ bỏ đất nước ra đi mà không chắc chắn có thể tới đích ? Họ ra đi vì họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác tốt đẹp hơn. Nhưng tại sao họ nghĩ rằng cuộc sống ở nơi khác lại tốt đẹp hơn ? Bởi vì họ thấy rằng không có gì tồi tệ hơn cuộc sống của họ ở thời điểm hiện tại và tại nơi họ đang sống.
Đây là suy nghĩ của rất nhiều người ở các nước châu Phi đang bị nội chiến tàn phá. Chính suy nghĩ phải đi tìm cuộc sống ở những nơi khác với nơi họ đang sống đã đẩy họ tới các cuộc phiêu lưu nguy hiểm và khiến các nước châu Âu phải đón tiếp nhiều di dân những ngày qua bị chỉ trích là ác độc khi từ chối tiếp đón 630 di dân trên con tàu Aquarius.
Trong khi đó, tuần báo Courrier International tổng hợp hồ sơ lớn 7 trang với nhiều bài viết xoay quanh chủ đề xe hơi : bài viết « Liệu chúng ta đang tiến tới « ly dị » xe hơi ? » đăng trên báo Anh The Guardian, « Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh » từ báo Chinadialogue, bài viết « Diesel, con đường người Đức phải lựa chọn » của Washington Post, « Những con đường xanh giúp Bangkok thoát nạn tắc đường, kẹt xe » của báo Khaosod, Thái Lan và bài « Một thành phố không bãi đậu xe hơi » từ báo Detroit Free Press.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, tuần báo L’Express dành 13 trang cho các biểu tượng bằng hình ảnh : « Các émoji chinh phục hành tinh và khối óc con người ». Các biểu tượng hình ảnh hiện « thống trị » mọi màn hình máy tính, điện thoại thông minh và được cư dân mạng trên toàn thế giới sử dụng trong tin nhắn, bình luận trên các mạng xã hội… L’Express đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu các biểu tượng hình ảnh émoji có phải là một ngôn ngữ toàn cầu mới, hay là triệu chứng của sự suy giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói chung, hay là tổng hợp cả hai ?
Hy Lạp liệu đã hồi sinh ?
Tuần báo Le Point nói về« sự hồi sinh » của Hy Lạp. Nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis cho biết sau 8 năm khủng hoảng, khả năng tiêu dùng của người dân Hy Lạp đã giảm 40%, 30% dân số sống trong cảnh nghèo đói, 45% thanh niên thất nghiệp. Những người có công ăn việc làm thì cũng chỉ được trả lương rất thấp. Người Hy Lạp đa phần không còn sức để tiếp tục « chiến đấu ». Còn theo quan sát của bác sĩ tâm lý Marina Oikonomou, thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần Athens, sự suy sụp tinh thần đã len lỏi vào từng gia đình : hộ dân nào cũng có một vài người thất nghiệp. Tỉ lệ tự sát và tỉ lệ dùng thuốc an thần để giảm stress đã tăng 30%. Số nợ khổng lồ của Hy Lạp là 320 tỉ euro – 180% PIB nước này.
Cách đây 3 năm, Hy Lạp đang trên bờ phá sản, nhưng nay quốc gia này đang gượng mình đứng dậy, nhiều người bắt đầu hình dung Hy Lạp sắp thoát khỏi đường hầm tối tăm. Theo đặc phái viên tuần báo Le Point tại Athènes, nhiều công ty khởi nghiệp ra đời, không chỉ nhắm tới thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường quốc tế. Mặc dù theo Stavros Messinis, người sáng lập ra hiệp hội các startup Hy Lạp các công ty khởi nghiệp không giải quyết được nạn thất nghiệp trên diện rộng nhưng cacs start up lại cho ra đời một thế hệ chủ doanh nghiệp mới.
Từ một năm nay, các chỉ số kinh tế của Hy Lạp đã chuyển biến theo hướng tích cực. Một chuyên gia theo dõi sát sao các cuộc thương lượng giữa Athènes và Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định thủ tướng Alexis Tsipras đã làm tốt công việc của mình.
Rất đông du khách quốc tế quay trở lại Hy Lạp và góp phần vực dậy kinh tế nước này. Nếu trong năm 2016, Hy Lạp chỉ đón 27 triệu du khách quốc tế thì theo dự báo, con số này trong năm 2018 sẽ là 37 triệu du khách. Không chỉ du lịch, mà các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng cơ sở và năng lượng cũng có cơ hội tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu chính trị Georges Sefertzis nhận định sau 8 năm không nghiên cứu, không đầu tư, với 500.000 thanh niên rời bỏ Tổ quốc để ra nước ngoài kiếm kế sinh nhai, Hy Lạp sẽ phải mất thêm hai năm mới có thể khôi phục chất lượng sản xuất.
Một điểm yếu là công tác tổ chức Nhà nước và các cơ quan hành chính công. Tại Liên Hiệp châu Âu, Hy Lạp là nước mà người dân phải đóng thuế nhiều nhất nhưng chỉ được hưởng ít dịch vụ nhất. Cải cách Nhà nước là một thử thách lớn, vì theo nhà nghiên cứu chính trị Ilias Nikolopoulos, chỉ có 15% công chức Hy Lạp làm việc thực sự, số còn lại chỉ « ăn không, ngồi rồi », « ngồi chơi, xơi nước ». Một cơn ác mộng khác đối với người dân Hy Lạp và các nhà đầu tư nước ngoài là các đạo luật chồng chéo nhau, đôi khi mâu thuẫn nhau.
Le Point nhận định, cuộc khủng hoảng đã để lại « những vết sẹo sâu » cho Hy Lạp và sẽ phải mất nhiều năm thì những vết sẹo mới mờ đi.
Liệu con người đã sẵn sàng từ bỏ xe hơi ?
Nếu như trước đây, xe hơi là biểu tượng của tự do, độc lập, các cuộc phiêu lưu, thậm chí là quan hệ tình dục phóng khoáng thì nay ô tô tượng trưng cho sự gò bó và độc hại. Tác giả của bài viết mà tuần báo Le Courrier International dịch từ báo Anh The Guardian khẳng định sự bùng nổ tình yêu dành cho xe hơi đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu : ¼ lượng khí CO2 thải ra trên toàn thế giới là từ ô tô và xe hơi là nguyên nhân gây ra cái chết cho 1,3 triệu người/năm. Và giờ đây, khắp nơi trên thế giới, xe hơi không còn được ưa chuộng nhiều như trước đây. Số người trẻ tuổi lái xe hơi tại Anh Quốc đã giảm mạnh. Tại Mỹ, vào năm 1984, khoảng 92% thanh niên có bằng lái xe hơi, nhưng nay tỉ lệ trên đã giảm 15%.
Nhưng từ bỏ ô tô không phải là điều dễ dàng, vì thói quen đi xe hơi đã ăn sâu vào xã hội, từ công việc tới giải trí. Cuộc sống của người Mỹ gắn với xe hơi, cho dù họ biết ô tô là nguồn gây nguy hiểm, tắc đường và « ngốn » rất nhiều tiền. Tác giả Cotten Seiler kết luận : « Chúng ta không còn yêu xe hơi, và có thể là chúng ta chưa bao giờ thực sự yêu chúng, nhưng chúng ta vẫn luôn kết đôi với chúng ».
Hiện tốc độ và quy mô bùng nổ xe hơi tại Trung Quốc tương tự như tại Mỹ hồi giữa thế kỷ XX. Nhưng với quy mô dân số khổng lồ và các vấn đề ô nhiễm môi trường mà nước này đang phải đối mặt, thì các nhà sản xuất xe hơi buộc phải cải tiến công nghệ, nhất là công nghệ xe hơi không người lái, thay xăng dầu bằng các nhiên liệu giá rẻ nhưng không phát thải khí CO2.
Trong bài viết « Các thành phố Trung Quốc đặt cược vào các sáng chế, phát minh » Courrier International dịch từ báo Chinadialogue, tác giả Liu Shaokun cho biết vốn nổi tiếng vì ô nhiễm không khí và nạn kẹt xe, nhiều đô thị lớn tại Trung Quốc đang hy vọng khắc phục được vấn đề thông qua cải tạo các phương tiện giao thông công cộng và đầu tư phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khuyến khích người dân đi xe đạp trong thành phố. Xe đạp hiện là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại nhiều thành phố ở Trung quốc. Năm 2017, Hàng Châu đã đạt một giải thưởng quốc tế về dịch vụ xe đạp công cộng, còn Thâm Quyến mới đây đã cải tạo hệ thống xe bus sang dùng điện 100%.
Mạng lưới tàu xe chạy trên đường ray (métro, xe điện, xe lượn một đường ray …) của hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải dày đặc, có tần suất cao hơn và có nhiều hành khách hơn cả ở Luân Đôn và Paris. Thành phố Quảng Châu thì lại phát triển mạng lưới xe bus tốc độ cao với nhiều đường chạy riêng. Còn Thượng Hải thì đầu tư phát triển đường dành riêng cho người đi bộ và những tuyến đường thông thoáng cho xe đạp.
Nhiều thành phố khác, trong đó có Vũ Hán và Nam Kinh, ưu tiên phát triển xe đạp điện. Năm 2014, Trung Quốc có hơn 200 triệu xe đạp điện. Xe đạp điện đã trở thành phương tiện đi lại phổ thông nhất của nhiều gia đình, nhất là ở những nơi giao thông công cộng kém phát triển.
Kể từ khi dịch vụ xe đạp công cộng phát triển, số chuyến đi ngắn dưới 5km bằng xe hơi đã giảm, chẳng hạn giảm 5% ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nếu chính quyền tìm được các phương tiện giao thông bền vững thay thế xe hơi thì cư dân thành thị sẽ chẳng ngần ngại từ bỏ ô tô. Tại Nam Ninh, Trung Quốc, 45% số người đi xe đạp điện có xe hơi nhưng họ không sử dụng.
Còn tại quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, chính quyền Bangkok đang tiến hành một cuộc cách mạng nhỏ : thực hiện dự án đường dài 10km dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp dọc các con kênh phía tây nam thủ đô. Tác giả bài viết « Những con đường xanh giúp Bankok thoát nạn tắc đường, kẹt xe » cho biết đây sẽ là một giải pháp thực thụ cho những người không muốn đi xe hơi.
Còn thành phố Detroit, thủ phủ xe hơi của Mỹ, lại chọn giải pháp giảm số bãi đậu xe để khuyến khích người dân chuyển sang các phương tiện khác ít ô nhiễm hơn. Từ lâu nay, các quy định về quy hoạch không gian tối thiểu cho các bãi đậu xe đã khiến chi phí xây dựng bị đẩy lên cao, nhiều bãi đậu xe một tầng hoặc nhiều tầng đầy rẫy thành phố trông xấu xí. Tác giả bài viết « Một thành phố không bãi đậu xe » cho rằng các bãi đậu xe gây lãng phí không gian, nhưng cần kiên trì chờ đợi vì người dân sẽ làm mọi việc để bảo vệ chỗ đậu xe của họ. 95% thời gian xe hơi nằm trong bãi đậu xe. Đối với người Mỹ, xe hơi không chỉ là một phương tiện đi lại, họ gắn bó với xe hơi như một thứ tôn giáo. Và họ sẽ sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ tôn giáo đó.
Du khách quốc tế làm gì
khi tham quan các nước Đông Nam Á ?
Trên lĩnh vực du lịch, tuần báo Courrier International dịch và giới thiệu bài viết « Đông Nam Á : Du khách làm gì ? » đăng trên báo The Straits Times của Singapore. Vào năm 1992, năm Cam Bốt tổ chức kỳ tổng tuyển cử quốc gia đầu tiên sau nhiều thập kỷ nội chiến, chỉ có 90.000 du khách quôc tế tới Cam Bốt. Con số này là hơn 2 triệu trong năm 2017. Cam Bốt trở thành một trong những điểm đến được du khách quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, giờ đây đi tham quan Cam Bốt lại là những trải nghiệm không mấy thích thú của du khách. Năm ngoái, Aspara – cơ quan quản lý khu di tích Angkor – quyết định hạn chế số khách được treo lên đỉnh đồi Phnom Bakheng để ngắm mặt trời lặn.
Tại Thái Lan, cơ quan quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã ra lệnh đóng cửa vịnh Maya, trên đảo Phi Phi. Tàu thuyền sẽ không được cập bến ở vùng biển nổi tiếng này từ tháng Sáu đến tháng Chín. Còn tổng thống Duterte hồi tháng Tư ban hành lệnh cấm du khách tới thăm đảo Boracay trong vòng 6 tháng để tránh nguy cơ môi trường bị phá hủy. Quyết định của tổng thống Philippines bị đánh giá là quá khắt khe. Cái thời mà du khách được tự do tới các địa điểm tham quan đã qua. Báo Straits Times cho rằng việc hạn chế lượng du khách và thời điểm đóng cửa các khu du lịch sẽ ngày càng tăng, trong khi các nhà chức trách rất khó hạn chế lượng du khách vẫn đổ xô tới các khu du lịch nổi tiếng này.
Trở lại với đảo Boracay, Philippines, đối với các chuyên gia trong ngành công nghiệp du lịch, vấn đề chủ yếu không phải à do có quá nhiều du khách mà là các nhà quản lý, quy hoạch nơi đây mắc nhiều sai lầm. Tại Thái Lan cũng vậy, theo dự báo, năm nay Thái Lan đón 38 triệu du khách. Trong khi theo Ngân Hàng Thế Giới, Pháp – quốc gia có dân số và diện tích tương đương với Thái Lan – hồi năm 2016 đã đón tới 83 triệu du khách.
Các điểm đến du lịch ở Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với tình trạng chưa từng có. Sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ và lượng du khách Trung Quốc giàu tác động tiêu cực tới cân bằng sinh thái ở các quốc gia Đông Nam Á. Tại Bali, số du khách năm nay là khoảng 7 triệu người, so với 5,6 triệu du khách hồi năm ngoái, chủ yếu là do du khách Trung Quốc tăng (1.3 triệu người vào năm 2017) và sinh thái ở Bali hiện đang bị tàn phá nghiêm trọng. Số du khách Trung Quốc tới đảo Phuket, Thái Lan vào năm 2017 cũng tăng 20 % so với năm 2016.
Ông Utung Pratama, thuộc Diễn đàn môi trường Indonésia giải thích vấn đề nằm ở chỗ rác rưởi bị vứt bừa bãi ở các bãi biển, trong khi các khu nghỉ dưỡng hút cạn kiệt nguồn nước ngầm, còn các nhà kinh doanh du lịch không hề tính tới các hậu quả đối với môi trường, sinh thái.
Tạp chí đặc biệt
Thượng đỉnh Singapore :
Kim Jong Un, bậc thầy ảo thuật ?
Tạp Chí Thế Giới Đó Đây tuần này xin được điểm lại những sự kiện đáng chú ý trong tháng 6/2018 : Tại thượng đỉnh Singapore, phải chăng Kim Jong Un là một ảo thuật gia bậc thầy ? Chính sách di dân « thiếu nhân đạo » của Donald Trump bị chỉ trích và tại World Cup 2018, đội tuyển Đức lặp lại thất bại của 80 năm trước.
Tháng Sáu này có lẽ là tháng khá đặc biệt. Tranh cãi tại thượng đỉnh G7, khối 7 nền công nghiệp phát triển nhất, khai màn cho một tháng đầy những sự kiện chính nóng bỏng. Các nước thành viên bất bình vì chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Donald Trump. Thượng đỉnh G7 xưa kia bỗng chốc trở thành một thượng đỉnh G6 + 1, mà ở đó một mình tổng thống Mỹ chống lại 6 nước. Lời lẽ nặng nhẹ, dọa dẫm lẫn nhau, G7 có nguy cơ chìm vào quá khứ.
Donald Trump – Kim Jong Un : Cuộc gặp lịch sử
Nhưng có lẽ sự kiện đáng chú ý nhất trong tháng này chính là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Donald Trump và Kim Jong Un ngày 12/06. Mọi ống kính trên thế giới đều tập trung về đảo quốc nhỏ bé Đông Nam Á Singapore, diễn ra cuộc gặp.
Thượng đỉnh kết thúc. Giới báo chí và phân tích trước hết đều nhất trí nhận xét : đây là một cuộc gặp « lịch sử ». Bởi vì đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai quốc gia thù nghịch, không ngừng đối đầu nhau từ 70 năm qua. Một cuộc gặp mà từ đời ông và đời cha của lãnh đạo Kim Jong Un đều mong muốn nhưng không thực hiện thành công. « Lịch sử » bởi vì đó còn là một cuộc gặp mặt đối mặt giữa một đất nước Bắc Triều Tiên nhỏ bé, bị cấm vận bao vây, nay lại có thể ngồi đàm phán « ngang vai » với siêu cường hàng đầu thế giới.
Tính chất « lịch sử » không chỉ ở cái bắt tay giữa hai đối thủ mà còn là tuyên bố bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc họp báo. Theo đó, Hoa Kỳ thông báo tạm ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn, mà Donald Trump cho là « khiêu khích » và quá « tốn kém », đồng thời nêu khả năng rút bớt lính Mỹ về nước. Bắc Triều Tiên được trấn an. Trung Quốc, đồng minh truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng hài lòng. Nhưng Hàn Quốc, và trong một chừng mực nào đó là Nhật Bản ngỡ ngàng. Còn Lầu Năm Góc thì sửng sốt.
« Phù thủy » Kim Jong Un
Những giây phút xúc động, tràn đầy hy vọng, bất chợt nhường chỗ cho các hoài nghi. Vì sao tổng thống Mỹ khắt khe với Iran, nhưng lại có ngần ấy nhượng bộ với Bắc Triều Tiên ? Liệu với sự nhượng bộ đó, nguy cơ xung đột hạt nhân có thật sự giảm đi như thông báo của tổng thống Mỹ trên Twitter hay không ?
Nhưng theo quan điểm của chuyên gia Boris Toucas, cộng tác viên cho Center for Strategic and International Studies, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế trụ sở tại Washington, trên nhật báo Libération, thế giới nên tự hỏi câu này : Vì sao Bắc Triều Tiên vào năm 2018 mới chấp nhận một cuộc đàm phán mà nước này trước đó một năm đã từ chối ?
Bởi vì theo chuyên gia Toucas, lãnh đạo trẻ Kim Jong Un là một « phù thủy bậc thầy » trong tính toán chiến lược. Kim Jong Un thích tự mình ấn định lịch trình quốc tế theo tuần tự ba bước : khiêu khích để hù dọa đối thủ, rồi sử dụng việc mở cửa cho đối phương để củng cố lập trường và tăng cường vị thế của mình.
Những bước đi đó được thể hiện qua việc dồn dập thử tên lửa và hạt nhân trong những năm gần đây. Tổng số tên lửa bắn thử trong vòng ba năm qua còn nhiều hơn cả số tên lửa và hạt nhân thử nghiệm trong suốt thời trị vì của ông và cha nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, vụ thử sau cùng vào cuối năm 2017 đã thật sự gây lo ngại cho cả thế giới, bởi vì, theo lý thuyết, tầm bắn của tên lửa này có thể chạm tới lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Tiếp đến là có những cử chỉ hòa dịu bất ngờ với Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Rồi như để trấn an các nước láng giềng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên liên tiếp đến gặp các đồng nhiệm Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc. Hai lần với tổng thống Moon Jae In và ba lần với chủ tịch Tập Cận Bình, trước khi lên đường đến Singapore gặp đối thủ truyền kiếp.
Kim Jong Un cứ như một ảo thuật gia. Các tiêu chí cho một tiến trình « dỡ bỏ toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược » về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ và các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trước giờ vẫn xem như là những điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán đã bỗng nhiên biến mất khỏi thông cáo chung.
Rồi Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra những tuyên bố ngoạn mục để thu hút cảm tình của giới truyền thông như tạm ngưng thử tên lửa và hạt nhân, phá dỡ bãi thử tên lửa Punggye Ri… Thế nhưng, với ông Boris Toucas, tuyên bố đơn phương đó của Bình Nhưỡng trên thực tế chỉ là một chiêu đánh lừa. Tuyên bố này không ngăn cản Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình nghiên cứu, ngưng các hoạt động làm giầu chất uranium, cũng như là khai thác các dữ liệu có được từ các vụ thử trước.
« Bắc Triều Tiên đề xuất phá hủy một địa điểm thử hạt nhân đã được sử dụng trước đó. Thế nhưng, người ta không rõ là tình trạng của cơ sở này ra sao, có còn hoạt động được nữa hay không. Việc phá bỏ một cơ sở thử hạt nhân gây tác động ít hơn nhiều là việc phá bỏ một cơ sở làm giàu uranium. Như vậy, tùy theo loại cơ sở và thiết bị mà Bắc Triều Tiên đề xuất phá bỏ dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế mà người ta có thể đánh giá là quá trình phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược được hay không.
Điều cần làm để trấn an các nước láng giềng Bắc Triều Tiên, đó là phải có những cam kết cụ thể. Trước tiên là chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên phải giảm cường độ hoạt động. Sau đó, tiến hành từng bước việc tháo gỡ các thiết bị, phá bỏ các cơ sở trong chương trình hạt nhân.
Việc phá hủy một địa điểm thử hạt nhân không hề bảo đảm là Bắc Triều Tiên sẽ chấm dứt phát triển công nghệ hạt nhân, chấm dứt tích lũy, áp dụng các kinh nghiệm trong những lần thử hạt nhân trước đó, chấm dứt việc chuẩn bị các vụ thử hạt nhân trong tương lai tại một cơ sở khác. Cần phải đạt được nhiều điều hơn thế nữa thì mới có thể đánh giá là thượng đỉnh Singapore thành công hay không. »
Nhận xét này, một lần nữa đã được các chuyên gia chuyên phân tích các hình ảnh vệ tinh thuộc trang mạng 38 vĩ tuyến Bắc, khẳng định cách đây vài hôm. Theo đó, trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên dường như đã được mở rộng và đang gia tăng các hoạt động làm giầu chất uranium. Trả lời câu hỏi đài RFI, bà Jenny Town, điều phối viên trang mạng cho rằng thế giới nên cảnh giác trước những gì Kim Jong Un hứa hẹn tại thượng đỉnh Singapore :
« Đây mới là trung tâm chính trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng với một lò phản ứng chất plutonium, nhiều nhà máy làm giầu chất uranium, những nơi sản xuất ra chất uranium cực kỳ đậm đặc. Chính ở đó họ sản xuất chất liệu hạt nhân dùng để chế tạo bom nguyên tử. Bởi vì, các hình ảnh vệ tinh của chúng tôi cho thấy một số chương trình mở rộng vốn được khởi động NGAY TRƯỚC thượng đỉnh kể từ giờ đã vào giai đoạn hoàn tất.
Chính các bước cải thiện này sẽ củng cố hơn nữa khả năng sản xuất nguyên liệu phân hạch của họ. Đây là bằng chứng cho thấy nên ngừng những lời nói hoa mỹ, không nên bằng lòng về một tuyên bố và nên nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận thật sự : Cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây không phải là một thỏa thuận, mà một mục tiêu. Chừng nào chưa có những chỉ thị rõ ràng từ trên ban xuống, chừng ấy họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. »
Sau Singapore, Donald Trump đối mặt với cơn sóng di dân
Tám ngày sau thượng đỉnh Singapore, tổng thống Donald Trump lại gây sự chú ý với thế giới trước thái độ kiên quyết của ông trong chính sách di dân cứng rắn « không khoan nhượng », được bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions áp dụng từ đầu tháng Tư đến nay. Theo đó, ngay khi vừa đặt chân lên lãnh thổ Mỹ, nhiều người nhập cư trong cùng một gia đình bị chia ly. Con cái của họ bị tách ra khỏi gia đình và đưa đến một trạm đón tiếp khác.
Truyền thông Mỹ đưa ra con số khoảng 2.300 trẻ nhỏ đã bị tách rời khỏi cha mẹ. Biện pháp « thiếu nhân đạo » này đã bị chỉ trích từ mọi phía. Theo giới quan sát, Donald Trump dường như sử dụng lập trường mà ông gọi là « tuyệt đối không dung thứ » để mặc cả với Quốc Hội.
Chủ nhân Nhà Trắng muốn giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ một dự luật toàn diện về di dân nhập cư, trong đó có ngân sách xây bức tường ở biên giới Mêhicô, và những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt di dân hợp pháp. Nhưng trước sức ép của công luận, tổng thống Mỹ ngày 20/06 đã ký sắc lệnh cấm chia lìa gia đình nhập cư.
Trả lời câu hỏi của RFI, bà Melissa Lopez, luật sư và giám đốc trung tâm giáo phận hỗ trợ người nhập cư và tị nạn bày tỏ quan ngại của mình :
« Tổng thống có nói là sẽ chấm dứt việc chia cắt các gia đình. Thế nhưng, hiện nay, theo tôi, người ta không rõ là chính phủ sẽ làm gì để đoàn tụ 2342 gia đình đã bị chia lìa trước đó.
Vấn đề lớn hiện nay là các phụ huynh không hề biết con cái của họ đang ở đâu. Đối với những người trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này thì làm sao họ có thể nghĩ đến điều gì khác. Họ chỉ biết lo lắng cho số phận của mình. Mối lo ngại chính, hàng đầu của họ là sự an toàn của những đứa con.
Việc thông báo bãi bỏ truy tố những người nhập cư bất hợp pháp này là tuyệt vời, nhưng tôi tin chắc rằng câu hỏi đầu tiên của đại đa số các gia đình này là con cái của họ hiện đang ở đâu. Chính phủ không làm gì để giải tỏa mối lo lắng này, cũng như không làm gì để những đứa trẻ biết là bố mẹ chúng đang ở đâu.
Bây giờ, điều mà mọi người lo ngại là việc giam giữ toàn bộ các gia đình này. Tôi nhấn mạnh là người ta không được giam giữ những gia đình tới Hoa Kỳ xin tị nạn, một hình thức trừng phạt răn đe. Đó là điều không thể chấp nhận được. »
Bất chấp những lời chỉ trích và sự chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng Hòa trên hồ sơ này, tổng thống Mỹ bước đầu đã có được một thắng lợi mang tính biểu tượng. Ngày 26/06/2018, Tòa Án Tối Cao của Mỹ đã thông qua sắc lệnh của tổng thống Donald Trump, cấm nhập cảnh đối với công dân 6 quốc gia, bao gồm các nước Yemen, Syria, Libya, Iran, Somalia và Bắc Triều Tiên. Một số lãnh đạo Venezuela cũng bị cấm cửa.
Trong cuộc chiến này, quân đội cũng đã được huy động. Bộ Quốc Phòng Mỹ xác nhận đã ra lệnh cho quân đội mở các doanh trại không sử dụng để đón tiếp 12 ngàn dân nhập cư bất hợp pháp. Thông báo này xác nhận đường lối của Nhà Trắng huy động quân đội tham gia vào chính sách nhập cư. Các doanh trại được chọn nằm tại các bang Texas, Arizona, New Mêhicô và California.
World Cup 2018 : Đội tuyển Đức và nỗi nhục của 80 năm trước
Tháng Sáu này không chỉ đặc biệt vì những sự kiện chính trị quốc tế lớn, mà đó còn là tháng của lễ hội thể thao lớn nhất được cả hành tinh theo dõi : Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga.
Hàng tỉ người dân trên thế giới được dịp theo dõi các đội bóng và các danh thủ ưa thích của mình trổ tài tại các trận đấu được tổ chức tại 11 thành phố lớn của Nga kéo dài trong vòng một tháng từ ngày 14/06 đến hết ngày 15/07.
Tuy mới đi có nửa chặng đường, nhưng quả bóng tròn đã gây không ít ngạc nhiên. Sự kiện đáng chú ý nhất là đội tuyển Đức, đương kim vô địch thế giới đã bị loại bất ngờ ngay ở vòng một trước một đối thủ được cho là kém đẳng cấp hơn là đội Hàn Quốc.
Thất bại của đội Đức trước Hàn Quốc với tỷ số 0-2 là một vố đau bởi vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1950, chưa bao giờ đội tuyển Đức phải « khăn gói quả mướp » rời sân chơi ngay từ vòng một. Phải ngược dòng thời gian về tận năm 1938, dưới thời Đức Quốc Xã, đội tuyển Đức khi ấy đã phải rời bỏ cuộc chơi giống như ngày hôm nay trước đội Thụy Sĩ.
Tin đọc nhanh
(AFP) - Tổng thống Trump khẳng định không rút Mỹ khỏi WTO.
Ngày 29/06/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cải chính tin nói rằng ông có ý định rút Mỹ ra khỏi Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), cơ quan mà ông vẫn chỉ trích đối xử không công bằng với Mỹ. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steve Mnuchin cũng đã có động tác cải chính tương tự với báo chí. Trước đó, trang thông tin chính trị ở Mỹ Axios, dẫn nguồn từ những nhân vận tham gia các cuộc thảo luận với tổng thống Mỹ, khẳng định ông Trump thường xuyên nói với các cố vấn là muốn Mỹ rút khỏi WTO.
(Reuters) - Con cái người nhập cư lậu vào Mỹ sẽ được giam chung với bố mẹ.
Trong một tài liệu công bố hôm 29/06/2018, chính phủ Mỹ cho biết, trẻ em nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ nếu bị bắt sẽ được giam giữ cùng với bố mẹ. Theo luật Mỹ cho đến giờ thì bộ An Ninh Nội Địa vẫn buộc phải thả các trẻ em nhập cư lậu sau thời hạn giam giữ 20 ngày. Với quy định mới như vậy, trẻ em có thể bị giam giữ kéo dài hơn tùy theo thời gian xét hồ sơ của bố mẹ.
(AFP) - Afghanistan chấm dứt ngừng bắn với Taliban.
Ngày 30/06/2018, tổng thống Ashraf Ghani đã chính thức ra lệnh chấm dứt đơn phương ngừng bắn, đồng thời kêu gọi lực lượng nổi dậy Taliban chấp nhận thương lượng hòa bình. Đầu tháng Sáu, ông Ashraf Ghani đã thông báo ngừng bắn với Taliban trong kỳ lễ của người Hồi giáo (Aïd), sau đó gia hạn thêm 10 ngày. Trong khi, Taliban chỉ thực hiện ngừng bắn trong ba ngày.
(AFP) - Syria: Damas kiểm soát Deraa?
Đối lập Syria bàn với Nga tái lập quyền tối cao của Damas tại các vùng hiện do phe nổi dậy kiểm soát ở tỉnh Deraa.Một ủy ban dân sự và quân sự gồm 6 thành viên đã họp trù bị ngày 30/06/2018 với lãnh đạo Nga gần tỉnh láng giềng Sweida. Phía Nga đã đưa ra một số yêu cầu. Theo dự kiến, vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra cùng ngày.
(AFP) - Philippines đào tạo kỹ thuật nhận biết tin giả.
Chương trình thường do các cơ quan truyền thông Philippines (Rappler, đài truyền hình ABS-CBN tại Philippines…) tổ chức miễn phí theo yêu cầu, cho mọi đối tượng, từ quân nhân đến dân thường và công chức. Phía tổng thống Duterte đã nhiều lần bị cáo buộc sử dụng đội quân tung tin giả để ca ngợi công lao của ông và hăm dọa đối lập. Philippines là nước sử dụng các mạng xã hội nhiều nhất thế giới.
(AFP) - Miến Điện : Trại tiếp nhận di dân Rohingya hoang vắng.
Theo dự kiến, khu trung chuyển Nga Khu Ra, phía tây Miến Điện, tiếp nhận khoảng 150 người Rohingya hồi hương mỗi ngày, nhưng hoàn toàn trống trải vì không ai muốn về. Phía Miến Điện khẳng định đã có hơn 150 người hồi hương. Ngày 28/06/2018, một em bé Rohingya đã cảnh sát biên phòng Miến Điện bắn thương ở vùng biên giới với Bangladesh.
(AFP) - 1/7 số người mắc bệnh tiểu đường là do ô nhiễm không khí.
Theo kết quả nghiên cứu của đại học Y Washington, đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health ngày 30/06/2018, ô nhiễm không khí là thủ phạm của 3,2 triệu ca mắc bệnh tiểu đường mới trên thế giới trong năm 2016. Nguyên nhân là tình trạng ô nhiễm làm giảm khả năng sản xuất insulin và gây ra viêm tấy, ngăn cơ thể chuyển hóa chất gluco trong máu thành năng lượng.
(AFP) - Ốc đảo Al Ahsa ở Ả Rập Xê Út và khu thành cổ Qalhat ở Oman được xếp hạng Di sản Thế giới của Unesco.
Kết quả công bố trong thông cáo ngày 29/06/2018 của ủy ban xét duyệt di sản của Unesco, hiện đang họp tại Bahrein. Cả Ả Rập Xê Út và Oman đang tập trung phát triển du lịch, một lĩnh vực quan trọng để đa dạng hóa nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ. Trong danh sách di sản mới còn có khu di tích Công Giáo tại Nhật Bản, công trình Vitorian Gothic và các tòa nhà Nghệ thuật trang trí ở Bombay của Ấn Độ.
Nhận xét
Đăng nhận xét