Vị trí đặc khu 'xứng đáng có tương lai khác'
Một trong các lý do mà các nhà làm chính sách ở Việt Nam biện minh cho quyết định thành lập ba đặc khu là những kinh nghiệm từ Trung Quốc.
Theo cách lập luận này, các đặc khu đã đóng góp và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của nền kinh tế nước láng giềng.
Vì vậy mà trước khi đi vào chuyện Việt Nam thông qua dự luật đặc khu, cần phải nhìn lại bối cảnh và vài bài học của các đặc khu kinh tế Trung Quốc.
Sau hàng thập kỷ áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch tập trung dẫn đến bế tắt, đầu thập niên 1980 Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách, mở cửa nền kinh tế.
Để áp dụng các chính sách nhằm làm chuyển đổi Trung Quốc một cách từ từ, tránh sự thay đổi nhanh chóng làm mất ổn định vĩ mô dẫn đến xáo trộn và làm sụp đổ nền kinh tế, chính quyền cấp trung ương của Trung Quốc quyết tâm cho thành lập bốn đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Phúc Kiến.
Ba đặc khu Thâm Quyến, Châu Hải, Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông được thành lập trước tháng 8 năm 1980 và đặc khu Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến được thành lập sau đó vào tháng 10 năm 1980.
Bốn đặc khu này trước hết là những môi trường để thử nghiệm mô hình kinh tế thị trường trong khi chính quyền vẫn nắm chặt kiểm soát chính trị - một mô hình được rao giảng là kinh tế thị trường mang bản sắc Trung Hoa.
Sự thành công của mô hình kinh tế - chính trị này là tiền đề để Trung Quốc nhân rộng mô hình và áp dụng cải cách kinh tế trên toàn Trung Quốc sau này.
Bên cạnh thử nghiệm kinh tế thị trường, các đặc khu này còn dùng để thí điểm các cải cách về chính sách đất đai.
Chính quyền Trung Quốc mở đầu bằng việc cho nhà đầu tư thuê đất từ 20 đến 50 năm, có gia hạn, và những kinh nghiệm cải cách đất đai sau đó đã được dùng để thiết lập hệ thống đấu giá đất nhằm tối ưu hoá việc sử dụng đất sau này.
Các đặc khu cũng đóng vai trò là các trung tâm tri thức nơi mà công nghệ và kỹ năng quản lý của nhà đầu tư nước ngoài được giới nhân công địa phương học hỏi và sau đó chuyển giao cho các công ty khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế.
Và cuối cùng, các đặc khu còn là cánh cửa để kết nối nền kinh tế Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Các đặc khu có mối quan hệ chặt chẽ với các cụm công nghiệp khác nhau trên toàn Trung Quốc.
Đồng thời, các đặc khu là mảnh đất luôn đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài, mà chủ yếu là các Hoa Kiều. Vì vậy mà các đặc khu đã được lập chủ yếu ở vùng duyên hải gần Hong Kong, Đài Loan, hoặc các đô thị lớn có truyền thống ngoại thương.
Đặc khu Việt Nam có mục tiêu gì?
Vậy chính quyền Việt Nam lập ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc để làm gì?
Chắc chắn không phải là để thí điểm áp dụng mô hình kinh tế thị trường. Mô hình kinh tế thị trường trong khi vẫn duy trì vị thế độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được thực hiện trên toàn quốc đã gần 30 năm kể từ ngày Đổi Mới.
Trong dự luật đặc khu cũng không cho thấy những thí điểm cải cách mô hình kinh tế hay chính trị nghiêm túc nào sẽ diễn ra ở đặc khu và sau đó có thể đem áp dụng trên toàn quốc.
Dự luật đặc khu và kế hoạch lập đặc khu cũng không cho thấy một chiến lược chắc chắn nào, ngoại trừ những hô hào sáo rỗng, nhằm biến đặc khu trở thành một trung tâm tri thức để thu hút và lan toả công nghệ cho toàn bộ nền kinh tế.
Các đặc khu này cũng không hẳn là một cửa ngõ hữu hiệu nhằm kết nối kinh tế Việt Nam với thế giới.
Các thành phố lớn của Việt Nam đã đóng vai trò kết nối Việt Nam với thế giới bên ngoài từ rất lâu và đủ hiệu quả.
Về mặt chính quyền, mọi quyền hành ở đặc khu được giao cho chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu sẽ do Thủ tướng và Bộ Nội vụ chọn, sau đó được hội đồng nhân dân thông qua.
Như vậy, mô hình "Đảng cử dân bầu" vẫn còn y nguyên, thậm chí chính quyền đặc khu còn tệ hơn khi mà quyền lực của hội đồng nhân dân, tức cơ quan đại diện cho quyền lợi của nhân dân, suy yếu hơn.
Về mặt chính sách kinh tế, các điểm nhấn nổi bật của dự án đặc khu bao gồm như sau.
Chính quyền đặc khu được phép cho thuê đất tới 70 năm, và nếu có sự đồng ý của thủ tướng, chính quyền đặc khu được quyền cho thuê đất tới 99 năm.
Khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đặc khu, dự án đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế thì có thể miễn phí thuê đất tối đa cho toàn bộ thời hạn thuê.
Tức là nếu dự án được thuê 99 năm thì họ không phải trả một đồng nào tiền thuê đất, tức là cho không khu đất trong 99 năm.
Vẫn theo đề xuất hiện nay, người nước ngoài được quyền mua nhà ở đặc khu. Người nước ngoài được miễn thị thực khi đến thăm các đặc khu.
Ở Phú Quốc, người nước ngoài đầu tư 110 tỉ đồng được cấp thẻ tạm trú đến 10 năm và nếu có chỗ ở thì được cấp thẻ thường trú.
Chính quyền sẽ cho phép mở sòng bạc trong các đặc khu.
- Lấy ý kiến dư luận để tiến tới việc mở khu đèn đỏ và cho phép hợp pháp hoá mại dâm ở đặc khu.
- Cho phép sử dụng ngoại tệ như là một phương tiện thanh toán trực tiếp bên cạnh tiền đồng của Việt Nam.
- Cho phép các đối tác kinh tế được quyền chọn một hệ thống pháp luật nước khác trong phân xử các hợp đồng kinh tế giữa các bên.
- Miễn giảm thuế rất nhiều, với vô số các hạng mục và hệ thống ưu đãi thuế vô cùng phức tạp, cho các doanh nghiệp.
Với những đề xuất chính sách như vậy, không khó để người đọc hình dung ra viễn cảnh số phận của những đặc khu kinh tế.
Đó sẽ là nơi chính quyền tạo điều kiện tối đa nhằm giao đất với thời hạn lâu dài cho các nhà đầu tư với vô số các khoản ưu đãi về thuế, từ thuế đất cho tới thuế doanh nghiệp.
Ở đây, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào khai thác các lĩnh vực ăn chơi và giải trí từ sòng bạc cho tới các dịch vụ nhạy cảm, kể cả mại dâm trong tương lai.
Đó cũng là nơi thu hút người nước ngoài đến định cư ngày càng đông đảo và họ được phép áp dụng luật lệ của họ.
Nhưng câu hỏi quan trọng là người nước ngoài nào sẽ đến định cư một cách đông đảo ở các đặc khu này?
Người Âu Mỹ, người Nhật, hay người Trung Quốc?
Những kinh nghiệm từ các đặc khu trong khu vực chỉ rõ ra rằng đó sẽ là người Trung Quốc. Và đó là lúc an ninh, quốc phòng Việt Nam bị đe doạ.
Các đặc khu với quỹ đất rộng lớn và vị trí địa lý chiến lược xứng đáng có một tương lai, một vị thế khác, chứ không nên bị biến thành thiên đường ăn chơi và mầm tai hoạ, đe doạ đến chủ quyền của Việt Nam.
[Trong bài sau mời quý vị xem về ví dụ một số đặc khu tại vùng Đông Nam Á]
Bài thể hiện quan điểm riêng của Nguyễn Huy Vũ, người nhận bằng tiến sỹ kinh tế từ ĐH BI Norwegian Business School, Na Uy. Ông từng là kinh tế gia nghiên cứu tại Ngân hàng Trung ương Đức (Deutsche Bundesbank) và là học giả nghiên cứu tại ĐH Minnesota - Twin Cities, Minneapolis, Hoa Kỳ. Hiện nay ông là một doanh nhân và là nhà nghiên cứu chính sách độc lập.
Xem thêm chủ đề đầu tư:
Nhận xét
Đăng nhận xét