Biểu tình ở Stockholm: Đốt cả kinh Koran - Thổ Nhĩ Kỳ lên án

Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và việc Thụy Điển gia nhập NATO, do Trung tâm Xã hội Dân chủ người Kurd tại Norra Bantorget ở Stockholm, Thụy Điển, tổ chức vào ngày 21 tháng 1 năm 2023

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và việc Thụy Điển gia nhập NATO, do Trung tâm Xã hội Dân chủ người Kurd tại Norra Bantorget ở Stockholm, Thụy Điển, tổ chức vào ngày 21 tháng 1 năm 2023

Các cuộc biểu tình ở Stockholm hôm thứ Bảy phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, gồm cả việc đốt một bản sao kinh Koran, làm gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm quốc gia Bắc Âu này cần sự hậu thuẫn của Ankara để gia nhập liên minh quân sự, theo Reuters.

"Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể đối với cuộc tấn công đê hèn vào cuốn kinh thiêng liêng của chúng tôi... Việc cho phép thực hiện hành động nhằm vào đạo Hồi và xúc phạm các giá trị thiêng liêng của chúng tôi dưới chiêu bài tự do ngôn luận là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Tuyên bố được đưa ra sau khi một chính trị gia chống người nhập cư thuộc phe cực hữu đốt một bản sao kinh Koran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Thụy Điển thực hiện các hành động cần thiết đối với những kẻ gây hại và mời tất cả các nước thực hiện các bước cụ thể chống lại chứng sợ Hồi giáo.

Một cuộc biểu tình riêng lẻ đã diễn ra trong thành phố, ủng hộ người Kurd và chống lại nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Một nhóm người biểu tình ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức mít tinh bên ngoài đại sứ quán. Cả ba sự kiện đều có giấy phép của cảnh sát.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom nói rằng các hành động khiêu khích bài trừ Hồi giáo thật kinh khủng.

"Thụy Điển có quyền tự do ngôn luận sâu rộng, nhưng điều đó không có nghĩa là Chính phủ Thụy Điển, hoặc bản thân tôi, ủng hộ các quan điểm được bày tỏ," Billstrom viết trên Twitter.

Việc đốt kinh Koran được Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch thực hiện. Paludan, người có quốc tịch Thụy Điển, trước đây đã tổ chức một số cuộc biểu tình đốt kinh Koran.

Không thể liên hệ ngay với Paludan qua email để đưa ra bình luận.

Trong giấy phép mà ông ta có được từ cảnh sát, ghi rằng cuộc biểu tình mà ông ta tổ chức là nhắm vào đạo Hồi và điều mà họ gọi là nỗ lực của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan nhằm gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận ở Thụy Điển.

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Saudi, Jordan và Kuwait đã lên án kịch liệt việc đốt kinh Koran. "Ả Rập Xê Út kêu gọi lan truyền các giá trị đối thoại, khoan dung và cùng tồn tại, đồng thời bác bỏ hận thù và chủ nghĩa cực đoan", Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố.

Thụy Điển và Phần Lan năm ngoái đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga xâm lược Ukraine nhưng tất cả 30 quốc gia thành viên phải chấp thuận hồ sơ của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển nói riêng, trước tiên phải có lập trường rõ ràng hơn trong việc chống lại những gì họ coi là khủng bố, chủ yếu là các chiến binh người Kurd và một nhóm mà họ đổ lỗi cho âm mưu đảo chính năm 2016.

Tại cuộc biểu tình nhằm phản đối nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và thể hiện sự ủng hộ đối với người Kurds, những người phát biểu đứng trước một tấm băng rôn lớn có dòng chữ "Tất cả chúng tôi là PKK"; PKK tức Đảng Công nhân người Kurd, một tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Mỹ và một số nước khác coi là bất hợp pháp, và phát biểu trước vài trăm người ủng hộ người Kurd và cánh tả.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển", Thomas Pettersson, phát ngôn viên của Liên minh chống NATO và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói với Reuters.

Cảnh sát cho biết tình hình ổn định ở cả ba cuộc biểu tình.

Tại Istanbul, những người trong một nhóm khoảng 200 người biểu tình đã đốt một lá cờ Thụy Điển trước lãnh sự quán Thụy Điển để đáp trả việc đốt kinh Koran.

Lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Đan Mạch Stram Kurs Rasmus Paludan đốt một bản kinh Koran trong một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 21 tháng 1 năm 2023

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Đan Mạch - Stram Kurs Rasmus Paludan đốt một bản kinh Koran trong một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 21 tháng 1 năm 2023

Chuyến thăm của Bộ trưởng Thụy Điển bị hủy

Trước đó vào thứ Bảy, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết do thiếu các biện pháp hạn chế các cuộc biểu tình, nước này đã hủy chuyến thăm dự kiến ​​tới Ankara của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển - Pal Jonson.

Ông Jonson nói riêng rằng ông và Hulusi Akar (người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ) đã gặp nhau vào thứ Sáu trong một cuộc họp mặt của các đồng minh phương Tây ở Đức và đã quyết định hoãn cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch.

Ông Hulusi Akar cho biết ông đã thảo luận với Erdogan về việc thiếu các biện pháp hạn chế các cuộc biểu tình ở Thụy Điển nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và đã truyền đạt phản ứng của Ankara tới Jonson bên lề cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

"Không thể chấp nhận được việc không hành động hay phản ứng trước những (cuộc biểu tình) này. Những điều cần thiết đáng ra phải thực hiện, các biện pháp lẽ ra nên được xúc tiến", Akar nói, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập đại sứ Thụy Điển vào thứ Sáu nói về các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.

Phần Lan và Thụy Điển đã ký một thỏa thuận ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 nhằm vượt qua sự phản đối của Ankara về tư cách thành viên NATO của họ. Thụy Điển cho biết họ đã hoàn thành một phần trong bản ghi điều khoản nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang đòi hỏi nhiều hơn, bao gồm cả việc dẫn độ 130 người mà họ cho là khủng bố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù