Ai rồi cũng rứa
2023.07.29
Năm 1994, ông Hoàng Văn Nghiên vừa nhậm chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Cái Tết đầu tiên, ông Nghiên gây choáng váng trong toàn xã hội. Ông đem nộp Kho bạc Nhà nước một số tiền rất lớn-tiền tỷ, là tiền các doanh nghiệp biếu ông ăn Tết.
Ông Nghiên dị ứng với từ “trả lại”
Mà không, chỉ có dân thường choáng váng thôi, vì trước nay họ chỉ thấy lãnh đạo được người ta đi biếu quà nghẽn cả đoạn đường dài trước nhà. Thì biết là nhiều lắm, nhưng cụ thể bao nhiêu tiền thì chả ai biết.
Ôi giời ôi nhõn cái Tết đã tiền tỷ, chẳng biết một tỷ hay mấy tỷ. Nhưng thế mới biết cùng là con người có mặt mũi chân tay, nhưng người ta tiền nhồi gối nằm không hết, còn dân đen ráo mồ hôi là hết tiền.
Dân đen vừa thèm thuồng, vừa khâm phục và hết lời khen ngợi ông Nghiên. Thì trước đến nay, mới có mỗi mình ông công khai không nhận tiền biếu của doanh nghiệp chứ có ông lãnh đạo nào làm thế đâu. Thanh liêm quá.
Mà ông, mới chỉ vừa lên ghế Chủ tịch Hà Nội. Còn mới, mà chức cũng chửa phải là cao đấy nhé, nhưng tiền biếu đã ghê răng thế rồi.
Thì các lãnh đạo cao hơn, to hơn, lâu hơn, sâu rễ bền gốc hơn, còn được người ta biếu bao nhiêu tỷ tỷ?
Nghĩ đã thấy lạnh người!
Nhưng chỉ dân phục và khen ông Hoàng Văn Nghiên thôi. Không ít lãnh đạo khác ghét lắm. Đồ chơi trội, mẹ, lòng vả cũng như lòng sung. Nó làm thế khác gì chỉ thẳng mặt bảo các anh quan tham hết, mỗi mình tôi trong sạch? Cả một bộ máy này có nguyên tắc của nó, ai cũng biết, ai cũng làm thế. Mình anh tỏ vẻ thanh liêm thì anh là con cừu đen, là đồ lạc lõng, cố chứng tỏ. Để xem thanh liêm được đến bao lâu!
Đến cái Tết thứ hai, không biết doanh nghiệp có sợ tấm gương năm trước mà ngừng biếu tiền ông Nghiên hay không, nhưng từ ấy hoàng anh thôi không hót nữa.
Chắc rút kinh nghiệm từ việc này, tuy về hưu năm 2004 nhưng thẳng một lèo đến tận 10 năm sau, ông Nghiên mới đầy day dứt trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hà Nội).
Biệt thự này là nhà công vụ, được TP Hà Nội cấp cho ông Nghiên sử dụng trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND Hà Nội.
Nguyên tắc thì khi hết giữ chức, phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để nó được tiếp tục cấp cho người sau sử dụng. Nhưng như đã nói, ông Nghiên đã là con chim sợ cành cong, nên ông hãi nhất từ “trả lại”.
Con đường tham nhũng
Gần hơn, có nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Năm ông Truyền mới nhậm chức này, có lần doanh nghiệp kia ghé nhà thăm. Nói ba câu bốn chuyện một hồi, họ cáo từ ra về. Ông Truyền đóng cửa quay vào nhà thì thấy dưới ghế salon có một gói tiền, nhét khá kỹ trong cái khe hẹp giữa các tấm đệm ghế.
Câu chuyện này được chính chủ kể lại, qua nhiều vòng giao tiếp thành chuyện nhiều người biết.
Đương nhiên ông Truyền chạy theo người khách kia, nhất quyết trả lại.
Tôi tin câu chuyện này có thật chứ không phải ông Truyền tự bịa đặt để đề cao bản thân. Từ một Bí thư tỉnh ủy ở Bến Tre, được điều động ra Trung ương giữ một chức vụ hết sức nhạy cảm, ông Truyền chí ít phải giữ được tư lịch trong sạch cho đến thời điểm đó. Ít nhất cũng trong sạch ở mức chấp nhận được, tức có nhận tiền cảm ơn, nhưng không quá quắt, không chủ động hoạnh họe sách nhiễu doanh nghiệp để họ phải nghẹn cổ mà xì tiền ra.
Tôi cũng tin rằng khi mới bắt đầu con đường quan chức, hầu hết các vị lãnh đạo của Việt Nam đều tự tin mình sẽ làm tốt hơn các vị tiền nhiệm. Đặc biệt là không sa vào vết xe đổ tham nhũng của người đi trước.
Thế nhưng cũng như ông Nghiên, chỉ năm năm sau, đến khi về hưu, ông Trần Văn Truyền đã bị kỷ luật Đảng, liên quan đến việc giữ hơi lâu một thửa đất và một ngôi nhà của Nhà nước, cùng với loằng ngoằng trong vài ngôi nhà, thửa đất khác.
Hay như vụ tham nhũng trong một rổ tướng tá tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng, khiến hơn chục tướng rụng sao vừa qua chẳng hạn.
Nếu theo dõi được hành vi của một quan chức lâu dài từ khi chưa được giữ trọng trách cho đến khi rớt đài vì tham nhũng, tôi nghĩ sẽ đều có biểu đồ tương tự. Điểm chung đáng lưu ý là khi đã nhúng chàm thì họ nhúng rất quyết liệt.
Các ông tướng, tá Cảnh sát biển công nhiên bàn cách ăn chặn và tỷ lệ chia chác tiền mua vũ khí, khí tài của lính biên phòng trên biển ngay trong giờ cơm trưa, tại phòng ăn trong trụ sở cơ quan.
Ông Nghiên sống chết quyết giữ biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa dằng dặc suốt chục năm, mặc kệ cấp trên họp vô số lần, đóng dấu đỏ choét cả thúng văn bản đòi nhà.
Cựu Cục trưởng Cục lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan công khai chèn ép doanh nghiệp, đẩy họ vào thế thua lỗ, bắt buộc phải nhả tiền bôi thật trơn guồng máy cấp phép.
Cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), ông Trần Văn Dự nói số đen nên mới bị bắt vì tội hối lộ, “không may thì thôi trả lại tiền cho Nhà nước”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận hối lộ 37 lần, tổng cộng 21,5 tỷ đồng nhưng không mở ra xem, chỉ nhận thức đó là quà doanh nghiệp cảm ơn.
Hành xử thật trơ tráo, vi phạm pháp luật công khai, nhưng không phải vì họ không sợ pháp luật. Mà vì họ tin pháp luật hiện tại không động được đến mình.
Ý thức hay nói cách khác, niềm tin đó được hình thành dần dần trong suốt quá trình làm việc, qua quan sát sự nghiệp tham nhũng của các tiền bối và rút tỉa kinh nghiệm từ trải nghiệm của bản thân.
Ai cho ăn người đó là mẹ
Một người trong sạch không thể tồn tại trong hệ thống lấy hối lộ làm nguyên lý hoạt động. Nhưng, tham nhũng là hẳn một cơ chế tinh tế, trong đó một cá nhân không thể một tay che trời. Họ phải kết nối với nhau thành một nhóm lợi ích, một mạng lưới che trên chắn dưới.
Nếu ai đó muốn rời bỏ guồng máy này mà vẫn giữ tư cách trong sạch, nó sẽ nghiền nát họ.
Nếu bị xác định là con cừu đen, một mầm non lãnh đạo sẽ gặp đủ thứ tai nạn nghề nghiệp vào những lúc bất ngờ nhất. Những lá đơn tố cáo về những nội dung không có thật nhưng được gửi đi vào thời điểm xét duyệt lên chức. Cấp dưới không tuân thủ, phá hoại thành quả công việc. Những cạm bẫy núp dưới vô vàn vỏ bọc, từ xưa cũ và thô thiển như tình dục và tiền bạc cho đến tinh vi như hứa hẹn cam kết đổi chác lấy vị trí quyền lực cao hơn… Cuối cùng, họ hoặc phải chấp nhận bị cô lập, bị chơi xấu, biến thành vô dụng để cuối cùng bị đuổi khỏi vị trí đang nắm giữ để cho tay chơi khác hiểu luật hơn thay thế. Hoặc chính họ nhanh chóng khôn ra, chủ động biến mình thành một phần của guồng máy tham nhũng, chia sẻ lợi ích và sự “an toàn” khi là những bánh xe xoay cùng một chiều. Quy trình này thường rất dài, tinh tế và phức tạp. Có ai không trăn trở, tự vấn, cân nhắc nhiều chiều trước khi quyết định bước vào con đường không lối về không?
Đau buồn khi con đường sinh tử đó nhiều khi lại là lựa chọn duy nhất.
Vụ Việt Á với hàng trăm bị can chủ yếu là lãnh đạo các cơ quan y tế khắp cả nước, trong đó có ba nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị bắt là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội/cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. “Xảy ra từ Trung ương đến địa phương, xuyên suốt” - Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên.
Vẫn theo ông Yên, vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tỉnh “là sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau”.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, chỉ trong bốn tháng, từ tháng 1 đến tháng giữa tháng 5 năm 2023, Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức Đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật có 12 tổ chức Đảng, 26 cán bộ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên, một nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ba chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND cấp tỉnh, hai sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra.
Còn trong 10 năm từ 2013 đến 2013, đã có khoảng 7.400 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý. Trong số này có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (Báo cáo 10 năm phòng chống tham nhũng tiêu cực).
Ông Nguyễn Phú Trọng quy tất cả vấn nạn tham nhũng cho việc đảng viên không nêu cao đạo đức cá nhân, không tự rèn luyện bản thân. Nhưng lương tháng của một đại tá Công an chỉ khoảng 14,5 triệu đồng, thì bằng tư duy gì ông Cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận 7,5 tỷ đồng từ tay cấp dưới chỉ trong vài tháng mà không hề nghi ngờ, như ông khai trước tòa? Lương đương chức của thiếu tướng Công an khoảng hơn 20 triệu đồng, thì nếu quả thật không hề ăn lận đồng nào của cô em gái rất thương nhờ chạy án thì ông cựu thiếu tướng Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bằng phép màu nào một phát nộp khắc phục hậu quả vụ án đủ 1,5 triệu USD, chưa kể bị công an thu gần 200 miếng vàng, 210.000 USD, hơn một tỷ đồng trong tài khoản?
Bà Nguyễn Thị Hương Lan khai một mình nuôi hai con, một mẹ già, ngoài ra thì hết lòng hết dạ với công việc ở Cục Lãnh sự. Nhưng tiền đâu bà đi chiếc Lexus hơn ba tỷ, hai căn hộ chung cư cao cấp, trong đó có một căn trị giá khoảng 15 tỷ, cổ phiếu, trái phiếu khoảng năm tỷ, tiền mặt gần 1,2 tỷ… tổng cộng khoảng 25 tỷ đồng?
Thiên hạ còn đồn bà Lan đã kịp mua một ngôi nhà to và đẹp ở Mỹ.
Nhưng trong suốt quá trình giàu lên bất thường một cách “có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan nhiều người, nhiều cấp độ khác nhau” như thế của các cán bộ đảng viên lãnh đạo, chẳng chi bộ nào yêu cầu họ kê khai tài sản và thực hiện nó nghiêm túc. Cũng chẳng cơ quan kiểm tra nội bộ nào phát hiện và ngăn chặn, mặc dù cái u nhọt khổng lồ cứ lù lù mọc lên hàng ngày trước mắt họ.
Đấy chẳng phải là chuyện vô cùng vi diệu sao? Kết luận cho việc này là gì?
Ai cho ăn, người đó là mẹ. Tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo Việt Nam không phải là một bước chân sơ sẩy, trót lỡ. Nó là hệ quả của sự nghiệp chống tham nhũng bằng hô hào, kêu gọi liêm chính nhưng luôn luôn lờ đi thực tế là đảng viên cũng cần phải ăn. Nó chính là con đẻ của chế độ nên gần như đã thành quy luật, quá trình thăng tiến của một lãnh đạo cũng chính là quá trình tha hóa của họ.
Trong môi trường dầy đặc dưỡng chất cho tham nhũng ấy, ai rồi cũng rứa! Thành tham quan cả thôi!
______________
Tham khảo:
https://congan.com.vn/doi-song/dac-biet-kho-khan_150131.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nhận xét
Đăng nhận xét