Chuyện những phụ nữ trẻ không cần chồng vẫn làm mẹ ở Trung Quốc

 

  • Stephen McDonell
  • Phóng viên BBC thường trú tại TQ
Zhang Meili holds her baby Heng Heng
Chụp lại hình ảnh,

Trương Mỹ Lệ dự định nuôi con trai Hanh Hanh chỉ với sự trợ giúp của bà ngoại

Cho tới năm ngoái, phụ nữ chưa chồng ở Trung Quốc gần như không thể làm mẹ đơn thân. Nhưng thay đổi đang diễn ra trong xã hội, dẫn đến dịch chuyển về chính sách.

Trong một căn hộ ở ngoại ô Thượng Hải, Trương Mỹ Lệ (Zhang Meili-张美丽) ẵm cậu con trai hai tháng tuổi. Bé ê a vui vẻ còn cô nựng bé và nói mẹ sẽ ra ngoài đi kiếm tiền cho con.

Khi mẹ đi làm, bé Hanh Hanh được bà ngoại trông. Bà vừa chuyển lên Thượng Hải để trông cháu giúp con gái.

Chuyện bé Hanh Hanh không có cha sẽ bị nhiều người phê phán ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh và vùng nông thôn truyền thống. Đa số vẫn cho rằng một đứa trẻ không nên ra đời nếu không có cả cha lẫn mẹ.

Trong trường hợp của Trương, cô nói cô may mắn là cô đã chuyển lên Thượng Hải làm kinh doanh vì ở thành phố này, quan niệm mẹ đơn thân được chấp nhận rộng rãi hơn.

"Tôi biết ơn sự bao dung của Thượng Hải," cô nói. "Tôi đến từ tỉnh Hà Nam nông thôn, nơi mà mẹ đơn thân như tôi sẽ bị phân biệt đối xử."

Baby Heng Heng lies on a mat
Chụp lại hình ảnh,

Bé Hanh Hanh sẽ lớn lên ở Thượng Hải, nơi các bà mẹ đơn thân ít bị dị nghị hơn

Cô trở thành mẹ đơn thân sau khi gia đình bạn trai của cô từ chối chấp nhận sự lựa chọn của con trai. Họ cho là vị trí xã hội của cô quá thấp kém.

Vậy là anh ta chia tay với cô - mặc dù biết cô mang bầu với anh.

Tôi hỏi mẹ của Trương Mỹ Lệ, bà Triệu, bà nghĩ gì khi nghe tin rằng cô con gái 25 tuổi của bà sẽ giữ cái thai.

"Cảm xúc của tôi á? Tôi rất đau lòng," bà nói. "Nuôi con một mình sẽ rất vất vả. Và ở quê chúng tôi, hàng xóm sẽ đàm tiếu rất nhiều."

Giờ đây đã lên chức bà, cảm xúc của bà Triệu có thay đổi?

"Giờ đây tôi thấy cháu, tôi rất vui," bà nói với nụ cười rạng rỡ.

Trương Mỹ Lệ có sự lựa chọn mà nhiều phụ nữ chưa chồng không có vì cô tự kinh doanh nhỏ.

Việc này cho cô sự độc lập và tự điều khiển cuộc đời mình.

Mặc dù cửa hàng massage cô điều hành vẫn còn khó khăn sau Covid, cô không cần phải xin phép chủ khi muốn nghỉ hay chật vật với dị nghị ở cơ quan vì cô sinh và nuôi một đứa con trai không có cha.

Tất nhiên, mọi chuyện không dễ dàng cho Trương Mỹ Lệ với kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng bởi Covid, rồi sinh con, và nhiều người vẫn không ủng hộ cô.

Cô kể không một người bạn nào ủng hộ quyết định của cô. Họ nghĩ nó sẽ làm cô khó tìm được chồng trong tương lai, và không tốt cho đứa bé lớn lên mà không có cha.

Zhang Meili removes wax from a customer's ear
Chụp lại hình ảnh,

Trương Mỹ Lệ có cửa hàng kinh doanh riêng nên cô độc lập về tài chính

"Khi tôi có mang, tôi đi bệnh viện khám một mình," cô nói. "Lúc đó, cửa hàng của tôi chật vật để tồn tại và khi tôi nhìn quanh, tôi đã ghen tỵ với những phụ nữ có chồng đi cùng.

"Nhưng tôi chọn làm mẹ đơn thân. Tôi chọn có bé, và tôi phải vượt qua".

Trước năm 2016, chính phủ Trung Quốc cấm chuyện này bằng cách không cho cấp giấy khai sinh nếu không có giấy đăng ký kết hôn giữa mẹ và cha đứa trẻ.

Một vấn đề nữa là phải có thông tin cá nhân của cả cha và mẹ để đứa trẻ được đăng ký hộ khẩu.

Khi tôi mới tới Trung Quốc hai thập kỷ trước, tôi nhớ các phụ nữ chưa chồng kể cho tôi họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phá thai nếu chẳng may họ có mang vì đứa trẻ sẽ không thể sống được ở đất nước này nếu không có đầy đủ các loại giấy tờ.

Ngay sau khi quy định thay đổi, phụ nữ không chồng ở Trung Quốc vẫn gần như không thể nghĩ đến chuyện có con một mình cho tới năm ngoái, vì họ không tiếp cận được bảo hiểm y tế để trả phí bệnh viện, và cũng không được nghỉ đẻ.

Hai điều này đã thay đổi về nguyên tắc, nhưng trên thực tế, chủ lao động phải nộp đơn xin thay mặt cho nhân viên thì họ mới được nhận các quyền lợi - và một số công ty vẫn từ chối không chịu làm.

Một luật sư xử lý các trường hợp này cho tôi biết bà có một khách hàng mà sếp của cô tại một hãng lớn không giúp cô lấy quyền lợi nghỉ đẻ. Họ chỉ đồng ý giúp sau khi cô kiện hãng.

Một số sếp không hiểu là quy định đã thay đổi, bà nói thêm. Một số khác không muốn cập nhật thông tin đơn giản vì họ không muốn. Họ coi việc làm cha mẹ đơn thân là sai.

A young boy in an orange T-shirt looks into the camera
Chụp lại hình ảnh,

Giờ đây TQ muốn tăng tỷ lệ sinh, nhưng các bà mẹ đơn thân ở nông thôn vẫn bị dị nghị và phân biệt đối xử

GS Dương Cúc Hoa (杨菊华) từ Đại học Dân tộc, Bắc Kinh, cho rằng theo luật Trung Quốc, tất cả các bà mẹ và trẻ em đều phải được hưởng quyền như nhau bất kể tình trạng hôn nhân.

"Nhưng khâu thực hiện không trôi chảy," bà nói. "Vì sao ư? Vì nhiều người vẫn không hiểu, và không khoan dung với các bà mẹ đơn thân."

Là một nữ một chuyên gia về nhân khẩu học, GS Dương cho biết các quy định được đề ra mà không tính đến các bà mẹ đơn thân.

"Quy định của Trung Quốc được lập ra cho các cặp vợ chồng," bà nói thêm. "Hôn nhân là điều tiên quyết. Cha mẹ đơn thân vẫn là điều mới mẻ và thể hiện một cách nghĩ rất khác với đạo đức truyền thống của chúng tôi."

Một yếu tố làm thay đổi các nhà hoạch định chính sách là dân số già đi ở Trung Quốc.

Sau nhiều thập kỷ theo chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, chính phủ giờ đây muốn các cặp vợ chồng có nhiều con hơn, nhưng nhiều người không đáp lại lời kêu gọi đó vì lý do tài chính. Họ nghĩ họ không đủ điều kiện kinh tế để nuôi nhiều con.

Trong hoàn cảnh đó, giới chức quyết định rằng nếu phụ nữ độc thân muốn có con, họ nên được khuyến khích.

Bành Thanh Thanh (彭青青) làm nghề quản lý một nền tảng bán hàng online, đang có bầu những tháng cuối và không có chồng. Cũng như Trương Mỹ Lệ, cô kể rằng là một phụ nữ tự kinh doanh khiến mọi việc dễ dàng hơn.

Peng Qingqing
Chụp lại hình ảnh,

Nữ doanh nhân Bành Thanh Thanh sắp làm mẹ đơn thân

"Mẹ tôi luôn bảo rằng phụ nữ phải độc lập, tự tin và mạnh mẽ," cô nói. "Tôi không muốn về làm dâu một gia đình khác chỉ vì đứa con."

Người phụ nữ 30 tuổi nói cô tình cờ có bầu với bạn trai trẻ tuổi hơn nhiều và lúc đó không phù hợp để cô lập gia đình, nhưng cô lại muốn giữ đứa con.

Cô nói chuyển biến về địa vị của phụ nữ trong xã hội Trung Quốc, nhất là về sự độc lập kinh tế, có nghĩa là giờ đây họ có thể có những lựa chọn mà chỉ cách đây vài năm là không thể.

"Theo truyền thống phụ nữ phụ thuộc vào nam giới và gia đình. Khi chúng tôi kiếm được tiền nhiều hơn, đàn ông và phụ nữ trở nên bình đẳng hơn. Phụ nữ có thể thuê người giúp họ," cô nói.

Nhưng đại đa số phụ nữ độc thân TQ có thu nhập thấp và vẫn phải dựa vào gia đình để hỗ trợ họ.

Peng Qingqing
Chụp lại hình ảnh,

Bành Thanh Thanh nói khi cô phát hiện mình có thai lại không đúng thời điểm cô muốn lấy chồng

Phụ nữ có con ngoài giá thú cũng phải chịu nhiều sự phân biệt đối xử khác.

Đối với công chức, họ có thể không được Đảng Cộng sản phê duyệt về đạo đức. Và như vậy họ sẽ có thể sẽ không được lên chức hay thậm chí không kiếm được việc làm nhà nước.

Nhưng GS Dương cho rằng khi xã hội trở nên bao dung hơn với các bà mẹ đơn thân, sự phân biệt đối xử đó sẽ dần mất đi.

Nếu trong tương lai, chính quyền trung ương yêu cầu các quan chức địa phương thực hiện triệt để hơn chính sách cho phép phụ nữ độc thân làm mẹ, điều này cũng có thể giúp cải thiện tình hình, bà nói.

Còn đối với Trương Mỹ Lệ, cô cho rằng đây phải là lựa chọn của chính phụ nữ.

Tôi hỏi cô có lời khuyên gì cho những người khác trong hoàn cảnh tương tự, cô nói: "Tùy hoàn cảnh của cá nhân họ, nhưng nếu họ yêu trẻ con, họ nên sinh con.

"Đừng mất một đứa con chỉ vì ý kiến của người khác hay vì nhiều câu hỏi nhắm vào bạn từ bên ngoài".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?