Bài viết của L’Express mở đầu bằng một cảnh do drone quay lại trên mặt trận Zaporijia vào tháng Sáu. Những người lính Ukraina cố gắng đưa đồng đội bị thương vì mìn ra ngoài, nhưng cỏ mọc cao không thể thấy những quả mìn khác. Một loạt vụ nổ khác xảy ra, chuyến tải thương trở thành ác mộng, đến lượt các chiến binh này thành nạn nhân của mìn và lại bị pháo của Nga nhắm đến.
Marc Chassillan, cựu đại tá công binh nhận định nếu không có mấy triệu quả mìn này, Ukraina đã đánh đến tận biên giới. Một quả mìn nổ có thể làm trật bánh xích xe tăng, phá hủy một thiết giáp, chận lại một đơn vị và buộc họ quay về một khu vực nằm trong tầm pháo. Những loạt súng máy 20 ly cách đó 300 đến 1.000 mét sẽ nã vào đoàn quân đang bị kẹt, tiếp đó là pháo từ xa hơn được drone hướng dẫn.
Nga có hàng loạt thiết bị để gài mìn. Loại GMZ-3 chôn mìn xuống và lấp đất lên, loại UMZ-G bắn mìn từ khoảng cách 40 mét, và loại mới hơn là Zemledeliye có thể phun hàng loạt cách đó đến 15 kilomet thông qua rốc-kết. Phía Ukraina cũng có hệ thống gài mìn từ xa với RAAM, những quả đạn 155 ly bắn được loại mìn từ tính nặng 2,3 ký ; từng gây sợ hãi cho quân Nga ở Vuhledar hồi tháng Ba.
Đủ loại mìn tai ác nhưng Kiev thiếu thiết bị để phá
Như vậy muốn xuyên qua được những bãi mìn của Nga cần có những thiết bị tân tiến. Sau khi dội pháo hàng loạt, những xe chuyên dụng sẽ vẹt mìn qua một bên hoặc làm chúng phát nổ để mở ra một con đường. Một thiết bị khác bắn ra một tấm lưới « pháo bông » để dọn dẹp lối đi.
Human Rights Watch (HRW) trong một phúc trình cho biết có ít nhất 13 loại mìn chống tăng được sử dụng ở Ukraina, phổ biến nhất là TM-62 của Liên Xô lớn bằng một chiếc bánh pizza, chứa 7,5 ký chất nổ. Mìn sẽ nổ dưới áp lực hay phát hiện khối kim loại bên cạnh, một số có thể tấn công vào nóc thiết giáp.
Bên cạnh đó là mìn chống cá nhân, Nga đã dùng tối thiểu 13 loại để gài bẫy ở những vùng được Ukraina tái chiếm, có khi ngay dưới xác người hoặc thú. Baptiste Chapuis của Handicap International từ Ukraina trở về cho biết mới nhất là loại POM-3 dùng cảm biến, nhắm vào những bộ phận ít được bảo vệ nhất của cơ thể như mắt, cổ. Marc Chassillan tố cáo mìn chống cá nhân chủ yếu nhằm sát hại những người gỡ mìn hay bộ binh hộ tống thiết giáp đi sau thiết bị gỡ mìn. Cuộc chiến mìn bẫy rất tai ác, đôi khi mìn được giấu dưới một quả mìn khác.
Một khi chiến tranh kết thúc, những quả mìn này có thể gây ra thảm họa nhân đạo, như những quả đang trôi nổi sau vụ phá đập Kakhovka. Còn phải mất nhiều thập niên để giải phóng mặt đất, nhất là mỗi loại mìn cần những kỹ thuật khác nhau.
Kiev tung vào một số lực lượng mới
Cũng liên quan đến cuộc chiến, The Economist nhận thấy quân đội Ukraina triển khai những lực lượng mới trong đợt tấn công lớn ở miền nam.Các lữ đoàn mới của Ukraina được phương Tây trang bị không thể tiến được vì mìn và pháo bầy của Nga, nên Kiev đã thay đổi chiến thuật. Thay vì thiết giáp, nay là những nhóm nhỏ không quá 20 chiến sĩ, tiến một cách thận trọng.
Tướng Mỹ Mark Milley hôm 18/07 nhận định đa số quân đội NATO đối mặt với những phòng tuyến đại quy mô tương tự cũng khó thể đột phá nếu không được không quân yểm trợ. Khó khăn của Kiev không chỉ là thiếu chiến đấu cơ, thiết bị gỡ mìn mà cả phối hợp tác chiến – một điều dễ hiểu vì các tân binh Ukraina chỉ mới được huấn luyện một tháng tại Đức, chưa quen với các vũ khí mới. Theo ông, cuộc phản công tuy chậm chạp nhưng không phải là thất bại.
Những người lạc quan chỉ ra ba yếu tố có lợi cho Ukraina : quân Nga không còn có thể tấn công ồ ạt, không có lực lượng dự trữ phía sau (nên Yevgeny Prigozhin mới tiến về Matxcơva mà không gặp trở ngại). Yếu tố thứ ba, Ukraina nhắm thành công vào các sở chỉ huy – tướng Nga Oleg Tsokov đã thiệt mạng hôm 11/07. Kiev dùng hỏa tiễn Storm Shadow của Anh đánh vào căn cứ không quân và kho đạn, kể cả ở Crimée ; và việc Hoa Kỳ cung cấp bom chùm giúp Ukraina duy trì chiến dịch phản công lâu hơn dự kiến.
Thế nên tướng Valery Zaluzhny, tổng tham mưu trưởng hôm 26/07 đã điều chỉnh kế hoạch. Quân đoàn 9 của Ukraina mở đường tiến tới tuyến phòng thủ chính của Nga, sau đó quân đoàn 10 trong đó có ba lữ đoàn được phương Tây trang bị tấn công vào những tuyến kiên cố nhất, rồi những đơn vị cơ động sẽ khai thác bất cứ lỗ hổng nào của địch.
Chỉ khi đại bại, Nga mới tàn mộng đế quốc
Trả lời phỏng vấn của L’Express, chuyên gia Keir Giles của Chatham House nhấn mạnh, cần phải làm cho Matxcơva hiểu rằng thời kỳ đế quốc Nga ngự trị đã là quá khứ. Chỉ có một chiến thắng dứt khoát của Kiev mới bảo đảm được an ninh tương lai của châu Âu.
Nếu Ukraina gặp nhiều khó khăn như vậy, đó là vì phải tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại mà không có đủ phương tiện trong tay – một điều mà không một quân đội phương Tây nào có thể làm được. Ông Giles nhận thấy những lời kêu gọi ngưng bắn càng nhiều khi Putin làm giá năng lượng và lương thực tăng cao. Tuy nhiên tình hình sắp tới sẽ càng trầm trọng nếu Nga đạt được mục đích dù chỉ một phần. Được giữ lại một số vùng đất chiếm bằng vũ lực, sẽ kích thích Matxcơva tiếp tục gây chiến khi cảm thấy đủ sức.
Chính Vladimir Putin đã quyết định xâm lăng Ukraina, nhưng càng ngày các nhà lãnh đạo và công chúng phương Tây càng tin rằng không đơn giản thay thế Putin là mọi chuyện sẽ kết thúc. Chỉ cần quan sát việc đông đảo dân Nga ủng hộ chiến tranh, còn quân đội Nga thì thản nhiên gây ra những hành động diệt chủng ở Ukraina. Sẽ ngây thơ khi cho rằng một sự thay đổi lãnh đạo sẽ dẫn đến mối quan hệ hữu nghị với Nga. Cho đến nay, Matxcơva không có lý do gì để xem xét lại sự thù địch cố hữu với phương Tây. Chỉ khi nào bại trận thê thảm trước Ukraina mới khiến Nga nhìn lại quan điểm đế quốc xưa nay, rằng Matxcơva có quyền thống trị các láng giềng bằng vũ lực.
Ngũ cốc : Không thể để cho Putin làm mưa làm gió
Về mặt kinh tế, The Economist cho rằng thế giới không nên để cho Vladimir Putin thao túng thỏa thuận ngũ cốc.Tổng thống Nga nói rằng thỏa thuận này chỉ làm giàu cho các công ty phương Tây, và lời hứa không trừng phạt đã bị vi phạm. Nhưng Putin hoàn toàn dối trá : xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị cấm vận, và thỏa thuận này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia nhập khẩu lương thực.
Lý do thực sự của việc Nga ngưng áp dụng, là nhằm phá hoại kinh tế Ukraina. Từ khi cuộc xâm lăng bị sa lầy, chiến lược của Matxcơva là thuyết phục các đồng minh của Kiev rằng Ukraina không thể thắng được một cuộc chiến kéo dài. Nếu không xuất khẩu được ngũ cốc vốn chiếm 2/5 lượng hàng xuất đi, Kiev sẽ suy sụp. Những con đường khác bằng đường sắt và tàu thủy đã đắt đỏ, mà còn bị Putin cho oanh kích.
Quốc tế nên gây áp lực : các nước châu Phi có thể lên tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đứng ra làm trung gian. Bên cạnh đó, phương Tây cần cảnh cáo nếu ngoại giao thất bại, sẽ dùng đến sức mạnh để phá vỡ việc phong tỏa bất hợp pháp vùng biển quốc tế. Chi viện hỏa tiễn tầm xa cho Ukraina, bảo hiểm cho những đoàn tàu ngũ cốc, và biện pháp cuối cùng là dùng quân đội hộ tống. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng quyền từ chối chiến hạm đi vào Hắc Hải thông qua Bosphore, một số thành viên NATO có thể yểm trợ bằng không lực.
Lao động Trung Á bị Matxcơva dùng làm bia đỡ đạn ở Ukraina
Bên cạnh đó, L’Express cũng quan tâm đến số phận « Những di dân bị Matxcơva dùng làm bia đỡ đạn ở Ukraina ». Gần 10 triệu công dân Trung Á đi lao động tại Nga thành mục tiêu của các nhà tuyển quân để bổ sung cho các đơn vị bị thiệt hại nặng nề.Tháng 9/2022, những đoàn xe kéo dài hàng mấy chục cây số ở biên giới giữa Nga và Kazakhstan. Hàng ngàn người Nga chạy sang Trung Á để tránh bị động viên, và ngược lại công dân các nước này sang Nga kiếm việc làm.
Quý 1/2023, số lao động nhập cư từ Uzbekistan, Tadjikistan, Kirghizstan và Kazakhstan là gần 2 triệu người. Từ 20 năm qua, những người Trung Á bán sức lao động giá rẻ đã đóng góp 8-10 % GDP Nga, đa số làm trong ngành xây dựng hoặc dịch vụ. Theo nhà nghiên cứu Yan Matusevitch của City University, chỉ riêng năm 2022, thành phố Matxcơva đã thu được 30 tỉ rúp tiền thuế (300 triệu euro) từ họ. Ở chiều ngược lại, kiều hối từ Nga chiếm 30 % GDP của Tadjikistan và Kirghizstan trong năm ngoái.
Nhưng từ sau lệnh động viên của Nga, không ít người lao động Trung Á đã bỏ sang nước khác làm việc. Họ bị phân biệt đối xử, nhưng lại là nguồn cung cấp bia đỡ đạn lý tưởng. Không thể biết được con số cụ thể, nhưng theo BBC, đến 14/06 đã có 93 công dân Trung Á chết trên chiến trường Ukraina. Valentina Tchoupik, luật sư chuyên về di dân hàng ngày nhận được 1.400 lời kêu gọi giúp đỡ của những người sắp phải vào lính, và đã hỗ trợ được 2.000 người từ đầu cuộc chiến. Bà cho biết tại các trung tâm nhập cư, họ được đưa cho cả chồng giấy tờ để ký mà không được đọc trước, trong đó có hợp đồng tình nguyện nhập ngũ, rồi bị đưa đến đơn vị.
Công nhân xây dựng rất cần để tái thiết các thành phố bị sáp nhập như Bakhmut, Mariupol, Lugansk, Avdivka. Họ được hứa trả 70 đến 80 ngàn rúp một tháng (740 đến 850 euro). Một khi đến nơi, họ chỉ nhận được một phần ba tiền lương đã hứa và khi kết thúc thời hạn, bị cấm quay về Nga. Các lao động này kẹt lại Ukraina với số tiền không thể xài được vì chuyển vào thẻ tín dụng Mir chỉ có giá trị tại Nga. Các đại sứ quán liên quan không dám làm mất lòng Matxcơva, và sự sa lầy của Nga tại Ukraina khiến tình trạng của họ khó lòng được cải thiện.
Gót chân Achille của « Trung Hoa mộng » : Nhà nước pháp quyền
Nhìn sang châu Á, bài xã luận của L’Obs đặt ra câu hỏi « Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đâu rồi ? ». Ở xứ sở nào mà một bộ trưởng ngoại giao bỗng dưng biến mất nhưng không ai có thể chất vấn ? Người ta nghĩ đến những chế độ độc đoán cực điểm như Bắc Triều Tiên của họ nhà Kim, hay Syria của phe Assad.
Không thể nào là cường quốc kinh tế và quân sự thứ nhì thế giới, có quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc, vẫn khoe khoang với thế giới mô hình chính trị xã hội nhằm thay thế một phương Tây bị cho là đang suy tàn. Nhưng đó lại là Trung Quốc của Tập Cận Bình, bị đẩy trở lại thời kỳ của thanh trừng, những nhà lãnh đạo bị xóa khỏi những tấm ảnh chụp chung với Mao Trạch Đông – xóa bằng tay vì thời đó chưa có Photoshop.
Không ai còn trông thấy ông Tần Cương kể từ ngày 25/06. Tin đồn lan rộng về việc ông dan díu và có con với Phó Hiểu Điền, người dẫn chương trình đài Phượng Hoàng Hồng Kông cũng đã mất tích ; tin khác cho rằng cô này là gián điệp. Cựu ngoại trưởng Vương Nghị đã thăng làm ủy viên Quốc vụ viện quay trở lại, đi Trung Á và châu Phi thay cho Tần Cương. Không một lời giải thích. Sự kiện này bộc lộ lỗ hổng của « mô hình Trung Quốc » : thiếu vắng Nhà nước pháp quyền. Đây là gót chân Achille của « Trung Hoa mộng » theo Tập Cận Bình.
Sau vẻ hào nhoáng là chế độ Mác-Lê nghiệt ngã
Tần Cương tuy là ngoại trưởng và mới đây là đại sứ tại Washington, chức vụ nổi bật nhất trong ngành ngoại giao, vẫn không tránh khỏi bị « mất tích » dưới nền tư pháp song hành của đảng. Những năm gần đây, Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) biến mất nhiều tháng trời vì trốn thuế, vận động viên Bành Súy (Peng Shuai) thì ba tuần sau khi tố cáo một quan chức quấy nhiễu tình dục. Tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), người giàu nhất châu Á vì dám chỉ trích lãnh vực ngân hàng, cũng cùng chung số phận.
Những trường hợp này cho thấy để lãnh đủ đòn sấm sét của đảng, không cần thiết phải là nhà ly khai như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) – vừa bị 14 năm tù vì tội « nổi dậy ». Một bộ trưởng, diễn viên ngôi sao, tay vợt tennis, tỉ phú công nghệ…bỗng dưng biệt dạng, không có luật sư biện hộ, không được kháng cáo, không tranh luận !
L’Obs cho rằng Tần Cương một ngày nào đó sẽ tái xuất như không có chuyện gì xảy ra, nhưng tâm trạng bất an còn hằn sâu mãi trong dân chúng. Đối với The Economist, dù hồi kết có như thế nào đi nữa, vụ này nhắc nhở rằng Bắc Kinh, với những tòa nhà chọc trời lung linh và những đoàn xe hơi náo động, vẫn là thủ đô của một chế độ mác-xít lê-nin-nít với những trò chơi tàn bạo của nó.
Kền kền Trung Quốc rình rập Đạt Lai Lạt Ma
L’Obs tuần này dành nhiều đất cho khu giải trí Puy du Fou ở vùng Vendée của Pháp, Le Point nói về cuộc sống tách biệt của tổng thống Macron. L’Express có hồ sơ mang tựa đề « Trí thông minh nhân tạo, giấc mơ điên cuồng ». Ở các trang trong, bện cạnh cuộc xâm lăng Ukraina, Trung Quốc luôn là đề tài được chú ý.
Le Point nhận định « Việc đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma khiến Bắc Kinh lo sợ ». Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vừa mừng sinh nhật 88 tuổi đang chuẩn bị người kế vị, và Trung Quốc muốn áp đặt quy định của mình trong việc chọn lựa vị thủ lãnh tương lai.
Những con kền kền Trung Quốc đang lượn lờ trên bầu trời để rình rập những dấu hiệu sa sút sức khỏe của Đạt Lai Lạt Ma. Riêng trong năm nay, cảnh sát Ấn Độ đã hai lần bắt giữ các gián điệp của Bắc Kinh tại Dharamsala và tại New Delhi - nhằm nghe ngóng xem ai sẽ là hiện thân của Đạt Lai Lạt Ma mới. Hoa Kỳ đã ra tay trước, thông qua một đạo luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc can thiệp vào việc kế vị Đạt Lai Lạt Ma, còn Liên Hiệp Châu Âu chỉ nhẹ nhàng kêu gọi Bắc Kinh « tôn trọng Phật giáo Tây Tạng ».
Nhận xét
Đăng nhận xét