Nâng cấp Việt – Mỹ lên “đối tác chiến lược” không chỉ là câu chuyện của ngoại giao
Bình luận của Trần Hiếu Chân
Việc nâng cấp “đối tác chiến lược” hay “đối tác chiến lược toàn diện” không chỉ đơn thuần là câu chuyện của ngoại giao. Thực chất đó cũng là câu chuyện của nội trị. Trên nền hội nhập với các đối tác là những quốc gia dân chủ, đất nước nương theo các quy luật thị trường, nhà nước pháp quyền, tôn trọng các thang giá trị phổ quát. Các thế hệ, trước hết là thế hệ trẻ, trí thức trẻ sẽ được hưởng lợi từ những xu hướng tiến bộ của thế giới.
-----------------------
Còn hơn tuần lễ nữa mọi chuyện sẽ sáng tỏ về “đẳng cấp” của các mối bang giao giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Đó sẽ là mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) hay chỉ là “đối tác chiến lược” (SP)? Trong vòng 13 ngày, Tổng thống Joe Biden đã chủ động nhắc dến chuyến thăm Hà Nội của ông đến ba bốn lần (1). Ông nhắc lại cuộc điện thoại với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, được hiểu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuy không nêu rõ danh tính. Ông Biden cũng nhấn mạnh phía Việt Nam “tha thiết” muốn được gặp ông để nâng tầm mức mối quan hệ lên cấp độ ngang bằng Trung Quốc và Liên bang Nga. Người đứng đầu ĐCSVN có xếp Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Liên bang Nga trong cuộc điện đàm hay không? (2) Chúng ta hãy chờ xem! Nhưng dẫu ông Trọng có đồng ý với ông Biden để cho Hoa Kỳ “vượt cấp”, nhảy hai bước từ “đối tác toàn dện” (CP), một đối tác loại ba, lên hẳn loại nhất (CSP), thì về bản chất sâu xa của hệ thống đối tác trong ngoại giao Việt Nam, chẳng có gì thay đổi cả. Bang giao Trung – Việt vẫn là “yếu tố tổng trì”, chi phối mọi quan hệ khác.
Một CSP Việt – Mỹ trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không thể coi đó là một liên minh quân sự làm lệch thế cân bằng “bất tương xứng” xưa nay trong tam giác Việt – Mỹ – Trung. Việt Nam đã có những bước đi cẩn trọng trước khi chuẩn bị đón Tổng thống Biden thăm Hà Nội lần này. Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 16/8 đã hội kiến tân/cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong khuôn khổ chuyến thăm tỉnh Vân Nam. Tại cuộc hội kiến, ông Quang đã đề nghị hai bên tích cực chuẩn bị tốt cho các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy hợp tác thương mại theo hướng bền vững hơn và tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ. Ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với Việt Nam, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thời gian tới (3). Theo phân tích của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp trên trang mạng Nghiên cứu quốc tế ngày 29/08/2023, Hà Nội vẫn có thể chấp chận nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm CSP mà không lo có những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại. Bởi vì việc nâng cấp này trước hết phục vụ cho các mục tiêu kinh tế. Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nhà đầu tư thứ 11 tại Việt Nam với mức vốn đăng ký lũy kế là hơn 11 tỷ trong năm 2022 (4).
Thời gian tới đây giữa Mỹ và Việt Nam có thể xúc tiến những sự hợp tác tập trung vào công nghệ và đổi mới. Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro VietNam) đã thỏa thuận hợp tác khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, Cảng Vân Phong, đất hiếm (Việt Nam có trữ lượng sau Trung Quốc) và băng/đá cháy (natural hydrate hoặc gas hydrate trữ lượng dưới BĐ 19,4 tỉ m³)… Bên cạnh kinh tế, hai nước ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ (FOIP) cũng như những nỗ lực chống tham vọng hàng hải của Trung Quốc phần lớn phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam gia tăng đáng kể trong những năm gần đây; Hoa Kỳ có nhiều cơ hội trở thành nhà cung cấp các phương tiện quan trọng cho Việt Nam trong tương lai. Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ phù hợp với việc Hà Nội đa phương hóa và đa dạng hóa nền ngoại giao. Việt Nam cũng đang chuẩn bị nâng quan hệ với Tokyo, Canberra và Singapore lên CSP.
Trong lịch sử cận đại, từ ngày thành lập ĐCSVN cũng như từ ngày giành được chính quyền đến nay, các nhân tố bên ngoài bao giờ cũng có tác động ghê gớm, nếu như không nói là quyết định đối với mọi chuyển động bên trong đất nước. Nếu như không có sụp đổ của Liên xô và hệ thống XHCN thì Việt Nam làm thế nào có quyết tâm thoát khỏi cái “bẫy Khmer Đỏ”, làm thế nào có quyết tâm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, với Liên Âu và cùng lúc trở thành thành viên của một ASEAN mà sứ mệnh nguyên thủy của nó là để chống cộng. Tất cả diễn ra trong một năm duy nhất, đó là năm 1995! Như một khoảnh khắc “nháy mắt”, cho dù đằng sau khoảnh khắc ấy là sự hy sinh của biết bao sức người và của cải vật chất. Những ai đã trải qua chiến trường K hay mười năm chiến tranh biên giới phía Bắc thì mới thấy hết những tổn thất to lớn, không chỉ về người và của trong những năm thời hậu chiến.
Tương tự, tuy cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine chưa kết thúc, nhưng trong một thế giới hậu Ukraine, Việt Nam khó có thể dựa vào Nga như một yếu tố cân bằng trong quan hệ các nước lớn. Trong khi đó, nếu Việt Nam có một quy chế CSP với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Singapore thì có thể mở ra tương lai kết nối với các bộ tam, bộ tứ như là những trụ cột giữ cho an ninh và thịnh vượng trong không gian FOIP. Việc nâng cấp “đối tác chiến lược” (SP) hay “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) không chỉ đơn thuần là câu chuyện của ngoại giao. Ngoại giao nhưng thực chất là nội trị. Trên nền hội nhập với các đối tác là những quốc gia dân chủ, đất nước nương theo các quy luật thị trường, nhà nước pháp quyền, tôn trọng các thang giá trị phổ quát. Các thế hệ, trước hết là thế hệ trẻ, trí thức trẻ sẽ được hưởng lợi từ những xu hướng tiến bộ của thế giới.
Khi được yêu cầu bình luận về việc nâng quan hệ Việt – Mỹ, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, đã trả lời phỏng vấn trên BBC hôm 25/8: Từ nước Mỹ, câu chuyện nâng cấp liên quan đến các cuộc vận động tái tranh cử của Tổng thống Biden. Ông ấy muốn cho cử tri Mỹ thấy tương lai tươi sáng trong đại chiến lược “răn đe tích hợp” của Hoa Kỳ, ứng phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như trong không gian FOIP (Ấn Thái Dương tự do và rộng mở). Trên thực tế, các chiến lược gia cỡ như Điều phối viên An ninh Quốc gia Campbell hay Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan có nhắm đến vị trí vài nước như Singpore, Việt Nam, Thái Lan… trong đại chiến lược "xoay trục" của Mỹ và phương Tây. “Đối tác chiến lược Việt – Mỹ” như một đòi hỏi khách quan. Về phía Việt Nam, đây là lúc có cơ hội để tách dần khỏi “gọng kìm lịch sử” Trung Quốc. Nhưng từ cơ hội ấy đến khi thiết lập được một “lòng tin chiến lược” trên thực tế với Hoa Kỳ, bằng các bước đi thực chất, rồi tới các hiệp định, các hiệp ước thì cũng chưa thể xảy ra trong thời gian ngắn trước mắt (5).
____________
Tham khảo:
3. https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-gap-ngoai-truong-trung-quoc-4642581.html
5. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66612964
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nhận xét
Đăng nhận xét