Vì sao di nguyện hỏa táng của ông Hồ Chí Minh sau 54 năm vẫn chưa được thực thi?
54 năm sau ngày nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thi hài của ông vẫn còn trưng bày trong lăng Ba Đình, bất chấp di nguyện được hỏa táng của ông trước khi lìa trần.
Di chúc Hồ Chí Minh
“Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thi thể của ông Hồ đang nằm đó, trong một không khí rất là trang trọng. Từng đoàn người vào viếng và tôi nhận thấy đa số đều bật khóc khi nhìn thấy thi hài thì tôi cũng xúc động theo.
Là một người nghiên cứu lịch sử, mình được chạm mặt, được thấy một nhân vật lịch sử thì cảm xúc đó nó lớn hơn là mình đọc trong sách báo.”
Ông Đinh Kim Phúc, cựu giảng viên bộ môn lịch sử, trường Đại học Mở TPHCM, kể về lần đầu ông được ra Hà Nội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi năm 1986.
“Những nước theo chế độ Cộng sản thì lãnh tụ rất là quan trọng. Niềm tin vào lãnh tụ và biểu tượng của lãnh tụ là sức mạnh để tập hợp cả tất cả các lực lượng để mà chiến đấu cho cái khẩu hiệu đề ra từ ban đầu.
Mặc dù di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sau khi ông mất phải hỏa táng, nhưng mà một trong những lý do khiến Ban chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ quyết định gìn giữ thi hài của của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vì đồng bào miền Nam rất nhiều người chưa gặp mặt, chưa thấy mặt tận mắt hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định giữ gìn thi hài của chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Trong di chúc của mình, ông Hồ Chí Minh nêu mong muốn về vấn đề an nghỉ sau khi qua đời rằng “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.”
Ý chí của Đảng
Dù ông Hồ Chí Minh có nguyện vọng được hoả táng, tuy nhiên thực tế cho thấy lãnh đạo Đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ cho đến tận ngày nay vẫn chưa có ý định thực hiện điều đó.
Văn phòng Chính phủ Hà Nội, hôm 24/8/2023 ban hành Thông báo số 351 của Thủ tướng yêu cầu các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch… kết hợp làm việc, nhằm đảm bảo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiến sỹ Lịch sử Olga Dror, chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh, nói với RFA rằng các nhà nước Cộng sản thường ướp xác và trưng bày thi thể của lãnh tụ đất nước họ là vì:
“Đảng và Chính phủ của họ muốn duy trì di sản của chế độ. Những nhà lãnh đạo muốn thể hiện rằng họ là trung tâm của tôn giáo chính trị ở các quốc gia đó.”
Trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển, người dân có xu hướng không còn quan tâm nhiều đến ý thức hệ Cộng sản mà đa số chỉ muốn làm việc và kiếm tiền. Do đó, bà Olga nhận định:
“Đảng phải giữ mối liên hệ giữa người sáng lập ra nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và người dân. Đây là điều là cần thiết để duy trì hệ thống Xã hội chủ nghĩa trong khi tình hình đang thay đổi.
Nhưng tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì mối liên hệ này. Chính phủ đã rất nỗ lực, họ yêu cầu các trường học, doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể… tổ chức các buổi viếng thăm lăng Chủ tich Hồ Chí Minh và các tour du lịch cũng khuyến khích đến nơi này.”
Ngoài ra, theo bà Olga, một nguyên do khác khiến Việt Nam giữ gìn thi thể ông Hồ Chí Minh là một số các lãnh tụ Cộng sản khác như Mao Trạch Động của Trung Quốc, Lenin của Nga hay Kim Jong il của Bắc Hàn… vẫn đang được bảo quản; Việt Nam sẽ rất khó xử nếu là quốc gia vẫn theo chế độ Cộng sản đầu tiên chôn cất ông Hồ Chí Minh.
Đã đến lúc chôn cất?
Từ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991, dư luận trong nước Nga đã bắt đầu đề cập đến chuyện chôn cất Lenin. Năm 2015, có đến hơn một nửa dân số Nga đồng thuận với ý tưởng này. Bộ trưởng văn hóa Nga thậm chí còn phát biểu rằng “Đã đến lúc chôn cất Lenin”.
Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân thậm chí còn không dám thảo luận về việc có nên chôn cất ông Hồ Chí Minh hay không.
Bà Olga phân tích, do Nga đã thay đổi thể chế chính trị, họ không còn là một quốc gia Cộng sản nữa nên chuyện bàn luận về lãnh đạo Cộng sản được dễ dàng hơn. Còn Việt Nam vẫn không thay đổi chế độ, ít nhất là trên lý thuyết. Do đó, theo bà Olga, sẽ không an toàn nếu một ai đó ở trong nước ủng hộ chuyện an táng thi hài ông Hồ Chí Minh vào lúc này:
“Các quy định của Việt Nam không cấm mọi người có thể nói chuyện này, nó có thể được nói đến trong không gian riêng tư nhưng thảo luận một cách công khai thì tôi nghĩ là không được.”
Dự toán ngân sách năm 2023 công bố sẽ chi khoảng 286 tỷ đồng cho việc vận hàng hoạt động Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Đinh Kim Phúc cho rằng số tiền này nó không thấm vào đâu so với số tiền mà các quan chức tham nhũng gây thất thoát cho ngân sách:
“Theo tôi suy nghĩ không nên đặt vấn đề chiếm trong bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, mà chúng ta phải thấy rằng cái việc bảo quản thi hài có giá trị gì để mà phát huy cái cái tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đất nước Việt Nam mới là quan trọng.
Tôi cho rằng trong những phát biểu, những mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại thì cái quan trọng nhất là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được tự do học hành…”
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm ở vị trí giữa Quảng trường Ba Đình, được khánh thành ngày 29/8/1975. Thi hài của ông Hồ được các chuyên gia Liên Xô (sau này là Nga) qua giúp Việt Nam trong việc bảo quản hàng năm.
Theo thông tin từ báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, có khoảng 52.000 người vào viếng ông Hồ Chí Minh.
Nhận xét
Đăng nhận xét