Điểm Tuần Báo Pháp - 28//11/2021

 RFI

Ðiểm Báo Pháp – 27/11/21

Liên Âu không thể chờ Putin từ bỏ quyền lực mới đối thoại với Matxcơva

Từ trái sang : Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại điện Elysée, Paris, ngày 09/12/2019.
Từ trái sang : Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại điện Elysée, Paris, ngày 09/12/2019. AP - Charles Platiau

Quan hệ giữa châu Âu và tổng thống Nga Vladimir Putin là chủ đề được tuần báo L’Express đặc biệt quan tâm, bên cạnh các vấn đề « Bằng cách nào mạng internet khiến các thiếu nữ dễ biến thành gái mại dâm ? », « Robot, trí thông minh nhân tạo : những cỗ máy nông nghiệp mới », « Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ là về sinh thái » … L’Express giới thiệu bài viết của Sylvie Bermann « Liệu có cần đối thoại với Vladimir Putin hay không ? ».

Tác giả bài viết, từng là đại sứ Pháp tại Nga, Anh và Trung Quốc, nhận định sẽ rất phi lý nếu bây giờ châu Âu để quan hệ với nước Nga xuống cấp tồi tệ hơn cả quan hệ với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Câu hỏi muôn thuở : Đối thoại hay không đối thoại với Putin ?

Mở đầu viết, tác giả nhắc lại rằng trong các chiến dịch bầu cử, chính sách đối ngoại thường là đề tài được thảo luận sau cùng, nhưng chủ đề về nước Nga thường xuất hiện trước hết, với cùng một câu hỏi : Có nên đối thoại với Vladimir Putin hay không?

Sylvie Bermann nhận định việc tổng thống Nga Putin ủng hộ ông Loukachenko trong hồ sơ di dân ở cửa ngõ châu Âu không phải là để gây bất ổn cho Liên Âu, mà vì ông chủ điện Kremlin quyết tâm tạo ra một liên bang với Belarus, mà ông sẽ là người lãnh đạo. Khả năng gây ảnh hưởng của Putin là không thể phủ nhận : ông Loukachenko đang bị « trói chân, trói tay ». Trên thực tế, Putin đã bác bỏ lời đe dọa của ông Loukechenko về việc cắt giảm khí đốt cho châu Âu, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức cũng đã kêu gọi Putin sử dụng ảnh hưởng của mình.

Tác giả Sylvie Bermann khẳng định câu hỏi về mối quan hệ với Nga chắc chắn sẽ lại xuất hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp, thường theo hai luồng ý kiến hoặc bài hoặc ủng hộ Putin, nhưng bà lưu ý chủ đề này nên được tiếp cận một cách thực dụng, bởi như lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell từng nói thì nước Nga vẫn luôn ở đó. Phương Tây thường nuôi ảo tưởng rằng chỉ cần các quốc gia có mối quan hệ hữu hảo có chung ý kiến là đủ để giải quyết một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, theo cựu đại sứ Pháp tại Nga, cần phải thương lượng cả với các nhân vật giữ vai trò chủ đạo. Đó chính là điều thiết yếu trong ngoại giao. Đối thoại không phải là một phần thưởng.

Hoa Kỳ đã rất thực tế khi chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Nga

Washington đã báo trước với Matxcơva về các cuộc không kích ở Syria vào năm 2018 sau vụ chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học. Cho rằng việc đón tiếp các quan chức Nga ở Washington là có ích, chính quyền Mỹ cũng đã đình chỉ lệnh trừng phạt nhắm vào các lãnh đạo của 3 cơ quan tình báo Nga. Và cuối cùng, tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc họp thượng đỉnh với đồng nhiệm Nga Putin tại Genève, Thụy Sĩ để vạch ra các lằn ranh đỏ với ông chủ điện Kremlin.

Thật là phi lý nếu châu Âu để quan hệ với Matxcơva xấu hơn cả quan hệ với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng là điều này không chỉ phụ thuộc vào Pháp hay châu Âu, nhưng nếu chỉ ngồi chờ Putin rời khỏi quyền lực thì mới đối thoại với Matxcơva thì sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Ai dám chắc là tổng thống tiếp theo của Nga sẽ dễ chịu hơn ông Putin ?

Chính vì thế, tác giả Bermann kết luận Pháp phải đối thoại với Putin, về sự ổn định của Ukraina, về Cộng hòa Trung Phi, Mali, về mọi chủ đề có liên quan đến lợi ích của đất nước, cũng như hợp tác đối mặt với các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, buôn bán ma túy và khủng bố. Và cuối cùng là phải vạch ra các lằn ranh đỏ liên quan đến sự can dự vào công việc nội bộ của nhau, đến lĩnh vực không gian, an ninh mạng và sự ổn định của châu lục.

Liên Hiệp Châu Âu có thể phá hủy « vũ khí di dân » của Loukachenko ?

Nhìn sang Le Point, dù đề cập đến rất nhiều chủ đề dàn trải, như châu Mỹ La-tinh đối mặt với lời nguyền dân túy, các mảnh vỡ trôi nổi trên không trung, những chính trị gia có thể đánh bại tổng thống Macron trong kỳ bầu cử sắp tới …, nhưng bài xã luận của tờ báo lại chú ý đến hồ sơ di dân ở biên giới Ba Lan - Belarus và cách thức Liên Âu có thể phá hủy « thứ vũ khí di dân » của nhà độc tài Loukachenko.

Cây bút xã luận Luc de Barochez nhận định trong nhiệm kỳ Pháp làm chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, Emmanuel Macron phải có những hành động kiên quyết để giải quyết việc các Nhà nước không hữu hảo với châu Âu dùng di dân làm công cụ để thực hiện các mưu đồ.

Đối với Luc de Barochez, Liên Hiệp Châu Âu bước đầu đã có chiến thắng hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng địa chính trị do nhà độc tài Loukachenko của Belarus châm ngòi ở biên giới phía đông Liên Âu. Minsk đã đưa hàng ngàn người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi đến Belarus và để họ bất chấp tính mạng vượt biên sang Ba Lan. Mục tiêu của Loukachenko rất rõ ràng : cho thấy Minsk có khả năng gây phiền toái, nhằm buộc Bruxelles dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế độ Belarus liên quan tới vụ Minsk ép đổi hướng một máy bay của châu Âu để bắt một nhà đối lập. Liên Âu không những không thỏa mãn Loukachenko mà còn gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Cái giá phải trả khi thiếu hành động

Cây bút xã luận của Le Point nhắc lại thời thế đã thay đổi rất nhiều kể từ cuộc khủng hoảng di dân quy mô lớn hồi năm 2015-2016, trong đó gần 2 triệu người đã lợi dụng sự thụ động của châu Âu để nhập cảnh bất hợp pháp và xin tị nạn. Sự xuất hiện của họ đã tạo cảm giác vô cùng bất an cho các tầng lớp trung lưu châu Âu, với các hậu quả chính trị và xã hội tiếp tục kéo dài suốt 6 năm sau đó. Các nước Liên Âu cuối cùng đã nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ biên giới chung ngoại khối. Và cho đến nay, họ đang làm mọi chuyện khá tốt.

Những quốc gia gần đây sử dụng vũ khí di dân đã không nhận được gì. Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 02/2021 khuyến khích người tị nạn đến biên giới Hy Lạp nhưng vô ích. Maroc, sau khủng hoảng với Madrid hồi tháng 5, đã đẩy 10.000 di dân đến vùng Ceuta của Tây Ban Nha, nhưng đã phải nhanh chóng đóng cửa biên giới. Algeri, kể từ khi mâu thuẫn với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cho phép hàng ngàn di dân từ các bãi biển vùng Oran đến bờ biển Andalucia để từ đó đến Pháp theo đường bộ. Nhưng Tây Ban Nha đã bắt đầu trục xuất một số người nhập cư nói trên. Còn Belarus, khi thấy kế hoạch có nguy cơ thất bại, đã phải gửi trả một số di dân về Irak.

Tuy nhiên, theo nhà báo Luc de Barochez, Liên Âu vẫn phải thận trọng, bởi đây có thể chỉ là cách Minsk kiếm cớ trì hoãn. Liên Âu vẫn dễ bị tấn công bởi mối đe dọa về người nhập cư. Sai lầm của Bruxelles là hồi năm 2016 đã đồng ý trả 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người nhập cư. Lời biện minh duy nhất cho sự « dàn xếp trái đạo đức » các nước Liên Âu muốn thêm thời gian để có một chính sách chung về di dân và một quy trình thống nhất về việc cấp quy chế tị nạn. Thế nhưng, các nước đã trì hoãn, không hành động, và nay đang phải trả giá. Theo Frontex, lực lượng biên phòng châu Âu, trong năm 2021, số vụ vượt biên trái phép vào Liên Hiệp đã tăng gần 70%.

Thách thức với TT Pháp Macron

Áp lực về di dân ngày càng tăng và việc một số nước biến người nhập cư thành công cụ chống châu Âu đã khiến các nước Liên Hiệp phải tích cực hành động. Châu Âu không để di dân lọt qua biên giới ngoại khối, theo Luc de Barochez, đó là điều tốt nhưng một giải pháp lâu dài phải là phối hợp chính sách quản lý nhập cư hiệu quả, cùng việc đối xử nhân đạo với người xin tị nạn. Liên Âu sẽ không thể trở thành một tác nhân quốc tế đáng tin cậy nếu vẫn tiếp tục tạo cơ hội cho các chế độ độc tài lừa bịp.  

Và đó chính là thử thách đầu tiên dành cho Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu vào nửa đầu năm 2022, không chỉ ảnh hưởng tới cơ hội tái đắc cử tổng thống Pháp vào tháng 05/2022 mà còn ảnh hưởng đến cả chương trình cải tổ châu Âu đầy tham vọng của ông. Những sự cố gần đây nhất ở biên giới Ba Lan với Belarus đã giúp 27 nước thành viên Liên Âu nâng cao nhận thức về sự tồn tại của một không gian chung cần được củng cố. Đối với cây bút xã luận của Le Point, đó sẽ phải là biểu hiện đầu tiên của « quyền tự chủ chiến lược » mà tổng thống Pháp đã đưa lên hàng đầu trong chương trình của ông về châu Âu. 

Du lịch và toàn trị : Hai nửa đối lập của bộ mặt Cuba

Nhìn sang châu Mỹ, trong bài viết « Du lịch bằng mọi giá », L’Express vẽ nên bức tranh toàn cảnh về Cuba với hai mảng đối lập : Một bên là những bãi biển cát mịn đẹp như trong mơ với thức uống giải khát mojito nổi tiếng dành cho du khách, còn bên kia là chế độ toàn trị với sự giám sát của cảnh sát, các nhà tù bẩn thỉu, quân đội được triển khai khắp cả nước chỉ để chặn một cuộc tuần hành ôn hòa trong dân chúng.

Ngày 15/11, Cuba mở cửa trở lại biên giới đón du khách, với 400 chuyến bay quốc tế mỗi tuần, thay vì nhiều nhất là 60 chuyến/tuần như khi dịch Covid-19 lây lan mạnh. La Habana hy vọng dòng du khách ngoại quốc quay trở lại đông đảo. Với hơn 4 triệu khách mỗi năm (trước Covid-19), du lịch là đầu tầu kinh tế, một trong các cột trụ chính, ngành thiết yếu đối với sự sống còn của Cuba, nguồn ngoại tệ chính của chế độ Cộng Sản.

Nhưng 15/11 cũng là ngày xã hội dân sự tổ chức biểu tình ôn hòa, nhưng kế hoạch đã bị chính quyền « bóp chết từ khi còn trong trứng nước », 60 năm kinh nghiệm trấn áp đã được La Habana huy động. Ngay từ khi trời chưa sáng, thủ đô Cuba và nhiều thành phố đã bị « quân sự hóa », với sự hiện diện của nhiều lực lượng an ninh, đội phản ứng nhanh, cảnh sát trong trang phục dân sự … ở chân các tòa nhà để « phong tỏa » các nhà đối lập.   

Vụ Bành Súy : Trung Quốc né tránh trừng phạt các quan chức của chế độ

Một trong các hồ sơ được nhiều tuần báo Pháp quan tâm khai thác là vụ mất tích rồi tái xuất của tay vợt Bành Súy, cựu vô địch đôi nữ giải Wimbledon, người đã tiết lộ quan hệ với cựu phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và tố cáo ông, với sự tiếp tay của vợ, ép cô quan hệ tình dục.

Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo chính trị Trung Quốc bị tố cáo công khai về một vụ cưỡng hiếp. Trong bài viết « Bắc Kinh muốn bóp nghẹt vụ Bành Súy », L’Express trích dẫn bà Lu Pin, một nhà tranh đấu nữ quyền Trung Quốc đang tị nạn tại Mỹ, theo đó « các quan chức của đảng Cộng Sản vẫn luôn thối nát và biến chất, họ vẫn luôn lợi dụng phụ nữ nhưng mọi chuyện luôn được che giấu ». Tại Trung Quốc, phong trào MeToo bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Năm 2020, một phụ nữ trẻ đã bị tòa án Bắc Kinh buộc tội phỉ báng sau khi cô kiện một ngôi sao dẫn chương trình truyền hình, của đài quốc gia CCTV vì tội quấy rối tình dục.

Trong những tháng gần đây, có hai trường hợp khác đã gây xôn xao dư luận, với nhiều hậu quả hơn. Một quan chức của tập đoàn Alibaba đã bị sa thải vào mùa hè này, vì bị cáo buộc quấy rối tình dục trong công ty. Nam diễn viên kiêm rapper người Canada gốc Hoa Kris Wu đã bị bỏ tù vì cưỡng hiếp trẻ vị thành niên.

Theo L’Express, các vụ này nổi lên không phải do ngẫu nhiên. Alibaba và người sáng lập Jack Ma đang nằm trong tầm ngắm của Tập Cận Bình, người muốn đưa những gã khổng lồ công nghệ mới vào « khuôn phép ». Lĩnh vực giải trí cũng vậy. Bình luận về vụ Kris Wu, báo chí Nhà nước Trung Quốc nói đến hồi kết của tình trạng những kẻ mạnh không bị trừng phạt. Chỉ có điều, theo L’Express, điều này dường như không được Bắc Kinh áp dụng với các quan chức của chế độ.

Phải cứng rắn hơn với Bắc Kinh

Vẫn liên quan đến vụ tay vợt tennis Trung Quốc, tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết của báo Anh The Guardian, nhấn mạnh việc Bành Súy xuất hiện trở lại không có nghĩa là mọi chuyện đã được giải quyết xong, cần phải cứng rắn hơn nữa với Bắc Kinh.

Hiện nay, chính quyền vẫn chưa hứa hẹn mở điều tra về cáo buộc của Bành Súy, cũng không có dấu hiệu cho thấy những người phụ nữ tới đây dám liều mình nói về những việc khiến Bắc Kinh khó chịu sẽ lại không biến mất. The Guardian cho biết Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 nay bị gọi là « Thế Hội Diệt Chủng », thế nhưng điều đáng nói là những nước cân nhắc tẩy chay ngoại giao Thế Vận Olympic lại cần Bắc Kinh hơn là Bắc Kinh cần các nước này, cả về các thỏa thuận kinh tế, chống biến đổi khí hậu và về các khoản vay.

Covid-19 : Một đại dịch không hồi kết

Ngoài nhiều bài viết về cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu, Le Courrier International tuần này giới thiệu trên trang nhất « Covid-19, một đại dịch không hồi kết », tiêu đề bài viết trích dịch từ báo The New York Times của Mỹ.   

Vào thời điểm làn sóng dịch Covid-19 đang lan tràn khắp châu Âu, The New York Times nhận định ý nghĩ con người sẽ phải chung sống thường trực với virus corona bắt đầu được nhiều người đồng tình. Virus corona biến chủng và lây lan đều với tốc độ rất nhanh, nên diệt trừ hoàn toàn chúng là điều không thực tế. Sống chung với Covid-19 có nghĩa là phải chấp nhận tiêm chủng theo mùa, duy trì việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tăng cường xét nghiệm tầm soát khi đến mùa … Và mọi người dần dần sẽ phải chấp nhận điều đó như trước đây học cách chấp nhận việc đeo dây an toàn khi sử dụng xe hơi.

The New York Times lưu ý « thái độ lạc quan sẽ là một trong những rào cản lớn nhất » để thực hiện chiến thuật sống chung lâu dài với Covid-19. Bởi lạc quan nghĩ rằng Covid sắp biến mất tức là dẫn đến nguy cơ lơ là cảnh giác và thiếu sự đầu tư cần thiết vào các xét nghiệm, bào chế vac-xin, cải thiện hệ thống thông gió ở những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cũng như trong hệ thống giao thông công cộng …   

The New York Times trích dẫn các chuyên gia, kết luận mục tiêu hiện nay không còn là tiêu diệt virus corona mà là « cố gắng ngăn cản virus corona gây quá nhiều tác động đến cuộc sống con người ». Và để làm được điều đó, phải đối mặt với thực tế là « Covid-19 sẽ không sớm từ giã chúng ta ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?