Ăn uống lành mạnh hơn bằng cách thấu hiểu ngôn ngữ của sự thèm ăn
Tác giả: Conan Milner, Epoch Times | Dịch giả: Phương Chính
Nếu cơ thể chúng ta biết cái gì là cần thiết cho nó, vậy tại sao chúng ta lại thèm ăn thức ăn nhanh?
Khả năng phân biệt được đâu là sự thèm ăn và đâu là cơn đói thật sự là tất cả những gì cần học để hiểu được những thông điệp mà chính cơ thể bạn đang gửi đi, theo Taylor Newhouse, chuyên gia dinh dưỡng đã được Trường Y tế cộng đồng A&M Texas xác nhận.
“Khi bạn đói, cơ thể của bạn cần dinh dưỡng. Bạn cần thức ăn để tạo năng lượng và duy trì nó cho nguyên ngày,” Newhouse nói. “Sự thèm ăn thì khác.”
Rất nhiều loại thức ăn có thể làm bạn no, nhưng sự thèm ăn là một khao khát có tính đặc thù, một dạng ham muốn từ từ “gặm nhấm” bạn. Nó có thể được thúc đẩy bởi một ký ức cảm xúc (chẳng hạn như hồi ức về món PopTarts của bà ngoại ngon như thế nào?) hoặc một quảng cáo. Newhouse cho rằng khi chúng ta ăn thường xuyên, những bữa ăn giàu dinh dưỡng, chúng ta sẽ dễ dàng phớt lờ những cơn thèm này. Bỏ bữa làm chúng ta dễ bị ảnh hưởng hơn.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội bận rộn, và có rất nhiều lần chúng ta làm việc qua cả buổi trưa,” Newhouse nói. “Khi chúng ta đang đói bụng, sự thèm ăn thậm chí còn mạnh mẽ hơn bởi chúng ta đang bị bỏ đói, vậy nên chúng ta sẽ bị hấp dẫn bởi những loại thức ăn nhiều calo như bánh quy và khoai tây chiên.”
Đôi khi cảm giác thèm ăn là sự ngụy trang của sự thiếu hụt dinh dưỡng.
Chúng ta càng thỏa mãn cơn thèm và phớt lờ cơn đói của mình chừng nào thì càng khó để biết sự khác nhau giữa những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta cần. Ngôn ngữ của sự thèm ăn giống như của những cơn nghiện, và giống như bất kỳ cơn nghiện nào, sự nuông chiều theo thói quen thường làm suy giảm các phán đoán tích cực. Ví dụ, nếu bạn ăn một đĩa khoai tây chiên phô mai như một bữa ăn cơ bản hàng ngày, có thể sẽ khó để từ bỏ thói quen ăn đồ chiên phô mai.
“Khi chúng ta có chế độ ăn nhiều đường, chất béo, và muối trong một thời gian dài, chúng ta sẽ muốn nhiều hơn,” Newhouse cho biết. “Thông thường, những loại thức ăn nhiều đường và muối thường sẽ nhiều calo, nên chúng ta có thể tiêu hóa chúng dễ dàng hơn, và điều đó sẽ làm chúng ta mập hơn.”
Một số loại thức ăn có tính chất gây nghiện, làm cho khuynh hướng nghiên thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ví dụ, cà phê và sô-cô-la là các chất kích thích cho chúng ta thêm năng lượng để vượt qua một ngày bận rộn. Tuy nhiên, năng lượng này đến từ caffeine, nó không phải là chất dinh dưỡng, và sự tiêu thụ hàng ngày chất này sẽ gây hại cho cơ thể.
“Nếu nó là một phần những gì bạn muốn làm vào mỗi buổi sáng, nó sẽ trở thành thói quen, và bạn có thể bị nghiện điều đó. Nếu bạn ngừng uống cà phê, bạn có thể trải nghiệm quá trình cai nghiện món đồ uống này. Khi bạn đau đầu, bạn sẽ cáu kỉnh. Tất cả những gì bạn có thể suy nghĩ đến là bạn cần cà phê.” Newhouse nói. “Nếu bạn bị nghiện bạn cần lùi lại một bước và nghĩ về việc bạn có thật sự cần nó mỗi buổi sáng hay không, hay là bạn chỉ thích nó hơn những món khác mà thôi?”
Cơn đói các chất dinh dưỡng
Đôi khi cảm giác thèm ăn là sự ngụy trang của sự thiếu hụt dinh dưỡng. Một số cách xử lý mang lại ổn định nhanh chóng, khi những gì chúng ta thực sự cần là một cái gì đó đáng kể hơn.
“Khi chúng ta thèm những món ăn mặn – khoai tây chiên, bánh quy mặn, bỏng ngô – cơ thể của bạn có thể đang thiếu hụt các chất dinh dưỡng như can-xi, kali, hay nó là dấu hiệu của sự thiếu nước.” Newhouse cho biết. “Nếu bạn đang thèm sô-cô-la, rất có thể bạn có khả năng đang thiếu hụt ma-giê, đồng hoặc sắt. Nếu bạn đang thèm đồ chiên, bạn có thể đang thiếu các axít béo thiết yếu (nhóm Omega 6 và Omega 3), hoặc các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, và K.”
Phụ nữ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những cơn thèm này. “Phụ nữ nói chung dễ bị thiếu sắt hơn nhiều so với nam giới,” Newhouse nói. “Khi phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt, họ cần nhiều sắt, can-xi, và ma-giê hơn. Đó là lý do tại sao họ thường thèm sô-cô-la hay thịt.”
Uống nhiều nước hơn và ăn nhiều các bữa ăn dinh dưỡng hơn là chìa khóa để kiềm lại các cơn thèm ăn.
Một số mẹo để kiềm chế sự thèm ăn
Để đảm bảo bạn ăn đủ những gì cơ thể thật sự cần, Newhouse khuyến nghị nên ăn bữa ăn cầu vồng (các loại trái cây và rau củ quả nhiều màu sắc, chứ không phải kẹo Skittles nhiều màu). Cô cho rằng bữa ăn thiếu màu sắc sẽ làm chúng ta “khát” một số các chất dinh dưỡng nhất định và đó là khi sự cám dỗ thèm ăn bổ sung vào.
“Nếu bạn nhìn vào bữa ăn của mình và nó chỉ có màu nâu, như thịt và khoai tây, hay cơm và đậu, bạn cần bổ sung thêm một số màu sắc khác vào như: màu đỏ, xanh lá, cam, xanh dương và tím. Chúng ta cần bữa ăn có nhiều màu sắc khác nhau để bù các chất dinh dưỡng vào cơ thể,” cô cho biết. “Không một loại thức ăn nào có thể cung cấp đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng, vậy nên hãy thử những món ăn mới. Nó có thể cung cấp cho bạn một số các chất dinh dưỡng mà bạn không thường có được.”
Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn gục ngã trước những cơn thèm ăn là sự sẵn có của thức ăn nhanh, trong khi những bữa ăn cân bằng dưỡng chất đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Newhouse khuyên chúng ta nên cố gắng làm cho những món ăn lành mạnh dễ tiếp cận hơn để chúng ta không còn dễ dàng bị cám dỗ [bởi thức ăn nhanh].
“Giữ những món ăn nhẹ xung quanh. Hãy thử vài lát ớt chuông hay cải xoăn chiên tự làm nếu bạn đang thèm một món gì đó mặn và giòn,” cô nói. “Những loại thực phẩm sẵn có loại này sẽ giúp bạn tránh xa những thanh kẹo, bánh từ các máy bán hàng tự động.”
Tuy nhiên, đôi khi có những điều mà thực sự nó chính là cái mà bạn mong muốn. Newhouse cho rằng một niềm ham mê nhỏ cũng tốt. Chỉ cần không đi quá đà.
“Những gì thường xảy ra là khi chúng ta thèm khoai tây chiên, chúng ta sẽ ăn nguyên cả túi. Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều, đó là lúc chúng ta gặp rắc rối. Cách tốt hơn là ăn một ít rồi thử tiếp những món khác,” cô nói. “Vì vậy, nếu bạn đang thèm sô-cô-la, hãy ăn một ít, nhưng ăn kèm trong một bữa ăn nhẹ lành mạnh, thêm vào một ly nước. Bạn không cố tước đoạt ngay đi ham muốn của mình, nhưng bạn hãy làm nó một cách cân bằng. “
Nhận xét
Đăng nhận xét