Dân Sài Gòn bì bõm lội nước đen
00:00/00:0
2016-07-25
Nếu như người Nghệ An chui vào hang đá để tránh nóng, người Hà Nội vác can đi xin nước sạch, ngư dân miền Trung thiếu nước mắm, người miền Tây lao đao vì hạn mặn thì hiện tại, nhiều người ở Sài Gòn đang bì bõm với những con nước đen. Tình trạng nâng cấp đường sá rồi lấp đường vào nhà dân, thi công không tính trước lối thoát nước đang làm cho nhiều nơi ở Sài Gòn trở thành hồ bẩn mỗi khi mưa kéo đến.
Nước ngập tới bàn thờ
Ông Ngư, một cư dân quận 12 Sài Gòn chia sẻ: “Về phía quận 12, quận 6 rồi Bình Thạnh cũng có. Về phía quận 12 thì nó xây đường nâng cao lên 2 mét so với mặt đường cũ. Mỗi khi mưa là nó tràn vào nhà. Phải chịu chứ, dân cũng phản ánh nhiều. Đường cao quá thì mưa xuống nước ngập vào nhà chứ đi đâu nữa. Mà toàn nhà lầu không à. Như nhà cấp 4 còn nâng nhà lên được chứ giờ đổ tấm rồi thì làm gì được nữa. Khổ lắm, khó chịu lắm, như đang ngủ, mưa mình đâu biết, dậy thì nước vào đầy nhà rồi, lội luôn.”
Theo ông Ngư, tháng trước, gia đình ông đã tốn rất nhiều tiền cho việc thuốc men. Bởi sau cơn mưa, nước ngập lên đến đầu gối. Cả nhà ông đều đi làm và không lường trước được mưa lớn nên đồ đạc trong nhà trôi lềnh bềnh. Lội nước cả quãng đường về nhà, rồi cố gắng chặn đê, tát nước ra khỏi nhà… Vợ chồng ông cùng hai đứa con đều bị mẩn ngứa. Tội nhất là đứa út con ông, vết thương ở chân trước đó của nó bị nhiễm trùng nên sưng tấy lên, nghỉ học cả tuần lễ.
Ảnh hưởng nhiều, nhưng người ta bất chấp. Công an đến và người ta cứ làm, họ bảo là chưa đụng vào tường của mình là được.
- Ông Ngư, quận Bình Thạnh
Hiện tại, ông đã mua được mấy tấm chắn, chỉ cần nhìn trời và nghe dự báo thời tiết, nếu trời sắp có mưa, ông sẽ bịt kín phía trước nhà mình lại để ngăn nước vào nhà. Bởi theo ông, hệ thống thoát nước của Sài Gòn đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây, nếu trời mưa lớn lắm thì nước chỉ ngập khoảng 2 đến 3 tiếng là rút. Nhưng hiện tại, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, cơn ngập có thể kéo dài đến cả ngày chưa rút. Đã đến lúc ông phải tập quen dần. Và ông cũng tập làm quen với cảnh nước ngập tới bàn thờ mỗi khi mưa lớn.
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Ngư, ông Mỹ, sống ở quận Bình Thạnh chia sẻ: “Tôi đang đợi câu trả lời của ông Đinh La Thăng, của chính quyền về vụ việc này. Nhưng câu trả lời của họ chưa thỏa đáng. Ảnh hưởng nhiều, nhưng người ta bất chấp. Công an đến và người ta cứ làm, họ bảo là chưa đụng vào tường của mình là được.”
Theo ông Mỹ, với tình trạng làm đường như hiện tại của các đơn vị thi công. Chỉ ngủ một đêm tới sáng, khi mở cửa ra đường, đã thành một bức tường xây ngay trước cửa nhà mình, người dân không còn cách nào khác ngoài việc tự xây hoặc kiếm một cái cầu thang để đi lên đi xuống. Giữa một thành phố như Sài Gòn, việc vào nhà mình đã tốn thời gian như thế là lấy đâu ra thời gian để chạy cơm từng bữa.
Ông Mỹ cũng nói thêm rằng, người Sài Gòn sẽ không phải đối mặt với tình trạng nước ngập úng như hiện tại nếu người ta biết quy hoạch hơn. Kể từ khi các công trình lớn như đô thị Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, khu đô thị dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, khu dân cư Bàu Cát Tân Bình hay các con đường mới sữa hoàn thành, những đoạn ao hồ, kênh rạch đã biến mất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước tràn vào nhà dân bởi không có lối thoát nào khác. Không ai lại có kiểu quy hoạch theo kiểu nhét cơm vào miệng cóc rồi bịt đít nó lại như thế bao giờ.
Tìm giải pháp
Một kỹ sư xây dựng thi công tuyến đường Kinh Dương Vương, Sài Gòn chia sẻ: “Nguyên nhân chính là do ban đầu hệ thống thoát nước đã không tốt rồi. Mưa một trận là không thoát nước rồi. Việc tính toán không tốt, đường kính ống không đạt chuẩn trên mật độ dân số. Như ở nước ngoài thì đường ống người ta chui vào đi được, nhưng ở Việt Nam thì nếu con chuột cống chui vào, ăn no rồi thì hết chui ra được. Nó sai hệ thống, không cải thiện được vì trước đó đã chấp vá rồi. Như những quận trước đây cơ sở hạ tầng không tốt, mấy ông quy hoạch vẫn cho làm nhà bình thường, rồi nối ống thoát, chấp vá… nên quá tải thôi.”
Theo ông, chuyện cơn mưa vào hôm Thứ Bảy tuần trước khiến toàn bộ cư dân ở tuyến đường này sống chung với lũ bẩn đã được ông dự đoán trước. Bởi ở Sài Gòn hiện tai, nếu muốn đường khô thì nhà dân phải chịu ngập hoặc ngược lại, không còn cách lựa chọn nào khác.
Ông này cho hay, việc nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đội số tiền từ 66,820 tỷ đồng vào năm ngoái lên 74,350 tỷ đồng vào tháng 6 năm nay để có thể giải quyết nạn ngập úng ở thành phố này là có lý của họ. Nhiều công trình chưa thi công vào năm ngoái, năm nay đã hoàn thành, và hệ thống thoát nước cũ kỹ, chưa đồng bộ, cộng thêm Sài Gòn vừa thay đổi một số chức danh sau cuộc bầu cử khóa 13 vừa rồi, có thể là nguyên nhân.
Liên quan đến nguyên nhân và giải pháp của vấn nạn trên, theo thông tin từ Trung tâm điều hành chống ngập thành phố Sài Gòn, vào đầu tháng 6, Trung tâm này đã đề xuất với ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn nguồn vốn để chống ngập giai đoạn 2016-2020 lên tới 74.350 tỷ đồng. Trước mắt, từ nay đến 2018, thành phố sẽ tu chỉnh hệ thống thoát nước và khắc phục 18/37 điểm ngập do mưa, ở trung tâm 8 điểm, ngoại vi 10 điểm. Và để khắc phục cơ bản tình trạng ngập do triều trong lưu vực 550km2 gồm 9 điểm ngập do triều.
Nguyên nhân chính là do ban đầu hệ thống thoát nước đã không tốt rồi...Việc tính toán không tốt, đường kính ống không đạt chuẩn trên mật độ dân số.
- Một kỹ sư xây dựng
Từ nay đến năm 2020, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước yêu cầu thành phố triển khai một số dự án chính để chống ngập gồm: Hoàn thành hợp phần “Xây dựng năng lực quản lý tích hợp rủi ro ngập nước đô thị” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Triển khai dự án Trung tâm Điều hành khẩn cấp EOC - hệ thống phòng, chống ngập Sài Gòn; dự án hệ thống quan trắc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, các kênh rạch trên địa bàn thành phố và dự án giám sát hệ thống thoát nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm để xây dựng hệ thống radar quan trắc…
Trong một hội thảo về chống ngập cho thành phố đã diễn ra cách đây không lâu, giới chức Sài Gòn đã trả lời nguyên nhân ngập lụt trong thành phố là do hệ thống thoát nước cũ kỹ, triều cường ngày một cao hơn và thành phố có dấu hiệu sụt lún. Nhưng giải pháp để chống ngập thì vẫn chưa có giải pháp cụ thể bởi mọi vấn đề đều xoay quanh kinh phí.
Vị kỹ sư xây dựng này kết luận, chống ngập ở Sài Gòn, ngoài tiền lực, vật lực và trí lực, thứ cần thiết nhất lại là tâm lực. Nếu không đủ tâm lực, nguy cơ ngập nặng về sau sẽ là khó lường. Bởi yếu tố dân sinh hiện tại vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nếu không muốn nói là bị bỏ lơ trong vấn đề chống ngập, tình trạng xây mặt đường cao hơn nhà dân là một điển hình về dân sinh bị bỏ lơ trong chống ngập ở Sài Gòn.
Nhận xét
Đăng nhận xét