Tin khắp nơi – 30/07/2016

No sub-categories
Tin khắp nơi – 30/07/2016

Sau khi làm nên lịch sử,

liệu bà Clinton có chiếm được lòng tin của cử tri Mỹ?

Bà Clinton đã làm nên lịch sử. Bà có kinh nghiệm đối nội và đối ngoại. Và bà đã được sự ủng hộ của đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Giờ đây, liệu bà có thể vượt qua tỷ lệ đánh gía tiêu cực cao kỷ lục đối với một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hay chăng?
Chỉ có 38% người Mỹ ưa thích bà Clinton, tỉ lệ thấp nhất trong 24 năm phụng sự quốc gia của bà, theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup thực hiện trong tuần trước đại hội đảng Dân chủ.
Trong một cuộc thăm dò mới đây của báo Washington Post và hãng tin ABC, 54% những người được thăm dò nói họ có ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với bà Clinton, so với 39% cho rằng bà chân thành và đáng tin.
Một phần của ấn tượng này là do những tranh cãi chung quanh việc bà sử dụng máy chủ email tư trong thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến 2013.
Sử gia Allan Lichtman của Trường đại học American nói “Vấn đề chính của bà Clinton là vượt qua khoảng cách về tín nhiệm.” Ông nhắc đến một cuộc thăm dò khác của Washington Post-ABC cho thấy “56% người Mỹ cho rằng bà phải bị truy tố về vấn đề sử dụng máy chủ tư để gởi và nhận email. Việc này hoàn toàn khác thường.”
Lòng tin cậy là một vấn đề đối với biểu tượng của cả hai đảng chính.
Một cuộc thăm dò của báo New York Times và hãng tin CBS vào tháng 5 vừa qua cho thấy gần hai phần ba cử tri Mỹ tỏ ra nghi ngờ cả ông Trump lẫn bà Clinton về mặt này. Đáp câu hỏi rằng ứng viên có “chân thành và đáng tin ” hay không, 64% những người được hỏi trả lời là “không” khi đánh giá về hai ứng cử viên này.
Trang Wonkblog của Washington Post trong tuần này nói rằng dù cả hai ứng cử viên đều có mức độ không tin cậy cao, nhưng có khác biệt.
Trang blog của báo Washington Post viết những cường điệu và những thiếu sót của bà Clinton “có khuynh hướng tự vệ” trước những tai tiếng và cáo buộc. Trong khi những cường điều của ông Trump mang tính tấn công và tự đề cao bản thân nhiều hơn, như việc khoa trương những thành công trong kinh doanh hay nêu lên “những cáo buộc chống lại các đối thủ chính trị của ông và những nhóm thiểu số.” Trang Wonblog cho biết dịch vụ kiểm tra dữ kiện Politifact, khi đánh giá 203 lời tuyên bố của ông Trump và 226 lời tuyên bố của bà Clinton, phát hiện không đến 1 phần 3 các tuyên bố của bà Clinton là ‘sai’ hay tồi tệ, 71% các tuyên bố của ông Trump cũng như thế.
Cần phải chứng tỏ nhiệt tình
Đối với bà Clinton, không phải chỉ có những tranh cãi về email của bà. Các nhà phân tích nói bà phải chống chọi với ấn tượng cho rằng bà vô cảm hay không thể liên hệ với những vấn đề ảnh hưởng đến người Mỹ.
Ông Gary Nordlinger, cố vấn chính trị nói “Bà Hillary được xem như một người lạnh lùng, có tính toán và không có tính chính trực cao. Bà phải chứng tỏ bà có nhiệt tâm, nhiệt huyết, và đáng tin.”
Các diễn giả tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ trong đó cựu Tổng thống Bill Clinton chồng bà, đều nhắm đề cao đến khía cạnh cá nhân của bà Clinton, nhắc lại những ngày bà giúp cho các cử tri người Mỹ gốc Mexico ghi danh đi bầu, cổ súy giáo dục cho trẻ em, và trong vai trò làm mẹ.
Ông Robert Weiner, chiến lược gia của đảng Dân chủ nói bà Clinton phải chứng tỏ cho cử tri thấy nhiều hơn về khía cạnh này trong cuộc vận động tranh cử tổng thống đến ngày 8/11 này.
Ông Weiner nói “Bà phải tỏ ra thật hơn.” “Bà phải nói bằng cảm xúc rằng những vấn đề ấy ảnh hưởng đến bà thế nào và bà biết việc này ảnh hưởng đến các gia đình Mỹ như thế nào.”
Ông Weiner là một cựu phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Bill Clinton nói trong khi cựu đệ nhất phu nhân, cựu Thượng nghị sĩ và cựu Ngoại trưởng có thể thiếu sự lôi cuốn mà một số ứng cử viên trong quá khứ từng có, nhưng bà bù lại thiếu sót này bằng khả năng giải quyết vấn đề của bà.
Tấn công bằng các thông điệp
Ông Nordlinger, giáo sư đại học George Washington cho rằng trong cuộc tranh cử tổng thống mà doanh nhân Donald Trump đã đánh bại 16 ứng cử viên Cộng hòa khác để được đề cử là ứng cử viên của đảng, thì bà Clinton khó mà an toàn nếu muốn thắng phiếu.
Và ứng cử viên được đề cử của đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ tiếp tục tấn công mãnh liệt vào bà Clinton bằng cách mô tả bà là không thật thà hay tệ hại.
Giáo sư Stephen Wayne tác giả cuốn “Con đường đến Tòa Bạch Ốc: Chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống” nói bà Clinton cũng phải sắc bén trong các cuộc phản công.
Các nhà phân tích cho rằng bà Clinton cũng phải chú trọng đến những thông điệp của mình.
Sử gia Lichtman trường đại học America nói “Bà Clinton có vẻ xa cách, ít kết nối với cử tri. Bà cần phải tìm ra phương thức kết nối với cử tri và đưa ra các thông điệp rõ rệt.”
Kêu gọi cử tri đi bầu
Các nhà phân tích nói trên tất cả là bà Clinton và chiến dịch tranh cử của bà phải làm thế nào thúc đẩy cử tri đi bầu để có thể giúp đảng Dân chủ chiếm được Tòa Bạch Ốc.

Nổ súng ở San Diego, một cảnh sát thiệt mạng

Một cảnh sát thiệt mạng và một người khác bị thương nặng trong vụ nổ súng sáng sớm ngày 29/7 ở thành phố San Diego, miền Nam California.
Nhà chức trách cho hay sự việc xảy ra tại khu phố nơi hai cảnh sát này chặn 1 chiếc xe để kiểm tra. Ngay sau đó có một cuộc gọi cầu cứu. Khi tới hiện trường, lực lượng công lực phát hiện 2 cảnh sát này bị bắn đổ máu, một người bị trúng nhiều vết đạn vào ngực.
Các đồng nghiệp đưa cảnh sát bị trọng thương lên xe đặc nhiệm chở đi bệnh viện trong lúc tiến hành các thủ tục cấp cứu, nhưng cảnh sát trưởng Shelley Zimmerman cho biết, ‘Tôi đau lòng báo tin rằng đã không thể cứu sống anh ấy.’
Cảnh sát Jonathan DeGuzman, 43 tuổi, có vợ và hai con, đã có 16 năm công tác.
Viên cảnh sát bị thương, 32 tuổi, Wade Irwin, được phẫu thuật và người ta hy vọng anh sẽ qua cơn nguy kịch, cảnh sát trưởng thông báo trên Twitter.
Một nghi can bị bắt ngay sau cuộc gọi cầu cứu. Cảnh sát phát hiện người này trong một khe núi gần đó. Tin cho hay đương sự bị trúng thương trong tình trạng nguy kịch và đã được nhập viện.
Suốt đêm qua, cảnh sát truy lùng gắt gao để tìm ra nghi phạm thứ hai, yêu cầu cư dân ở yên trong nhà trong lúc cảnh sát lùng sục các sân bãi, các con phố, các hang cùng ngõ hẻm.
Khoảng chín giờ sau vụ nổ súng, cảnh sát bao vây một ngôi nhà cách hiện trường khoảng một cây số và loan báo đang tìm cách buộc một người trong đó ra đầu hàng. Cảnh sát trưởng Zimmerman cho hay cảnh sát có manh mối lần tới ngôi nhà này, nhưng từ chối cho biết chi tiết.
Bà nói khi bị bắn, cả hai cảnh sát DeGuzman và Irwin đều có mặc áo chống đạn và có đeo camera ghi hình.
Đây là vụ nổ súng mới nhất trong loạt các vụ nổ súng gây tranh cãi suốt tháng nay có liên quan đến cảnh sát. Vụ việc ở San Diego này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý chính trị.
Bình luận trên Twitter, ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa, Donald Trump, nói: ‘Hai cảnh sát vừa bị bắn ở San Diego, một người chết. Tình hình ngày càng tồi tệ. Dân chúng cần có luật lệ và trật tự!’

Taliban chiếm quận Khanashin ở tỉnh Helmand

Các giới chức và các nguồn tin Taliban ở Afghanistan xác nhận rằng phe nổi dậy Hồi giáo đã chiếm thêm một quận khác nữa ở tỉnh Helmand, tỉnh giáp ranh với Pakistan.
Quân Taliban đã thực hiện một cuộc đột kích vào Khanashin qua đêm và giao tranh vẫn đang tiếp diễn tại một số khu vực trong quận này, theo người phát ngôn của chính quyền tỉnh nói với báo chí Afghanistan hôm nay.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của Taliban tuyên bố nhóm này đã chiếm được toàn thể quận Khanashin sau khi “đã quét sạch quân thù”.
Trong một bản tuyên bố gửi cho Đài VOA, ông này nói rằng phe nổi dậy đã gây những thương vong nặng nề cho các lực lượng an ninh Afghanistan trước khi các lực lượng này rút khỏi Khanashin.
Hiện tin này của Taliban chưa được kiểm chúng độc lập.
Khanashin nằm sát biên giới rất lỏng lẻo với Pakistan và, nếu tin được kiểm chứng, thì đây là lần thứ 3 quận này rơi vào tay quân Taliban trong vòng 1 năm qua.
Nói chuyện với Đài VOA với điều kiện danh tính đươc giữ kín, các giới chức an ninh Afghanistan tố cáo rằng các phần tử nổi dậy Taliban vũ trang tận răng được phía Pakistan chứa chấp cũng tham gia cuộc đột kích vào đêm thứ Năm.
Họ xác nhận rằng viên chỉ huy an ninh khu vực nằm trong số những người bị thương trong cuộc giao tranh. Cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề, nhưng hiện chưa có chi tiết về số thương vong này.
Helmand là tỉnh lớn nhất của Afghanistan và khét tiếng là một khu vực sản xuất thuốc phiện. Tỉnh này liên tục bị quân Taliban tấn công, khiến Hoa Kỳ phải triển khai binh sĩ tới khu vực đầy bất ổn này để hỗ trợ và cố vấn cá

Liên quân ồ ạt không kích

cứ địa Nhà Nước Hồi giáo bên ngoài Aleppo, Syria

Liên quân do Mỹ lãnh đạo đang chiến đấu chống các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria đang tập trung tấn công thành phố Manbij gần Aleppo, theo lời các giới chức hôm qua, tuy nhiên tin tức từ tuyến đầu cho hay các phần tử chủ chiến vẫn tiếp tục chiếm đóng trung tâm thành phố.
Bộ Tư lệnh miền Trung của Hoa Kỳ cho hay các cuộc không kích mới nhất tại Aleppo, tỉnh phía Bắc Syria bao gồm thành phố Manbij, đã tiêu diệt 19 đơn vị chiến thuật của Nhà Nước Hồi giáo và 17 trong các vị trí chiến đấu của các phần tử cực đoan.
Các cuộc không kích còn phá huỷ một súng máy hạng nặng và hai chiếc xe do các chiến binh Nhà Nước Hồi giáo sử dụng.
Ban tiếng Kurd của VOA tường thuật rằng các cuộc giao tranh tại trung tâm thành phố Manbij vẫn tiếp diễn trong lúc xảy ra các cuộc không kích. Một lực lượng dân quân chống IS đang giao chiến với các phần tử chủ chiến trong thành phố, để giành từng con đường, giữa lúc các lực lượng liên minh siết chặt vòng vây quanh cứ địa chính của IS ngay tại trung tâm thành phố.
Một chiến binh nói với VOA rằng anh ta đã trông thấy xác của nhiều phần tử chủ chiến bị giết trong các cuộc chạm trán hôm qua, vốn khởi sự từ buổi chiều và kéo dài tới khuya.
Trong một diễn biến riêng rẽ, quân đội Mỹ đang xét lại một cáo buộc thứ ba, về các tổn thất nhân mạng nơi thường dân trong một cuộc không kích do liên quân thực hiện gần Manbij.
Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Peter Cook nói với báo chí hôm qua rằng tiến trình thẩm định các cáo buộc đó đang ở trong “giai đoạn sơ khởi.”
Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói khoảng 25 thường dân đã bị giết trong một vụ không kích nhầm hôm thứ Năm vừa rồi, tiếp theo sau hai sự cố tương tự hiện đang trong vòng điều tra.
Ông Cook nói chính những báo cáo từ trong quân đội đã dẫn tới cuộc điều tra. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để giảm tới mức tối thiểu những nguy cơ đối với thường dân vô tội, duy trì tính minh bạch trong vụ này, đồng thời buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. ”
Hôm qua, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc cho Syria kêu gọi Nga để cho Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm về các hành lang nhân đạo trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này.
Phát biểu hôm thứ Sáu ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ông Staffan de Mistura bày tỏ sự ủng hộ “về nguyên tắc” đối với những hành lang nhân đạo “trong hoàn cảnh thích hợp,” ông nói Aleppo đang ở một thời điểm hệ trọng khi lương thực đang cạn kiệt nhanh chóng, tác động tới 300.000 người bị mắc kẹt trong thành phố.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Năm thông báo kế hoạch của Nga cho “những hoạt động nhân đạo quy mô lớn” bên ngoài Aleppo để “giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí.”
Ông De Mistura nói ông đang chờ nhà chức trách Nga xác định rõ kế hoạch này sẽ được tiến hành ra sao, trong khi nhắc lại lập trường của LHQ, là không thường dân nào nên bị bắt buộc phải rời khỏi Aleppo.

Bỉ bắt 2 nghi can đang lập âm mưu tấn công khủng bố

Các công tố viên liên bang ở Bỉ cho hay cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông bị tình nghi đang lập âm mưu để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố.
Các giới chức nói rằng hai người này, hai anh em Noureddine H. và Hamza H., bị bắt chiều tối hôm qua, thứ Sáu 29/7 tiếp theo sau một cuộc lùng soát nhà họ ở các khu vực Mons và Liege.
Văn phòng công tố cho biết “cả hai đều bị nghi là đang lập âm mưu cho một vụ tấn công khủng bố mà họ dự tính thực hiện ở đâu đó trên lãnh thổ nước Bỉ.”
Được biết không có vũ khí hoặc chất nổ nào được tìm thấy trong vụ lục soát.
Hai anh em sẽ xuất hiện trước một quan toà trong ngày hôm nay, quan toà sẽ quyết định liệu có nên câu lưu họ hay không.
Nước Bỉ đã trong tình trạng báo động cao tiếp theo sau các vụ đánh bom gây tử vong tại Bruxelles hồi tháng Ba mà Nhà Nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm, và một loạt vụ tấn công chết người tại Pháp và Đức.
Bruxelles là nơi toạ lạc trụ sở Liên hiệp Âu châu và cũng là nơi liên minh NATO đặt bản doanh.

Toà án Mỹ bác luật bầu cử hạn chế

Các toà án tại 3 tiểu bang nước Mỹ, North Carolina, Wisconsin và Kansas hôm thứ Sáu đã ra phán quyết lật ngược luật bầu cử hạn chế.
Các phán quyết được đưa ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống ngày 8/11, một cuộc đua gay gắt giữa tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hoà và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, thuộc Đảng Dân chủ.
Các phán quyết tại 3 bang vừa kể có phần chắc sẽ cho phép nhiều thành viên của các nhóm thiểu số hơn được đi đầu phiếu vào tháng 11 sắp tới.
Các luật bầu cử hạn chế về phần lớn được áp dụng sau khi bầu lên Tổng Thống Obama, một thành viên Đảng Dân chủ và là vị Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ.
Những người ủng hộ các biện pháp hạn chế bầu cử nói các luật này sẽ ngăn chận các vụ gian lận, tuy nhiên nhiều cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng gian lận bầu cử ở Mỹ chỉ ở mức tối thiểu, không đáng kể.

Mỹ điều tra vụ chiến dịch của bà Clinton bị tin tặc tấn công

Giới thẩm quyền liên bang Mỹ đang điều tra khả năng tin tặc đã thâm nhập hệ thống máy tính của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, như một phần trong một vụ tấn công mạng rộng lớn hơn nhắm vào Đảng Dân chủ Mỹ.
Các giới chức thi hành công lực nói với truyền thông Mỹ rằng cả Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI lẫn Bộ Tư pháp đang tham gia cuộc điều tra.
Hai cơ quan này, không cơ quan nào xác nhận tin về vụ điều tra. Cơ quan FBI trả lời VOA bằng văn bản nói rằng “FBI có biết về các bản tin của báo chí về các vụ thâm nhập mạng có sự tham gia của nhiều thực thể chính trị, và đang làm việc để xác định tính chính xác của các bản tin, cũng như tính chất và quy mô của các vụ việc này.”
Các giới chức của chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton phản ứng tối hôm thứ Sáu, nói rằng một trong các cơ sở dữ liệu của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) được biết là đã bị tin tặc tấn công. Một người phát ngôn của bà Clinton, ông Nick Merrill, cho biết các chuyên gia không tìm thấy chứng cớ cho thấy các hệ thống nội bộ của chiến dịch tranh cử đã bị tấn công.
Các giới chức Đảng Dân chủ đã chỉ ra sự dính líu của Nga vào cả hai vụ thâm nhập máy tính, tăng cao những cáo buộc chưa được kiểm chứng rằng Moscow đang tìm cách ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, theo hướng có lợi cho ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump.
Bà Hillary Clinton nói bà coi vụ tấn công tin tặc này là một vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Trump đã tìm cách xa lánh mối liên kết với Nga trong vụ tấn công mạng tại các văn phòng Đảng Dân chủ, và lập luận cho rằng Moscow hậu thuẫn chiến dịch vận động tranh cử của ông.

Ông Trump dịu giọng, bớt ca ngợi Nga

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đang dịu giọng xuống, bớt tán dương Nga và nhà lãnh đạo độc tài của nước này là ông Vladimir Putin, sau khi những lời phát biểu như thế của ông gây rắc rối cho ông mới đây. Sau khi hối thúc Nga hãy tìm 30.000 email thất lạc của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, ông Trump nói với các nhà báo rằng ông không quen ông Putin, và chưa bao giờ nói ông này là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, mà chỉ là một nhà lãnh đạo giỏi hơn Tổng thống Barack Obama.
Ông Putin hoan nghênh thái độ thân thiện hơn của ông Trump, nhưng theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của VOA, người dân Nga bình thường nói họ không mấy tin tưởng vào ông Trump.
Ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch vận động tổng thống, ông Trump đã tuyên bố là nếu đắc cử, ông có thể giao hảo với ông Putin.
Ông Trump nói: “Khi người ta thích tôi, thì tôi thích họ. Ngay cả Putin, các bạn biết ông Putin mà. Người ta muốn tôi gạt ông sang một bên, nhưng ông Putin của nước Nga nói rằng ông Trump là một thiên tài, ông ấy sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ”.
Phản ứng của Tổng thống Nga có vẻ thận trọng hơn:
“Ông Trump là một nhân vật hoa hòe. Tôi không đưa ra đánh giá nào khác về ông. Nhưng điều tôi đặc biệt chú ý và hoan nghênh, và tôi không thấy cũng có gì sai trái là ông Trump tuyên bố ông sẵn sàng khôi phục hoàn toàn các mối quan hệ Nga-Mỹ. Có gì sai trái đâu? Tất cả chúng ta đều hoan nghênh chuyện này mà, phải không?”
Những người dân Nga bình thường tỏ ra cởi mở hơn đôi chút về những điều họ nghĩ về ông Trump.
Cô Galina, một kỹ sư người Nga, cho biết:
“Tôi không xem ông Trump là một người tích cực. Tôi cho rằng một tổng thống phải là người khiêm tốn, tự chủ và không bốc đồng, một người giống như ông Putin của chúng tôi”.
Họ không chắc ông Trump có thể tạo ra được sự thay đổi đáng kể cho mối quan hệ Mỹ-Nga, như ý kiến của cô Kristina sau đây:
“Tôi cho rằng việc ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ, sẽ có ảnh hưởng tới mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ, nhưng không phải là một ảnh hưởng lớn. Cuối cùng, điều thực sự quan trọng là cương lĩnh mà các ứng cử viên đưa ra, chứ không phải là ý định muốn gây sốc của họ, đây không phải là điều cần cân nhắc khi chọn lựa một tổng thống”.
Nhà báo Nga Mikhail Zygar nói ông Trump không phải là loại người mà ông Putin có thể điều khiển:
“Ông Putin có thể hy vọng là sẽ có thể chia thế giới ra thành những vùng ảnh hưởng khác nhau với ông Donald Trump. Tôi thực sự không cho rằng ông Donald Trump là một người có thể nghe theo đề xuất đó.”
Nhưng Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ và chiến dịch vận động của bà Clinton tuần này cáo buộc Moscow đã thâm nhập các máy chủ của ủy ban này để lấy các email đề nghị các giới chức trong đảng ủng hộ bà Clinton thay vì đối thủ trong nội bộ đảng là ông Bernie Sanders. Chính phủ Mỹ đặt nặng tầm quan trọng của những cáo buộc đó, và giới truyền thông cũng đang xem xét các mối quan hệ kinh doanh của ông Trump với Nga.
Hôm thứ Năm, ông Trump nói ông chỉ châm chọc khi kêu gọi Nga tìm email của bà Hillary Clinton. Ông Trump cũng rút lại những lời phát biểu của ông ca tụng ông Putin.

Florida báo cáo 4 ca nhiễm Zika

Bang Florida miền Nam Hoa Kỳ vừa báo cáo 4 ca nhiễm virus Zika, dường như không liên quan đến việc du hành ra nước ngoài, theo lời Thống đốc Rick Scott trong một cuộc họp báo hôm 29/7.
Ông Scott nói: “Florida đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ có hiện tượng virus Zika lan truyền nội địa.” Cho đến nay có khoảng 1.650 ca nhiễm Zika ghi nhận tại Mỹ có liên quan đến việc du hành tới những nước ở khu vực Mỹ Latin hay vùng Caribe đang có dịch bùng phát.”
Ông Scott dẫn lời giới chức y tế của bang cho biết 4 ca nhiễm ở Florida tập trung trong một khu vực nhỏ ở phía bắc trung tâm thành phố Miami.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Eric Schultz, cho hay Tổng thống Barack Obama đã được báo cáo tình hình vào sáng ngày 29/7. Ông Schultz cho biết chính quyền Obama ủng hộ các nỗ lực của Thống đốc Scott, đồng thời ca ngợi việc Thống đốc quyết liệt cho tiến hành xét nghiệm virus Zika trong khu vực và chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch.
Florida đã yêu cầu 15 triệu đôla kinh phí khẩn cấp để thu thập và xét nghiệm muỗi cũng như cung cấp những chương trình chuẩn bị phòng ngừa Zika, cùng những thứ khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch Hoa Kỳ cho biết đã cung cấp 8 triệu đôla.
OneBlood, đơn vị cung cấp máu hiến tặng chính của Florida, cho biết họ sẽ xét nghiệm tất cả nguồn máu xem có virus Zika hay không.
Muỗi mang virus Zika được tìm thấy ở những bang miền nam của Mỹ. Giới chức y tế dự đoán virus này sẽ bắt đầu lan truyền trong mùa hè này và đã cố gắng kiềm chế nó trong những khu vực được cô lập.
Dù virus có độc tính tương đối nhẹ ở hầu hết những ca nhiễm, song nhiều người phụ nữ mang thai nhiễm Zika sinh con ra với dị tật bẩm sinh được gọi là chứng đầu nhỏ. Hơn 1.600 ca đầu nhỏ đã được báo cáo ở Brazil, nơi Zika bắt đầu bùng phát vào năm ngoái.

Indonesia: Người Hồi giáo đốt đền chùa

Ít nhất bảy người bị cảnh sát thẩm vấn tại một thị trấn duyên hải thuộc Bắc Sumatra sau các vụ tấn công nhắm vào các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Khổng tử vào hồi đêm thứ Sáu.
Nữ phát ngôn viên Sở cảnh sát Bắc Sumatra, Rina Sari Ginting, nói rằng đã có một ngôi chùa và năm đền thờ bị những người Hồi giáo phóng hỏa tại thị trấn ven biển Tanjung Balai, Bắc Sumatra.
Bà nói ít nhất bảy người đang bị thẩm vấn vì cáo buộc có hành động cướp của nhưng không liên quan tới việc đốt phá các ngôi đền chùa này.
Phàn nàn về tiếng ồn
Những người Hồi giáo đã đốt hết đồ tế lễ như sáp nến, tượng Phật, chiêng và bàn thờ. Bản thân ngôi chùa chỉ bị cháy nhẹRina Sari Ginting, phát ngôn viên Sở cảnh sát Bắc Sumatra
Vẫn theo lời bà Ginting, vụ việc bắt đầu khi một người phụ nữ người Hoa tên là Meliana phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ loa của một nhà thờ Hồi giáo gần nhà mình.
Vài giờ đồng hồ sau đó, những người hoạt động tôn giáo tại nhà thờ Hồi giáo nói trên và một số người Hồi giáo khác đã tới nhà bà này, đem bà và chồng bà đến văn phòng thị trưởng.
Hai giờ sau, khi thông tin về sự việc này được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người khác đã đến ngôi nhà của bà Meliana và ném đá vào nhà.
Bà Ginting nói cảnh sát và người dân địa phương cố gắng ngăn cản nhưng không được.
Đám đông sau đó đi tới một ngôi chùa gần đó và tìm cách phóng hỏa đốt chùa.
Đồng thời, các nhóm khác bắt đầu tiến hành đốt phá các đền thờ khác.
Xung đột tôn giáo
Hành động đốt phá chùa và đền thờ Khổng tử, theo lời bà Ginting, đã chấm dứt vào lúc 4:30 sáng thứ Bảy.
“Họ đã đốt hết đồ tế lễ như sáp nến, tượng Phật, chiêng và bàn thờ. Bản thân các đền, chùa chỉ bị cháy nhẹ,” bà Ginting nói với Ging Ginanjar, Phó ban BBC Indonesia.
Indonesia là một quốc gia có đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng có một số lượng đáng kể là người gốc Hoa, trong đó có nhiều người theo đạo Phật.
Trong lịch sử, quốc gia này từng chứng kiến tình trạng bạo lực bài người Hoa, mà gần đây nhất là hồi thập niên 1990, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và chính trị nhằm lật đổ chính quyền cai trị độc tài của ông Suharto.

Thái Lan phá vỡ một đường dây làm hộ chiếu giả

Sau nhiều năm điều tra, mới đây, cảnh sát Thái Lan đã triệt phá được tận gốc một đường dây làm hộ chiếu giả.
Thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok cho biết thêm chi tiết :
Những thành viên cuối cùng thuộc mạng lưới làm giả hộ chiếu, là người Pakistan đã bị bắt giữ cách đây ít ngày.
Hàng trăm cuốn hộ chiếu châu Âu bị làm giả đã được tìm thấy tại nhà của những kẻ này. Mạng lưới làm hộ chiếu giả từng do Hamid Reza Jafary, một người Iran 48 tuổi, điều hành và đã bị bắt giữ vào tháng Hai vừa rồi. Giờ đây, mạng lưới này đã bị vô hiệu hóa.
Những cuốn hộ chiếu giả được làm rất tinh vi và được bán với giá khoảng 2.000 euro. Khách hàng thường là kẻ gian hoặc các đối tượng thuộc phong trào nổi dậy, nhưng đôi khi có thể là người nhập cư bất hợp pháp, chẳng hạn như người Syria muốn vào châu Âu.
Xét thấy nguồn gốc của một số khách hàng từ Syria, Trung Đông hay Nam Á, cảnh sát Thái Lan nghi ngờ có thể tồn tại mối liên quan tới khủng bố. Pháp đã yêu cầu Thái Lan cho dẫn độ một trong số các thành viên của mạng lưới, vì người này bị nghi ngờ có liên quan với các nhóm khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ Pháp. Điều này có thể giải thích vì sao có một số lượng lớn các cuốn hộ chiếu Pháp bị làm giả.
Người cầm đầu mạng lưới này đã bị kết án 11 năm và 6 tháng tù. Tám kẻ đồng lõa khác vẫn chưa bị mang ra xét xử.

Nhật nâng cấp hệ thống tên lửa PAC-3

để bảo đảm an ninh cho JO 2020

Tờ Japan Today, ngày 30/07/2016 trích dẫn một nguồn thạo tin cho biết Tokyo đang tiến hành nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ PAC-3 để bảo đảm an ninh cho Thế Vận Hội 2020. Cụ thể, hệ thống tên lửa này sẽ được tăng cường thêm phạm vi hoạt động và độ chính xác cần thiết để bắn chặn các tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.
Theo nguồn tin trên, “việc nâng cấp PAC-3 là cần thiết để chống lại tên lửa Musudan của Bắc Triều Tiên”. Theo đó, dàn tên lửa PAC-3 sẽ được tăng cường thêm một hệ thống tên lửa mới tiên tiến, cho phép tăng gấp đôi tầm bắn của hệ thống PAC-3 hiện nay lên khoảng 30km. Công tác nâng cấp sẽ được bắt đầu triển khai vào năm tới.
Tờ báo Nhật nhận định, đây là lần nâng cấp hệ thống tên lửa phòng thủ quan trọng nhất trong vòng một thập niên qua. Điều này cho thấy các nỗ lực gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể của Nhật Bản, tại một khu vực các căng thẳng địa chính trị đang tăng mạnh.
Japan Today nhắc lại tên lửa mà Bình Nhưỡng bắn thử hồi tháng 6/2016 dường như là loại Musudan. Vụ bắn thử đầu tiên đã gặp thất bại. Nhưng tên lửa bắn đi lần thứ hai đã đi được một hành trình dài 400 km, tức hơn một nửa đoạn đường đến bờ biển phía tây nam Nhật Bản và đạt đến độ cao 1000 km, độ cao đủ để gắn thêm một đầu đạn cho tầm bắn hơn 3000km.
Theo nhận định của các chuyên gia, vụ thử này cho thấy chế độ Bình Nhưỡng đã có những tiến bộ công nghệ. Bắc Triều Tiên hiện đang có chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ trả cho Nhật một phần đất trên đảo Okinawa
Hôm qua, 29/07/2016, trong một thông cáo, tướng Lawrence D. Nicholson, tư lệnh Mỹ đóng tại đảo Okinawa, đã tuyên bố : « Chúng tôi tôn trọng thái độ của người dân Okinawa khi họ cho rằng chúng tôi cần phải giảm bớt sự có mặt của mình nơi đây ». Cụ thể, quân đội Mỹ quyết định sẽ hoàn trả lại 17% phần đất đã chiếm trên đảo Okinawa cho Nhật Bản.
Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết :
Quân đội Mỹ sẽ trao trả lại một phần đất trên đảo Okinawa. Đổi lại chính phủ Nhật sẽ thuyết phục người dân nơi đây chấp nhận kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Henoko, nằm ở phía tây của đảo chính Okinawa.
Kế hoạch xây mới bãi đáp trực thăng Mỹ này vấp phải phản đối của 70% người dân địa phương. Việc xây mới này sẽ cho phép hải quân Mỹ đóng cửa căn cứ Futenma bị coi là nguy hiểm, được xây dựng ngay tại trung tâm của thành phố.
Tướng Lawrence Nicholson, tư lệnh Mỹ đóng tại đảo Okinawa, không hề che giấu mục đích của việc trao trả đất này. Một khi tiến hành xây dựng xong các bãi đáp trực thăng mới, nằm trong kế hoạch xây khu căn cứ dành cho trực thăng tại Henoko, quân đội Mỹ sẽ trao trả lại cho chính phủ Nhật Bản 4.000 hecta đất. Dự án xây căn cứ tại Henoko đã có từ 18 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được tiến hành bởi vẫn vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng của người dân địa phương.
Okinawa chỉ chiếm 0,6% diện tích lãnh thổ quốc gia nhưng có đến ba phần tư tổng số các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Nhật, với 50.000 lính đồn trú. Các căn cứ quân sự Mỹ tại đây nhằm mục đích canh chừng Bắc Triều Tiên và đối mặt với đà tăng nhanh của Trung Quốc.

Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Rumani

bị quản thúc tại gia

Theo nguồn tin tư pháp Rumani, ngày hôm qua, 29/07/2016, và được AFP trích dẫn, ông Bogdan Olteanu, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương, đã bị quản thúc tại gia, vì bị nghi ngờ nhận hối lộ một triệu euro năm 2008, khi ông giữ chức chủ tịch Hạ Viện.
Theo thông cáo của Viện Kiểm Sát chống tham nhũng, ông Olteanu, 45 tuổi, đã bị câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ. Tư pháp Rumani nghi ngờ nhân vật này nhận một triệu euro từ một doanh nhân, đổi lại, đương sự vận động một số thành viên trong chính phủ để bổ nhiệm một nhà báo làm thống đốc vùng châu thổ Danube. Số tiền hối lộ được giao cho ông Olteanu, qua một trung gian, ngay tại trụ sở Đảng Quốc Gia Tự Do (PNL).
Vẫn theo Viện Kiểm Sát Rumani, nhờ có sự vận động của ông Olteanu, vào tháng 09/2008, nhà báo Kiviu Mihaiu, người đấu tranh bảo vệ môi trường, thành viên một tổ chức phi chính phủ, đã được bổ nhiệm làm thống đốc vùng châu thổ Danube giàu có và được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới.
Qua luật sư của mình, ông Olteanu khẳng định không hề nhận hối lộ.
Làm phó thống đốc từ năm 2009, ông Olteanu đã thông báo sẽ từ chức vào thứ Hai, 01/08, để tránh làm hoen ố hình ảnh của Ngân Hàng Trung Ương Rumani.
Trong khuôn khổ cuộc điều tra này, tư pháp Rumani còn nhắm tới nhiều nhân vật khác. Báo chí nước này thường nhắc tới tên chủ tịch Thượng Viện Calin Popescu Tariceanu, nguyên là thủ tướng từ năm 2004 đến 2008.
Do thúc ép của Liên Hiệp Châu Âu, từ nhiều năm qua, Rumani đẩy mạnh cải cách tư pháp và đấu tranh chống tham nhũng. Trong năm 2015, 27 quan chức cao cấp, trong đó có thủ tướng thời đó, ông Victor Ponta, đã bị khởi tố và sẽ bị đưa ra xét xử.

Áo trao cho Pháp 2 nghi phạm của vụ khủng bố tại Paris

Theo một nguồn tin của tư pháp Pháp được AFP trích đăng, hôm qua, 29/07/2016, tư pháp Áo đã trao cho Pháp hai nghi phạm dính líu tới vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris. Hai người này, ngay tối qua đã bị buộc tội và tống giam.
Hai nghi phạm là Adel Haddadi, 29 tuổi, người Algéri và Mohamad Usman, 35 tuổi, người Pakistan. Họ bị buộc tội « có liên quan đến khủng bố ».
Hai người này từng là đối tượng của lệnh truy nã châu Âu do Pháp ban hành và đã bị bắt giữ tại một trung tâm dành cho người tị nạn tại Áo vào tháng 12/2015.
Tư pháp Pháp nghi ngờ hai người tìm cách tới Pháp vào mùa thu năm 2015 để tham gia vào các vụ tấn công khủng bố diễn ra vào tháng 11 tại Paris, khiến 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.
Hai nghi phạm bị bắt giữ hôm qua đã từng trà trộn trong đám người nhập cư Syria, và tới đảo Hy Lạp Leros ngày 03/10/2015, cùng lúc với hai người Irak, hiện chưa rõ danh tính. Chính hai người Irak này đã cho nổ bom gần sân vận động Stade de France.
Khi đến đảo Leros, hai nghi phạm đã qua được khâu kiểm tra hải quan. Tuy nhiên, cảnh sát Hy Lạp đã phát hiện ra hộ chiếu của Haddadi và Usman là giả nên đã tạm giữ cả hai người cho đến 28/10/2015.
Sau đó, hai nghi phạm đã đến Áo và ở trong một trung tâm tiếp đón người xin tị nạn cho đến khi bị bắt giữ, tức là ngày 10/12/2015.
Theo cảnh sát Áo, trong suốt quá trình di chuyển cho đến khi bị bắt giữ, hai người này vẫn thường xuyên liên lạc với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Adel Haddadi, nghi phạm người Algéri, dường như gia nhập tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vào tháng 02/2015 và Mohamad Usman, nghi phạm người Pakistan, bị nghi ngờ là chuyên gia chế thuốc nổ cho hai nhóm Hồi giáo cực đoan Pakistan, có tiếng là thân cận với tổ chức khủng bố Al-Qaida.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?