Tin khắp nơi – 31/07/2016

Tin khắp nơi – 31/07/2016

Ông Trump đáp lại chỉ trích

từ cha của lính Mỹ theo Hồi giáo đã chết

Trong bài phát biểu xúc động tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ trong tuần qua, Khizr Khan, cha đẻ của một người lính Mỹ theo Hồi giáo đã thiệt mạng tại Iraq, đã ca ngợi con trai ông và chỉ trích ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Khan nói theo chính sách nhập cư được do ông Trump đề xuất, gia đình ông sẽ không bao giờ được phép đến Mỹ, và ông Trump trong đời mình chưa “hy sinh điều gì và chưa mất ai cả”.
Ông Trump đã đáp lại ông Khan trong cuộc phỏng vấn hôm 30/7 với truyền hình ABC.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng tôi đã hy sinh rất nhiều. Tôi đã làm việc rất, rất tích cực, tôi đã tạo ra hàng ngàn, hàng ngàn việc làm”.
Ông Trump cũng cho biết ông đã quyên góp hàng triệu đôla cho các cựu chiến binh Mỹ và đóng góp một phần lớn cho việc xây đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thành phố New York.
Vợ của ông Khan đứng lặng lẽ trong khi chồng bà phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ.
Đưa ra ý kiến chắc chắn sẽ tạo ra thêm tranh cãi, ông Trump cho rằng vì bà là phụ nữ Hồi giáo, nên có lẽ “bà ấy đã không được phép nói bất cứ điều gì”.
Nhưng bà Ghazala Khan nói với truyền hình MSNBC hôm 29/7 rằng bà rất nôn nao và vô cùng xúc động khi nhìn thấy hình ảnh con trai đã khuất được trưng bày tại đại hội.
Bà giải thích: “Tôi quá xúc động và tôi đã kiểm soát bản thân mình lúc đó”.
Ông Trump có kế hoạch vận động tại các bang công nghiệp Ohio và Pennsylvania hôm 1/8, là các bang mà ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hiện đang thăm.
Phát biểu tại một nhà máy sản xuất dây điện ở Johnstown, Pennsylvania hôm 30/7, bà Clinton nói bà không có mặt ở đó để xúc phạm đối thủ của mình và đưa ra “những lời hứa điên rồ”, mà để nói với các cử tri về kế hoạch “đầu tư nhiều nhất vào những việc làm mới, được trả lương tốt” kể từ Thế chiến II.
Bà Clinton đề xuất về một ngân hàng cơ sở hạ tầng để chi trả cho các dự án như xây dựng đường và cầu mới thay vì lần nào cũng phải tới Quốc hội xin tiền.
Bà nói đất nước không thể quay trở với điều mà bà gọi là các chính sách kinh tế thất bại trong quá khứ như cắt giảm thuế cho người giàu. Bà nói những người giàu phải trả tiền, đóng góp một cách hợp lý và “trợ giúp nước Mỹ”.
Ohio và Pennsylvania có thể sẽ là hai bang chủ chốt trong cuộc bầu cử tháng 11. Trong khi hầu hết các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Clinton dẫn đầu ở cả hai bang, những cử tri thuộc tầng lớp lao động có thể làm cho một trong hai bang ngả về bà Clinton hay ông Trump.
Phần lớn thành công của ông Trump trong năm nay là việc thu hút cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người lo lắng rằng Mỹ đang mất đi việc làm vào tay các đối thủ cạnh tranh nước ngoài có lao động rẻ hơn.
Ông Trump đã lên Twitter nói số cử tri có mặt tại sự kiện Johnstown của bà Clinton thì “nhỏ và không nhiệt tình”, và ông cho rằng điều đó có thể là do việc chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, đã ủng hộ NAFTA, một thỏa thuận thương mại mà ông Trump khẳng định đã chuyển nhiều việc làm ở Mỹ tới Mexico.
Một cuộc khảo sát mới cho thấy bà Clinton nhận được mức ủng hộ tăng lên thường thấy sau đại hội đảng trong các cuộc thăm dò. Thăm dò của RABA cho thấy bà có mức ủng hộ của cử tri cao hơn 15% so với ông Trump, hai ngày sau khi đại hội đảng Dân chủ kết thúc.
Ông Trump đã có một mức tăng tương tự trong các cuộc thăm dò ngay sau đại hội đảng Cộng hòa cách đây hai tuần.

Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ khoảng 60 nhân viên Tòa bảo hiến

Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục cuộc trấn áp trong chính phủ sau cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15/7. Hôm 30/7, 60 nhân viên Tòa bảo hiến đã bị đình chỉ công tác.
Trong một tuyên bố Tòa án cho biết việc đình chỉ sẽ có hiệu lực cho đến khi có đánh giá về những mối liên hệ mà những người này có thể có với cuộc đảo chính. Tám nhân viên khác đã bị sa thải và bắt giam hôm 18/7.
Các cuộc thanh trừng ở tòa án cấp cao nhất của đất nước diễn ra cùng ngày các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho 800 quân nhân, chủ yếu ở Istanbul và vài chục người ở Ankara, theo hãng tin Anadolu của nhà nước.
Tin cho hay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói ông sẽ bãi bỏ các vụ kiện đối với những người đã xúc phạm ông, với một cử chỉ “về sự đoàn kết” chỉ thực hiện một lần, ông muốn nói đến các nhà báo mà ông đã đối đầu với họ tại tòa án.
Thổ Nhĩ Kỳ đang giam giữ 17 nhà báo vì các cáo buộc là thành viên “nhóm khủng bố”, vào lúc ông Erdogan nói với những người chỉ trích ở phương Tây rằng họ “hãy để ý đến việc của họ”, trong khi chiến dịch thanh trừng đã mở rộng.
Gần 70.000 người đã bị đình chỉ công việc hoặc bị đuổi việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo số liệu mới nhất được Anadolu trích dẫn, ảnh hưởng đến các nhân viên và giới chức tại các cơ quan tư pháp, hệ thống giáo dục, truyền thông, y tế và các lĩnh vực khác, như là một phần trong cuộc trấn áp của ông Erdogan. Trong số những người bị ảnh hưởng là những ai bị tình nghi có quan hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống ở Mỹ, chính phủ nói ông là kẻ chủ mưu của cuộc đảo chính bất thành.
Ông Gulen, người đã tự sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ kể từ cuối những năm 1990, đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào hoặc đã biết trước về cuộc đảo chính.
Mỹ đã bày tỏ quan ngại về “tác động dài hạn” của vụ đảo chính đối với quan hệ của Mỹ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và kịch liệt bác bỏ những lời lẽ của ông Erdogan cho rằng quân đội Mỹ đã đứng về phía những kẻ tham gia âm mưu đảo chính quân sự thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bỉ bắt nghi can âm mưu tấn công khủng bố

Một người đàn ông 33 tuổi ở Bỉ đã bị bắt giữ vì âm mưu tấn công khủng bố và giết người.
Nghi can có tên Noureddine H. bị bắt cuối ngày hôm qua trong một loạt các cuộc lục soát nhiều ngôi nhà ở thành phố Liege và vùng Mons, nơi đặt trụ sở của tổ chức NATO.
Theo văn phòng công tố liên bang của Bỉ, người anh em của Noureddine cũng bị bắt cùng thời điểm, nhưng sau đó đã được thả mà không bị truy tố.
Chính quyền không công bố thông tin chi tiết về thời điểm cũng như địa điểm mà nghi can hoạch định vụ tấn công.
Thông cáo chính thức chỉ nói rằng một cuộc điều tra cho thấy người đàn ông bị bắt giữ đã âm mưu thực hiện một cuộc tấn công tại Bỉ.
Cả Liên hiệp châu Âu và NATO đều đặt trụ sở ở Bỉ, và nhiều cơ quan của hai tổ chức này hoạt động ở thủ đô Brussels.
Truyền thông Bỉ đưa tin rằng nghi can khủng bố Noureddine từng hỗ trợ những người muốn trở thành chiến binh tới Syria.
Nhân vật này từng đi tới nhiều nơi ở châu Âu để kiếm vũ khí. Chính quyền Bỉ cho biết không tìm thấy vũ khí hoặc thuốc nổ trong cuộc lục soát ở Liege và Mons.
Bỉ vẫn trong tình trạng cảnh giác cao sau khi xảy ra các vụ tấn công chết chóc ở nước này hồi tháng Ba mà Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm, cũng như các vụ khác ở Pháp và Đức kể từ năm ngoái.
Một số những kẻ khủng bố tham gia các vụ tấn công ở Paris năm ngoái từng sống ở Bỉ hoặc có liên hệ với các nhóm cực đoan ở đó.

Biểu tình ở Armenia đòi thả một chính khách đối lập

Một vụ đối đầu căng thẳng giữa cảnh sát chống bạo động và nhóm người vũ trang ủng hộ một chính khách bị bỏ tù kéo dài sang ngày thứ Bảy tại Yerevan, thủ đô của Armenia.
3 tay súng đã cố thủ bên trong một trạm cảnh sát trong khoảng 2 tuần lễ, đến hôm thứ Sáu thì bị thương trong một vụ chạm súng với cảnh sát.
Nhà chức trách nói rằng các tay súng này đã nổ súng trước, và những người bị thương bên trong trạm cảnh sát đã được các nhân viên y tế trên một xe cứu thương chữa trị. Các nhân viên y tế này đã bị giữ làm con tin.
Cảnh sát chống bạo động dùng dùi cui, lựu đạn gây choáng và hơi cay để ngăn cản một đám đông đang tiến về hướng trạm cảnh sát.
165 người đã bị câu lưu trong vụ bất ổn. Hơn 20 người ủng hộ phe đối lập sau đó bị bắt giữ. Những người còn lại đã được thả về.
Vụ đối đầu này đã dẫn tới một loạt cuộc biểu tình chống chính phủ Armenia, về phần lớn diễn ra vào chiều tối.
Đại sứ quán Mỹ tại Yerevan bày tỏ ‘quan tâm sâu sắc’ về vụ khủng hoảng liên quan tới nhiều người bị bắt làm con tin vẫn đang tiếp diễn ở Armenia.
Tổng Thư Ký Hội đồng Châu Âu Thorbjorn Jagland kêu gọi hai bên hãy “tức thời chấm dứt tình hình nguy hiểm hiện nay.”
Nhóm vũ trang đòi Armenia thả chính khách đối lập Jirair Sefilian, bị tố cáo là có âm mưu gây bất ổn, và đòi Tổng thống Serzh Sarksyan từ chức.

Mạng của nhà thầu quốc phòng Nga ‘nhiễm mã độc’

Cơ quan an ninh Nga (FSB) thông báo rằng mạng máy tính của khoảng 20 tổ chức, cơ quan chính phủ và các nhà thầu quốc phòng của Nga đã bị nhiễm mã độc nhằm mục đích do thám trên mạng.
Trong tuyên bố đăng trên trang web hôm 30/7, FSB cho biết rằng loại virus máy tính cùng cách thức bị lây nhiễm của các mạng trên cho thấy chúng giống với phần mềm sử dụng trong các vụ do thám trên mạng ở Nga cũng như trên toàn thế giới.
Cơ quan tình báo Nga không cho biết nghi ngờ ai đứng sau vụ tấn công, nhưng tin trên được đưa ra sau khi có thông báo về các vụ tấn công mạng nhắm vào Ủy ban Toàn quốc của Đảng Dân chủ Mỹ (DNC) và ủy ban gây quỹ cho các ứng viên của đảng này tại Hạ viện Hoa Kỳ.
Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ và các đảng viên Dân chủ bày tỏ nghi ngờ về sự dính líu của Nga đối với cả hai vụ tấn công trên.
Điều đó làm tăng thêm các phán đoán rằng Moscow có thể đang tìm cách gây tác động lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhằm tạo lợi thế cho ứng của viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc.

Thường dân chạy khỏi Aleppo

sau khi mở hành lang nhân đạo

Truyền thông nhà nước Syria tường thuật rằng hàng chục gia đình đã chạy khỏi Aleppo, thành phố đang bị vây hãm sau khi các lực lượng chính phủ mở một hành lang nhân đạo.
Thành phố này đã bị phong toả trong nhiều tuần giữa lúc các lực lượng Syria dội bom thành phố. Các giới chức Liên Hiệp Quốc và các nhóm cứu trợ đã đòi chính phủ Syria mở các con đường dẫn vào thành phố để phân phối vật phẩm cứu trợ, và cảnh báo khoảng 300,000 người đang bị kẹt trong thành phố phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Trong khi đó có tin cho hay liên quân do Mỹ lãnh đạo đang chiến đấu chống các lực lượng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria, đã thực hiện thêm nhiều cuộc không kích vào một thành phố chủ yếu bên ngoài Aleppo, nơi các phần tử chủ chiến đang chiến đấu để giữ quyền kiểm soát trung tâm thành phố.
Quân đội Mỹ báo cáo đã có 11 cuộc không kích gần Manbij, nhắm vào các đơn vị chiến thuật và vị trí chiến đấu của Nhà Nước Hồi giáo. Ngoài ra, liên minh còn thực hiện 9 cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu IS ở Iraq.
Ban tiếng Kurd của VOA tường thuật rằng các cuộc giao tranh tại trung tâm thành phố Manbij tiếp diễn trong lúc xảy ra các cuộc không kích. Một lực lượng dân quân chống IS đang giao chiến với các phần tử chủ chiến trong thành phố để giành từng con đường, giữa lúc các lực lượng liên minh siết chặt vòng vây quanh cứ địa chính của IS ngay tại trung tâm thành phố.
Một chiến binh nói với VOA rằng anh ta đã trông thấy xác của nhiều phần tử chủ chiến bị giết trong các vụ chạm trán hôm qua, vốn khởi sự từ buổi chiều và kéo dài tới sau khi màn đêm buông xuống.
Trong một diễn biến riêng rẽ, quân đội Mỹ đang xét lại một cáo buộc thứ ba về các tổn thất nhân mạng nơi thường dân trong một cuộc không kích do liên quân thực hiện gần Manbij.
Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài Peter Cook nói với báo chí hôm qua rằng tiến trình thẩm định các cáo buộc đó đang ở trong “giai đoạn sơ khởi.”
Các tổ chức bênh vực nhân quyền nói khoảng 25 thường dân đã bị giết trong một vụ không kích nhầm lẫn hôm thứ Năm vừa rồi, tiếp theo sau hai sự cố tương tự hiện đang trong vòng điều tra.
Ông Cook nói chính những báo cáo từ trong quân đội đã dẫn tới cuộc điều tra. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để giảm tới mức tối thiểu những nguy cơ đối với thường dân vô tội, duy trì tính minh bạch trong vụ này, đồng thời buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Hôm qua, mặc dù truyền thông nhà nước Syria tường thuật rằng sẽ mở hành lang nhân đạo tại Aleppo vào ngày thứ Bảy, tức hôm nay, 30/7, các giới chức LHQ đã bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của quyết định mở hành lang nhân đạo giữa lúc giao tranh diễn ra dữ dội.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đặc trách Syria Staffan de Mistura hôm thứ Sáu kêu gọi Nga để cho LHQ chịu trách nhiệm về tất cả các hành lang nhân đạo trong và xung quanh Aleppo, cho phép thường dân thoát khỏi thành phố đang bị vây hãm này.
Nga trước đó đã đề nghị mở tới 4 hành lang nhân đạo sẽ do các lực lượng Nga và Syria đảm trách, dể cho phép thường dân và các chiến binh sẵn sàng buông vũ khí được rời khu vực miền Đông Aleppo đang nằm trong tay của phe nổi dậy.
Tuy nhiên có nhiều hoài nghi về kế hoạch đó.

Một người chết,

3 người bị thương trong vụ nổ súng ở Texas

Một vụ nổ súng hồi đầu ngày 31/7 tại một khu vui chơi giải trí đông người ở thành phố Austin, Texas ở miền nam nước Mỹ đã khiến một người thiệt mạng và ba người khác bị thương.
Cảnh sát trưởng Austin Brian Manley cho biết một tay súng không rõ danh tính đã bắn vào đám đông sau một vụ lộn xộn, dẫn đến cảnh hỗn loạn.
Cuộc truy tìm nghi phạm đang diễn ra và hiện chưa rõ động cơ của cuộc tấn công.
Cảnh sát đang đề nghị công chúng cung cấp thông tin, kể cả các đoạn video, trong nỗ lực tìm ra tay súng, được cho là một người ông khoảng 20 tuổi.
Ông Manley nói sau vụ nổ súng này một lúc, một người đàn ông đã nổ súng cách đó vài tòa nhà trong cuộc đối đầu tại một bãi đỗ xe. Những người xung quanh đã khống chế tay súng, người này đã phải nhập viện vì bị thương tích khi anh ta bị bắt. Dường như đã không có ai bị bắn trong vụ việc đó.
Cảnh sát ban đầu cho rằng hai vụ nổ súng có liên quan và cùng dính líu đến một tay súng nguy hiểm. Nhưng ông Manley nói điều tra ban đầu cho thấy chúng là hai vụ việc không liên quan đến nhau.
Những vụ nhắm mục tiêu và giết hại các nhân viên cảnh sát gần đây trong một cuộc tuần hành ôn hòa tại Dallas, phản đối sự tàn bạo cảnh sát, đã làm cho lực lượng cảnh sát trên khắp đất nước, đặc biệt là ở Texas, luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Nổ bom xe hơi làm 13 người thiệt mạng ở Somalia

Ít nhất 13 người đã thiệt mạng, trong đó có 7 kẻ tấn công, trong một vụ tấn công vào một tòa nhà của cảnh sát Somalia ở Mogadishu hôm 31/7.
Bộ trưởng Nội an Somali Abdirizak Omar Mohamed nói với ban Somalia của đài VOA rằng mục tiêu là trụ sở của Cục Điều tra Hình sự (CID).
Ông Omar nói: “Hai kẻ đánh bom tự sát đã lao về phía cổng chính của trụ sở Cục Điều tra Hình sự (CID), một tên kích nổ tại cổng trước và một tên ở giữa đường và sau đó 5 tay súng mang nhiều vũ khí đã cố gắng vào trong tòa nhà, 3 tên trong số đó đã bị tiêu diệt bên ngoài còn 2 tên bị diệt khi chúng đi qua cổng chính”.
Ông Omar nói ít nhất 10 người bị thương.
Abdikamil Mo’alin Shukri, người phát ngôn của Bộ Nội an Somalia cho biết 13 người thiệt mạng bao gồm 7 kẻ tấn công, 1 lính chính phủ, và 5 dân thường.
Al-Shabab đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

‘Anh quốc sẽ bị tấn công khủng bố’

Anh quốc bị tấn công khủng bố chỉ là vấn đề “xảy ra khi nào”, chứ không phải có khả năng hay không, là lời nhận định của Cảnh sát trưởng Sở cảnh sát đô thành London.
Viết cho tờ The Mail, số ra Chủ nhật, Sir Bernard Hogan-Howe đề cập đến các vụ tấn công tàn ác xảy ra ở châu Âu và một số âm mưu bị chặn đứng ở Anh quốc.
Tuy nhiên, người đứng đầu Sở cảnh sát London nói việc Anh quốc chấp nhận sự khác biệt và “chia sẻ những giá trị” đã tạo nên một môi trường khó khăn cho những kẻ khủng bố.
Tôi biết với mỗi vụ tấn công, đặc biệt là những vụ xảy ra ngay tại châu Âu, đã tạo ra tâm lý nước Anh sẽ là mục tiêu tiếp theo cho những vụ khủng bố thảm sát hàng loạt.Sir Bernard Hogan-Howe, Cảnh sát trưởng London
Nguy cơ khủng bố ở Anh quốc được đặt ở mức “nghiêm trọng”- đồng nghĩa với khả năng bị khủng bố rất cao- kể từ 2014.
Đây cũng là mức cảnh báo đứng thứ hai trong số năm mức báo động về sự đe dọa đối với nước Anh.
Sir Bernard nói những vụ tấn công gần đây ở khắp nơi trên thế giới đã tạo nên “tâm lý lo sợ” ở trong nước Anh.
Đó là những vụ tấn công như ở Paris khiến 130 người thiệt mạng hồi tháng 11/2015, 32 người chết trong vụ đánh bom ở Bỉ vào hồi tháng Ba, và 84 người bị sát hại khi một chiếc xe tải đâm vào đám đông ở thành phố Nice của Pháp vào hồi đầu tháng Bảy.
Sir Bernard nói: “Tôi biết với mỗi vụ tấn công, đặc biệt là những vụ xảy ra ngay tại châu Âu, đã tạo ra tâm lý nước Anh sẽ là mục tiêu tiếp theo cho những vụ khủng bố thảm sát hàng loạt.
“Tôi cảm nhận và hiểu nỗi lo sợ này, và hiểu mọi người muốn tôi, với tư cách một sĩ quan cảnh sát, có thể đưa ra một lời đảm bảo sẽ ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố.
Những kẻ khủng bố sẽ rất khó khăn để vận chuyển vũ khí vào Anh và tiến hành các vụ tấn công tương tự như ở trong lục địa (châu Âu) vì Anh quốc là một hòn đảo nằm riêng biệt.Sir Bernard Hogan-Howe, Cảnh sát trưởng London
“Tôi phải nói rằng tôi không thể đảm bảo một cách hoàn toàn chắc chắn.”
Cảnh sát trưởng London cũng nói về những âm mưu khủng bố bị chặn đứng ở nước Anh, kể từ vụ sát hại Lee Rigby vào hồi tháng Năm 2013, trong đó có vụ nhắm vào những sĩ quan của đồn cảnh sát ở Shepherd’s Bush ở phía tây thành phố London, và một vụ khác tương tự như vụ Lee Rigby đối với những quân nhân ở East Anglia.
Ông cũng cho biết sự phối hợp giữa cảnh sát và các cơ quan tình báo của Anh “rất hiệu quả”.
Các điều luật về kiểm soát súng của Anh quốc và trên thực tế do nước Anh là một hòn đảo nằm riêng biệt đồng nghĩa với “những kẻ khủng bố sẽ rất khó khăn để vận chuyển vũ khí vào Anh và tiến hành các vụ tấn công tương tự như ở trong lục địa (châu Âu),” Sir Bernard nói.
‘Lời lẽ thù hận’
“Điểm thứ nhì là do lòng khoan dung và sự chấp nhận của chúng ta.
“Các tiếp cận Hồi giáo của chúng ta không có gì khác biệt vì mục đích của những cuộc tấn công khủng bố đều nhân danh Hồi giáo.
“Chúng ta không gắn những cái mác cho hàng triệu người Hồi giáo ở Anh, là những người hiểu giá trị và có đức tin ngược với những lời lẽ thù hận của những kẻ cực đoan.”
Cảnh sát trưởng London cũng cho biết số lượng cảnh sát vũ trang đã tăng từ 600 lên đến 2.800 người.
Nhưng ông cũng nói đa số cảnh sát không trang bị vũ khí và nói: “Tôi tin là điều này giúp mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân tốt hơn rất nhiều”.

Người dân Tokyo bầu thị trưởng mới

7 giờ trước
Cử tri Nhật bầu thị trưởng mới cho Tokyo sau vụ bê bối tài chính buộc hai người tiền nhiệm từ chức.
Tổng cộng có 21 ứng viên đang ganh đua cho vị trí này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike, chính trị gia Hiroya Masuda và nhà báo Shuntaro Torigoe đang dẫn đầu cuộc đua.
Người chiến thắng sẽ giám sát việc chuẩn bị cho Olympic 2020 tại Tokyo.
Cuộc bầu cử hôm 31/7 được ấn định sau khi thị trưởng Yoichi Masuzoe từ chức hồi tháng trước.
Ông đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt về cáo buộc sử dụng công quỹ cho các kỳ nghỉ, tác phẩm nghệ thuật và sách truyện tranh cho con cái.
Ông Masuzoe, người từng hứa hẹn một chính quyền không scandal, phủ nhận việc phạm pháp, nhưng thừa nhận sai sót về đạo đức khi chi tiêu xa hoa.
Người tiền nhiệm của ông, Naoki Inose cũng từ chức do vụ bê bối tài chính năm 2013, ngay sau khi Tokyo giành quyền đăng cai Olympic.
Từ thời điểm đó, quá trình chuẩn bị đăng cai Olympic 2020 bị ảnh hưởng bởi các vụ bê bối, bội chi và chậm trễ xây dựng cơ sở hạ tầng.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tân thị trưởng là đến lễ bế mạc Rio 2016 nhận cờ Olympic.

Ông Erdogan muốn kiểm soát gián điệp

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố muốn đóng cửa học viện quân sự quốc gia và đặt cơ quan gián điệp và tư lệnh quân đội dưới quyền kiểm soát của ông.
Ông Recep Tayyip Erdogan cho biết các đề xuất này sẽ được đưa ra trước Quốc hội.
Các biện pháp đó là động thái mới nhất trong chiến dịch trấn áp quy mô sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7.
Chính quyền cáo buộc giáo sĩ Fetullah Gulen đứng sau cuộc đảo chính do một nhóm tướng lĩnh quân đội dẫn đầu khiến ít nhất 246 người thiệt mạng. Giáo sĩ hiện đang ở Mỹ phủ nhận cáo buộc này.
“Chúng tôi sẽ trình một số đề xuất, nếu được thông qua, sẽ đặt Cơ quan tình báo quốc gia (MIT) và tổng tham mưu trưởng dưới sự kiểm soát của tổng thống”, ông Erdogan nói với kênh truyền hình A Haber của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 30/7.
“Các trường quân sự sẽ bị đóng cửa… Chúng tôi sẽ thành lập một trường quốc phòng,” ông nói.
Tổng thống nói thêm rằng quy mô lực lượng hiến binh sẽ được cắt giảm, nhưng việc vũ trang cho họ sẽ được tăng lên.
Ông Erdogan cần đa số trong Quốc hội thông qua đề xuất.

Cuộc sống cùng cực tại Venezuela

Người ta có thể nói về nạn đói đối với những người lạ chưa từng gặp mặt. Nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu điều đó xảy ra với chính gia đình của bạn. Đây là điều mà phóng viên BBC Vladimir Hernandez nghiệm ra khi trở về quê hương để tường thuật về việc chính phủ không thể cung cấp đầy đủ thực phẩm cho người dân.
Trên chuyến đi vòng quanh đất nước Venezuela trong tháng này, tôi đã chứng kiến vô số những hàng dài người xếp hàng để mua thực phẩm hay bất cứ thứ gì, ở siêu thị và những cửa hàng quốc doanh.
Tôi đã phải dừng lại lúc ở miền trung Venezuela bởi con đường bị chặn – những người chặn đường đã không có gì để ăn ngoài những trái xoài trong vòng ba ngày liên tục.
Tôi đã chứng kiến nỗi thất vọng của một người mẹ, vì ăn quá ít nên không có sữa cho đứa con mới sinh của mình bú.
Tôi đã gặp một người phụ nữ được gọi một cách trìu mến là ‘la gorda’ (bà béo) vì vòm má nhô cao chứng tỏ bà đã giảm rất nhiều cân từ năm ngoái.
Vấn nạn quốc gia
Tôi thấy cảm thông đối với những người này. Tuy nhiên, chính gia đình là lí do thực sự khiến tôi trở về.
Em trai tôi nói, những chiếc quần của cậu ấy bây giờ trở nên rộng thùng thình.
Cha tôi, người chưa bao giờ cằn nhằn điều gì, nay thốt lên rằng mọi thứ thật “khó khăn”. Trong khi đó, mẹ tôi thú nhận là có những ngày bà chỉ ăn một bữa.
Các thành viên gia đình tôi sống ở nhiều nơi khác nhau ở Venezuela, nhưng không ai trong số họ kiếm đủ ăn.
Đây là một vấn nạn quốc gia ở Venezuela.
Đói nghèo cùng cực
Một nghiên cứu từ ba trường đại học lớn ở Venezuela cho thấy 90% người Venezuela ăn ít hơn năm ngoái. Tình trạng “đói nghèo cùng cực” đã tăng lên 53% từ năm 2014.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, từ việc thiếu thốn hàng hóa vật dụng căn bản, quản lý kém, tình trạng đầu cơ tích trữ, cùng như thu nhập từ dầu của đất nước suy giảm nghiêm trọng.
Và dĩ nhiên, đó còn là do tỉ lệ lạm phát cao nhất trên thế giới.
Lần gần nhất tuyên bố tỷ lệ lạm phát chính thức của Venezuela ở mức 180% là vào tháng Mười Hai. Tuy nhiên, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính con số này sẽ lên đến 700% vào cuối năm nay.
Chỉ định ngày mua sắm
Trong nỗ lực ngăn cản hoạt động đầu cơ tích trữ, nhiều năm trước, chính phủ đã định giá cố định nhiều mặt hàng căn bản như bột mỳ, thịt gà và bánh mỳ.
Tuy nhiên, người dân Venezuela chỉ có thể mua những mặt hàng trên với giá cố định một lần một tuần, tùy vào con số cuối cùng trong thẻ chứng minh nhân dân của họ.
Ví dụ, nếu đó là số 0 hoặc 1, họ sẽ được mua hàng vào thứ Hai. Nếu là số 2 hoặc 3 thì thứ Ba là ngày mua sắm của họ, và cứ tiếp tục như thế.
Do luôn có rủi ro về việc ‘cháy hàng’, người dân thường có mặt trước cổng siêu thị vào sáng sớm.
Vào lúc 6 giờ sáng ở thành phố Caracas, tôi gặp một người đàn ông đã đứng xếp hàng ba tiếng đồng hồ. Trời mưa tầm tã, mà ông ta thì không mang theo ô.
“Tôi hy vọng sẽ mua được gạo. Nhưng đôi khi tôi xếp hàng rất lâu rồi chả mua được gì vì gạo đã hết sạch trước khi đến lượt tôi,” ông nói.
Ngay cả khi may mắn, người dân cũng chỉ được phép mua một số lượng thực phẩm nhất định trong một ngày.
Những người không mua đủ sẽ phải chờ một tuần sau đó mới đến lượt mua của họ. Thu ngân sẽ tự động từ chối bất cứ ai nếu họ đến mua hàng sai ngày.
Trách nhiệm của chính phủ
Khi lạm phát tăng cao, người ta có nhiều động cơ để xếp hàng mua thực phẩm ở mức giá quy định, sau đó bán lại ở chợ đen, nơi một bao bột mỳ được bán với giá cao gấp 100 lần.
Chính phủ cam kết sẽ loại bỏ các hoạt động trên, nhưng đến nay vẫn chưa làm được điều đó.
Trong vòng nhiều năm, quốc gia giàu trữ lượng dầu hỏa này đã nâng lượng nhập khẩu thực phẩm trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm căn bản.
Tuy nhiên giới phê bình nói việc kiểm soát giá cả và những chương trình quốc hữu hóa của cố Tổng thống Hugo Chavez đã góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại.
Đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, người lên nắm quyền sau chiến thắng sát sao hồi ba năm trước, sau khi Chavez qua đời, đang phải đối mặt với giá dầu thấp làm giảm thu nhập ngoại tệ của quốc gia đến hai phần ba.
Chương trình CLAP
Bước đi mới nhất của ông nhằm khắc phục thiếu hụt thực phẩm là thành lập ra Ủy ban Địa phương Chuyên Cung cấp và Sản xuất, có tên gọi tắt theo tiếng Tây Ban Nha là CLAP.
Chương trình CLAP về bản chất có nghĩa là chính phủ sẽ không cung cấp thực phẩm nhập khẩu cho siêu thị nữa, mà sẽ bắt đầu giao lại cho hội đồng cộng đồng địa phương.
Những cơ quan này sẽ đăng ký người dân ở cộng đồng của họ, chỉ định ngày mua sắm trong tuần, và bán cho họ những túi nylon đựng những nhu yếu phẩm căn bản như bột mỳ, mỳ ống và xà phòng, ở mức gia cố định.
Bạn không thể chọn mua mặt hàng khác, mà chỉ có được những thứ có trong túi nylon đó mà thôi.
“Tuy nhiên, những túi đồ này chỉ được cung cấp một lần một tháng!”, một bà mẹ trẻ, Liliana, nói ở hàng rào chắn đường của những người không có gì ăn ngoài những trái xoài trồng được.
Người phụ nữ này nói cô luôn khóc mỗi khi đi ngủ bởi bản thân không thể cung cấp bữa tối cho đứa hai người con mình.
Colectivo – Đội tự quản
Ở miền Tây Venezuela, tại một tỉnh có trữ lượng dầu lớn là Zulia, tôi đến thăm một vài thị trấn nơi người ta không biết sẽ ăn gì vào ngày mai.
“Nơi đây là tỉnh nghèo, điều đó là sự thật, tuy nhiên chúng tôi chưa từng rơi vào tình trạng thiếu đói bao giờ,” Zulay Florido, ngoài 50 tuổi, người đứng đầu cộng đồng, nói.
“Kể từ khi (Tổng thống) Maduro lên nắm quyền, chúng tôi lâm vào tình thế vô cùng tồi tệ.”
Từ khi (Tổng thống) Maduro lên cầm quyền, chúng tôi rơi vào tình trạng thiếu đói.Zulay Florido, người đứng đầu một thị trấn thuộc tỉnh Zulia
“Thời Chavez, điều này không xảy ra”.
Ở Zulia, thực phẩm đã được trao vào tay hội đồng cư dần thay vì bày bán trong siêu thị.
Mục tiêu cuối cùng của chương trình CLAP là thiết lập những cộng đồng tự quản, nơi người dân có thể nuôi trồng được lương thực thực phẩm.
Một thành viên của đội tự quản (‘colectivo’), Alejandro Armao đưa tôi đến một trong những nơi như thế.
Những người này thuộc nhóm ủng hộ trung thành tuyệt đối với chính phủ, thường trang bị vũ trang, và thỉnh thoảng bị cáo buộc gây ra những hoạt động vũ lực chống lại các nhà hoạt động bất đồng chính quyền.
Armao giới thiệu tôi với một với thành viên của colectivo tại một khu ổ chuột có tên Catia. Họ dường như được trang bị vũ khí, và mang theo điện đài xách tay.
Sau khi đe dọa đuổi tôi ra khỏi khu vực, cuối cùng họ đồng ý chỉ cho tôi thấy mục tiêu CLAP đang mong muốn đạt được.
Tôi được đưa đến một cánh đồng cằn cỗi – “mà chúng tôi đặt mục tiêu là trồng trọt được trong vòng tám tháng nữa” – và một vài cây ớt đang ươm.
Nói một cách nhẹ nhàng nhất thì đây là một điều rất đáng thất vọng.
Tôi nghĩ về mẹ tôi, và băn khoăn liệu đây có phải là giải pháp cho những người như bà, hiện đang cố găng có đủ ba bữa ăn một ngày.
Mẹ tôi, một người trung thành ủng hộ chính phủ, thành tâm tin vào điều đó.
“Sẽ mất một thời gian nhưng điều đó sẽ thành hiện thực,” bà nói.
Nhưng tôi không khỏi băn khoăn liệu những người Venezuela khác có đủ kiên nhẫn như vậy hay không.

IOC sẽ quyết định về vận động viên Nga

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết ba lãnh đạo của tổ chức này sẽ có tiếng nói cuối cùng về các vận động viên Nga có thể tham gia Olympic Rio hay không.
Tuần trước, IOC cho biết cơ quan quản lý phải quyết định về việc vận động viên Nga có trong sạch hay không trong bối cảnh có cáo giác là nhà nước hậu thuẫn cho việc dùng doping trong thi đấu.
Nhưng bây giờ tổ chức này nói rằng một nhóm lãnh đạo mới được triệu tập “sẽ quyết định chấp nhận hoặc khước từ đề xuất cuối cùng”.
Hơn 250 vận động viên Nga đến nay được cho là sẵn sàng thi đấu.
Những lãnh đạo quyết định vụ này gồm Ugur Erdener, chủ tịch liên đoàn Bắn cung thế giới và ủy ban y tế – khoa học IOC, Claudia Bokel, đại diện ủy ban vận động viên IOC, và thành viên IOC Tây Ban Nha Juan Antonio Samaranch Jr.
Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (Wada) đề xuất cấm tất cả các vận động viên Nga sau khi có báo cáo độc lập cho thấy bằng chứng về một ‘chương trình doping’ bốn năm được nhà nước bảo trợ.
Vladimir Morozov và Nikita Lobintsev là những vận động viên Nga đầu tiên kháng cáo lệnh cấm thi đấu đến Tòa Trọng tài Thể thao (Cas).
Thế vận hội bắt đầu ở Rio từ hôm 5/8.

Ba Lan: Gần 3 triệu người

dự lễ bế mạc Ngày Thanh Niên Công Giáo Thế Giới

Vào hôm nay, 31/07/2016, đức giáo hoàng Phanxicô đã chủ trì thánh lễ bế mạc Ngày Thanh Niên Công Giáo Thế Giới – JMJ – diễn ra tại Brzegi, gần thành phố Krakov (Ba Lan). Điểm đáng ghi nhận là đã có hàng triệu người đến dự thánh lễ, từ 2,5 đến 3 triệu người theo ban tổ chức, 2,5 triệu theo chính quyền Ba Lan.
Trong bài giảng hôm nay, trước đám đông khổng lồ chủ yếu là thanh niên, đức giáo hoàng đã không ngần ngại dùng từ ngữ tin học, internet, để kêu gọi giới trẻ trên toàn thế giới là hãy đọc kinh như hình thức chat và dùng kinh thánh như phương tiện truy cập.
Trong buổi canh thức tối hôm qua, tập hợp hàng trăm ngàn thanh niên, đức giáo hoàng đã dùng ngôn ngữ bóng đá để kêu gọi giới trẻ làm chủ cuộc sống của mình, kêu gọi thế giới từ bỏ bạo lực và chiến tranh.
Thông tín viên RFI Antoine-Marie Izoard tường thuật :
« Đám đông trải dài vô tận. Gần Krakov, vào lúc mặt trời lặn, thanh niên cả thế giới đã tham gia đêm canh thức mà đức giáo hoàng 79 tuổi chủ trì. Sau lời chứng của một cựu nữ phóng viên thời trang Ba Lan, của một nữ cư dân Syria kể lại các nỗi đau khổ ở Aleppo, và một người nghiện ma túy tại Paraguay đã từng bị tù tội, đức giáo hoàng đã kêu gọi thanh niên làm thế nào để nỗi đau khổ của người khác phải được biết đến.
Trước các vụ tấn công khủng bố ngài kêu gọi thanh niên không nên tìm cách thắng hận thù bằng nhiều hận thù hơn nữa, hay thắng sự kinh hoàng bằng nhiều kinh hoàng hơn nữa. Ngài kêu gọi thanh niên đi theo Đức Chúa với lòng can đảm, không để nỗi sợ hãi hay sự tê liệt thống trị, mà phải để lại dấu ấn trong lịch sử, phải là người hành động của lịch sử.
Giáo hoàng nói tiếp là để đi theo Chúa, phải có một liều lượng can đảm, phải quyết định rời ghế salon để mang giầy đi bộ vào… thậm chí là giầy đinh đá bóng. Theo ngài, thế giới ngày nay chỉ chấp nhận cầu thủ chính trên sân và không có chỗ cho những người dự bị.»

Pháp: Hàng ngàn tín đồ Hồi Giáo và Công Giáo cùng cầu nguyện

Năm ngày sau vụ cha xứ ở Saint-Etienne -du- Rouvray bị sát hại, sáng nay 31/07/2016 gần 2.000 tín đồ Công Giáo và khoảng một trăm người Hồi Giáo cùng dự thánh lễ tại Nhà thờ lớn ở thành phố Rouen, tưởng niệm cha xứ Hamel bị cắt cổ hôm 26/08/2016 trong lúc đang làm lễ.
Ở bên trong thánh đường, một hiệp hội của cộng đồng Hồi Giáo giương cao biểu ngữ “Tình yêu cho mọi người, không có chỗ cho hận thù”.
Tại nhà thờ Saint-Etienne -du- Rouvray, nơi cha xứ Jacques Hamel bị hai kẻ khủng bố sát hại, dưới chân bức chân dung của người quá cố, là hàng trăm những bó hoa được công chúng đến viếng để lại
Con chiên của nhà thờ và những vị khách đạo Hồi đủ mọi lớp tuổi cùng chăm chú lắng nghe bài giảng đạo kêu gọi tình liên đới giữa hai tôn giáo.
Ở miền nam nước Pháp, tại thành phố Bordeaux, 400 người cũng đã tập hợp tại nhà thờ Notre Dame để cùng cầu nguyện và nói lên “thái độ kinh tởm đối với những hành vi khủng bố mù quáng và tàn khốc” nhắm vào những con người vô tội.
Cả người Hồi Giáo và Công Giáo đều coi những buổi cầu nguyện chung này là cột mốc quan trọng, là biểu tượng của sự chung sống giữa các cộng đồng tôn giáo trên đất Pháp.
Về công cuộc điều tra, cho tới sáng nay hai nghi phạm bị cho là có liên quan đến vụ tấn công nhắm vào nhà thờ ở Saint-Etienne -du- Rouvray vẫn còn bị bắt giữ, một người vừa chính thức bị khởi tố hôm 29/07/2016.

Đức : Munich tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát

Munich tổ chức vào hôm nay 31/07/2016, lễ tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát xẩy ra cách nay 10 ngày : Một thanh niên gốc Iran đã giết chết 9 người trong một trung tâm thương mại trước khi tự sát. Sự cố này xẩy ra trong lúc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng tự nhận là thủ phạm hai vụ tấn công khác đều ở bang Bayern.
Động thái của Daech và các vụ tấn công đã tăng áp lực trên thủ tướng Angela Merkel và chính sách tiếp đón người tị nạn của chính phủ Đức. Nhiều đồng minh của thủ tướng Đức ở Bayern không ngần ngại lên tiếng chỉ trích trở lại.
Thông tín viên RFI tại Berlin Pascal Thibault tường thuật :
Ngay cả khi có tất cả thiện chí trên đời này, tôi cũng không thể chấp nhận công thức đó. Tình hình có quá nhiều vấn đề và giải pháp cho đến giờ đều không thỏa đáng chút nào ». Từ một năm nay, Horst Seehofer, lãnh đạo đảng Xã Hội Thiên Chúa Giáo CSU tại vùng Bayern – đồng minh của đảng CDU của bà Merkel, đã bác bỏ câu thần chú của thủ tướng Đức « wir schaffen das » (Chúng ta sẽ làm được).
Đảng CSU đã không hài lòng với việc mở rộng cửa đón người tị nạn vào Đức mùa hè vừa qua. Giới bảo thủ ở Bayern yêu cầu kiểm tra chặt chẽ hơn ở biên giới và đặt hạn mức cao cho việc đón người nhập cư. Việc bà Merkel, hôm thứ Năm vừa qua, đã lập lại khẩu hiệu thường nói trên và từ chối thay đổi đường lối, đã bị người ở Bayern xem như một sự khiêu khích.
Nếu ông Horst Seehofer lên tiếng một cách chừng mực, thì cấp dưới của ông nói một cách thẳng thừng hơn : bộ trưởng Tài Chính bang Bayern đã trách cứ một cách gián tiếp bà Merkel là có đường lối « ngây thơ », cho là bà đã phạm « một sai lầm lịch sử với việc mở cửa biên giới một cách không kiểm soát ».
Bà Angela Merkel đến Munich dự lễ tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công ngày 22/07, nhưng không dự kiến gặp gỡ trực tiếp ông Seehofer.

Đức: Biểu tình ủng hộ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng chục ngàn người ủng hộ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan tại Köln, miền tây nước Đức. Căng thẳng trong cộng đồng người Thổ sinh sống tại Đức gia tăng hai tuần sau vụ đảo chính bất thành. Quan hệ giữa Ankara và Berlin xấu đi rõ rệt.
Vào lúc 3 giờ chiều nay, hàng chục ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức đã tập hợp trên đường phố Köln. Cảnh sát Đức chờ đợi có tới 30.000 người tham gia, và đã huy động đến 2.700 nhân viên để bảo đảm trật tự.
Song song với cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống Erdogan cũng có hàng loạt các cuộc tuần hành khác phản đối chính sách thanh trừng đối lập của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức là nơi có cộng đồng Thổ đông nhất trên thế giới, với hơn một triệu rưỡi người sinh sống, và nếu tính luôn cả thành phần các công dân Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, thì con số này tăng lên tới 3 triệu.
Trong tuần, Ankara đổ thêm dầu vào lửa khi yêu cầu Berlin dẫn độ những phần tử trung thành với giáo sĩ Fethullah Gülen. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo nhân vật này giật dây vụ đảo chính hụt hôm 15/07/2016.
Quan hệ giữa Đức và Thổ đã xấu đi đáng kể sau khi Hạ Viện Đức hồi tháng 6/2016, bỏ phiếu thông qua một nghị quyết coi vụ thảm sát năm 1915 dưới thời Đế chế Ottoman nhắm vào Armenia là một vụ ‘‘diệt chủng“.
Để trả đũa, Ankara cấm các dân biểu Đức đến thăm quân nhân đang đóng tại căn cứ quân sự Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ sự tham gia của Đức vào liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Brazil :

Xử vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff vào đầu tháng Chín

Số phận chính trị của tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ được quyết định vào đầu tháng 09/2016. Năm ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, Tối Cao Pháp Viện Brazil thông báo, phiên tòa về vụ truất phế tổng thống Dilma Rousseff sẽ mở ra từ ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.
Từ ngày 12/05/2016, bà Rousseff đã bị tạm thời đình chỉ chức vụ vì bị cáo buộc nguy tạo sổ sách để đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2014.
Nếu vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, 2/3 Thượng nghị sĩ Brazil bỏ phiếu truất phế bà Dilma Rousseff thì quyền tổng thống Michel Temer đương nhiên nắm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ, vào tháng 12/2018.
Bản thân bà Rousseff tố cáo phe đối lập Brazil muốn tiến hành “một cuộc đảo chính” khi tìm cách loại bà khỏi chức vụ tổng thống, cho dù bà đã được đa số bầu lên.
Về phần mình, quyền tổng thống Temer cho rằng số phận của bà Rousseff chỉ được định đoạt vào đầu tháng 9 là quá trễ, bởi vì “ai sẽ đại diện cho Brazil đến Trung Quốc dự thượng đỉnh G20 mở ra từ 04 đến 06/2016” ?
Trước mắt, theo phân tích của thông tín viên đài RFI từ Rio de Janeiro, François Cardona, khủng hoảng chính trị Brazil vẫn chưa tới hồi kết :
Thượng viện sẽ có trọng trách đưa ra phán quyết về việc có truất phế bà Dilma Rousseff hay không. Phiên tòa sẽ mở ra vào thời điểm Thế Vận Hội vừa kết thúc và Olympic dành cho những người khuyết tật vừa mở màn.
Tối Cao Pháp viện Brazil vừa thông báo là phiên xử sẽ mở ra vào ngày 29/08/2016 và kéo dài trong một tuần lễ.
Nếu như bà Dilma Rousseff bị truất phế thì tổng thống lâm thời ông Michel Temer sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến cuối nhiệm kỳ. Còn trong trường hợp phán quyết của tòa có lợi cho bà Rousseff thì bà sẽ trở lại cầm quyền như trước đây.
Trong bối cảnh bấp bênh như vậy, bà Dilma Rousseff từ chối dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio. Ông Temer, vừa là kình địch, mà cũng từng là đồng minh chính trị của bà Dilma Rousseff sẽ được vinh dự tuyên bố khai mạc Olympic Rio 2016.
Dẫu sao khủng hoảng chính trị đã kéo dài từ nhiều tháng qua đang ngày càng thêm nghiêm trọng. Cựu tổng thống Lula da Silva, điểm tựa của bà Rousseff vừa bị truy tố vì tội gây cản trở điều tra của tư pháp, tìm cách mua chuộc một nhân chứng quan trọng trong vụ tai tiếng hối lộ có liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras.
Nhiều cuộc xuống đường dự trù nổ ra trong những ngày trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Rio, phản đối Brazil tổ chức sự kiện thể thao này, trong lúc kinh tế nước nhà bị khủng hoảng nghiêm trọng. Công luận chỉ trích chính quyền bắt người dân hy sinh quá nhiều để tổ chức một sự kiện quá tốn kém.

Trung Quốc bắt giữ một người Nhật “đe dọa an ninh quốc gia”

Thêm một cái gai trong quan hệ Nhật Trung. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ấn bản ngày 30/07/2016 trích dẫn nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã thông báo với Tokyo về việc bắt giữ một công dân Nhật. Không có thông tin về địa điểm và điều kiện người này bị giam giữ.
Theo hãng tin Pháp AFP cụm từ “đe dọa an ninh quốc gia” được Bắc Kinh sử dụng để ám chỉ các hành vi gián điệp. Những cáo buộc đó gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Giữa tháng 07/2016, báo chí Tokyo tiết lộ vụ một công dân Nhật bị mất tích trong lúc công tác tại Bắc Kinh. Tờ báo tài chính Nikkei thậm chí còn cho biết đương sự là người đứng đầu một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện quan hệ Nhật –Trung. Theo hãng tin Kyodo, sau chuyến công tác 4 ngày ở thủ đô Trung Quốc, người này không trở về nhà, không trả lời điện thoại di động. Phát ngôn viên của phủ thủ tướng Nhật bác bỏ mọi tin đồn cho rằng, chính quyền Tokyo có liên quan đến những hoạt động tình báo “chống lại một quốc gia”.
AFP nhắc lại, trước đây Trung Quốc đã bắt giữ 4 công dân Nhật Bản với lý do họ bị nghi ngờ là nhân viên tình báo của Tokyo.
Các vụ bắt giữ nói trên diễn ra trong bối cảnh từ một năm nay, Nhật Bản và Trung Quốc cố gắng cải thiện quan hệ, vượt lên trên những bất đồng lớn như quá khứ lịch sử từ thời Đệ nhị Thế chiến, và tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Hải Quân Mỹ-Hàn

tăng cường khả năng đối phó với Bắc Triều Tiên

Theo một nguồn tin quân sự từ Seoul, ngày 31/07/2016 tư lệnh Hải Quân Hàn Quốc công du Hoa Kỳ, đẩy mạnh hợp tác trong việc đối phó với Bắc Triều Tiên.
Đô đốc Jung Ho Sub bắt đầu một tuần lễ công tác tại Hoa Kỳ kể từ ngày hôm nay 31/07/2016. Theo lịch trình nghị sự, tư lệnh Hải Quân Hàn Quốc có nhiều buổi làm việc với các lãnh đạo cao cấp nhất của Hải Quân Mỹ, như bộ trưởng Hải Quân, ông Ray Mabus, tư lệnh Hải Quân Mỹ đô đốc John Richardson, cũng như tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Scott Swift.
Một nguồn tin quân sự được hãng tin Hàn Quốc Yonhap trích dẫn, nhấn mạnh, trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này, đô đốc Hung Ho Sub sẽ bàn thảo với các đối tác Mỹ “về việc tăng cường khả năng đáp trả của Hải Quân Mỹ-Hàn trong trường hợp Bắc Triều Tiên khiêu khích Hàn Quốc
Đây là lần đầu tiên đô đốc Jung đến Mỹ kể từ khi ông nhậm chức lãnh đạo Hải Quân Hàn Quốc hồi tháng 02/2015. Lần cuối, người tiền nhiệm của ông, đô đốc Hwang Ki Chul, viếng thăm Hoa Kỳ là vào năm 2014.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?