Đọc báo Pháp – 28/07/2016
Thái Lan : Lo ngại quân đội nắm quyền lâu dài
Ngày 07/08/0016 tập đoàn quân sự Thái tổ chức trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới. Đối lập Thái Lan coi đây là một bản Hiến pháp « phản dân chủ ». Thông tín viên báo Le Monde tại Bangkok nhắc lại bối cảnh quyền lực trong tay quân đội từ hai năm nay.
Phải làm gì để thoát khỏi khủng bố ? Đó là câu hỏi tất cả các báo Pháp đều tìm cách trả lời sau vụ cha xứ nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray bị sát hại trong lúc đang làm thánh lễ. Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một phụ nữ ra tranh cử tổng thống, đảng Dân Chủ chính thức chỉ định bà Hillary Clinton đại điện cho đảng này trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Nhưng trước hết xin được được điểm qua bài báo trên Le Monde với chủ đề : Tại sao đối lập Thái Lan lo ngại về bản Hiến pháp mới sắp được đem ra tham khảo ý kiến người dân.
Đối lập Thái Lan cho là, trong trường hợp bản Hiến pháp mới được thông qua, quân đội sẽ tiếp tục nắm trọn quyền lực trong tay, hay ít ra là vẫn sẽ còn kiểm soát gần hết các hoạt động chính trị tại vương quốc này. Theo giải thích của chủ tịch Phong trào Dân chủ Mới NDM, Rangsiman Rome, nếu quân đội Thái còn cầm quyền, thì viễn cảnh bầu cử tự do thêm xa vời.
Với bản Hiến pháp mới, tập đoàn quân sự Thái hoàn toàn có thể chỉ định một vị thủ tướng không do cử tri bầu lên. Cũng quân đội sẽ có quyền chỉ định tất cả các thượng nghị sĩ. Le Monde nhắc lại : cho đến cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014, một nửa Thượng viện vẫn là do dân bầu ra theo quy chế phổ thông đầu phiếu.
Hiến pháp mới, quả bom nổ chậm ?
Nhưng nếu trong trường hợp đa số dân Thái Lan bác bỏ Hiến pháp mới do tập đoàn quân sự đề xuất thì sao ? Một số các chuyên gia luật chủ trương, tập đoàn quân sự phải rút lui. Hơn nữa, bản Hiến pháp do quân đội và Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự soạn thảo là «một quả bom nổ chậm » dễ dẫn tới những loạt bạo động trong tương lai. Tác giả bài báo giải thích, xã hội Thái Lan vẫn còn rất chia rẽ giữa một bên là phe « Áo Đỏ » và bên kia là phe « Áo Vàng ».
Phần lớn phe « Áo Đỏ » là dân ở nông thôn, ủng hộ thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra và em gái ông là cựu thủ tướng Yingluck, cũng bị gạt ra khỏi chính quyền sau vụ đảo chính 2014.
Còn ở phía bên kia, phe « Áo Vàng » chủ yếu là giới trí thức, sống ở thành phố và gián tiếp được cả hoàng cung lẫn bên quân đội hậu thuẫn.
Úc chấn động vì nạn trẻ em bị ngược đãi trong tù
Cũng Le Monde chú ý đến tai tiếng đang gây chấn động trong công luận Úc, sau khi đài truyền hình ABC công bố hình ảnh trẻ em bị ngược đãi trong tù. Điều gây sốc nhất, là những hình ảnh đó không « đến từ những nhà tù ở Guantanamo, hay Abou Ghraib mà đấy lại là cảnh tù nhân Úc phải hứng chịu ngay trong những nhà tù trên đất Úc ».
Biểu tượng của hành vi đó là Dylan Voller, 17 tuổi. Trong hình Dylan bị bịt mặt, nửa thân trần, bị cột chặt vào một chiếc ghế, ngồi chơi vơi trong một căn phòng ở nhà tù Darwin, trong nhiều giờ đồng hồ. Tháng 8/2014 cùng với năm tội phạm vị thành niên khác, Dylan bị xịt hơi cay. Khi đó nhân viên cai ngục khẳng định rằng đây là hình phạt dành cho một tù nhân có âm mưu vượt ngục.
Với phóng sự điều tra của đài truyền hình Úc vừa qua, bộ trưởng Tư Pháp Lãnh thổ Phương Bắc Northern Territory bị bãi chức.
Những kẻ « nô lệ » của chế độ Bắc Triều Tiên
La Croix trong phần tin quốc tế đề cập đến số phận « hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên lao động khổ sai » được Bình Nhưỡng gửi sang châu Âu.
Tác giả bài báo Malo Tresca trở lại với báo cáo được tổ chức bảo vệ nhân quyền EAHRNK công bố ngày 06/07/2016, theo đó chế độ Kim Jong Un đã cho đưa « hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn công nhân sang châu Âu làm việc, chủ yếu là đến Ba Lan ». Nhà nước Bắc Triều Tiên tịch thu từ 70 đến 90 % lương tháng của những người này và thường xuyên đe dọa hành quyết hay tống giam gia đình họ còn sống trong vòng kiểm soát của chế độ ở quê nhà nếu những người đi xuất khẩu lao động không « nộp tiền » đầy đủ cho Nhà nước.
Cuối tháng 8/2014 một tai nạn chết người tại xưởng đóng tàu Gdynia, Ba Lan đưa ra ánh sáng hoàn cảnh của gần « 50.000 người lao động » Bắc Triều Tiên được Bình Nhưỡng gửi ra nước ngoài làm việc. Chủ yếu là sang Trung Quốc, Nga và cả châu Âu hay Qatar.
Lương tháng thì bị chính quyền « quản lý », họ phải làm việc trung bình từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày trong tuần. Thêm vào đó thành phần « xuất khẩu lao động » này còn bị theo dõi chặt chẽ, thường xuyên được « công tác tư tưởng ».
La Croix trích lời một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc đại học Leiden, Hà Lan, « Bắc Triều Tiên là cơ quan tuyển dụng nhân viên bất hợp pháp quy mô lớn nhất thế giới ». Theo tác giả bài báo, tại một đất nước đang bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, xuất khẩu lao động cho phép đem về hàng năm từ 1,2 đến 2,3 tỷ đô la cho chế độ Bình Nhưỡng và 15 triệu đô la trong khoản tiền khổng lồ đó có được nhờ công nhân Bắc Triều Tiên đổ mồ hôi trên các công trường Ba Lan, từ ngành xây dựng đến đóng tàu hay nông nghiệp.
Hillary Clinton, nữ tổng thống Mỹ đầu tiên ?
Nhìn sang Hoa Kỳ, báo Paris không thể bỏ qua sự kiện lần đầu tiên một phụ nữ chính thức ra tranh cử tổng thống. Les Echos nói tới bài diễn văn « quan trọng nhất » trong sự nghiệp của Hillary Clinton, hôm nay, khi bà phát biểu tại Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia và chấp nhận đại diện cho đảng này ra tranh cử.
Đặc phái viên của tờ báo phác họa ra những thách thức cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ phải vượt qua : Một là thuyết phục thành phần cử tri còn lưỡng lự chưa biết chọn ai. Hai là chinh phục cảm tình chủ yếu là của giới trẻ từng ủng hộ thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sanders.
Ba là ứng cử viên Hillary Clinton phải phác họa được tương lai của nước Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm sắp tới, và vì sao cử tri Mỹ cần bỏ phiếu cho bà thay vì ủng hộ nhà tỷ phú Donald Trump của bên đảng Cộng Hòa.
Sau cùng, trong chương trình tranh cử, vế kinh tế phải chiếm một vị trí hàng đầu.
Le Figaro nhấn mạnh : « Barack Obama, Hillary Clinton cùng một mục đích», đó là ngăn cản Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Tờ báo nhắc lại năm 2008 trong cuộc vận động tranh cử sơ bộ, ứng cử viên Barack Obama và Hillary Clinton từng «không đội trời chung». Nhưng tại Philadelphia hôm 27/07/2016, cũng ông Obama đã hết lời ca tụng bà Clinton. Đơn giản là vì vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ không muốn trông thấy ông vua địa ốc Donald Trump phá vỡ di sản của mình sau 8 năm cầm quyền.
Trả lời Le Monde, giáo sư triết học Nancy Fraser, từ New York, nhìn nhận nếu như bà Clinton đắc cử tổng thống, thì đây sẽ là một biểu tượng mạnh, tương tự như việc nước Mỹ cách nay 8 năm đã bỏ phiếu cho một vị tổng thống da đen. Nhưng «chỉ là biểu tượng thôi chưa đủ» bởi vì theo giáo sư Fraser, trước đây, Margaret Thatcher, và hiện tại Angela Merkel là những người đàn bà đầy quyền lực, nhưng điều đó không là bảo đảm đem lại công bằng hơn cho xã hội.
Với Hoa Kỳ, ông Obama bước vào Nhà Trắng cũng là một biểu tượng rất cao. Ông từng hứa hẹn thực sự làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, giáo sư Fraser nhận thấy là Barack Obama đã không thực hiện được lời hứa và một phần công luận đã « thất vọng» sau 8 năm dưới chính quyền Obama.
Pháp phải làm gì để thoát khỏi khủng bố ?
Trở lại với thời sự nước pháp, dư âm vụ cha xứ Saint-Etienne-du-Rouvray bị kẻ khủng bố sát hại vẫn là đề tài chiếm rất nhiều trang các nhật báo Paris.
Tờ báo bình dân Le Parisien nhấn mạnh : «Nỗi xúc động và hàng loạt những nghi vấn sau tai họa».
Báo cộng sản L’Humanité nêu lên câu hỏi «Làm thế nào thoát khỏi khủng bố ?» Nhật báo công giáo La Croix chạy tựa lớn «Phải làm gì tiếp, khi cánh hữu đòi tăng cường các công cụ pháp lý để phòng ngừa những vụ tấn công ?”
Le Figaro thiên hữu cho rằng chính phủ cần «tăng cường” công cụ pháp lý (…) cải tổ sâu rộng luật hình sự để đối mặt với thách thức khủng bố». Tờ báo đề nghị những biện pháp cụ thể như là bắt giam những người từ Syria trở về, bỏ tù những ai giao lưu trên các trang mạng của quân thánh chiến Hồi giáo.
Libération thiên tả đưa ra quan điểm ngược lại với báo Le Figaro khi cho rằng, sửa đổi luật hình sự không đem lại ích lợi gì mà đó chỉ là một giải pháp dễ dãi, để mị dân, gây thêm chia rẽ trong xã hội giữa các cộng đồng, các tôn giáo.
Tờ báo này cho rằng, các chính trị gia bên cánh hữu tỏ rõ lập trường cứng rắn chẳng qua chỉ nhằm thu hút lá phiếu của cử tri vào năm tới, khi nước Pháp bầu lại tổng thống.
Trả lời báo Le Parisien, giáo sư luật đại học Sorbonne, Roseline Lettron, quan niệm nước Pháp không cần sửa đổi luật hình sự, vì công cụ pháp lý này khá đầy đủ, từ luật chống khủng bố đến luật về tình trạng khẩn cấp, nhưng nước Pháp cần thi hành một cách nghiêm chỉnh những bộ luật đó.
L’Humanité thì cho rằng, trong hoàn cảnh rối ren hiện nay, mọi người cần bình tĩnh. «Mỗi vụ tấn công đều nhắm vào những cột trụ của nền Cộng hòa, của mô hình xã hội nơi các cộng đồng cùng có thể chung sống một cách êm thắm. Những đợt tấn công khủng bố bắt buộc chúng ta phải xét lại chính sách ngoại giao để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, phải tìm ra lối thoát cho khu vực Trung Đông, (…) và cũng phải xét lại chính sách hội nhập của Pháp. Đó mới chính là những gì nước Pháp cần được thảo luận cấp bách».
Vĩnh biệt robot Philae
Trong lĩnh vực khoa học, quý vị còn nhớ tháng 11/2014 Cơ quan Vũ trụ châu Âu thông báo phi thuyền thăm dò không gian Rosetta thả robot Philae xuống sao chổi Tchouri, cách Trái đất đến 500 triệu km. Sự kiện lịch sử trong công cuộc chinh phục vũ trụ của loài người này hứa hẹn đem lại những giải đáp về nguồn gốc sự sống.
Thế nhưng 11 giờ đêm ngày 27/06/2016, cũng Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã không khỏi xúc động vĩnh biệt Philae khi cắt công-tắc điện. Libération nói đến « Giọt nước mắt cho Philae ».
Sau 20 tháng hoạt động, Philae không còn có thể liên lạc với phi thuyền Rosetta, qua đó cung cấp thông tin về sao chổi Tchouri cho Trái đất.
Thực ra từ tháng 7/2015, Philae đã im hơi lặng tiếng. Nhưng chiến dịch thám hiểm không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu thành công ở chỗ, nhờ có Philae mà các nhà khoa học biết được thông tin về khí và bụi trên sao chổi Tchouri, phát hiện được 16 thành phần hữu cơ của Tchouri, một vì sao đang dạo chơi cách Mặt trời hơn 520 triệu cây số.
Nhận xét
Đăng nhận xét