Những ngả đường vào Mỹ
Gửi cho BBC từ San Jose, California
Trong những ngày qua dư luận trong nước xôn xao việc ông Trương Đình Anh, nguyên Tổng Giám đốc tập đoàn viễn thông FPT, đưa cả gia đình sang Mỹ định cư.
Trước đó không lâu dư luận cũng bàn tán về việc một đại biểu quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường bị truất quyền đại biểu vì mang song tịch Việt Nam và Cộng hòa Malta, một đảo quốc nhỏ ở Địa Trung Hải gần bên nước Ý.
Theo luật Malta, một người nước ngoài chỉ cần bỏ nửa triệu đôla vào đầu tư, không bắt buộc phải sinh sống ở đó cũng có thể được nhập tịch. Điều này khơi lên nghi vấn là có bao nhiêu người Việt khác có chức quyền và những triệu phú đã có quốc tịch Malta như bà Hường, hoặc đang là thường trú nhân, hay đã mang hộ chiếu một nước khác.
Báo chí trong nước đưa tin ông Trương Đình Anh rời Việt Nam hôm 23/7 nhưng không cho biết ông và gia đình gồm vợ và bốn người con dưới 21 tuổi được vào Mỹ định cư theo diện nào.
Theo ông Lương Duy Phương từ Công ty Pháp lý DP Legal Solutions có văn phòng dịch vụ ở vùng Vịnh San Francisco thì có khả năng cao là ông Anh đến Mỹ định cư theo diện bỏ vốn đầu tư.
Ông Phương nói: “Hiện nay ở Mỹ có những vùng sâu xa cần đầu tư, nếu một người nước ngoài có thể bỏ ra 500 nghìn hay một triệu đôla đầu tư vào một cơ sở thương mại hay những dự án có sẵn và có thể thuê 10 công nhân làm việc chính thức toàn thời gian thì nhà đầu tư và cả gia đình sẽ được chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh.”
Với kinh nghiệm dịch vụ về pháp lý và di dân lâu năm, ông Phương cho biết những địa phương nào người nước ngoài có thể đầu tư để được thẻ xanh thì do sở di trú Mỹ quyết định. Ngay ở California cũng có những vùng xâu xa, khu vực gần sa mạc nếu người nước ngoài bỏ tiền vào đầu tư sẽ được thẻ xanh, theo lời ông Phương.
“Với một người như ông Trương Đình Anh thì không chỉ cần 1 triệu đôla mà ngay cả 10 triệu đôla để đầu tư vào Mỹ thì điều đó không khó,” ông Phương đưa ra nhận xét như thế về trường hợp ông Trương Đình Anh và gia đình.
Như thế, cứ theo đúng tiến trình thì từ việc có thẻ xanh đến việc nhập tịch Mỹ, nếu muốn, chỉ còn là vấn đề thời gian đối với ông Anh.
Những ngả đường vào Mỹ
Với hàng triệu người Việt đã đến Mỹ định cư từ năm 1975, để trở thành công dân Mỹ đã qua các giai đoạn sau: người vượt biên, vượt biển được nhận cho định cư qua qui chế tị nạn với giấy I-94, một năm sau có thẻ xanh và 5 năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ thì có thể xin nhập tịch.
Bình thường một di dân đến Mỹ khi còn trẻ, có khả năng học hiểu tiếng Anh và hiểu biết cơ bản về tổ chức công quyền, quyền lợi công dân và không phạm luật thì chừng sáu bảy năm là có thể trở thành công dân Mỹ dễ dàng.
Những người lớn tuổi với khả năng tiếng Anh giới hạn, nếu trên 65 tuổi và ở Mỹ hơn 15 năm có thể xin thi nhập tịch bằng tiếng Việt.
Khi làn sóng thuyền nhân vượt biển chấm dứt, đến lớp người được Hoa Kỳ nhận cho định cư theo diện HO, con lai hay ROVR, là diện hồi hương từ các trại tị nạn, vào thập niên 1990 và hầu hết cũng được hưởng qui chế tị nạn với thẻ I-94.
Ngày nay vẫn còn nhiều người Việt đến Mỹ định cư, đa số theo diện di dân đoàn tụ do người thân trong gia đình bảo lãnh và họ nhận được thẻ xanh trong một thời gian rất ngắn, chừng vài tuần, sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Nếu đến Mỹ theo diện hôn thê hôn phu hay vợ chồng, thời gian có thẻ xanh sẽ lâu hơn vì cơ quan di trú muốn có thời gian để xác minh những đám cưới không phải những cuộc kết hôn giả tạo.
Trong những năm qua, với quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển hơn thì người Việt vào Mỹ qua diện đầu tư hay nghề nghiệp cũng nhiều.
Diện di dân theo nghề nghiệp, cao cũng như thấp, một năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa, trong số đó khoảng 40 nghìn thuộc loại EB-3 dành cho những ngành nghề đòi hỏi có bằng cử nhân hay cao hơn từ đại học Mỹ như kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, bác sĩ, giáo viên các cấp và giới hạn không quá 7% số visa dành cho một quốc gia.
Nhiều sinh viên du học từ Việt Nam đã được định cư tại Mỹ sau khi hoàn tất học trình là qua diện này. Trung Quốc và Ấn Độ luôn sử dụng hết số visa được cấp vì quá đông dân.
Như thế con đường định cư và trở thành công dân Mỹ có nhiều cơ hội hơn cho người Việt, so với việc định cư ở các nước như Đức, Anh hay Pháp. Không những được định cư cho gia đình, sau đó còn có thể đem bố mẹ, anh chị em qua nữa.
Trong quá khứ đã có nhiều nghệ sĩ Việt di dân hợp pháp sang Mỹ như Thu Phương, Trần Thu Hà, Lam Trường, Bằng Kiều, Quang Dũng qua kết hôn với Việt kiều có quốc tịch Mỹ.
Chuyện ông Trương Đình Anh đưa cả gia đình sang Mỹ định cư tuần qua là sự kiện đầu tiên một người nổi tiếng trên thương trường bỏ nước ra đi được truyền thông công khai nhắc đến.
Cơ hội cho người Cộng sản?
Sự việc có nhiều người từ Việt Nam qua Hoa Kỳ định cư, trong đó có thể có những đảng viên Đảng Cộng sản, từ lâu nay đã gây chú ý trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt ở California với nhiều cơ sở thương mại do người trong nước mới qua làm chủ.
Điều này đã khiến một ứng cử viên gốc Việt ở San Jose quan tâm.
Kỹ sư Công Đỗ, ứng cử dân biểu tiểu bang California trong kỳ bầu sơ bộ vừa qua nhưng không thành công, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ thu hồi thẻ xanh của những người đã từng là đảng viên cộng sản và ông đã nêu vấn đề này với giới chức dân cử địa phương cũng như với sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
Một đảng viên Đảng Cộng sản có thể định cư tại Mỹ được không? Theo hồ sơ xin thẻ xanh mẫu, I-485, có câu hỏi số 6, nguyên văn như sau: “Have you EVER been a member of, or in any way affiliated with, the Communist Party or any other totalitarian party?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ với Đảng Cộng sản hay một đảng độc tài toàn trị nào khác?)
Câu hỏi tương tự cũng có trong đơn xin nhập tịch Hoa Kỳ, mẫu đơn N-400, và thêm quan hệ với tổ chức khủng bố: “Have you EVER been a member of, or in any way associated (either directly or indirectly) with: A. The Communist Party? B. Any other totalitarian party? C. A terrorist organization?” (Ông/Bà đã có bao giờ là thành viên, hay qua bất cứ hình thức nào có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) với: A. Đảng Cộng sản? B. Với bất cứ đảng độc tài toàn trị nào khác? C. Một tổ chức khủng bố?)
Vì lý do này mà trong thập niên 1980 nhiều bộ đội cộng sản Việt Nam vượt biên giới từ Cambodia qua Thái Lan và đến được các trại tị nạn thì không được Hoa Kỳ nhận cho định cư. Hầu hết họ đi Canada, Úc hay các nước Tây Âu.
Về việc thu hồi thẻ xanh, nếu đã cấp cho một đảng viên cộng sản, theo nhận định của ông Lương Duy Phương là điều khó thực hiện: “Đưa việc này vào vấn đề tranh cử thì được, nhưng để thực hiện thì rất khó vì sở di trú INS không đủ người để điều tra. Chỉ khi một người có những hành vi phạm luật khác, khi đó họ mới xét lại hồ sơ.”
Tôi biết một bà mẹ được con bảo lãnh qua Mỹ, khi khai hồ sơ đánh dấu YES cho câu hỏi về tư cách đảng viên Đảng Cộng sản vì bà thực sự là một đảng viên cấp chi bộ và đã nghỉ hưu. Nhân viên di trú bác hồ sơ và nói với bà hãy thôi tham gia sinh hoạt đảng rồi khiếu nại thì phía Mỹ sẽ tái cứu xét hồ sơ.
Hoa Kỳ là nước có chính sách đón tiếp di dân rất thoáng vì truyền thống lịch sử. Những ai có tài năng vượt trội, có nhiều tiền đều có cơ hội đến Mỹ để đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước này, dù theo nhiều bảng xếp hạng toàn cầu nước Mỹ không phải là nơi hạnh phúc nhất.
Theo một khảo sát mới đây của tổ chức New Economics Foundation, Việt Nam đứng cao thứ 5 về chỉ số hạnh phúc trong số 140 quốc gia, còn Hoa Kỳ đứng thứ 108. Nhưng mỗi năm có gần trăm nghìn người rời Việt Nam đi định cư ở nước khác, đông nhất vẫn là đến Mỹ.
Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do sống tại California.
Nhận xét
Đăng nhận xét