Tin trong nước – 26/07/2016

Tin trong nước – 26/07/2016

Những thách thức cho tân Thủ tướng VN

Phạm Quý ThọHọc viện Chính sách & Phát triển
Ngày 7/4/2016 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội khóa 13.
Ngày 26/7/2016, ông lần nữa tuyên thệ trước Quốc hội khóa 14.
Tân chính phủ của Việt Nam tiếp nhận di sản đầy khó khăn về chính trị, kinh tế và xã hội từ các nhiệm kỳ trước để lại.
Giai đoạn nhiều khó khăn
Kinh tế Việt Nam hiện nay tuy tăng trưởng nhưng chưa vững chắc với những yếu kém nội tại, với thâm hụt tài khóa so với GDP ở mức cao trong thời gian dài, tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp và đang có xu thế giảm, đầu tư công kém hiệu quả, dàn trải với nhiều dự án hàng nghìn tỷ đồng dở dang, bỏ hoang, tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được cải thiện, doanh nghiệp nhà nước vẫn quá nhiều và kém hiệu quả, khu vực tư nhân trong nước thì yếu và gặp nhiều trở ngại…
Nguồn lực trong nước dần cạn kiệt, trong lúc việc tiếp cận với nguồn tài trợ quốc tế gặp khó khăn.
Trong lúc đó, quốc nạn tham nhũng, lãng phí càng ngày càng nghiêm trọng, lợi ích nhóm, bộ máy nhà nước phình to, quan liêu, thủ tục hành chính rờm rà, năng lực và phẩm chất cán bộ, công chức hạn chế gây cản trở cho các nỗ lực cải cách thể chế.
Hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải Nam Trung bộ làm giảm sút sản lượng nông nghiệp, thủy sản, gây bất ổn xã hội ở nông thôn và kéo tốc độ tăng GDP trong sáu tháng đầu năm 2016 xuống thấp hơn so với dự kiến.
Sự kiện hai máy bay quân sự rơi ở biển Đông với sự hy sinh của các phi công và chuyên gia quân sự đang được điều tra.
Thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên tại bốn tỉnh miền Trung và vấn đề chất thải rắn gây nên những hậu quả nặng nề trước mắt và lâu dài, đe doạ môi trường sống của hàng triệu dân, các nhà lãnh đạo chính quyền các cấp bị động và lúng túng để có giải pháp thuyết phục, hợp lòng dân.
Trong khoảng thời gian hơn 100 ngày qua, các nhà quan sát trong nước và quốc tế dõi theo các động thái của tân chính phủ, và người dân mặc dù giảm sút niềm tin, muốn có thay đổi với sự hy vọng và hoài nghi.
Dấu ấn ban đầu của tân Thủ tướng
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các bộ ngành, đi đến nhiều địa phương để nắm bắt tình hình, lựa chọn các điểm nhấn điều hành qua cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp toàn quốc nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, phát động ‘phong trào khởi nghiệp’, và tuyên chiến với vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ông đã gây ấn tượng với phát ngôn ‘không hình sự hóa’ trong vụ quán cà phê ‘Xin chào’, ‘không đánh đổi môi trường lấy kinh tế’ ở vụ Formosa, hay ‘mong muốn nghe ý kiến’ khi đối thoại với đại diện công nhân của tám địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Tân thủ tướng tạo điểm nhấn trong điều hành chính phủ khi yêu cầu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm trong hoạt động chỉ đạo, đưa ra thông điệp xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tập trung vào xây dựng thể chế quản lý kinh tế, ra thời hạn cuối cho việc rà soát các giấy phép con và nợ đọng văn bản pháp luật, điều mà ông gọi là “nợ” thể chế mà Chính phủ phải trả nhân dân.
Những nỗ lực bước đầu của tân Thủ tướng Phúc trong việc ‘trả nợ’ là rà soát và bãi bỏ hàng nghìn giấy phép con, ban hành Nghị quyết 35 về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.
Trong bối cảnh khó khăn là vậy, nhưng với những động thái của tân thủ tướng và chính phủ liệu người ta có thể trông đợi sự thay đổi trước đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân?
‘Chính phủ kiến tạo’ chỉ là sự kế thừa?
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy từ quyết tâm đến thực thi là quãng đường dài, trong đó thực thi chính sách là quan trọng nhất nhưng lại cũng là khâu yếu kém nhất trong vận hành thể chế ở Việt Nam.
Thực ra, trên các diễn đàn, và ngay cả các báo chí nhà nước, có thể nhận thấy sự ‘thiếu tự tin’ trong việc làm rõ nội dung của của khái niệm ‘chính phủ kiến tạo’.
Các báo giật ‘tít’ khác nhau: ‘chính phủ phục vụ’, ‘chính phủ hành động’, ‘chính phủ trong sạch’… như những lời giải thích, phản ánh các khía cạnh khác nhau của ‘một chương trình hành động’ đang ở trong ý tưởng của người đứng đầu chính phủ.
Tất nhiên, người ta cũng không coi đây là ‘sáng kiến’.
Nhớ lại, đầu nhiệm kỳ 2011-2016 nguyên Thủ tướng Dũng nhận định:
“Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển, trong đó chức năng của nhà nước là xây dựng quy hoạch phát triển theo một chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đúng đắn.”
“Tạo môi trường và điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống.”
Những lời phát biểu nêu trên được nâng tầm thành ‘Thông điệp’ đầu năm mới 2014 của nguyên Thủ tướng Dũng, trong đó nhấn mạnh một trụ cột, đó là DÂN CHỦ.
“Dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.
“Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
“Người dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”…
Kết quả không như chờ đợi, như đã chứng kiến, một thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô ở Việt Nam với khủng hoảng tài chính ngân hàng, lạm phát hai con số, phá sản các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, bong bóng bất động sản, chứng khoán, phân hóa giàu nghèo, xuống cấp giáo dục và y tế, khủng hoảng niềm tin…
Người ta nghi ngờ rằng đây là ‘thủ pháp chính trị’ trong tình hình uy tín cá nhân lãnh đạo và gia đình, sai lầm điều hành và hệ thống chính trị đã sụt giảm.
Thực ra, vai trò cá nhân của nguyên Thủ tướng Dũng đã kết thúc từ sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 1, chứ không phải đến ngày 6/4/2016 một cách hình thức tại phiên họp cuối của Quốc hội khóa 13.
Tuy nhiên, ‘thông điệp về một chính phủ kiến tạo’ vẫn còn đó, được tân thủ tướng Phúc nhấn mạnh trong đầu nhiệm kỳ 2016-2021 này.
Những mâu thuẫn lớn trong xã hội
Làm cái gì và như thế nào để tránh ‘vết xe đổ’ của người tiền nhiệm? Đó là câu hỏi hóc búa cho sự lựa chọn của tân Thủ tướng Phúc.
Có nhiều bài học được rút ra, trước hết là ‘bệnh thành tích’ với tăng trưởng nóng GDP theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ, mà theo nhiều nghiên cứu thì đến giai đoạn phát triển này đã hết ‘dư địa’.
Thứ đến là việc nhận thức giản đơn, không đầy đủ về các quy luật và nguyên tắc thị trường trong một nền kinh tế chuyển đổi dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, khiến cho nhiều chính sách xa với thực tế nhu cầu của người dân và xã hội, tạo khoảng cách lớn giữa hoạch định và thực thi chính sách, giữa nói và làm của giới lãnh đạo.
Hơn thế, trong điều kiện đó thì quyền lực không được kiểm soát hữu hiệu, tuyệt đối, sẽ dẫn đến tha hóa.
Mâu thuẫn giữa hệ thống giá trị và lợi ích giữa ý thức hệ, tư tưởng xã hội chủ nghĩa giáo điều và hệ thống giá trị và lợi ích của kinh tế thị trường ngày càng gay gắt, sâu sắc khiến cho nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, Đảng và Chính phủ, các cấp chính quyền, các tổ chức và người dân không cùng hướng, lãng phí nguồn lực và triệt tiêu động lực, tạo chỗ trú ẩn cho những kẻ cơ hội chính trị.
Mâu thuẫn này tạo ra sự ‘mập mờ’ đúng – sai, xấu – tốt, thắng – thua, hơn – thiệt… của các chuẩn mực, các hành vi tổ chức cũng như cá nhân, tạo ra khoảng trống cho nhiều kẻ cơ hội, lạm quyền thu vén lợi ích cá nhân, quốc nạn tham nhũng, lãng phí, làm giàu bất chính dưới nhiều hình thức, mà không bị trừng phạt.
Mâu thuẫn nêu trên cần được coi là mâu thuẫn cơ bản cần nhận thức thấu đáo trong cải cách thể chế kinh tế và chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Cuối cùng, đổi mới, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến thay đổi thể chế, và bài học quan trọng nhất phải làm rõ nội dung dân chủ trong bối cảnh hiện nay để có nhận thức và hành động đúng của nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Các quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, dường như, có thế lực ‘vô hình’, nhóm lợi ích ‘vô hình’, song rất mạnh mẽ ngăn cản cụ thể hóa Hiến pháp bằng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách để người dân được thực thi các quyền tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội…mà không làm bất ổn chính trị xã hội và an ninh quốc gia.
Sự ngăn cản những cuộc tuần hành xuống đường, biểu đạt hòa bình ‘cá cần nước sạch, dân cần minh bạch’ của người dân ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước từ thảm họa môi trường do Formosa gây nên, những tiếng nói và hành động ủng hộ phán quyết của TòaTtrọng tài Thường trực (PCA) về việc Philippine thắng kiện Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, việc bất ngờ hoãn trình luật biểu tình trong năm nay trước Quốc hội 14… là những phép thử đầu tiên đối với tân Thủ tướng Phúc.
Nguyên Thủ tướng Dũng đã không thể thực thi chính phủ kiến tạo phát triển dựa trên cả trụ cột kinh tế và dân chủ.
Liệu chính phủ kiến tạo của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thành công?
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

Giải mã một cuộc chiến bị bỏ quên

Trương Nhân TuấnGửi cho BBC từ Pháp
“Mặt trận Vị Xuyên” là tên do phía Việt Nam đặt, nhưng do Trung Quốc khởi động từ tháng 4 năm 1984, chấm dứt vào tháng 4 năm 1989, kéo dài đúng 5 năm.
Địa bàn chiến dịch tổng cộng không quá 20 cây số chiều dài đường biên giới và độ sâu không quá 2,5 cây số vào trong lãnh thổ Việt Nam, tương ứng với chiều dài suối Thanh Thủy (vẽ màu xanh trên bản đồ 1) với đường biên giới (là đường phân thủy, màu nâu đen trên bản đồ, hai đường cách nhau khoảng 2,5km, xem bản đồ 1), theo các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa Dư Đông dương (Pháp) ấn hành cũng như các bản đồ 1/50.000 của Mỹ.
Trung Quốc đã huy động tổng cộng khoảng nửa triệu quân lính thuộc tám đại quân khu để thực hiện chiến dịch này. Phía Việt Nam đã có 9 sư đoàn chủ lực tham chiến. Trận chiến khốc liệt ngày 12/7/1984, theo tài liệu phía Việt Nam vừa công bố, Sư đoàn 356 đã bị thiệt hại đến 600 người.
Mục đích của Trung Quốc trong chiến dịch này là gì?
Các sử gia thế giới gộp chung cuộc chiến này với cuộc chiến tháng hai năm 1979 làm một, gọi chung là “cuộc chiến biên giới” bởi vì địa bàn cuộc chiến đã được “qui ước” trước, “khoanh vùng” trước trên biên giới.
Phía Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình – kiến trúc sư của cuộc chiến, gọi cuộc chiến tháng Hai năm 1979 là “cuộc chiến dạy cho Việt Nam một bài học”, địa bàn giới hạn ở các tỉnh biên giới.
Còn cuộc chiến 1984-1989 là cuộc chiến “phản công tự vệ”, mục đích lấy lại khoảng 50km² đất mà Trung Quốc cho là Việt Nam đã chiếm trước kia. Nhìn trên bản đồ 1, ta thấy vùng đó tương ứng với phần gạch chéo màu đỏ.
Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực này là con suối Thanh Thủy (đường màu xanh). Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Biên bản bế mạc Công trình Phân định Biên giới (còn gọi là Công ước Pháp-Thanh 1887) cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.
Vấn đề là các bản đồ do Sở Địa dư Đông dương (SGI) xuất bản sau này thì vẽ đường biên giới (đường màu nâu đen) cách suối Thanh Thủy khoảng 2,5 đến 3 km về phía bắc.
Một số tài liệu nước ngoài về cuộc chiến biên giới Việt-Trung có dẫn tài liệu của CIA, cho rằng Việt Nam chiếm của Trung Quốc khoảng 50km² đất. Diện tích đất này khá phù hợp với “địa bàn” của chiến dịch Vị Xuyên, vùng gạch chéo màu đỏ trong bản đồ.
Việt Nam hay Trung Quốc, phía nào đúng, phía nào sai trong cuộc chiến này? Dữ kiện của CIA đưa ra, rằng Việt Nam chiếm khoảng 50km đất của Trung Quốc có thật sự đúng hay không ?
Điều quan trọng hơn cả là ngày nay lịch sử Việt Nam đã xóa trắng, không có dòng nào nhắc đến cuộc chiến này. Các vết tích chiến tranh như nghĩa trang bộ đội, bia ghi dấu tích chiến tranh… thảy đều phá bỏ.
Bài viết này, với những dữ kiện góp nhặt được từ Trung tâm Văn khố Hải ngoại của Pháp (CAOM, Aix-en-Provence), hy vọng thiết lập lại một sự thật lịch sử.
1/ Đường biên giới theo các công ước 1887 và 1895:
Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới 1887 phân chia đường biên giới hai nước Việt-Trung thành 3 vùng biên giới: Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Vị Xuyên, nơi phát xuất chiến dịch của Trung Quốc, thuộc về khu vực tỉnh Vân Nam.
Theo Công ước phân định biên giới 1887, vùng biên giới liên quan (với Vị Xuyên) thuộc về đoạn S-T, theo như bản đồ số 2. Nội dung Công ước 1887 (tạm dẫn phần có liên quan):
“Từ điểm S (Mường Tung hạ thôn hay Mãnh Cang hạ thôn), đường biên-giới là trung tuyến sông Thanh Thủy cho tới hợp lưu của nó là điểm T với sông Rivière Claire (tức sông Lô, chú thích của tác giả)”.
Đường biên giới ở đây (theo công ước 1887) là trung tuyến sông Thanh Thủy.
Công ước 1895, nội dung lấy lại vùng đất hữu ngạn sông Đà (vùng đất thuộc gia đình đầu lĩnh người Thái tên Đèo Văn Trị) về cho Việt Nam, đồng thời nhượng cho Trung Quốc một phần đất thuộc tổng Phương Độ. Phần đất nhượng cho Trung Quốc thuộc về đoạn R-S, tức đoạn liền kề sông Thanh Thủy. Sông này vẫn là đường biên giới:
Như vậy, nếu chiếu theo các công ước phân định biên giới 1887 và 1895, sông Thanh Thủy là đường biên giới.
Dầu vậy, việc phân định biên giới không kết thúc đúng như nội dung hai công ước 1887 và 1895. Công trình phân giới và cắm mốc các năm 1895-1897 đã làm thay đổi nội dung của công ước. Có lẽ là phía Trung Quốc đã không nghiên cứu trọn vẹn công trình phân định biên giới. Họ chỉ ngừng ở hai công ước 1887 và 1895, cho rằng Việt Nam chiếm đất của Trung Quốc, bất chấp những ký kết khác giữa Pháp và nhà Thanh đã làm thay đổi nội dung hai công ước này.
2/ Đường biên giới theo công trình phân giới 1895-1897:
Công trình phân giới và cắm mốc (vùng biên giới Vân Nam), liên quan đến địa bàn Vị Xuyên, tùy thuộc vào Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897 : “Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam”.
Cao Mã Bạch nay gọi là Cao Mã Pờ trên bản đồ do Việt Nam xuất bản.
Theo nội dung văn bản, “Ðoạn biên giới này không thể áp dụng theo đồ tuyến đường biên giới của Ủy Ban Phân Ðịnh (1885-1887) trên thực địa”.
Một đồ tuyến mới được thiết lập, “phù hợp với địa lý làm thành biên giới tự nhiên cũng như sự toàn vẹn các đơn vị hành chánh của địa phương”.
Văn bản công nhận rằng “đồ tuyến của đoạn biên giới thứ 2 từ nay về sau trong những liên hệ giữa hai nước Pháp-Trung, sẽ là đồ tuyến vẽ trên địa đồ kèm theo biên bản này.”
Theo đó đường biên giới là “đường sống núi (phân thủy), phân chia hai lãnh vực Thanh thủy (thuộc Việt Nam) và Mường Tung (Mãnh Cang, thuộc Trung Quốc)”.
Các làng xã thuộc lưu vực sông Thanh Thủy, cũng như toàn bộ chiều dài con sông này, thuộc về Việt Nam. Trong khi toàn bộ xã Mường Tung thuộc tổng Phương Độ, vốn thuộc Việt Nam trước kia, thì nhượng cho Trung Quốc.
Điều này đã được thể hiện trên các tập bản đồ tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản, thập niên 30, 40, 50… hay các bản đồ 1/50.000 của Mỹ phát hành sau này.
Vì vậy, lý do phát động chiến tranh 4 năm “phản công tự vệ” của Đặng Tiểu Bình là sai. Cũng như dữ kiện của phía CIA đưa ra, cho rằng Việt Nam lấn 50km² đất của Trung Quốc, là không có căn cứ. Điều này quan trọng, vì họ Đặng đã lừa gạt dư luận trong nước, và cả thế giới.
Phía Trung Quốc đã gây sự chiến tranh bằng những bằng chứng sai, hay ít nhất, là không đủ. Lãnh đạo Trung Quốc đã lừa gạt máu xương của các tầng lớp thanh niên Trung Quốc nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Cuộc chiến “phản công tự vệ” của họ là cuộc chiến phi nghĩa.
Lịch sử lặp lại?
Sắp tới, liệu lãnh đạo Trung Quốc có thể mù quáng lặp lại sai lầm cũ, là đem máu xương của thanh niên Trung Quốc để “phản công tự vệ”, thiết lập lại “chủ quyền lịch sử” các đảo của Trung Quốc theo đường 9 đoạn ở Biển Đông hay không?
Tập Cận Bình cũng có thể vịn cớ “vì quyền lợi dân tộc”, phát động một chiến dịch điên cuồng, mà thực chất là để củng cố ngôi vị của ông ta đang bị lung lay ở Bắc Kinh.)
Trung Quốc đã thất bại trong chiến dịch, vì không làm thay đổi đường biên giới. Trên bản đồ 1 hai ngôi sao chỉ cho hai trận địa kinh hồn: Lão Sơn và Giả Âm Sơn. Quân đội Việt Nam không thua nhưng hai vùng đất này đã bị nhượng cho Trung Quốc theo Hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền tháng 12/1999.
Ngọn Lão Sơn nhượng vì lý do “có nghĩa trang của lính Trung Quốc trên đó”. Còn Giả Âm Sơn, tức ngọn đồi phía bắc, kế cận hợp lưu sông Thanh Thủy và sông Lô, thì nhượng không rõ lý do.
Vấn đề là những chiến binh hy sinh trong chiến dịch Vị Xuyên đã bị nhà cầm quyền bỏ quên. Tương tự như những chiến binh bị thảm sát ở Gạc Ma năm 1988.
Vài năm trở lại đây, biến cố Gạc Ma đã được nhắc tới, những chiến sĩ hy sinh đã được đồng đội và những nhân sĩ yêu nước mỗi năm làm lễ truy điệu. Lịch sử đã được thiết lập lại: họ là những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (chứ không phải bảo vệ hòa bình cho khu vực như nhà nước CSVN đã khắc trên mộ bia của họ).
Những chiến binh ngã xuống ở chiến trường Vị Xuyên cũng vậy. Xương máu của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, chiến binh Việt Nam đổ xuống là để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ tổ quốc. Những người lính này đã chết trận vinh quang với cây súng trên tay. Họ phải được Tổ quốc ghi nhớ công ơn.
Gần đây những đồng đội cũ đã lập nơi tế tự (tư nhân), gom góp hài cốt về chôn cất tử tế. Việc này dĩ nhiên không thể gọi là đủ. Và lịch sử cũng vậy, như bài viết này, việc thiết lập lại sự thật cũng mới chỉ là một công việc của lương tâm.
Còn lãnh đạo Việt Nam, nhìn lại cuộc chiến Vị Xuyên, quí vị nghĩ gì?
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, nhà nghiên cứu hiện sống ở Pháp.

Chiều cao người VN tụt hạng sau 100 năm

Theo một nghiên cứu mới, đàn ông Hà Lan và phụ nữ Latvia có chiều cao vượt trội hơn hẳn so với các nước khác.
Chiều cao trung bình của đàn ông Hà Lan là 183cm, trong khi chiều cao trung bình của phụ nữ Latvia là 170cm.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí eLife đã ghi nhận xu hướng phát triển cơ thể người các quốc gia trên thế giới từ năm 1914.
Nghiên cứu tìm ra đàn ông Iran và phụ nữ Hàn Quốc có mức độ tăng trưởng chiều cao lớn nhất, cao lên đến 16cm và 20cm.
Đàn ông thấp bé nhất trên hành tinh được cho biết là từ Đông Timor, chỉ cao 160cm.
Phụ nữ thấp nhất trên thế giới đến từ Guatemala. Theo dữ liệu từ nghiên cứu này, một thế kỷ trước phụ nữ 18 tuổi người Guatemala chỉ cao 140cm, giờ đây họ vẫn chỉ có chiều cao trung bình khoảng 150cm.
Đông Á là khu vực có biên độ tăng chiều cao lớn nhất. Người ở Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc đã cao hơn rất nhiều so với 100 năm trước.
Việt Nam tụt hạng
Chiều cao của người Việt Nam qua nghiên cứu mới công bố cho thấy đã tăng trung bình từ 147cm lên 153,3cm, từ năm 1896 – 1996.
Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng, với chiều cao và mức tăng này, thứ hạng của Việt Nam lại giảm từ hạng 182 thế giới xuống hạng 188/200 quốc gia trong danh sách.
Số người mắc bệnh tiểu đường và béo phì ở cả nam và nữ tại Việt Nam đều tăng theo khảo sát.
Tiêu chuẩn chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh môi trường và dinh dưỡng là những nhân tố cơ bản quyết định độ tăng chiều cao. Một yếu tố quan trọng khác là sức khoẻ của mẹ và dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai.
Người cao lớn có xu hướng sống lâu hơn, ít nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn. Nhưng mặt khác, nghiên cứu này cũng chỉ ra một số bằng chứng cho thấy họ có nguy cơ cao hơn dễ mắc phải các loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú sau thời kỳ mãn kinh và ung thư tử cung.
“Một giả thuyết cho rằng việc phát triển cơ thể có thể kích thích các tế bào đột biến,” một đồng tác giả của nghiên cứu Elio Riboli nói.
Nghiên cứu “Một thế kỷ xu hướng tăng chiều cao ở người trưởng thành” tập hợp dữ liệu từ cộng đồng các nhà khoa học về sức khoẻ từ NCD Risk Factor Collaboration, một nhóm khoảng 800 nhà khoa học, có liên kết với Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Nạn tranh giả ở Việt Nam

Hà MiBBCVietnamese.com
Việc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vừa phải có thông cáo xin lỗi vì đã chấp thuận để triển lãm một bộ sưu tập mang tên “Những bức tranh từ châu Âu trở về” gồm 17 bức tranh, mà theo Hội đồng tư vấn của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thì không phải là tranh thật.
Thông cáo do bảo tàng gửi đến BBC hôm 20/7 viết: “Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp hôm 19/7 với các nhà quản lý, chuyên gia mỹ thuật và đưa ra kết luận: 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng không phải là bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện… Ngoài ra, hai bức tranh trong bộ sưu tập này mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc)”.
Dư luận và truyền thông quan tâm sau khi có nghi vấn tranh của họa sĩ Thành Chương bị ký tên Tạ Tỵ tại triển lãm này.
Loạt tranh do nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra giới thiệu đã dấy lại câu hỏi về tình trạng tranh thật, tranh giả tại Việt Nam.
Vụ việc này khiến người ta nhớ lại cuộc tranh luận hồi năm 2009 về tranh thật, tranh chép và tranh giả tại Việt Nam và câu hỏi được đặt ra khi đó là bao nhiêu tranh và tượng trưng bày tại chính Bảo tàng Mỹ Thuật Quốc gia Việt Nam là bản chính, sau khi có bài báo của tác giả Martha Ann Overland đăng trên tạp chí Time với tựa đề “Nạn chép tranh của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” (04/05/09).
Trả lời BBC Tiếng Việt, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Lương Xuân Đoàn, nói đây là điều hết sức đáng tiếc và cũng rất đau lòng “vì thị trường tranh giả ở Việt Nam vẫn chưa giải quyết được từ vài chục năm nay đặc biệt sau thời kỳ nghệ thuật VN đổi mới”.
‘Đỉnh tảng băng chìm’
Theo ông Lương Xuân Đoàn thì hiện vẫn có một đường dây hết sức an toàn, đưa tranh giả ra khỏi Việt Nam và thị trường tranh giả Việt Nam vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
“Đây không còn là vấn nạn, mà là quốc nạn của Mỹ thuật Việt. Nó làm tổn thương đến vong linh của rất nhiều danh họa hàng đầu của Việt Nam, cũng như xóa đi khuôn mặt đẹp của nghệ thuật Việt thời kỳ đổi mới. Đây là điều mà nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nhiều thế hệ rất bất bình, nhưng thực sự không có cách gì ngăn chặn được,” ông Đoàn nói.
Và theo ông Đoàn, để giải quyết đến nơi đến chốn, cũng như gọi tên những người làm giả thì không phải dễ dàng.
Khó có thể nói được vấn nạn này lan tràn tới mức độ nào tại Việt Nam, nhưng theo bà Nora Taylor, Giáo sư từ Quỹ Alsdorf về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á, thuộc Học viện Nghệ thuật Chicago, thì vụ việc này chỉ là phần nhô lên của một tảng băng chìm lớn và sẽ còn thấy xuất hiện thêm nhiều ví dụ khác nữa.
Tuy nhiên bà Taylor nói với BBC Tiếng Việt rằng đây có thể lại “sẽ là chất xúc tác để chấm dứt hẳn tình trạng này”.
“Vấn đề tranh giả, tranh mạo danh đã bao trùm nghệ thuật Việt Nam từ hàng chục năm nay kể từ khi thị trường nghệ thuật mở cửa vào những năm 1990.
“Bỏ sang một bên việc vẽ lại tranh theo đặt hàng của bảo tàng, mà không hẳn là chủ định để lừa dối, thì tình trạng vẽ tranh giả dường như bắt đầu khi người nước ngoài bắt đầu quan tâm tới các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, những họa sĩ thời Pháp thuộc đã quá cố.
“Điều đó cộng thêm với việc các nghệ sĩ rơi vào tình cảnh khó khăn kinh tế sau khi chiến tranh kết thúc, vì rất ít nghệ sĩ giữ các hồ sơ các tác phẩm của mình, nên rất dễ dàng cho những người vẽ tranh giả có thể lợi dụng tình trạng đó và tìm cách kiếm chút tiền. Nhưng tôi không đổ lỗi hoàn toàn cho các nghệ sĩ Việt Nam,” bà Nora Taylor nói.
Đánh giá và thẩm định
Việc lần đầu tiên một bộ sưu tập được đưa từ châu Âu về “mà lại có độ đậm đặc là cả 17 bức [đều không phải tranh thật] là không thể chấp nhận được”, ông Lương Xuân Đoàn nói và đặt câu hỏi về độ tin cậy đối với chuyên gia của Nhà đấu giá Christie’s.
Vấn đề tranh giả, tranh mạo danh đã bao trùm nghệ thuật Việt Nam từ hàng chục năm nay kể từ khi thị trường nghệ thuật mở cửa vào những năm 1990.Nora Taylor, Gs về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á
Ông Đoàn cũng nhắc tới việc ông Vũ Xuân Chung đã có những chứng chỉ bằng vàng của nhà đấu giá Christie’s để bảo đảm những bức tranh Việt Nam mà ông có là bản thật, những tác phẩm chân bản.
Tuy nhiên ông Đoàn cho biết khi chúng được công bố ở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thì “không ai có thể công nhận đó là tác phẩm chân bản được”, ông Đoàn nói.
“Chúng tôi đặt dấu hỏi với ông J.F Hubert [chuyên gia của Christie's], vì ông bảo đảm bằng vàng rằng đây là những bức tranh thật, thì ông dựa trên cơ sở nào, và trình độ thẩm định của ông, trước những bức tranh được làm nhái, làm giả mà ông khẳng định là tranh thật, thì chúng tôi cũng hết sức ngạc nhiên và bất ngờ.
“Cho tới lúc này nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn khẳng định là tranh thật và vẫn rất tin tưởng vào chuyên gia nghệ thuật của mình. Đây là điều chúng tôi thực sự hết sức khó hiểu và cũng đặt rất nhiều câu hỏi trước nhà đấu giá Christie’s nơi đã sử dụng ông Hubert để làm chuyên gia thẩm định nghệ thuật châu Á của mình,” ông Lương Xuân Đoàn nói.
BBC Tiếng Việt đã đặt câu hỏi này với Nhà đấu giá Christie’s Hong Kong và được ông Lee William Bingle, Giám đốc Truyền thông, Châu Á, trả lời qua email, khẳng định: “Ông Jean François Hubert là một cố vấn cao cấp về Nghệ thuật Việt Nam tại nhà đấu giá Christie’s. Ông Hubert là một chuyên gia được quốc tế công nhận về nghệ thuật Việt Nam từ những năm 1990 và trước đó đã giữ các vị trí tư vấn tại một số nhà đấu giá quốc tế.”
Tuy nhiên Nhà đấu giá Christie’s từ chối bình luận về cuộc triển lãm này với lý do: “Nhà đấu giá Christie’s không chịu trách nhiệm giới thiệu cuộc triển lãm được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy chúng tôi không ở một vị thế để bình luận về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến triển lãm lần này.”
Ông Lee William Bingle viết thêm: “Nhà đấu giá Christie’s duy trì các tiêu chuẩn cao nhất khi xác định tính xác thực của các tác phẩm mà chúng tôi bán. Các chuyên gia của chúng tôi dành nguồn lực đáng kể để điều tra nguồn gốc của tất cả các tác phẩm mà chúng tôi chào bán. Chúng tôi thận trọng khi chấp nhận bất kỳ lô hàng nào về để bán, và sẽ không cố ý đưa ra bất kỳ tác phẩm nào mà tính xác thực của nó bị nghi vấn.”
‘Hợp thức hóa’?
Theo Giáo sư Nora Taylor thì chính các nhà đấu giá quốc tế cũng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khi tiến hành bán đấu giá tranh Việt Nam:
“Khi Nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s bắt đầu đấu giá các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam vào giữa những năm 1990, họ đã không được chuẩn bị để bán các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam ở mức đó.
“Có nghĩa là họ không có tài liệu lịch sử nghệ thuật nào để dựa vào, không có bằng chứng về nguồn gốc, quyền sở hữu, chứng nhận tính xác thực, và không có chuyên gia nào có thể xác định một cách chắc chắn bất cứ một tác phẩm nào, chưa nói tới chuyện đánh giá và ước tính định giá các tác phẩm đó.
“Lần bán đấu giá đầu tiên đã có nhiều lỗi với một số tác phẩm bị quy nhầm tác giả và đưa vào cả các tác phẩm của cả các nghệ sĩ không có tên tuổi cùng với những danh họa bậc thầy có tiếng như Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng.
“Họ sau đó đã thuê các chuyên gia của mình nhưng nay dường như các chuyên gia đó cũng ít có kinh nghiệm về nghệ thuật Việt Nam.
“Những tranh giả có thể đã lọt vào các lần đấu giá tại nhà Christie’s và Sotheby’s mà đây là một vấn đề còn nghiêm trọng hơn, vì nhiều nhà sưu tầm dùng những lần mua bán đấu giá này như là phương cách riêng của họ để có được chứng minh xác thực,” Giáo sư Nora Taylor nói.
So sánh tình trạng tranh giả Việt Nam với các nước khác , bà Taylor cho biết “chưa nghe thấy vụ bê bối nào liên quan tới tranh giả ở các nước khác trên thế giới. Tất nhiên là có, nhưng dường như ở các nước khác có tài liệu và hồ sơ về nguồn gốc tốt hơn. Việt Nam dễ bị hơn vì thiếu các tài liệu thích hợp.”
Thật, Phiên bản, Sao chép, Giả
Phải nhắc lại, đã từng xảy ra trường hợp bức Chơi ô ăn quan của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, một thời đã được treo tại Bảo tàng Mỹ Thuật, nay đang được treo cùng lúc tại cả Singapore và Nhật Bản.
Một điều hầu hết giới họa sĩ Việt Nam đều biết là trong thời gian chiến tranh, bộ phận Phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật chính là nơi sao chép tranh, một thực tế các viên chức bảo tàng cũ và đương thời đều công khai nói tới.
Lý do là vì chiến tranh và bom đạn nên “Để bảo tàng được mở cửa kể cả trong thời kỳ chiến tranh, thì các bản sao chép được trưng bày và bản chính được mang đi sơ tán”, theo lời ông Nguyễn Đỗ Bảo, thuộc Hội Mỹ thuật Hà Nội, từng là nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật hồi năm 1966, trả lời bài báo trên Times nói trên.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết thêm cũng không hiểu bằng con đường nào, bức tranh lụa Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh lại xuất hiện hai bức, cùng một lúc ở hai nước khác nhau như vậy.
“Tuy nhiên thời chiến tranh cũng có xuất hiện những phiên bản do chính các tác giả của các tác phẩm đó thực hiện nhưng rõ ràng tác phẩm Con nghé của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm chẳng hạn thì sau này có vài bức Con nghé nhưng với ông Nghiêm đó là dị bản chứ không phải phiên bản.
“Tức là mỗi lần ông làm lại bức Con nghé thì lại có một sự thay đổi về bố cục thay đổi về màu sắc xử lý trên ngôn ngữ và chất liệu sơn mài của ông. Việc đó là tiếp tục sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện bức tranh đầu tiên.
“Còn lại giữa những phiên bản của chính tác giả tự thực hiện thì tất nhiên không thể nào 100% như những tác phẩm đầu tiên mà họ sáng tạo ra. Chưa kể về sau những hàng giả thì lại còn kém biết chừng nào.
“Như triển lãm vừa rồi với 17 tác phẩm trong sưu tập của ông Vũ Xuân Chung thì khả năng nghề nghiệp rất kém và nó là bôi nhọ danh dự của các danh họa hàng đầu Việt Nam,” ông Đoàn nói.
Hậu quả
Tình trạng sao chép tranh và tranh giả này đang làm tổn hại ngay chính tới nền nghệ thuật của Việt Nam và tới tên tuổi của các họa sĩ Việt Nam hiện nay.
Vẫn theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì một hậu quả có thể thấy rõ là “những năm gần đây thị trường tranh Việt đóng băng vì người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của các tác phẩm được họ phát hiện, lưu giữ vì độ giả quá lớn. Cho tới nay vẫn chưa giải quyết được thị trường tranh giả này. Điều này cản trở rất nhiều cho tâm lý sáng tạo mới của thế hệ họa sĩ trẻ đương đại Việt Nam.
“Rõ ràng trước câu chuyện về một thị trường tranh giả không chuyên nghiệp cũng như hệ thống gallery Việt Nam cũng không chuyên nghiệp khiến người nghệ sĩ Việt Nam cũng cảm thấy chống chếnh trong chuyện công bố tác phẩm, vì độ không an toàn khi tác phẩm được công bố là rất cao. Kể cả ý tưởng chia sẻ cũng có khi bị đánh cắp ý tưởng chứ đừng nói tác phẩm được sáng tạo ra.”
Nó không chỉ ảnh hưởng tới giá trị tranh Việt Nam trên thị trường thế giới, bà Taylor cond nói tới ảnh hưởng của tình trạng này tới lòng tin của các bảo tàng trên thế giới đối với tranh Việt Nam.
“Ngay lúc này nhiều bảo tàng trên thế giới không tin tưởng vào thị trường tranh Việt Nam với các tác phẩm giai đoạn nghệ thuật thời thuộc địa và điều đó có thể ảnh hưởng thậm chí tới các nghệ sĩ đương đại tìm cách bán tranh của mình cho các bảo tàng.”
Giải pháp
Lời khuyên của bà cho các nghệ sĩ và giới chức trách Việt Nam trước tình trạng này đó là “Lưu giữ hồ sơ”.
“Nếu giới nghệ thuật và đặc biệt là các bảo tàng quốc tế, quan tâm chú ý tới nghệ thuật Việt Nam và sưu tập nghệ thuật Việt Nam một cách nghiêm túc, và nếu các nghệ sĩ và các nhà sưu tầm muốn giá trị các tác phẩm của mình tăng lên, họ phải lưu tâm nhiều hơn rất nhiều tới vấn để tranh giả và bắt đầu làm hồ sơ các tác phẩm của mình.
“Với các nghệ sĩ thì nó có nghĩa là ghi lại việc mua bán các tác phẩm của mình ngay từ khi tác phẩm rời khỏi phòng tranh của họ và tên của người mua các tác phẩm của mình.
“Với các nhà sưu tập‎ họ cần làm nghiên cứu về sưu tập của mình. Không phải chỉ hỏi ý kiến một ai đó mà tìm hiểu để biết người đã mua bức tranh từ chính họa sĩ và sau đó truy tìm các chủ nhân tiếp theo, tạo ra được mạch truy tìm dấu vết cho từng bức tranh mà mình có.
“Là các nghệ sĩ đang còn sống, họ có phương tiện để kiểm soát người mua các tác phẩm của mình, vì thế họ nên tạo thói quen ký giấy tờ xác thực tranh của mình. Có thể như thế sẽ giúp cho tương lai của nghệ thuật Việt Nam,” Giáo sư Nora Taylor nói.
Nếu giới nghệ thuật và đặc biệt là các bảo tàng quốc tế, quan tâm chú ý tới nghệ thuật Việt Nam và sưu tập nghệ thuật Việt Nam một cách nghiêm túc, và nếu các nghệ sĩ và các nhà sưu tầm muốn giá trị các tác phẩm của mình tăng lên, họ phải lưu tâm nhiều hơn rất nhiều tới vấn để tranh giả và bắt đầu làm hồ sơ các tác phẩm của mìnhNora Taylor, Giáo sư về Nghệ thuật Nam và Đông Nam Á
Giới họa sĩ Việt Nam cũng cho rằng đã tới lúc giới chức trách phải thực sự vào cuộc “để dọn dẹp lại sạch sẽ thị trường trong nước. Tranh giả đã đánh vào tâm lý của người sáng tác hiện nay, là rất thấp thỏm khi công bố tác phẩm có thể đã bị giả thì sẽ được để ý và bị làm giả.
“Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trước tình trạng vài thập niên qua, cuối những năm 1990 tới nay, rõ ràng thấy tính khả thi của việc giám sát được hoạt động nghệ thuật trong nước là còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động làm giả tranh là hết sức kín đáo cho nên không phải dễ dàng gì tìm ra được những địa chỉ cung cấp hàng giả.
Cho tới nay cũng chưa ai có thể đo đếm hay tìm hiểu được với hàng loạt các nhà sưu tập Việt Nam về giá trị, chất lượng nghệ thuật và độ thực hư thật giả của các tác phẩm được sưu tập trong các bộ sưu tập đó.
Theo ông Đoàn do chưa làm được một tổng kiểm kê như vậy cho nên tranh giả vẫn là trôi nổi trên thị trường trong nước và quốc tế là điều đương nhiên và đặc biệt là trong thời kỳ dồn dập vài năm gần đây tranh Việt hồi hương.
“Tâm lý giới mỹ thuật Việt Nam cũng rất cảm động, ước ao được xem lại những tác phẩm chân bản của những họa sĩ hàng đầu thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương nay trở lại quê hương nhưng rất tiếc trong xu thế tranh Việt hồi hương hiện này cũng bị cài rất nhiều những tác phẩm không phải là tác phẩm chân bản và điều này là một tổn thương lớn cho nghệ thuật Việt Nam hiện đại,” ông Lương Xuân Đoàn nói thêm.
BBC Tiếng Việt đã tìm cách lấy ý kiến của với nhà sưu tầm Vũ Xuân Chung và ông Jean Francois Hubert nhưng cho tới nay vẫn chưa liên lạc được.

Các đại biểu quốc hội đòi xét luật biểu tình

để “trả nợ nhân dân”

Một số đại biểu trong Quốc Hội Cộng Sản Việt Nam hôm 26/07 gọi việc xem xét và thông qua luật biểu tình là việc “trả nợ nhân dân”, đồng thời đề nghị không giao cho Bộ Công An soạn thảo dự luật này.
Đại Biểu Bùi Văn Xuyền từ tỉnh Thái Bình, một ủy viên thường trực của Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội, nói rằng dự án Luật Biểu Tình từng được các đại biểu Quốc Hội trước và dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, đến nay chính phủ lại đề nghị rút ra khỏi chương trình làm luật năm 2016 và không biết đến bao giờ mới đệ trình lên Quốc Hội.
Ông Xuyền chỉ ra rằng, chính là việc giao cho Bộ Công An trực tiếp phụ trách soạn thảo Luật Biểu Tình cho nên mới gặp khó khăn. Theo lời ông Xuyền, Bộ Công An là “cơ quan giúp việc”, tham mưu cho chính phủ về việc bảo đảm an ninh trật tự, cho nên bộ này khó có thể đi xa trong việc soạn thảo một dự luật có nội dung liên quan nhiều đến lĩnh vực đó. Theo ông Xuyền, chính phủ nên giao cho Bộ Tư Pháp phụ trách cộng việc soạn thảo dự luật biểu tình, và Bộ Công An chỉ đóng vai trò phản biện.
Trong khi đó, một đại biểu khác là ông Trương Trọng Nghĩa từ Sài Gòn nói rằng với kinh nghiệm và trình độ lập pháp hiện nay của chính phủ cũng như của Quốc Hội, Quốc Hội hoàn toàn có đủ khả năng “trả món nợ cho nhân dân”. Ông Nghĩa cho rằng, “không lý do gì mà không thể và không sớm làm Luật Biểu Tình, để bảo đảm quyền tụ họp hòa bình của nhân dân”.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?