Tin Biển Đông – 27/07/2016

Tin Biển Đông – 27/07/2016

Việt Nam muốn đàm phán song phương

thay vì kiện Trung Cộng về Biển Đông

Việt Nam sẽ đàm phán song phương với Trung Cộng để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, thay vì kiện Trung Cộng ra tòa quốc tế, mặc dù sẽ không loại trừ biện pháp pháp lý giống như Philippines.
Thứ Trưởng Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam Lê Hoài Trung được hãng thông tấn AP trích lời cho hay như vậy bên lề Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 tại thủ đô Vientiane của Lào. AP trích lời Thứ Trưởng Trung nói rằng, “Yếu tố quan trọng là cần phải có thiện chí, và cần phải đặt vấn đề tranh chấp trên nền tảng luật pháp quốc tế có liên quan…”.. Ông Trung nói rằng Việt Nam quan tâm nhiều đến con đường đàm phán song phương, xem việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở hoà bình là tối quan trọng. Thứ Trưởng Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam còn được AP dẫn lời nói rằng, “Không nên nhìn vấn đề như việc thắng hay thua, còn hay mất…”.
Cho tới nay, Phillipines là quốc gia duy nhất trong những quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã đệ đơn lên toà trọng tài quốc tế kiện Trung Cộng và được phán quyết thắng kiện. Việt Nam từng được Philippines mời cùng đứng nguyên đơn trong vụ kiện, nhưng Việt Nam đã từ chối. Trung Cộng thì thẳng thừng từ chối tham gia vụ kiện và cũng tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa quốc tế.
Hai ngày trước đây, Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN đã kết thúc tại Vientiane với một bản tuyên bố chung, trong đó không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông.

Mỹ được khích lệ

khi TQ, Philippines đối thoại trực tiếp về tranh chấp lãnh hải

Hoa Kỳ tỏ ý phấn khởi trước sự kiện Trung Quốc và Philippines sẵn lòng tham gia đối thoại trực tiếp về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của tòa trọng tài chống lại Bắc Kinh hồi đầu tháng này.
Tại Manila hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry họp với các giới chức Philippines, trong đó có Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye mà Trung Quốc nhất mực phản đối.
Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ông Kerry nói Hoa Kỳ khuyến khích tất cả các bên, kể cả Trung Quốc và Philippines “đàm phán, giải quyết mọi việc thông qua đường lối ngoại giao, song phương, đa phương và xây dựng các biện pháp xây dựng lòng tin”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao của Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã cho thấy thiện chí và sự sẵn sàng tham gia đàm phán song phương với Philippines vào thứ Ba, một ngày sau khi ông Kerry gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Trong khi một số người cho rằng có hiện tượng đi chệch ra khỏi lập trường của Hoa Kỳ, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Washington chưa bao giờ phản đối các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Bắc Kinh và Manila và một cuộc đàm phán song phương luôn là một giải pháp.
Giới chức này nhấn mạnh rằng điều mà Hoa Kỳ phản đối là đề ra một cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên tranh chấp như một điều kiện tiên quyết.
Trung Quốc lâu nay vẫn nói sẽ chỉ giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải thông qua các cuộc đàm phán song phương, và bác bỏ tất cả những lời kêu gọi cho bất kỳ một giải pháp đa phương nào.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với đài VOA rằng Washington “đã không loại trừ các hình thức đàm phán khác và nhấn mạnh rằng các cơ chế đa phương cũng nên được triển khai, nhất là khi các cuộc đàm phán song phương không đem lại kết quả”.
Một chuyên gia khác cho rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Bắc Kinh và Manila phản ánh thực tế rằng có nhiều vấn đề giữa hai quốc gia cần phải được giải quyết song phương.
Ông Peter Dutton của Trường đại học Chiến tranh của Hải quân Hoa Kỳ nói: “Chẳng hạn như một vấn đề là cách thức Trung Quốc, nước đang kiểm soát Bãi cạn Scarborough, trao quyền đánh bắt cá truyền thống cho Philippines ở trong và xung quanh bãi cạn, hiện đã được công nhận về mặt pháp lý”.
Ông Duterte sẽ chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia vào cuối ngày thứ Tư, khi cuộc họp giữa ông với ông Kerry và vụ kiện trọng tài về tranh chấp lãnh hải dự kiến sẽ nằm trong nghị trình.
Hôm thứ Ba, Tòa án Tối cao Philippines đã ủng hộ tính hợp hiến của cái gọi là Hiệp định Tăng cường về Hợp tác Quốc phòng (EDCA) cho phép quân đội Hoa Kỳ luân phiên đến các căn cứ của Philippines và các hình thức hợp tác quân sự tăng cường khác.
Trên đường tới dự cuộc họp với ông Kerry, ông Yasay cho biết “điều này thực sự giải quyết rào cản pháp lý cuối cùng còn lại khi chúng ta nhận ra tiềm năng đóng góp của EDCA để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông nói thêm rằng Philippines đã sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ.
Trong khi đó, ông Kerry nói với ông Yasay:
“Và ngay cả khi có những lúc căng thẳng và áp lực, như chúng ta đã thấy qua các vấn đề ở Biển Đông hay những vấn đề khác. Tôi biết chúng tôi có thể trông cậy vào ông và ông biết ông có thể trông cậy vào chúng tôi”.
Một giới chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington và Manila “đang hợp tác ráo riết không chỉ về các vấn đề khu vực và toàn cầu, mà còn trong những vấn đề rất thiết thực như thực thi công lực và xây dựng năng lực hàng hải, thực thi EDCA”.
Các cuộc họp của ông Kerry với các lãnh đạo của Philippines diễn ra sau các cuộc họp của ông tại Viêng Chăn, Lào, nơi các ngoại trưởng của khu vực tề tựu để tham dự Diễn đàn Khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Philippines sẽ là Chủ tịch ASEAN vào năm 2017 khi tổ chức của khu vực này chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập.

Hải quân Mỹ nói với TQ: chúng tôi vẫn hoạt động ở Biển Đông

Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc John Richardson hôm 26/7 tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động vì tự do hàng hải ở Biển Đông, vào lúc các nước trong khu vực tiếp tục có những động thái liên quan đến phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài ở La Haye về các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển có nhiều tranh chấp. Việt Nam, Trung Quốc và Philippines là các bên tranh chấp chính ở Biển Đông.
Phát biểu với báo giới tại Ngũ Giác Đài, Đô đốc Richardson nói chính quyền của Tổng thống Obama đã nói “cực kỳ rõ ràng” với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động trên không và trên biển trong vùng có tranh chấp, bất chấp các phản đối của Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng, Tòa Trọng tài quốc tế đã phủ nhận giá trị pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông, căn cứ vào Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ quyết định của tòa và nói điều đó không ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền của họ.
Tư lệnh Hải quân Richardson vừa trở về Mỹ sau chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày. Ông nói ông cũng đã nói rõ với người đồng nhiệm Trung Quốc rằng bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không, gọi tắt là ADIZ, ở bên trên Biển Đông, hay các nỗ lực xây đảo nhân tạo ở bãi Scarborough trong vùng biển có tranh chấp với Philippines đều “được xác định một cách rõ ràng là những mối quan ngại” đối với Mỹ.
Vị đô đốc Mỹ cũng nhận xét rằng các vụ tàu chiến Mỹ và Trung Quốc tiếp cận nhau rất gần hiện diễn ra thường xuyên hơn, mặc dù vậy, các thủ tục về các cuộc chạm trán như vậy đã có hiệu quả trong việc tránh leo thang và hiểu nhầm. Đánh giá tổng thể, ông nói: “Tôi thấy quan hệ có tiến bộ thay vì bị bế tắc”.
Theo CNN, FP.

Các chuyên gia dự báo

TQ không thay đổi sự hiện diện ở Biển Đông

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có phần chắc vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền trước đây về Biển Đông, bất chấp việc Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận giá trị pháp lý của đường 9 đoạn mà Bắc Kinh dùng để đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển giàu tài nguyên.
Các tuyên bố của Trung Quốc lâu nay luôn vấp phải sự phản đối của hai bên tranh chấp chính khác là Việt Nam và Philippines.
Nhà nghiên cứu Muhamad Arif tại Trung tâm Habibie, Indonesia, hôm 26/7 phát biểu tại một phiên thảo luận ở Jakarta rằng: “Các nước chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi điều đó phục vụ lợi ích của họ”.
Ông Arif nói luật pháp quốc tế có sức mạnh hạn chế vì luật quốc tế không thể được cưỡng chế thực thi bởi bất cứ cơ quan nào có thẩm quyền vượt qua các đường biên quốc gia, và vì vậy không có vai trò độc lập trong việc quản trị hành vi của các nước. Ông nói thêm rằng các luật như vậy thiếu một cơ chế cưỡng hành hợp pháp được các bên cùng nhất trí.
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về việc áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là một bên ký kết. Trung Quốc khẳng định PCA không có thẩm quyền về vấn đề và đã tẩy chay thủ tục tố tụng.
Ông Rene Pattiradjawane, chủ tịch một quỹ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Hoa, nói Trung Quốc đã đầu tư quá nhiều nên không thể dỡ bỏ các hòn đảo giả mà họ đã xây để củng cố cho các tuyên bố chủ quyền ở vùng biển rộng lớn. Ông Rene cũng nhận định rằng cho dù có những căng thẳng cao độ ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc có phần chắc vẫn kiềm chế nhằm tránh xung đột. Ông cho rằng “Trung Quốc sợ dính líu vào một cuộc xung đột nếu xét đến tình trạng kinh tế hiện nay của nước này”.

Biển Đông: Bắc Kinh

thuê biển quảng cáo ở Times Square (NY) để tuyên truyền

Theo một trang mạng Hồng Kông hôm nay, 27/07/2016, từ ngày 23/07 vừa qua, những ai đi qua quảng trường Times Square nổi tiếng ở New York đều không thể không để ý đến một đoạn video quảng bá lập trường Biển Đông của Trung Quốc, được chiếu liên tục trên một tấm biển quảng cáo điện tử khổng lồ tại nơi này. Đây được xem là chiêu mới nhất trong cuộc chiến tranh tuyên truyền do Bắc Kinh khởi động để chống lại phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực.
Theo trang web ejinsight.com, đoạn video dài 3 phút 12 giây, mang nội dung giải thích lịch sử Biển Đông và tính đúng đắn của các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Trong video, có những đoạn ghi lại phát biểu của một số chuyên gia bảo vệ quan điểm của Bắc Kinh và đả phá phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.
Tấm biển quảng cáo rộng 240 mét vuông, đã được công ty Trung Quốc Xinhua Gallery Media (tại Bắc Kinh) thuê dài hạn. Video về Biển Đông được chiếu trên màn hình này cho đến ngày 03/08, với nhịp độ là 120 lần mỗi ngày.
Theo Tân Hoa Xã, đoạn video « làm rõ sự thật đằng sau những trò hề của thủ tục trọng tài quốc tế về tranh chấp Biển Đông », nhưng không cho biết công ty sản xuất là ai. Hãng tin chính thức của Trung Quốc không ngần ngại khoe rằng đoạn quảng cáo đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.
Theo trang mạng Hồng Kông, đoạn video tuyên truyền của Trung Quốc đã được phát ra sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực ở La Haye ra phán quyết ngày 12/07, cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông đều không có cơ sở pháp lý, và Bắc Kinh đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi xây dựng các hòn đảo nhân tạo và ngăn chặn hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp.

Mỹ và Philippines

cố giảm ý nghĩa thắng lợi của Trung Quốc ở ASEAN

Vào hôm nay, 27/07/2016, cả Philippines lẫn Hoa Kỳ đều lên tiếng cho rằng việc ASEAN không lên tiếng về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye không phải là thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc. Những tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với ngày càng nhiều phân tích, theo đó Trung Quốc đã hoàn toàn chiến thắng trên hồ sơ Biển Đông tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN vừa bế mạc hôm qua tại Lào.
Điển hình cho tuyên bố biện minh kể trên là phát biểu của ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr. vào hôm nay, cho rằng không thể nói là Trung Quốc hay Philippines chiến thắng sau các sự kiện vừa qua. Theo ông, kẻ thắng chính là ASEAN vì đã « duy trì được những nguyên tắc của pháp luật quốc tế và … quan trọng hơn, là theo đuổi các cuộc đàm phán về tranh chấp một cách hòa bình. ».
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không nói gì khác hơn, khi tuyên bố rằng kết quả chung của các hội nghị tại Lào là « thắng lợi của ASEAN ».
Vấn đề là trong lúc Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ các cuộc đàm phán song phương Philippines-Trung Quốc để giải quyết vấn đề tranh chấp Trường Sa, thì chính ngoại trưởng Philippines cũng khẳng định rằng « Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là một vấn đề song phương», một lập trường giống hệt như những gì Bắc Kinh chủ trương từ trước đến nay.
Đối với hãng tin Mỹ AP, thực tế cho thấy là tại hội nghi ASEAN vừa kết thúc, Trung Quốc hầu như đã áp đặt được toàn bộ các quan điểm của mình, và các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc đã lần lượt thúc thủ.
Trả lời phỏng vấn của AP, Ian Storey, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng thực tế đó là một điều đáng hổ thẹn, không chỉ cho ASEAN, mà cả cho Trung Quốc, nước không ngần ngại dùng thủ đoạn để giành thắng lợi về minh :
« Tại các cuộc họp ở Vientiane, cả Trung Quốc lẫn ASEAN đều không chứng tỏ được danh dự của mình ». Đối với chuyên gia này, thì « Quả là một thực tế đáng buồn khi kỳ vọng của ASEAN là sẽ làm được một cái gì đó để hạ thấp căng thẳng ở Biển Đông đã biến thành con số không, trong lúc ưu tư lại phải tập trung vào việc tìm phương cách làm việc chung với nhau ».
Theo hãng AP, « cú ân huệ » đầu tiên mà Trung Quốc giáng vào đầu ASEAN là tại hội nghị ngoại trưởng khối Đông Nam Á, khi thông qua Cam Bốt và Lào, Bắc Kinh đã ngăn chặn thành công một thông cáo chung đề cập đến các phán quyết ngày 12/07 của Tòa Trọng Tài La Haye bất lợi cho Trung Quốc. Cho dù thông cáo chung ASEAN đã nêu bật quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc không bị nêu tên.
Một chỉ dấu thứ hai về thắng lợi của Trung Quốc : Các nước có tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh như kém hẳn nhiệt tình hơn các nước khác trong việc thúc đẩy một thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ngay cả Philippines, nước đã kiện Trung Quốc, lần này cũng không quá mạnh mẽ trong việc yêu cầu tuyên bố chung của ASEAN phải có lời lẽ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Không những thế, Philippines còn liên tục nói rằng phán quyết quốc tế về Biển Đông là kết quả một vụ kiện « đơn phương » của Manila, hàm ý rằng ASEAN không nên can dự vào.
Về phía Malaysia, ngoại trưởng nước này thậm chí còn không đến Lào, trong lúc Brunei thì chờ đến phiên họp cuối để lên tiếng khen sự lãnh đạo của Trung Quốc.
Còn Việt Nam, vào hôm qua, khi trả lời hãng tin AP, thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung, cho rằng Việt Nam muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông thông qua đàm phán song phương, dù không loại trừ việc áp dụng luật pháp quốc tế. Đối thoại song phương chính là quan điểm từ trước đến nay của Bắc Kinh.

Bắc Kinh

đả kích tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc tại hội nghị ASEAN

Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng đả kích tất cả các nước dám kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông. Trong một thông báo công bố hôm nay, 27/07/2016, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã đả kích bản tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc về Biển Đông vừa được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại thủ đô Lào.
Theo hãng tin Mỹ AP, ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng bản tuyên bố nói trên chỉ có tác dụng « thổi bùng ngọn lửa » gây căng thẳng trong khu vực, vào lúc mà các nước có liên can đã đồng ý hạ nhiệt.
Ông Vương Nghị cho rằng động thái của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc không hợp thời, cũng như không mang tính chất xây dựng. Đối với Bắc Kinh, « Bây giờ là lúc trắc nghiệm» xem ba nước nói trên là những người « kiến tạo hòa binh » hay là kẻ « gây rối ».
Trong bối cảnh khối ASEAN – vì chia rẽ nội bộ – đã không ra được một tuyên bố mạnh mẽ phản đối các hành động quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là không nói gì đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Trường Trực La Haye được đánh giá là tối quan trọng cho an ninh khu vực, ba ngoại trưởng Kerry của Mỹ, Kishida của Nhật và Bishop của Úc đã họp lại với nhau tại Vientiane và thông qua một tuyên bố chung.
Văn kiện này đã thể hiện lập trường hậu thuẫn mạnh mẽ cho các quốc gia Đông Nam Á, như Philippines và Việt Nam đang bị Trung Quốc thúc ép trên vấn đề Biển Đông, khi kêu gọi Bắc Kinh không tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng tiền đồn quân sự tại vùng biển đang tranh chấp.

Ngoại trưởng Mỹ :

Washington muốn tránh « đối đầu » tại Biển Đông

Sau buổi họp với đồng nhiệm Philippines Perfecto Yasay tại Manila ngày 27/07/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng Washington muốn tránh « đối đầu » tại Biển Đông. Những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này đã bị Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ ngày 12/07.
Theo hãng tin AFP, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho rằng cả Bắc Kinh và Manila cần đối thoại. Ông phát biểu : « Quyết định của Tòa mang tính ràng buộc nhưng chúng tôi không tìm cách đối đầu. Chúng tôi cố gắng tìm ra một giải pháp căn cứ theo quyền của các dân tộc mà luật pháp quy định ».
Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã xử Philippines thắng trong vụ kiện « đường chín đoạn » tại Biển Đông và cho rằng Trung Quốc không có bất kỳ « quyền lịch sử » nào tại khu vực chiến lược này. Bắc Kinh đã gay gắt phản đối và khẳng định không tuân thủ phán quyết của tòa.
Tuy nhiên, Washington lại thấy phán quyết trên là « cơ hội » để các nước có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giải quyết những bất đồng một cách ôn hòa. Ngoại trưởng Mỹ phát biểu : «Chúng tôi hy vọng tham dự vào tiến trình thu hẹp phạm vi địa lý các cuộc tranh chấp lãnh hải, thiết lập một bộ quy tắc ứng xử tại các vùng tranh chấp và dẫn đến những giải pháp mà các bên đều chấp nhận được, thậm chí có thể là một loạt các biện pháp có thể gây lòng tin ».
Ngày 26/07, ông Kerry đã đến Manila sau khi tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Lào và đã gặp tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ khuyến khích nguyên thủ Philippines đi theo con đường đối thoại và « lật sang trang mới với Trung Quốc ».
Một quan chức tháp tùng phái đoàn của ngoại trưởng Mỹ phát biểu với báo chí : Trong buổi làm việc với tổng thống Duterte, ông Kerry đã nhắc đến sự tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, đồng thời cũng bày tỏ những quan ngại của Washington về tình hình nhân quyền tại Philippines.
Cựu thị trưởng thành phố Davao được bầu làm tổng thống Philippines nhờ chiến dịch vận động tranh cử với những lời hứa triệt hạ những kẻ buôn bán ma túy. Theo ước tính của cảnh sát, từ ngày tân tổng thống nhậm chức 30/06, hơn 200 người đã bị tử hình vì tội buôn ma túy.
Úc khẳng định tiếp tục tuần tra tại Biển Đông
Vẫn liên quan đến tình hình Biển Đông, Úc không có ý định giảm cường độ các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không tại Biển Đông trong năm 2016. Thông tin trên được phó đô đốc David Johnston tuyên bố trước các nhà báo tại thủ đô Canberra vào ngày 26/07.
Người đứng đầu các chiến dịch phối hợp quốc phòng khẳng định, Úc đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra tại Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông trong chiến dịch mang tên « Operation Gateway » và kế hoạch này không có gì thay đổi vào năm nay. Ông khẳng định : « Hải quân và không quân Úc sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay và quá cảnh trong khu vực Biển Đông chiểu theo luật pháp quốc tế ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?