Những phần tử khủng bố được hình thành như thế nào?
Việt Đại Kỷ Nguyên
Phần lớn được tổ chức và thực hiện bởi các công dân châu Âu, các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Brussels và Paris được xem như là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về mối đe dọa ngày càng gia tăng của chủ nghĩa khủng bố được hình thành ngay trong chính châu Âu. Để khám phá những gì đang lôi cuốn công dân châu Âu tham gia vào cuộc thánh chiến và tại sao các chính phủ đang nỗ lực đấu tranh với các mối đe dọa khủng bố, chúng tôi đã nói chuyện với bà Anne Speckhard, một chuyên gia tâm lý học tại Đại học Georgetown, người đã dành rất nhiều công sức của mình để làm sáng tỏ động cơ của những tên khủng bố.
ResearchGate (RG): Bà đã phỏng vấn hàng trăm kẻ khủng bố trong suốt sự nghiệp, tôi tò mò làm thế nào mà bà tìm ra được những người này, và liệu họ thực sự vẫn còn tồn tại trong các phạm vi công cộng hay không?
Anne Speckhard: Nó thực sự tùy thuộc vào nơi họ đang ở, nếu bạn đi đến Gaza hay Bờ Tây, bạn tìm thấy những người đang tổ chức đánh bom tự sát, và bạn có thể nói chuyện với những người sẽ-trở-thành kẻ đánh bom tự sát. Thực ra điều mà tôi buộc phải nói với mọi người là “đừng nói với tôi là bạn đang hoạt động [khủng bố]”. Tôi không muốn biết và không muốn rơi vào tình thế phải quyết định có nên đi báo chính quyền hay không. Công việc của tôi là hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng, vì vậy tôi không muốn trở mặt và đưa ai đó vào tròng.
Ở những nơi như Iraq, tôi đã làm việc trong các nhà tù nơi đầy rẫy những kẻ khủng bố đang bị giam giữ. Tại Bỉ, tôi đã nói chuyện với một số người là phần tử của tổ chức ISIS khi nó đang được hình thành, và cũng có rất nhiều những kẻ ISIS đào tẩu – là những người hiện không còn hoạt động như những kẻ khủng bố nữa.
RG: Làm thế nào để bà thuyết phục những tên cựu khủng bố hoặc muốn-trở-thành khủng bố đồng ý nói chuyện?
Speckhard: Bằng cách xây dựng niềm tin. Bạn phải tiến hành rất nhiều cuộc phỏng vấn, kể cả với những người dân từ cộng đồng [có khủng bố]. Tại Bỉ, tôi đã tiến hành những cuộc phỏng vấn từ năm này qua năm khác thông qua quá trình nghiên cứu của tôi và kết hợp với công việc của mình cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Chủ Nghĩa Cực đoan Bạo lực. Tôi đã dành rất nhiều thời gian nói chuyện với người dân Bắc Phi, và hỏi họ về cảm giác ra sao khi sống ở đây với tư cách là thế hệ thứ hai của cộng đồng Hồi giáo nhập cư. Bạn bắt đầu nói chuyện với một người, và sau đó chỉ dần dần thâm nhập. Nếu cộng đồng nghĩ rằng bạn là người đáng tin cậy, cuối cùng bạn sẽ tiếp cận được mục tiêu.
RG: Các quốc gia đối đãi như thế nào đối với những người trở về sau khi tham gia chiến đấu cho ISIS ở Syria hay Iraq và chúng ta phải làm gì với chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng ở đây?
Speckhard: Tôi nghĩ rằng mọi quốc gia đều đang gặp khó khăn trong việc làm thế nào để đối phó với vấn nạn này. Nghĩa là có hàng ngàn người đã đi đến Syria và Iraq, và bây giờ đây một câu hỏi được đặt ra là chúng ta sẽ phải làm gì với họ nếu và khi họ quay trở về.
Tôi tin rằng các chương trình phòng ngừa và can thiệp nên tập trung ít nhất là một phần vào các gia đình. Khi tôi nói chuyện với các thành viên của một gia đình tại Bỉ, họ kể với tôi rằng khi người trong gia đình họ tham gia ISIS và gọi điện về nhà để nói chuyện với các thành viên khác trong gia đình, họ giả định cơ quan tình báo đang lắng nghe. Nhưng không có ai đến nói chuyện với họ, không có người nào gọi đến và cho họ những lời khuyên về những điều nên nói để động viên khuyến khích những đứa con trai hay con gái của họ quay trở về nhà. Những gì mà tôi thấy là các nhà chức trách có thể không quan tâm đến việc mang những chiến binh được ISIS đào tạo này trở về nhà. Tại rất nhiều quốc gia, tôi nghĩ rằng họ có quan điểm như thế này – tốt thôi, họ đã quyết định tham gia ISIS, vì vậy hãy để họ chiến đấu và chết ở đó. Tôi có thể thông cảm cho điều đó. Nhưng bây giờ chúng ta đang nhìn thấy họ cũng có thể khá dễ dàng quay trở về và âm mưu chống lại chính đất nước của họ, vì vậy tôi nghĩ rằng chúng ta có thể mong muốn có một lập trường tích cực hơn.
RG: Bà sẽ đề xuất những phương án nào cho các quốc gia này đối với những người đang quay trở về từ Syria và Iraq?
Speckhard: Tôi sẽ đối xử cực kỳ nghiêm túc với từng cá nhân một. Tôi nghĩ rằng tất cả những người bị bắt phải đi theo tiến trình tố tụng của tòa án, bị thẩm vấn, và không được ngay lập tức tha bổng, mà phải đưa vào một chương trình. Chương trình này nên tập trung cao vào quá trình điều trị, nó cũng cần phải tham khảo ý kiến từ những người am hiểu đạo Hồi và có thể lập luận chống lại ý thức hệ của ISIS, và hãy nói với họ rằng ‘được rồi, bạn nghĩ là bạn đang theo đạo Hồi, nhưng trong kinh thánh của bạn có nói rằng bạn có thể làm điều này không?’ Nếu họ đã được thuyết phục về hệ tư tưởng, thì hãy ngừng thuyết phục họ. Tôi là một nhà tâm lý học, vì vậy tôi sẽ hỏi ở trong bản thân con người đó có nhu cầu nội tại nào khiến họ muốn theo chủ nghĩa cực đoan này? Trước hết, điều gì đang làm tổn thương cuộc sống của bạn, mà làm cho bạn muốn tham gia một nhóm khủng bố? Sau đó, hãy giải quyết cả hai yếu tố này.
Tôi sẽ phát triển một chương trình riêng biệt với mỗi cá nhân để xác định những nhu cầu của họ là gì, và tôi cũng sẽ phát triển các chương trình xã hội để đảm bảo rằng các nhu cầu này đang được định hướng lại, ra ngoài tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, tôi sẽ đánh giá những người thực sự là phần tử nguy hiểm, và những ai có thể được phép trở lại trên các đường phố. Bởi vì nếu bạn tiếp tục giam giữ họ trong thời gian dài mà không có sự can thiệp nào, họ có thể tiếp tục nảy sinh trở lại mầm mống hành động ở bên trong nhà tù.
RG: Từ kinh nghiệm của bà, những điều gì có thể làm tổn thương người ta mà khiến họ trở thành những phần tử khủng bố?
Speckhard: Từ các cuộc phỏng vấn mà tôi đã thực hiện, tôi có thể trả lời câu hỏi này về trường hợp của những người Bắc Phi sống tại thành phố Molenbeek ở Brussels. Đó là những người tương đối không có mục đích hay tầm quan trọng, họ đang đối mặt với sự phân biệt và sự cách ly khỏi xã hội, và rồi họ được ISIS mời chào tất cả những phần thưởng. Chúng đang cung cấp sự đồng nhất, không có kỳ thị, tình dục, mục đích và tầm quan trọng, và đáng buồn thay, những điều đó lại thực sự rất mùi mẫn. Tại thời điểm này, châu Âu có những khu vực rộng lớn với những người nhập cư thế hệ thứ hai và thứ ba đang được khai thác bởi ISIS. Đây là những người được sinh ra ở châu Âu khoảng một thế hệ trở lại đây. Khi người ta đi vào châu Âu với tư cách là những người lao động, các chính phủ đã sai lầm khi không cho con cái của họ được hòa nhập tốt. Bạn không thể mang vào một người nào đó trở thành một thợ mỏ than hoặc một người thu gom rác, và rồi cho con cái của họ được hưởng nền giáo dục tốt và đi học đại học, tất cả đều miễn phí, và hy vọng họ cũng sẽ trở thành những người thu gom rác, và không tham gia vào xã hội như một thành viên toàn vẹn. Họ đang thấy những người hàng xóm của họ có được căn hộ mà họ không có khả năng để thuê, có được công việc mà họ không thể nào có được, có thể đi đến các câu lạc bộ đêm mà họ không được phép vào. Vì vậy, trừ phi những đứa trẻ này có thể tìm thấy được con đường bước vào tầng lớp trung lưu, một số sẽ cảm thấy tức giận, thất vọng và tổn thương đủ để các nhóm kiểu như ISIS có thể nhắm họ làm mục tiêu để tiếp cận.
RG: Những hành động khủng bố ở châu Âu đã trở thành mồi cho các chính trị gia cánh hữu và phương tiện truyền thông, là những người mà thỉnh thoảng lại thử liên kết các phong trào tị nạn với các cuộc tấn công khủng bố. Bà có thể cho tôi biết ý kiến của bà về vấn đề này?
Speckhard: Chắc chắn ISIS sẽ lợi dụng bất cứ thứ gì chúng có thể, vì vậy khi có các nhóm lớn những người nhập cư di chuyển trên khắp châu Âu và vượt qua biên giới, họ sẽ gài người của họ vào đó. Nhưng họ không cần phải thuyết phục những người Syria để giả vờ là người tị nạn và hành động ẩn mình ở bên trong châu Âu. Bây giờ chúng có rất nhiều người châu Âu mà chúng chỉ cần gửi họ quay về. Dù rằng những gì vừa xảy ra tại Dusseldorf cũng thực sự hãi hùng. ISIS sẽ sử dụng bất cứ ai mà chúng có thể, nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng có hàng ngàn người Syria chạy trốn ISIS đang là người tị nạn hợp pháp, những người này không muốn có bất cứ quan hệ gì với nhóm người man rợ khát máu kia.
RG: Bà có thấy vấn đề gì với phương án mà các Chính phủ đang thử làm để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố?
Speckhard: Tôi tin rằng có nhiều vấn đề ở cấp độ chính phủ và lực lượng cảnh sát. Tại châu Âu, không có cơ quan cấp độ quốc gia nào tương đương như FBI. Brussels chỉ có thể dựa vào một nước nhỏ như Bỉ để bảo vệ thủ đô.
Một vấn đề về cấp độ cảnh sát chính là, đã từng có lực lượng cảnh sát cộng đồng khá tốt, nhưng sau này điều đó lại không phải là một ưu tiên ở nhiều nơi. Ở nước Anh chẳng hạn, họ ngăn cản được rất nhiều cuộc tấn công khủng bố đã được hoạch định trước đó nhờ vào lực lượng cảnh sát cộng đồng, đưa cảnh sát vào cuộc và họ được cộng đồng tin tưởng. Nhìn chung, lực lượng cảnh sát cộng đồng ở châu Âu không phải là một chính sách ưu tiên, và tình báo cần dựa trên việc cung cấp thông tin phải tốt. Nếu bạn đã không phát triển được tốt lực lượng cảnh sát cộng đồng và nguồn cung cấp thông tin tốt, thì bạn sẽ không biết những gì đang xảy ra trong một cộng đồng.
Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trên ResearchGate.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này
Nhận xét
Đăng nhận xét