Đọc báo Pháp – 26/07/2016
Thùy Dương
Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc :
tháng 08/1966, mùa hè đỏ máu đầu tiên
Le Monde gọi mùa hè năm 1966 là mùa hè đỏ máu đầu tiên, mở đầu 10 năm Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Quốc – giai đoạn bạo lực và gây chấn thương tinh thần cho dân chúng nhiều nhất trong lịch sử nước này.
Le Monde tập trung vào các sự kiện diễn ra trong tháng 08/1966 dựa trên hồi ức của một số người đã từng là những Hồng Vệ Binh tích cực trong cách mạng văn hóa Trung Quốc.
Hồng Vệ Binh – « những tiểu tướng của Mao Trạch Đông»
Đội Hồng Vệ Binh đầu tiên được bí mật thành lập ngày 29/05/1966 tại một trường phổ thông cơ sở trực thuộc Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc. Chỉ những người sinh ra trong những gia đình không có tì vết gì, tức là những người có bố mẹ là Đảng Viên trước năm 1949 mới được gia nhập Hồng Vệ Binh.
Ngày 18/08/1966, trên quảng trường Thiên An Môn đông nghịt người, Mao Trạch Đông tiến đến trong tiếng reo hò, niềm vui vỡ òa của các Hồng Vệ Binh. Và Mao Trạch Đông đã trao quyền cho các Hồng Vệ Binh. Đứng bên cạnh Mao Trạch Đông, Lâm Bưu khích lệ các Hồng Vệ Binh phá hủy « tất cả các tư tưởng, văn hóa, tập quán, thói quen cũ của các tầng lớp bóc lột ». Đó là dấu hiệu của chiến dịch bạo lực và phá hủy của Hồng Vệ Binh – « những tiểu tướng của Mao ».
Sau cuộc gặp gỡ của Hồng Vệ Binh và Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn, rất nhiều vụ bạo lực đã xảy ra, và máu đã nhuộm đỏ dưới danh nghĩa cuộc cách mạng vĩnh cửu. Le Monde trích lời một người đã từng là Hồng Vệ Binh cho biết họ rất ngạo nghễ. Họ làm thế vì họ có phù hiệu của Hồng Vệ Binh. Tất cả các xe hơi phải dừng lại đón họ và đưa tới bất cứ nơi nào họ muốn tới.
Các Hồng Vệ Binh cảm thấy họ được làm những nhiệm vụ rất thiêng liêng. Họ đi xẻ những ống quần bó sát vào người mặc, cắt những mũi giầy họ thấy quá nhọn. Khi họ vào một cửa hàng và chỉ cần hét lên là chủ cửa hàng là nhà tư bản thì ngay lập tức của hàng bị đóng cửa.
Đấy mới chỉ là điểm khởi đầu. Sau đó mọi chuyện nhanh chóng trở nên tồi tệ. 27 giáo viên đã bị đánh chết trong các trường học. Các con số chính thức cho biết trong những ngày cuối tháng 08/1966, mỗi ngày có 100-200 vụ giết người ở Bắc Kinh. Tổng số trong tháng Tám và tháng Chín năm1966 có 1772 người bị giết hại. Vài ngàn người bị đưa vào trại tập trung vì có « xuất thân giai cấp xấu ». Vài trăm người khác đã tự sát. Người ta cáo buộc họ đã làm mất sự tín nhiệm của dân chúng.
Các vụ giết người bùng nổ
Rồi sau đó, làn sóng giết người lan về nông thôn. Chẳng hạn như ở các làng thuộc huyện Đại Hưng, chính quyền địa phương tin rằng những người thuộc « hạng đen » như chủ đất, nông dân giàu có, những người phản đối cách mạng và các phần tử xấu sẽ trả thù nên đã hành động : 325 người bị giết hại, 22 gia đình bị giết cả nhà, kể cả trẻ sơ sinh cũng bị chặt làm đôi. Sự thanh trừng « những kẻ thù giai cấp » ở Đại Hưng là dấu hiệu báo trước các vụ sát hại sẽ nhuốm máu các vùng nông thôn Trung Quốc hai năm sau đó.
Ở Bắc Kinh, Hồng Vệ Binh quay sang giết hại những người bị chế độ ngờ vực và họ thực sự tin tưởng rằng các kẻ thù giai cấp đáng bị giết. Cảnh sát được lệnh không can thiệp và trên thực tế, chính cảnh sát cũng tham gia và các vụ giết người.
Trung Quốc vượt lên Mỹ
để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới
Les Echos trích dẫn Tổ Chức Thương Mại Thế Giới cho biết, năm 2015, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu lớn nhất Thế giới, chiếm 14% thị trường xuất khẩu thế giới. Mỹ đứng thứ hai với 9%. Đức đứng ở vị trí thứ ba với 8%. Tính theo châu lục, châu Á đứng đầu danh sách, chiếm 35,17% thị trường và châu Âu chiếm 35.15%.
Tổ Chức này cũng cho biết triển vọng tăng trưởng thương mại thế giới không sáng sủa lắm nhưng điều này cũng không gây bất ngờ. Tính về sản lượng, tăng trưởng thương mại đạt gần 3%, nguyên nhân là sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, sự tăng trưởng chậm của châu Âu và suy thoái kinh tế ở nhiều nước lớn như Nga, Brazil. Nhưng giá trị trao đổi thương mại thế giới lại giảm sút : xuất khẩu hàng hóa giảm 13% còn xuất khẩu trong lĩnh vực dịch vụ giảm 6%.
Trung Quốc dẫn đầu về xuất khẩu trang thiết bị văn phòng, điện thoại và dệt. Trong lĩnh vực may mặc, Trung Quốc cũng dẫn đầu với tổng giá trị xuất khẩu đạt 175 tỉ đô la Mỹ, theo sau là Mỹ (112 tỉ đô la), Bangladesh (26 tỉ đô la) và Việt Nam (22 tỉ đô la).
Về dịch vụ, trừ châu Mỹ và Trung Đông, vận chuyển hàng hóa ở các khu vực còn lại trên thế giới đều giảm từ 7-14%. Du lịch cũng suy giảm 5%, do tác động của tỉ giá hối đoái và đồng đô la Mỹ tăng giá.
Giá trị xuất khẩu của châu Âu đã giảm 12% nhưng điều an ủi là châu Âu vẫn dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như, xuất khẩu nông sản, các sản phẩm trogn lĩnh vực khai thác mỏ và dầu khí, hóa nhất và xe hơi. Bất chấp các lo ngại gia tăng về vấn đề an ninh và các căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi, Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ghi nhận số khách du lịch tới châu Âu đã tăng 4%. Châu Âu đã đón thêm được 24 triệu lượt khách du lịch so với năm 2014.
Apple sắp đạt ngưỡng bán ra 1 tỉ điện thoại iPhone
Les Echos cho biết, trong vòng chưa tới 10 năm, tính từ khi ra mắt điện thoại Iphone đầu tiên vào tháng 06/2007 cho tới cuối tháng 03/2016, Apple đã bán được 947 triệu iPhone.
Theo ước tính của hãng Apple, tính từ tháng 03/2016 tới nay, hãng này đã bán thêm được hơn 40 triệu iPhone. Như vậy, con số 1 tỉ iPhone bán ra sẽ đạt được trong những ngày sắp tới.
Hãng Apple đã bắt đầu làm quen với đơn vị hàng tỉ. Vào đầu năm 2016, Apple đã thông báo tổng cộng có một tỉ sản phẩm in hình quả táo cắn dở như iPhone, iPad, Mac, Watch, … đang được sử dụng. Năm ngoái, các sản phẩm có sử dụng hệ điều hành IOS cũng đã cán mốc 1tỉ. Các dịch vụ như WhatsApp, Messenger hay Facebook cũng có nhiều tỉ người sử dụng nhưng theo một nhà phân tích của Forrester, với một thiết bị cá nhân được bán với giá khá đắt như Iphone thì con số 1 tỉ khá là ấn tượng. Một nhà phân tích của IHS thì nhớ lại rằng, ban đầu, rất ít nhà quan sát hình dung ra một thành công như vậy. Apple đã thành công khi tạo ra hẳn một thị trường riêng chỉ với một sản phẩm duy nhất. Việc tung ra App Store vào năm 2008 với nhiều triệu ứng dụng trên mạng đã góp phần lớn vào thành công của Iphone.
Apple đã đưa Iphone trở thành một sản phẩm mang tính biểu tượng và hiện tượng dòng người dài vô tận nối đuôi nhau xếp hàng ở các cửa hàng trước giờ bán chính thức mẫu Iphone mới là một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử ngành công nghiệp.
Sự thành công của Iphone cũng cho thấy chưa bao giờ hãng Apple phụ thuộc nhiều vào Iphone như vậy. Vào tháng 03/2016, doanh thu từ Iphone chiếm 65% doanh thu của hãng nhưng điều đáng lo ngại là lần đầu tiên, việc bán Iphone đã suy giảm. Mức sụt giảm là 16%. Sau 13 năm tăng trưởng liên tục, doanh thu của hãng Apple đã giảm 13% và lợi nhuận thì giảm 23%. Les Echos nhận định, giải pháp đơn giản nhất và cũng là giải pháp sống còn của Apple là sự ra mắt thành công tới đây của Iphone 7.
Trang nhất các báo Pháp
Nhật báo Le Monde và nhật báo công giáo La Croix ra ngày hôm này đều đưa chủ đề các vụ tấn công diễn ra tại Đức trong những ngày qua lên trang nhất. Le Monde chạy tựa trang nhất : « Đức : cơn choáng váng sau hàng loạt vụ tấn công » và cho biết các vụ tấn công này đã lại làm dấy lên cuộc tranh luận về chính sách tiếp nhận người nhập cư của Thủ tướng Angela Merkel một năm sau khi làn sóng di dân đổ tới Đức. La Croix chạy tựa : « Sự điên rồ mang tính khủng bố » và nhận định các vụ tấn công vừa mang tính khủng bố vừa điên rồ xảy ra tại Pháp và Đức trong những ngày gần đây đều cho thấy sự bất ổn tâm lý của những kẻ đã gây tội ác.
Liên quan đến khủng bố tại Pháp, Libération chạy tựa với câu hỏi : «Liệu có phải nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh ? », cho biết chính quyền do dự khi đồng nhất cuộc chiến chống khủng bố với các xung đột vũ trang khác còn các nhà chuyên môn thì không thống nhất ý kiến.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : « Iphone : sự thành công ngoài sức tưởng tượng với sản phẩm thứ một tỉ ». Le Figaro lại đưa lên trang nhất vấn đề thuế ở Pháp với hàng tít : « Người làm công ăn lương ở Pháp bị đánh thuế nhiều nhất châu Âu ».
Nhận xét
Đăng nhận xét