Tin khắp nơi – 28/07/2016
TT Syria đề nghị
mở đường thoát cho phiến quân, thường dân Aleppo
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm thứ Năm đề nghị ân xá những phiến quân buông vũ khí và đầu hàng chính quyền trong vòng ba tháng tới.
Ngoài thỏa thuận ân xá, ông Assad và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga và chính phủ Syria sẽ mở tới bốn hành lang nhân đạo ra khỏi thành phố Aleppo đang bị vây hãm, ba hành lang cho thường dân và phiến quân muốn hạ vũ khí, và một hành lang cho phiến quân muốn rời đi với vũ khí của họ.
Trong phát biểu được chiếu trên truyền hình, ông Shoigu cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm khởi động một “hoạt động nhân đạo quy mô lớn” bên ngoài Aleppo để “giúp đỡ thường dân bị những kẻ khủng bố bắt làm con tin, cũng như những chiến binh muốn hạ vũ khí.”
Ngoài những hành lang nhân đạo, ông Shoigu cho biết sẽ có thực phẩm và những trạm sơ cứu được dựng lên bên ngoài thành phố.
Lực lượng chính phủ Syria đã bắt đầu chiếm lại Aleppo bằng việc sử dụng chiến thuật chiến tranh vây hãm. Ít nhất 250.000 thường dân được cho là đang mắc kẹt trong thành phố.
Thổ Nhĩ Kỳ củng cố lại hàng ngũ quân đội sau đảo chánh
Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ sa thải hơn 2.400 nhân viên quân sự, Hội đồng Quân sự Tối cao của nước này đã tề tựu trong một cuộc họp được hoạch định một cách vội vã để tìm cách khắc phục tình hình.
Những nhà lãnh đạo quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ giờ có nhiệm vụ thay thế 149 tướng lĩnh và đô đốc, gần một nửa trong số 358 thành viên thuộc hàng ngũ lãnh đạo quân sự cao cấp, bị tình nghi có dính líu trong cuộc đảo chính bất thành vào ngày 15 tháng 7.
Cuộc họp vào sáng thứ Năm có sự tham dự của Thủ tướng Binali Yildirim và những chỉ huy lục quân, hải quân và không quân của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng cửa 131 đài truyền hình, tòa báo và cơ quan truyền thông.
Hội đồng Quân sự có phần chắc sẽ nhanh chóng thăng cấp những sĩ quan cấp thấp để trám những vị trí hàng đầu.
Ngay trước cuộc họp, hai trong số những tướng lĩnh hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chức. Tham mưu trưởng Lực lượng Bộ binh, Tướng Ihsan Uyar, và Chỉ huy Bộ tư lệnh Huấn luyện và Học thuyết, Tướng Kamil Basoglu, đều từ nhiệm.
Ngoài những cuộc thanh trừng quân đội và đóng cửa truyền thông, ít nhất là một nhà báo đã bị câu lưu và lệnh bắt giữ đã được nhà chức trách ban hành cho gần 50 cựu thành viên của ban biên tập báo Zaman, tờ báo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát Pháp xác định danh tính kẻ tấn công nhà thờ thứ hai
Cảnh sát ở Pháp đã chính thức xác định danh tính người đàn ông thứ hai tham gia vụ tấn công tàn bạo tại một nhà thờ hồi đầu tuần này làm một linh mục thiệt mạng.
Abdel Malik Petitjean 19 tuổi sinh ra ở miền đông nước Pháp, đã bị nhà chức trách để ý sau khi anh ta tìm cách tới Syria. Cảnh sát đã xác định danh tính anh ta sau khi mẹ anh ta cung cấp một mẫu ADN.
Petitjean và Adel Kermiche, cũng 19 tuổi, xông vào một nhà thờ ở thị trấn Saint-Étienne-du-Rouvray ở miền bắc nước Pháp trong buổi thánh lễ sáng thứ Ba, cắt cổ một linh mục 86 tuổi và bắt thêm năm người làm con tin. Cả hai kẻ tấn công cuối cùng bị cảnh sát bắn chết và một trong số những con tin vẫn còn trong tình trạng nguy kịch.
Vào thời điểm thực hiện vụ tấn công, Kermiche đang chờ bị đưa ra xét xử về những cáo buộc liên quan tới khủng bố, và đang đeo một vòng điện tử.
Nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đã công bố một đoạn video cho thấy hai thanh niên này cầm một biểu ngữ IS và tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Pháp François Hollande đã gặp gỡ những nhà lãnh đạo tôn giáo trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những nỗi sợ hãi và tạo nên sự đoàn kết liên tôn giáo sau vụ mới nhất trong một loạt những vụ tấn công khủng bố ở Pháp.
Iraq phá hủy nhà của khủng bố
Nhà cửa của những phần tử khủng bố bị kết án ở tỉnh Babil, miền trung Iraq, sẽ bị tiêu hủy và thân nhân của họ sẽ bị tống khứ, theo một đạo luật mới được Hội đồng tỉnh thông qua.
Đây là đạo luật đầu tiên kiểu này được thông qua ở Iraq kể từ khi nhà độc tài Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.
Hội đồng tỉnh Babil cũng yêu cầu Baghdad bàn giao những kẻ khủng bố bị kêu án tử hình cho Babil để xử tử công khai.
Babil cách thủ đô khoảng 95 km về phía nam. Một thành viên trong Hội đồng tỉnh, ông Hassan Fadamm, cho biết chính quyền tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chặn khủng bố.
Ông nói: “Chúng tôi thất vọng với các nỗ lực của chính phủ trung ương trong việc duy trì an ninh và xử tử các thành phần chủ chiến bị kết án. Không gì ngăn chặn được những kẻ khủng bố một khi họ thấy rằng khi họ đi tù họ lại được đối đãi tốt.”
Các quan chức chính phủ Iraq tại Baghdad chưa phản hồi trước luật mới vừa kể.
Cùng ngày 27/7, các phần tử chủ chiến giết chết ít nhất 16 người, kể cả cảnh sát và thường dân, trong các cuộc tấn công riêng biệt bên trong và xung quanh thủ đô Baghdad.
Các vụ nổ xảy ra tại một trạm kiểm soát của cảnh sát, một khu mua sắm và một trại tị nạn.
Dù chưa ai nhận trách nhiệm cho các hành động khủng bố hôm nay (27/7), nhưng các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã tăng cường các cuộc tấn công kiểu này ở Baghdad sau những thất bại trên chiến trường và bị mất quyền kiểm soát các thị trấn ở Iraq.
Doanh nhân Hà Lan biến nước mưa thành bia
Tháng Sáu được ghi nhận là một trong những tháng mưa nhiều nhất trong hơn một thế kỷ qua tại nhiều nơi ở châu Âu. Đối với một nhóm doanh nhân tại Amsterdam, mưa xem như là ơn phước Chúa ban vì họ dùng lượng nước dư thừa ấy để nấu bia. Thông tín viên Serginho Roosblad có thêm chi tiết.
Đối với một số người đây có thể là điều gây khó chịu, nhưng đối với những người khác đây là một giải pháp toàn hảo không gây ô nhiễm: dùng nước mưa để nấu bia. Trong nỗ lực tận dụng lượng nước mưa thừa thãi trong mùa hè, một nhóm các doanh nhân Amsterdam và một nhà máy bia nhỏ ở địa phương cùng nhau tạo ra một giải pháp bền vững.
Doanh nhân Joris Hoebe cho biết: “Toán của chúng tôi cùng đưa ra một giải pháp, và đồng thời tôi cũng nấu bia cho chính mình. Tôi nghĩ mình cần nước để nấu bia, lại bị mưa nhiều như thế, tại sao lại không kết hợp hai việc này với nhau.”
Doanh nhân Pavel Van Deutekom tiếp lời: “Tất cả nước mưa hứng được trên mái nhà được chuyển đến một bồn chứa khổng lồ ở phía sau. Chúng tôi có đặt máy bơm và một bộ lọc để gạn những chất bẩn. Nước mưa được chứa ở đây, sau đó chảy qua ống vào bộ lọc và nước sạch chảy ra.”
Điều nghe chừng như đơn giản: hứng nước mưa trên mái nhà, lọc nước mưa và nấu bia, nhưng đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ông Hoebe tiếp cận nhà máy bia De Prael.
Ông Thomas Gesink thuộc nhà máy bia De Prael cho biết:“Chúng tôi bắt đầu nói chuyện nấu bia với nước mưa và tôi rất phấn khích, nhưng cũng hơi sốc vì chưa bao giờ nghe chuyện này. Nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi tới lịch trình những gì muốn thực hiện vì đây là kinh nghiệm đầu tiên, chưa ai từng làm, và đây là một dự án rất sáng tạo.”
Kể từ tháng Ba, nhóm thu được hơn 200 lít nước mưa và đưa vào sản xuất ra 1.000 lít bia. Hứng nước mưa là một chuyện nhưng lọc nước mưa để tiêu thụ là một thử thách.
Ông Gesink nói: “Chúng tôi phải đảm bảo là nước mưa được lọc sạch, được nấu sôi để không có vi khuẩn, không bị nhiễm khuẫn Legionella. Đây là bước chính, mất rất nhiều thì giờ, vốn không phải làm khi nấu bia thông thường.”
Mẻ bia đầu tiên gọi là “Hemelswater”, có nghĩa là nước uống từ thiên đàng, hầu như được bán sạch. Và giờ đây khi đã chinh phục được một nhà máy bia bắt đầu sản xuất bia bằng nước mưa, ông Hoebe nói có nhiệm vụ phải thuyết phục các ngành công nghiệp khác cũng có sản phẩm từ nước tận dụng nước mưa.
Ông Hoebe nói: “Chúng tôi muốn chú trọng đến những sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng mà cũng sử dụng nhiều nước. Chẳng hạn như súp hay giấy vì công nghiệp giấy cũng dùng nhiều nước. Do đó chúng tôi nghĩ tới tất cả các món hàng mà mọi người có thể mua và dùng, nhưng cũng là một công cụ để giúp mọi người nhận thức được vấn đề từ mưa.”
Cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu, mùa hè tại một số nơi ở châu Âu như Hà Lan chẳng hạn ngày càng nhiều mưa hơn. Cho nên sẽ có đủ lượng nước miễn phí dùng cho mọi công dụng.
Wikileaks công bố thư thoại
đánh cắp từ email các quan chức Đảng Dân chủ
WikiLeaks hôm thứ Tư đã công bố 29 bản thu âm mà họ nói là lấy từ máy chủ của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC).
Những thư thoại này, dường như được sao chép từ tài khoản email của bảy thành viên DNC, cho thấy những quan chức đảng khó chịu về ảnh hưởng của ứng cử viên Bernie Sanders đối với Đảng Dân chủ.
Tin tức cho hay một người không muốn Thượng nghị sĩ bang Vermont này đến diễn thuyết tại Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc và chống đối những lựa chọn của ông Sanders cho cương lĩnh năm 2016 của đảng.
Đây là lần thứ hai Wikileaks công bố nội dung những cuộc trao đổi nội bộ của DNC trong mấy ngày qua. Việc Wikileaks công bố 20.000 email ngay trước khi Đại hội Đảng Dân chủ Toàn quốc khai mạc đã khiến nữ chủ tịch của DNC, Debbie Wasserman Schultz, từ chức.
WikiLeaks, một tổ chức chuyên công bố những tài liệu gốc từ những nguồn ẩn danh và những người rò rỉ, công bố những dữ liệu này mà không nêu rõ nguồn gốc của chúng. Những email được gửi trong khoảng thời gian 17 tháng từ tháng 1 năm 2015 tới tháng 5 năm nay. Hồi tháng 6, DNC thông báo hệ thống của họ đã bị tin tặc xâm nhập.
Những quan chức Đảng Dân chủ lúc đó nói rằng tin tặc hoạt động ở Nga chịu trách nhiệm về vụ xâm nhập.
DNC chưa bình luận về những email mà Wikileaks phát tán, nhưng cũng không bác bỏ tính xác thực của chúng.
Jeff Weaver, người quản lý chiến dịch vận động tranh cử của ông Sanders, nói rằng những email này xác nhận “điều mà nhiều người chúng ta đã biết từ lâu,” rằng những thành viên DNC “tích cực giúp đỡ nỗ lực của bà Clinton và tìm cách gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử của Bernie Sanders.”
Thí sinh Olympic toán Bắc Hàn xin tỵ nạn
Một thí sinh Bắc Triều Tiên trong cuộc thi Olympic toán quốc tế đã xin tỵ nạn ở lãnh sự quán Hàn Quốc tại Hong Kong.
Chưa rõ chi tiết, nhưng báo South China Morning Post nói người này được cho là đã đến Hong Kong để tham gia kỳ thi Olympic toán quốc tế hai tuần trước.
Trung Quốc, nước có thẩm quyền với các vấn đề ngoại giao của Hong Kong, đã được thông báo về vụ việc này.
Phát ngôn viên cảnh sát nói với BBC tiếng Trung rằng họ đã được thông báo nhưng từ chối bình luận thêm.
Tuy nhiên, bà xác nhận rằng cảnh sát đang canh gác bên ngoài cổng vào tòa lãnh sự và các nhà báo phải ngừng quay phim.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng từ chối bình luận, và một quan chức nói rằng chính phủ không có bất kỳ bình luận gì liên quan đến những người đào tẩu từ Bình Nhưỡng.
Truyền thông địa phương đưa ra giả thuyết là chính phủ Hong Kong muốn tránh hậu quả tương tự từ những rắc rối xảy ra vào năm 2013, khi Edward Snowden trốn tại một khách sạn ở Hong Kong trước khi bay đến Nga để tỵ nạn tạm thời.
Theo luật của Hong Kong, Trung Quốc có thẩm quyền giải quyết các vấn đề ngoại giao vì Hong Kong là đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Trung Quốc thường trục xuất những công dân Bắc Hàn vượt biên trái phép. Trong khi đó Hàn Quốc thường tiếp nhận những công dân đào tẩu này.
Trang web của Bộ Thống Nhất Hàn Quốc nói rằng tới nay khoảng 29.000 công dân Bắc Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc từ cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Vào tháng 4/2016, 13 công dân Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng nước ngoài đã trốn sang Hàn Quốc; đây là cuộc đào tẩu số đông đầu tiên từ cùng một địa điểm. Nhóm thứ hai được nói đã trốn đi vào tháng Năm.
Đồng thời, cũng có tin hồi tháng Tư về việc một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên đào tẩu.
Indonesia sẽ hành quyết 14 tội phạm ma túy
Indonesia khẳng định sẽ hành quyết 14 người nhận án tử vì tội buôn ma túy trong những ngày tới.
Giới chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về các vụ hành quyết này, thúc giục Jakarta chấm dứt án tử hình “bất công”.
Danh tính của các tù nhân không được công bố nhưng trong số đó có công dân các nước Nigeria, Zimbabwe, Pakistan và Ấn Độ.
Họ sẽ bị hành quyết tại nhà tù trên đảo Nusakambangan.
Các tù nhân đã được báo trước chuyện này, theo luật Indonesia, và có thể bị xử tử sáng sớm hôm 29/7.
Tổng chưởng lý Muhammad Prasetyo cho biết 14 tử tù đang bị biệt giam. Việc hành quyết dự kiến diễn ra chậm nhất là hôm 31/7.
Zeid Ra’ad al-Hussein, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, bày tỏ quan ngại rằng các tù nhân đã không được xét xử công bằng, và kêu gọi Indonesia dừng các vụ hành quyết.
“Việc lạm dụng ngày càng nhiều áp phạt tử hình ở Indonesia là đáng lo ngại và tôi kêu gọi Jakarta phải lập tức chấm dứt những án phạt bất công và không phù hợp với nhân quyền,” thông cáo dẫn lời ông.
“Án tử hình không phải là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả so với các án phạt khác và cũng không bảo vệ người ta khỏi sự lạm dụng ma túy.”
Ông Hussein kêu gọi Indonesia khôi phục lại lệnh hoãn án tử hình đã bị gỡ bỏ ba năm trước đây.
Thân nhân đã đến thăm các tù nhân hôm 27/7 tại Nusakambangan.
Luật pháp Indonesia nghiêm minh nhất thế giới về trừng phạt tội phạm ma túy và việc hành quyết 14 người buôn ma túy – hầu hết là người nước ngoài – năm ngoái bị quốc tế lên án rộng rãi.
Các nhóm nhân quyền và luật sư đã vận động Tổng thống Joko Widodo ân xá cho các tử tù, nhưng nhà lãnh đạo cứng rắn khước từ kiến nghị tương tự năm ngoái.
Nếu việc hành quyết 14 diễn ra trước cuối tuần này, ông Widodo sẽ đưa số người bị xử tử trong hai năm nhiều hơn số người bị hành hình thập kỷ trước.
Obama kêu gọi ủng hộ Hillary Clinton
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi cử tri tiếp tục sự nghiệp của ông bằng việc ‘đưa bà Clinton tới chiến thắng’ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Ông Obama ca ngợi bà Clinton tại đại hội của Đảng Dân chủ ở Philadelphia, nói bà là người xứng đáng nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ông nói cử tri đang phải lựa chọn giữa hy vọng và lo sợ, ám chỉ ứng viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thế nhưng ông Trump bác bỏ lý lẽ của ông tổng thống.
Ông viết trên Twitter: “Đối với hàng triệu người dân tuyệt vời đang phải sống trong nghèo khổ, bạo lực và thất vọng, đất nước của chúng ta không vĩ đại chút nào”.
Phó Tổng thống Joe Biden cũng có bài phát biểu nói ông Trump “ủng hộ tra tấn”, “thiếu khoan dung về tôn giáo” và “phản bội các giá trị của chúng ta”.
“Ông ta không hiểu điều gì làm nước Mỹ trở nên vĩ đại”.
Khi ông Biden dứt lời thì đám đông cử tọa bắt đầu hò reo: “Không hiểu gì!”
Viễn cảnh phi thực tế
Ông Donald Trump nói trong một thông cáo rằng viễn cảnh mà Đảng Dân chủ đưa ra không mấy thực tế đối với phần đông dân chúng.
70% người Mỹ cho rằng đất nước Hoa Kỳ đang đi con đường sai lầm, theo ông tỷ phú.
“Chưa bao giờ có chính đảng nào xa rời thực tế cuộc sống đến như vậy.”
Tổng thống Obama khép lại buổi tối bằng việc điểm lại các chiến thắng chính của ông trong tám năm cầm quyền và đưa ra phán đoán lạc quan cho tương lai đất nước.
Ông ca ngợi tính cách của bà Clinton, nói bà là “người lãnh đạo có kế hoạch rõ ràng phá đổ các rào chắn và phát triển cơ hội cho mỗi người dân Mỹ”.
Ông đề cập tới bức tranh ảm đạm của ông Trump, nói rằng “đây không phải nước Mỹ mà tôi biết”.
Theo ông Obama, Hoa Kỳ là quốc gia “đầy dũng khí”, “đàng hoàng và hào phóng”, tuy nhiên ông cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng chia rẽ sắc tộc và “bế tắc chính trị”.
Nhấn mạnh về các phẩm chất của người Mỹ, ông Obama phát biểu: “Rất nhiều lần quý vị nâng tôi dậy. Và tôi hy vọng có lần tôi cũng giúp lại được quý vị”.
“Tối nay, tôi xin đề nghị quý vị giúp bà Hillary Clinton như quý vị từng giúp cho tôi. Tôi đề nghị quý vị nâng đỡ bà ấy như đã từng nâng đỡ tôi.”
Bà Clinton đã bước lên khán đài và ôm hôn ông Obama sau khi ông kết thúc diễn văn.
Động vật chết đói ở Venezuela
Khoảng 50 động vật ở một trong những vườn thú chính của Venezuela đã chết đói trong sáu tháng vừa qua vì thiếu hụt thức ăn kéo dài.
Người đứng đầu công đoàn trong các vườn thú quốc gia, Marlene Sifontes, nói với hãng tin Reuters rằng có những con đã đói khoảng hai tuần trước khi chúng chết.
Bà nói sư tử và hổ ở trong vườn thú Caracas được cho ăn xoài và bí ngô để bù vào khẩu phẩn thịt của chúng.
Các công chức chính quyền bác bỏ lý do những cái chết này là do thiếu thức ăn.
Vườn thú ở các thành phố khác đang ở trong tình trạng còn tồi tệ hơn, một số bắt buộc phải xin trái cây, rau quả và thịt từ các doanh nghiệp địa phương, theo báo cáo.
Marlene Sifontes nói: ” Câu chuyện của các loài động vật ở Caricuao là phép ẩn dụ cho sự khổ cực của người dân Venezuela.”
Venezuela đang trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng, dẫn đến thiếu hụt thực phẩm và cướp phá thường xuyên.
Tổng thống Nicolas Maduro đổ lỗi các vấn đề của đất nước lên cái ông gọi là ‘chiến tranh kinh tế’, tạo ra bởi các nhà kinh doanh và các bên đối lập.
Bên đối lập đổ lỗi cho quản lý kinh tế tồi tệ của chính phủ và sự phụ thuộc nặng nề vào dầu khí trong khi giá dầu giảm mạnh.
Thể thao : Công cụ tuyên truyền của tổng thống Putin
Mặc dù có những phát giác nghiêm trọng về một hệ thống sử dụng doping có tổ chức ở quy mô chính phủ và nhiều lời kêu gọi loại Nga ra khỏi Olympic Rio 2016, cuối cùng vụ bê bối cấp Nhà nước của thể thao Nga đã được cởi nút nhẹ nhàng bằng quyết định của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế ( CIO) không kỷ luật tập thể vận động viên Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin, một người luôn coi thể thao như là một công cụ tuyên truyền cho sức mạnh quốc gia, có thể thở phào nhẹ nhõm. Từ khi vụ bê bối vỡ lở cho đến khi có quyết định của CIO, tổng thống Putin cố gắng kiềm chế phản ứng, chỉ đưa ra những tuyên bố theo kiểu chủ trương như : doping « không có chỗ trong thể thao ». Tuy nhiên, giới quan sát có thể nhận thấy vụ việc lần này là một đòn nặng nề đánh vào tham vọng của tổng thống Putin muốn đưa nước Nga trở thành cường quốc thể thao số 1 thế giới.
Ông Konstantin Kalatchev, nhà phân tích chính trị Nga nhận định : « Dưới thời Putin, uy thế của đất nước không chỉ được đo bằng số lượng tên lửa, đầu đạn, máy bay xe tăng mà còn cả số lượng các huy chương, những chiến thắng hay danh hiệu vô địch giành được ». Theo chuyên gia Kalatchev thì với ông Putin, người Nga phải tìm lại niềm tự hào mà thể thao đã mang lại cho họ dưới thời Liên Xô.
Thể thao : Từ đam mê cá nhân
Bản thân là người hâm mộ thể thao, có đai đẳng cao nhất trong môn judo, chơi khúc côn cầu trên băng, không ít lần xuất hiện mình trần vạm vỡ của một nhà thể thao, ông Putin trên cương vị người đứng đầu quốc gia chăm chút xây dựng cho mình hình ảnh của một vận động viên. Với tổng thống Putin, thể thao luôn nhân tố quan trọng trong việc gây dựng hình ảnh của một nước Nga hùng cường.
Từ khi bước lên vũ đài chính trị cách đây 17 năm, ông Putin luôn coi thể thao là công cụ để tạo nên sức mạnh cá nhân. Ngay từ tháng Giêng năm 2000, khi nhân vật không mấy ai biết đến này được Boris Eltsine tiến cử kế thừa quyền lực, Vladimir Putin đã xuất hiện với những hình ảnh phố trương cơ bắp và thể hiện tài năng của một võ sĩ Judo. Mục đích để chứng minh ông sẽ không phải là một vị nguyên thủ ốm yếu mà là một tổng thống năng động mạnh mẽ.
Thể thao chiếm một vị trí quan trong trong sinh hoạt cá nhân của Putin. Những người thân cận với tổng thống Nga cho biết mỗi ngày ông dành 2 giờ để luyện cơ bắp. Trong tất cả các tư dinh của tổng thống đều có phòng luyện tập thể thao với đầy đủ các loại trang thiết bị cần thiết. Trong số những người thân cận của Putin, có rất đông các vận động viên, những tên tuổi nổi tiếng trong là thể thao. Một trong hai cô con gái của ông là Ekaterina là nhà vô địch Dance Sport. Theo báo chí Nga thì người phụ nữ chung sống với ông Putin hiện nay là cựu vô địch Olympic môn thể dục dụng cụ Alina Kabaeva.
Thể thao : Đến công cụ quảng bá chính trị hữu hiệu
Thể thao không chỉ chiếm một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày mà còn được ông Putin thường xuyên xử dụng như là công cụ quảng bá chính trị. Năm 2000, khi tiễn đoàn thể thao Nga đi dự Thế vận hội mùa hè Sydney, tổng thống Putin tuyên bố : « Chiến thắng trong thể thao có tác dụng đoàn kết dân tộc nhiều hơn cả trăm khẩu hiệu chính trị ».
Ông tham gia tất cả các cuộc trình diễn thể thao lớn tại Nga và thường xuất hiện bên cạnh các nhà vô địch mà ông rất ngưỡng mộ và họ cũng là người được ông dành cho nhiều ân sủng, giống như dưới thời Xô Viết cũ. Mỗi khi chỉ số uy tín trong dân của ông bị sụt giảm, người ta thường thấy, truyền thông đưa những hình ảnh Putin mình trần cưỡi ngựa, Putin đi trượt tuyết, trượt băng, chơi khúc côn cầu hay putin trong bộ đồ lặn giữa biển khơi….
Năm 2007, tổng thống Putin không ngần ngại đích thân sang tận Guatemala đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh trước các thành viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế để thuyết phục bỏ phiếu cho thành phố Sotchi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2014.
Chuyến đi của ông đã thành công. Sotchi được đăng cai Olympic mùa đông 2014. Đích thân tổng thống Putin chỉ đạo giám sát và ông không tiếc tiền của Nhà nước để chuẩn bị cho kỳ thế vận hội hoành tráng nhất, cũng tốn kém nhất.
Trước sự kiện Sotchi, năm 2010, đang trên đà trở lại vị trí cường quốc thể thao, Nga được trao quyền tổ chức Cúp bóng đá Thế giới World Cup 2018. Nước Nga lại trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Tổng thống Putin một lần nữa chỉ đạo huy động mọi nguồn lực tài chính cho sự kiện thể thao tầm thế giới này bất chấp nước Nga bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế.
Ông Evgueni Sliousarenko, phó giám đốc trang mạng thể thao Championat.com nhận định :« Như dưới thời Liên Xô, thể thao được sử dụng vì những lý do chính trị đối nội. Vào thời điểm này là để củng cố tinh thần ái quốc, đẩy cao uy tín của chính quyền trong nước ».
Các chuyên gia cũng nhận thấy, vụ bê bối sử dụng doping có tổ chức lần này tuy nhiên không ảnh hưởng đến uy tín của tổng thống Putin ở trong nước. Bởi vì, theo họ, hiện nay rất đông người Nga tin rằng những cáo buộc vừa rồi với thể thao Nga là nằm trong âm mưu của phương Tây muốn làm mất ổn định nước Nga, làm tổn hại hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế.
Tất nhiên các nhà chính trị Nga ở Kremlin cũng có cùng nhìn nhận vụ bê bối doping này mang động cơ chính trị. Cho dù tất cả họ đều hiểu rằng tổng thống Nga cũng là người đã không ít lần dùng thể thao như là một công cụ tuyên truyền chính trị.
Đến lúc này, đoàn thể thao Nga tiếp tục lên đường tới Rio tuy lực lượng vận động viên đỉnh cao đã bị hao hụt đi nhiều bởi phải qua « sàng lọc » của các liên đoàn quốc tế các bộ môn thể thao. Trong buổi lễ tiễn đoàn thể thao Nga đi dự Olympic Rio 2016, ngày 27/07 tại Matxcơva, tổng thống Nga tuyên bố việc thiếu vắng nhiều vận động viên đỉnh cao của Nga tại Rio sẽ khiến cho các cuộc so tài ở Olympic 2016 kém hấp dẫn đi nhiều và không có được hương vị chiến thắng thực sự. Một tuyên bố có vẻ chừng mực của lãnh đạo Nga nhưng cũng không giấu được ngậm ngùi thất bại.
Đoàn thể thao Nga đến Rio 2016 với lực lượng hao hụt
Hôm Chủ nhật vừa qua, sau bản báo cáo McLaren của Cơ quan chống Doping Thế giới khẳng định tình trạng sử dụng doping có tổ chức được sự hỗ trợ của chính phủ trong thể thao Nga, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã phải nhanh chóng ra quyết định. CIO đẩy trách nhiệm cho các liên đoàn thể thao quốc tế sàng lọc những vận động viên sạch của Nga được quyền tham dự thế vận hội mùa hè Rio 2016, với những tiêu chí của CIO : Không có tiền sử dùng doping, không bị nêu tên trong bản báo cáo McLaren và có kết quả kiểm tra chống doping một cách rõ ràng và tin cậy, tức được thực hiện bên ngoài nước Nga.
Ngay sau đó hơn một chục liên đoàn quốc tế của các bộ môn thể thao liên quan đã tiến hành sàng lọc và công bố danh sách các vận động viên Nga không đủ tiêu chuẩn dự Rio 2016. Tổng số đã có hơn 100 vận động viên Nga bị cấm. Đoàn Nga đến lúc này chỉ còn lại 279 vận động viên đủ điều kiện đến Brazil thi đấu và họ đang lần lượt tới Rio.
Hàn Quốc : Biểu tình phản đối Quỹ hỗ trợ « phụ nữ giải sầu »
Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra tại thủ đô Seoul ngày 28/07/2016 giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối lễ ra mắt một quỹ hỗ trợ các « phụ nữ giải sầu».
Bên ngoài buổi lễ khai trương hiệp hội trên, vài chục người biểu tình đã hô lớn : « Các người không thể lấy tiền bịt miệng các nạn nhân », đồng thời giương cáo biểu ngữ : « Đó không phải là điều mà phụ nữ giải sầu muốn ».
Theo AFP, rất nhiều sinh viên đã xông vào được phòng họp báo song họ nhanh chóng bị cảnh sát đưa ra ngoài.
Quỹ hỗ trợ « phụ nữ giải sầu » cố giảm nhẹ quy mô cuộc buổi biểu tình phản đối và cho rằng hành động này, do một số ít người gây ra, đi ngược với bản thỏa thuận với Tokyo.
Bà Kim Tae Huyn, người đứng đầu tổ chức, khẳng định trước báo giới : « Một số nạn nhân mà tôi được gặp đã bày tỏ lòng biết ơn với bản thỏa thuận này, trong khi họ vẫn còn sống ». Bà cho biết đã nói chuyện với 37 trên tổng số 40 nạn nhân Hàn Quốc còn sống và theo bà, họ đã ủng hộ dự án trên.
Hồ sơ « phụ nữ giải sầu » vẫn là cái gai trong mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo từ nhiều thập niên. Rất nhiều người Hàn Quốc vẫn coi đây là một bằng chứng cho những lạm dụng và bạo lực do quân đội Thiên Hoàng gây ra trong suốt thời gian chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến 1945.
Tháng 12/2015, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết bản thỏa thuận giải quyết dứt điểm hồ sơ“phụ nữ giải sầu“, theo đó Nhật Bản « thành thật xin lỗi » và hỗ trợ 1 tỷ yen (7,5 triệu euro) để thành lập một quỹ hỗ trợ cho những phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật trong thời kỳ chiến tranh nay vẫn còn sống. Thế nhưng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc và các nhà đấu tranh tố cáo bản thỏa thuận này và cáo buộc Tokyo phủ nhận trách nhiệm pháp lý của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét