Tin khắp nơi – 26/07/2016

Tin khắp nơi – 26/07/2016

Sự thống trị về tài chính của Anh lung lay

khi các địch thủ nắm cơ hội Brexit

Henry Ridgwell
Trên hầu hết mọi phương diện, London cạnh tranh với New York như là một trung tâm tài chính toàn cầu thực thụ duy nhất. Nhưng việc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit, có nghĩa là thành phố này có thể mất đi quyền kinh doanh các dịch vụ được miễn thuế trên toàn khối và có nguy cơ mất đi vị thế là trung tâm tài chính của châu Âu. Một số ngân hàng đã nói họ có thể chuyển hoạt động sang đại lục châu Âu.
Với viễn cảnh rời khỏi Liên minh châu Âu và mất đi sự tiếp cận với thị trường chung của 500 triệu người trong khối EU đang làm cho thành phố London run rẩy. Ông David Slater là giám đốc về phát triển kinh doanh quốc tế của công ty London & Partners.
Ông nói: “Đây là cuộc thương lượng (với EU). Thị trưởng thành phố London đã nói rõ ràng, cũng như thủ tướng đã nói rằng chúng tôi muốn thương lượng để tiếp tục có được sự tiếp cận tới thị trường chung này.”
Nhưng những nhà lãnh đạo của EU quả quyết rằng Anh không thể có sự tiếp cận với thị trường chung cùng lúc hạn chế người châu Âu vào nước Anh – tức là nguyên nhân chính đưa chiến dịch ‘Rời Bỏ’ châu Âu tới chiến thắng vào tháng 6 vừa qua.
Do đó với việc nước Anh dường như đang trên đường ra khỏi thị trường chung này, các thành phố khác đang nhắm tới vị trí thành phố dẫn đầu châu Âu của London.
Cùng với Frankfurt của Đức, Paris cũng nằm trong những thành phố cạnh tranh tốt nhất cho vị trí này. Chính phủ Pháp gần đây cho biết sẽ trải thảm đỏ cho các công ty rời bỏ Brexit và hứa hẹn sẽ làm cho hệ thống thuế khóa giành cho người nước ngoài ở Pháp tốt nhất châu Âu. Ông Arnaud De Bresson là giám đốc điều hành của Paris Europlace có trụ sở chính ở Paris.
Ông cho biết: “Chúng tôi có các công ty quốc tế. Nếu so sánh với 10 năm về trước, thì tình trạng hiện nay hoàn toàn thay đổi. Các tập đoàn của Pháp thậm chí chiếm một phần chính trong các hoạt động của họ trên toàn cầu.”
London cũng là trung tâm công nghệ của châu Âu với hơn 3000 công ty khởi nghiệp có trụ sở ở đây và nhiều trong số đó ở xung quanh khu vực được gọi là Silicon Roundabout.
Berlin cũng nhắm đến cơ hội này. Bản thân Berlin đã là thành phố công nghệ lớn thứ 2 của châu Âu và có giá nhà đất rẻ hơn London. Ông Lukas Kampfmann là giám đốc tiếp thị của Factory Berlin, một trung tâm của những công ty khởi nghiệp về công nghệ ở thủ đô của Đức.
Ông nói: “Với Brexit, London đã hầu như tự loại khỏi cuộc đua. Và chúng tôi tin rằng qua thời gian sự thắng thế của Berlin sẽ lớn dần lên và sẽ có nhiều công ty khởi nghiệp hơn tới Berlin.”
Trong một bài viết gần đây, báo New York Times đã đánh giá Amsterdam là thành phố số 1 trong cuộc đua giành vương miện của London nhờ có những kết nối toàn cầu của nó cùng với dân số nói tiếng Anh và sự hấp dẫn đối với người nước ngoài.
Nhưng những người khởi xướng của London một mực cho rằng thành phố này vẫn sẽ là số 1. Ông David Slater của London & Partners nói với VOA:
“Bởi vì những người làm kinh doanh và có chuyên môn muốn tiếp tục ở lại đây và chính phủ và thị trưởng của London sẽ làm mọi thứ có thể để giữ họ ở lại.”
London đóng góp gần ¼ thu nhập toàn quốc của Anh. Việc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu đã làm cho thành phố này rơi vào tình trạng bấp bênh và các đối thủ ở châu Âu đang theo dõi với một sự thích thú.

Miền nam của Đức chứng kiến hàng loạt vụ tấn công

Nước Đức đang choáng váng vì bốn vụ tấn công bạo lực xảy ra trong vòng một tuần. 10 người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong những vụ tấn công bằng súng, bom, rìu và mã tấu: ba vụ ở bang miền nam Bavaria, một vụ ở bang Baden-Wuerttemberg. Nhà chức trách nói rằng những vụ tấn công này không liên quan tới nhau, nhưng chúng làm tăng mối lo ngại về tình trạng an ninh trong nước.
Vụ tấn công mới nhất xảy ra hôm Chủ nhật gần một địa điểm tổ chức nhạc hội ngoài trời tại thị trấn nhỏ Ansbach thuộc vùng Bavaria. Một người Syria 27 tuổi tự cho mình nổ tung và làm bị thương 15 người. Nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công và giới hữu trách Đức hôm thứ Hai nói rằng họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tuyên bố này có thể đúng.
Bộ trưởng Nội vụ bang Bavaria Joachim Hermann phát biểu:
“Trên điện thoại di động của hắn ta có một video cho thấy hắn ta đưa ra lời đe dọa tấn công bằng tiếng Ả-rập mà bây giờ chúng tôi đã nhận được bản dịch sơ bộ. Trong đó, hắn ta rõ ràng tuyên bố sẽ trả thù nhắm vào người Đức vì hắn ta nói họ đang cản đường người Hồi giáo, và báo thù về những vụ giết hại người Hồi giáo ‘nhân danh Hồi giáo,’ cũng như tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.”
Cảnh sát cho biết họ đã tìm thấy nhiều vật liệu chuyên dùng để sản xuất thuốc nổ khi họ lục soát nơi cư trú của anh ta.
Nhưng vụ một người Syria khác sát hại một người phụ nữ trước đó hôm Chủ nhật dường như không liên hệ tới khủng bố. Thiếu niên người Đức gốc Iran này bắn chết chín người và chính mình tại thành phố Munich từng mắc phải những vấn đề về tâm thần. Không có dấu hiệu cho thấy anh ta có liên hệ tới bất kỳ nhóm khủng bố nào, nhưng có vẻ như anh ta đã lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công trong một khoảng thời gian. Một người tị nạn Afghanistan gây thương tích cho năm hành khách trên một chuyến tàu bằng rìu và dao vào tuần trước, và bị cảnh sát bắn hạ. Hung thủ đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo.
Phát ngôn viên chính phủ Ulrike Demmer nói:
“Những hành động trong những ngày và những tuần qua không cho thấy một cục diện nhất quán. Hầu hết những kẻ khủng bố thực hiện những vụ tấn công ở Châu Âu trong những tháng vừa qua không phải là người tị nạn. Những yếu tố này tương ứng với những nghiên cứu cho thấy mối nguy khủng bố không cao hơn mà cũng không thấp hơn từ người tị nạn so với phần còn lại của dân số.”
Người Đức đang rúng động vì hàng loạt những vụ bạo lực gần đây.
Bà Claudia Frosch, một người chứng kiến vụ đánh bom ở Ansbach:
“Rõ ràng là bây giờ chúng tôi sợ hơn, nhưng tôi không có bất kỳ mối hiềm khích nào với người nước ngoài, những người tị nạn.”
Nhà chức trách Đức nói rằng nước này phải có sự chuẩn bị và được trang bị để chặn đứng những vụ tấn công như vậy bởi vì không thể loại trừ những vụ tấn công này trong tương lai.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

gặp phe đối lập sau cuộc đảo chánh bất thành

Dorian Jones
Trong một động thái được xem như nhằm xoa dịu những căng thẳng chính trị, ngày thứ Hai, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp phe đối lập. Tuy nhiên theo tường trình của Thông tín viên Dorian Jones từ Istanbul thì những lo ngại tiếp tục gia tăng vì việc đàn áp những người âm mưu đảo chánh bất thành trước đây trong tháng đang lan sang những người chỉ trích tổng thống nữa.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp lãnh tụ Đảng Quốc gia Hành động Devlet Bahceli và ông Kemal Kilicdarolgu lãnh tụ đảng đối lập chính là Đảng Nhân dân Cộng hòa, hay CHP. Tuy nhiên đảng thân người Kurd chính là đảng HDP không được mời tham dự.
Cuộc họp mặt kéo dài gần 3 giờ đồng hồ diễn ra giữa những lo ngại ngày càng tăng về những vụ đàn áp kể từ khi âm mưu đảo chánh bất thành ngày 15 tháng 7 vừa qua.
Ông Semih Idiz, một nhà bình luận của báo Cumhuriyet Thổ Nhĩ Kỳ nói với việc tất cả các đảng đối lập chống lại cuộc đảo chánh, tổng thống bắt buộc phải tổ chức hội nghị. Tuy nhiên ông nói có nhiều việc cần phải làm để xây dựng một sự đồng thuận chính trị nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng.
Ông Idiz nói: “Chúng ta tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong một tình trạng mà mọi thần kinh đều căng thẳng hết mức và dẫn đến cuộc đảo chánh này. Chúng ta đã chứng kiến những lời qua tiếng lại nặng nề giữa từng lớp ưu tú cai trị và phe đối lập. Và có nhiều chướng ngại cần phải vượt qua để cuộc hòa giải này có ý nghĩa.”
Trong một tuyên bố ngắn đảng CHP mô tả cuộc họp là tích cực. Hôm Chủ nhật, đảng CHP tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại quảng trường Taksim để ủng hộ dân chủ và chống lại âm mưu đảo chánh. Bỏ qua những chia rẻ chính trị sâu rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, những thành viên có uy tín của Đảng Công lý và Phát triển AKP đương quyền cũng tham dự.
Ông Soli Ozel, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại trường đại học Kadir Has ở Istanbul nói biểu tượng của cuộc họp ngày thứ Hai là một bước tiến quan trọng về phía giảm bớt những căng thẳng.
Ông Ozel cho biết: “Ông Erdogan được xem như là một nhân vật phân cực, do đó khi ông có những bước hòa giải, việc này vang xa hơn những bước của bất cứ người nào khác. Theo ý nghĩa đó, động thái này, cuộc gặp gỡ này, những bức hình chúng ta sẽ thấy- sẽ có tầm quan trọng rộng lớn đối với tiến trình hòa giải, đối với tiến trình giảm bớt căng thẳng trong nước.”
Tuy nhiên căng thẳng vẫn còn cao giữa những lo ngại về những vụ đàn áp đang tiếp diễn vượt qua khuôn khổ những người có liên hệ đến cuộc đảo chánh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, và hơn 60.000 người đã bị bắt giữ hay bị cho nghỉ việc. Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cáo buộc là một số người bị giam cầm bị đối xử tồi tệ và bị tra tấn.
Hôm Chủ nhật, lãnh tụ đối lập Kilicdarolgu lên án việc đối xử tồi tệ những người bị giam giữ và kêu gọi việc cai trị theo luật pháp phải được áp dụng.
Nhà bình luận Idiz nói xây dựng một sự đồng thận chính trị là thiết yếu để bảo vệ các quyền và giảm bớt những lo ngại là tổng thống đang dùng những hệ quả của cuộc đảo chánh để theo đuổi lịch trình chính trị của ông mà theo cảnh báo của ông Idiz là có thể có những hậu quả nguy hiểm.
Ông Idiz nói: “Nếu ông có vẻ như sử dụng việc này để theo đuổi tham vọng riêng, hoàn tất tham vọng của ông…thì việc này sẽ gia tăng bất ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ và ngay cả làm tăng cảm tình đối với một số người âm mưu đảo chánh. Dĩ nhiên trong giai đoạn này có thể không nghĩ tới, nhưng tất cả đều tùy thuộc vào cách thức ông Erdogan hành xử từ lúc này.”
Hôm thứ Hai, những lo ngại về đàn áp tăng thêm, khi trát bắt giam được đưa ra đối với 42 nhà báo, trong đó có bà Nazli Ilicak, một trong những nhà bình luận nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan sát viên cảnh báo là với con số những vụ bắt giữ dường như đang được mở rộng, việc xây dựng một sự đồng thuận giữa các đảng dường như không còn thời gian nữa, đe dọa sẽ có thêm nhiều xáo trộn trong những ngày tới.

Phu nhân Obama chỉ trích Trump

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama bài bác ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump và bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với bà Hillary Clinton tại Hội nghị Đảng Dân chủ ở Philadelphia.
“Ngôn ngữ thù hận… từ các nhân vật của công chúng trên truyền hình không đại diện cho tinh thần thực sự của đất nước này,” bà nói trong tràng vỗ tay và tiếng hô vang.
“Đừng hạ mình ngang hàng với họ. Châm ngôn của chúng ta là, khi họ hạ mình thì chúng ta vươn lên kiêu hãnh.”
Trước đó, Nghị sỹ bang Vermont, Bernie Sanders hối thúc thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton.
Bà sẽ nhận vị trí ứng viên tổng thống đại diện cho đảng vào thứ Năm.
“Trong khi Donald Trump bận rộn xỉa xói hết nhóm này tới nhóm khác, bà Hillary Clinton hiểu rằng sự đa dạng chính là sức mạnh lớn nhất của chúng ta,” ông Sanders nói.
Một số thành viên ủng hộ nghị sỹ, từng là đối thủ của bà Clinton trong vòng tranh cử sơ bộ, bày tỏ phản đối khi tên bà Clinton được nhắc tới, một số người khác dán băng dính lên miệng với chữ “im lặng”.
Bài phát biểu của bà Obama được nhiều người cho là tấn công ông Trump, tuy bà không nhắc trực tiếp tới tên ông.
Bà nói bà muốn người kế nhiệm chồng bà là “người hiểu công việc này và coi đó là chuyện nghiêm túc”.
Bà nói “chỉ có duy nhất một người mà tôi tin tưởng với trách nhiệm ấy, người duy nhất tôi tin là có đủ năng lực để trở thành tổng thống… và đó là bạn của chúng ta – Hillary Clinton”.
Bà nói nhờ có ứng viên này mà “con gái và toàn bộ con trai, con gái chúng ta giờ coi việc một phụ nữ có thể làm tổng thống Hoa Kỳ là bình thường.”
Trong một đoạn khác, bà khen ngợi bà Clinton “thực sự là người phục vụ nhân dân”, người đã chứng tỏ “lòng cống hiến cho thế hệ sau của dân tộc chúng ta” và “chưa bao giờ gục ngã trước áp lực”.
Sau bài phát biểu, Tổng thống Obama viết trên Twitter: “Bài diễn văn tuyệt vời của một người phụ nữ tuyệt vời. Không thể tự hào hơn thế và đất nước chúng ta thật may mắn có được bà là đệ nhất phu nhân. Yêu em, Michelle.”
Garry Mauro, Trưởng đoàn đại diện của bà Clinton ở Texas, nói diễn văn của bà Obama “hay tuyệt vời”.
Ông Trump, người chỉ trích các đối thủ của mình, của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, với ngôn ngữ màu mè trên Twitter, nói ông Sanders “bị bà Clinton chinh phục hoàn toàn”.
Ông cũng phản đối các đại biểu khác trong Hội nghị Đảng Dân chủ, trong đó có nghị sỹ Cory Booker và Elizabeth Warren, nhưng không nhắc tới phu nhân Obama.
Năm lần bà Michelle Obama nhắc tới Donald Trump
“Khi một người hung bạo hay hành động như một kẻ ưa bắt nạt, chúng ta không hạ mình ngang hàng với họ”
“Chúng ta hối thúc chúng [con cái chúng ta] bỏ qua những ai đặt câu hỏi về tín ngưỡng hay quốc tịch của những ai thắc mắc về cha mẹ họ”
“Đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng đất nước này không tuyệt vời”
Những vấn đề mà một tổng thống phải đối mặt “không thể chỉ gói gọn trong 140 chữ”
Tổng thống lý tưởng “không thể dễ bị tự ái hay dễ nổi nóng”
Mốc chính trong hội nghị hôm thứ Hai 25/07
Nghị sỹ Warren chỉ trích hồ sơ kinh doanh của ông Trump
Nghệ sỹ hài Sarah Silverman, người ủng hộ ông Sanders, kêu gọi ủng hộ bà Clinton
Câu nói: “Ở Mỹ, tình yêu luôn chiến thắng hận thù” được tung hô, vỗ tay vang dội nhất
Hội nghị Đảng Dân chủ – những điều cần biết
Image copyrightGETTYImage captionCả đệ nhất phu nhân và người từng là đối thủ của bà Clinton, ông Bernie Sanders cùng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ nữ ứng viên của Đảng Dân chủ
1. Để làm gì? Ở hội nghị, mỗi đảng chính thức đưa ra ứng viên tổng thống của mình, và đảng công bố nền tảng hoạt động của mình, hay tuyên ngôn 2. Có những ai? Có khoảng 5.000 đại biểu tham dự, được lựa chọn từ hội nghị ở tiểu bang và ở quận hạt, và đại diện cho mỗi bang và lãnh thổ Hoa Kỳ. Thêm vào đó là khoảng 15.000 phóng viên và hàng chục ngàn doanh nhân, dân biểu và khách mời. 3. Lịch trình:
Thứ Ba 26/07: Cựu Tổng thống Bill Clinton, mẹ của Travon Martin, bà Sybrina Fulton
Thứ Tư 27/07: Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên đồng hành ở vị trí Phó Tổng thống, ông Tim Kaine
Thứ Năm 28/07: Bà Hillary Clinton, do con gái Chelsea dẫn lời giới thiệu

IS nhận trách nhiệm vụ giết linh mục Pháp

Một linh mục bị giết chết khi hai kẻ có vũ trang tấn công nhà thờ ở ngoại vi Rouen, miền bắc nước Pháp.
Những kẻ tấn công đã xông vào nhà thờ tại Saint-Etienne-du-Rouvray khi đang có buổi lễ, bắt cha xứ Jacques Hamel, 84 tuổi, và bốn người khác làm con tin.
Cảnh sát sau đó đã bao vây nhà thờ, và truyền hình Pháp nói có những tiếng súng vang lên sau khi cảnh sát tới hiện trường. Cả hai kẻ bắt giữ con tin hiện đều đã chết.
Hãng tin Amaq vốn có liên hệ với nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), nói “hai chiến binh IS” đã tiến hành vụ tấn công.
Phát biểu tại Saint-Etienne-du-Rouvray, Tổng thống Francois Holande nói những kẻ tấn công đã phạm tội “ám sát một cách hèn nhát”, và Pháp sẽ chống lại IS “bằng mọi cách”.
Đức Giáo hoàng Francis lên tiếng về “nỗi đau và sự khủng khiếp của vụ bạo lực vô lý này”.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Pháp, Pierre-Henri Brandet, nói một trong những con tin bị thương nặng, trong tình trạng nguy kịch.
Ông nói những kẻ bắt con tin đã bị “vô hiệu hóa” sau khi ra khỏi nhà thờ. Cảnh sát hiện đang lục soát nhà thờ để tìm chất nổ.
Các nguồn tin cảnh sát nói dường như những kẻ tấn công đã dùng dao cắt cổ vị cha xứ.
Khu vực hiện bị phong tỏa và cảnh sát nói mọi người tránh xa.
Ông Brandet nói công tác điều tra về vụ việc mới nhất này sẽ do các công tố viên chống khủng bổ đảm nhận.
Một trong hai kẻ tấn công là đối tượng đã bị các lực lượng tình báo Pháp để ý, kênh truyền hình Pháp M6 tường thuật.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls bày tỏ sự kinh hoàng về “vụ tấn công man rợ” này.
“Cả nước Pháp và tất cả những người Công giáo đau đớn. Chúng ta sẽ sát cánh bên nhau,” ông viết trên Twitter.
Một nhân viên làm việc tại tiệm chăm sóc sắc đẹp địa phương, Eulalie Garcia, cho hay cô biết vị cha xứ từ khi cô còn bé.
“Gia đình tôi đã sống ở đây 35 năm và chúng tôi luôn biết ông ấy,” cô nói.
“Ông ấy là người được yêu mến trong cộng đồng ở đây. Ông rất kín tiếng và không thích gây chú ý.”
Hiện chưa có tin tức về danh tính cũng như động cơ của những kẻ bắt giữ con tin, nhưng Pháp đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao kể từ sau vụ tấn công hôm Quốc khánh tại Nice trong tháng này, khi hung thủ lái xe tải lao vào đám đông đang ăn mừng, khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Phóng viên BBC từ Paris, Lucy Williamson, nói chính phủ Pháp hiện đang bị áp lực nặng nề trong việc phải phòng ngừa có thêm các vụ tấn công nữa.

Nhật: Tấn công bằng dao giết 19 người

19 người thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng dao tại một trung tâm chăm sóc sức khoẻ dành cho người tâm thần ở Nhật, các quan chức cho biết.
Những cuộc tấn công kiểu này cực kỳ hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản. Sự việc xảy ra tại Sagamihara, phía tây Tokyo, là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất từ khi Chiến tranh Thế Giới lần thứ hai.
Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông từng là nhân viên của trung tâm. Người này đã đến đồn cảnh sát gần đó và tự thú đã gây ra vụ việc.
Tin tức nói người này cho biết ông muốn những người khuyết tật biến mất.
Truyền thông địa phương tại Nhật nêu nói người đàn ông 26 tuổi này tên Satoshi Uematsu.
Nhân viên tại cơ sở Tsukui Yamayuri-en gọi cảnh sát lúc 02:30 sáng giờ địa phương báo tin một người đàn ông có cầm dao xuất hiện trong khu nhà.
Tin cho biết kẻ tấn công đã đập vỡ cửa sổ để đột nhập vào và bắt đầu đâm chém người.
Nạn nhân là những người từ 18 – 70 tuổi, hãng tin Kyodo tường thuật, trích dẫn lời Cơ quan Phòng cháy chữa cháy thành phố Sagamihara. Khoảng 25 người nữa bị thương, trong đó 20 người bị thương nặng. Trong số người thiệt mạng có cả phụ nữ và đàn ông.
Có vẻ sau đó kẻ tấn công tự rời khỏi toà nhà, lái xe tới đồn cảnh sát Tsukui tự thú.
Các bức ảnh cho thấy vô-lăng xe được cho là từ xe của nghi phạm, dính đầy máu.
Cơ sở chăm sóc tâm thần này nằm ở khu vực cách Tokyo khoảng 50km. Nơi này có khu vực chăm sóc nam và nữ riêng biệt và có khoảng 160 người sống ở đó vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, theo các quan chức địa phương. Có tám nhân viên trung tâm làm việc vào thời gian này.
Các vụ giết người hàng loạt rất hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản. Quốc gia này có luật kiểm soát súng cực kỳ nghiêm khắc. Năm 2008, một người đàn ông lái xe tải vào một khu vực mua sắm ở Akihabara ở Tokyo, rời khỏi xe và dùng dao đâm ngẫu nhiên vào người xung quanh, khiến bảy người thiệt mạng.
Vụ tấn công đó xảy ra cùng ngày với vụ một người đàn ông từng bị bệnh tâm thần đâm chết tám trẻ em ở một trường tiểu học tại Osaka năm 2001.

Người ủng hộ Bernie Sanders

khuấy động hội nghị đảng Dân Chủ

Philadelphia, Pennsylvania. (Reuters) - Người ủng hộ Bernie Sanders khuấy động ngày đầu tiên của hội nghị Dân Chủ toàn quốc, liên tục hô vang và la ó mỗi khi nghe nhắc tới tên Hillary Clinton.
Hy vọng tạo nên sự đoàn kết của đảng Dân Chủ tan thành mây khói, với âm thanh hỗn loạn át cả tiếng nói của diễn giả. Dân biểu Marcia Fudge của Ohio được đề cử làm chủ tịch hội nghị sau khi Dân biểu Debbie Wasserman Schultz từ chức vì vụ bê bối rò rỉ email. Video cho thấy bà bị ho nhiều lần vì phải hét to lên để khán giả có thể nghe được. Bài diễn văn của Dân biểu Elijah Cummings cũng bị chìm lĩm bởi tiếng hô chống đối thỏa thuận xuyên Thái Bình Dương TPP. Đây là một trong những chủ đề chính của ban tranh cử của ông Sanders.
Vài giờ trước đó, ông Sanders bị người ủng hộ phản đối khi kêu gọi đại biểu của ông bầu cho bà Clinton, tạo thêm sức mạnh để bà đành bại đối thủ Donald Trump. Họ giận dữ vì email bị rò rỉ cho thấy đảng Dân Chủ tìm cách hãm hại ông Sanders, nhưng ông không đưa ra một phản ứng nào. Ông chỉ viết email khuyên người ủng hộ đừng quay lưng với đảng Dân Chủ, vì đó là điều ông Trump muốn nhìn thấy.
Hiện nay bà Clinton đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là giành được cảm tình của người ủng hộ ông Sanders. Thăm dò mới nhất của CNN và ORC cho thấy ông Trump dẫn trước với tỷ lệ 48% trên 45%.(Mai Đức)

Los Angeles: 20,000 người phải di tản vì hỏa hoạn

Santa Clarita, California. (CBS) – Đám cháy rừng gây chết người ở California đã thiêu rụi hơn một chục căn nhà, buộc hàng ngàn cư dân phải di tản vào ngày hôm qua, khi ngọn lửa tấn công các hẻm núi và chân đồi khô cằn ở phía Bắc Los Angeles bốn ngày qua.
Gần 3,000 nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa, thiêu rụi ít nhất 50 dặm vuông ở phía Tây Bắc rừng quốc gia Angeles. Đám cháy, mang tên Sand Fire, bùng lên vào hôm Thứ Sáu và mới chỉ khống chế được 10% cho tới sáng qua. Ít nhất 18 căn nhà bị phá hủy vào cuối tuần qua. Nhà chức trách thông báo một trường hợp tử vong. Một người đàn ông không rõ danh tánh được tìm thấy vào chiều Thứ Bảy trong một chiếc xe bị cháy đậu bên ngoài một căn nhà. Trong số những căn nhà bị cháy có cơ sở nổi tiếng Sable Ranch, một địa điểm phổ biến cho các cuộc quay phim và truyền hình địa phương.
Cho tới tối qua, lệnh di tản được ban hành mở rộng tới khoảng 10,000 căn nhà, bao gồm khoảng từ 20,000 tới 30,000 người. Tuy nhiên một người đàn ông ở Santa Clarita từ chối rời nhà và ngồi trên mái nhà với dù che và vòi phun nước để bảo vệ căn nhà của mình. Nguyên nhân gây ra đám cháy Sand Fire vẫn đang được điều tra.
Tuy nhiên đây là một trong khoảng 3,750 đám cháy lớn và nhỏ tấn công California kể từ tháng Giêng, con số cao hơn bình thường, thiêu rụi khoảng hơn 200,000 mẫu. (Nguyên Trân)

Thế Vận Hội Rio :

Nhiều đoàn thể thao phải thuê khách sạn để ở

Thế Vận Hội sẽ khai mạc ngày 05/08/2016. Khu Làng Thế Vận Rio 2016 vừa khai trương hôm Chủ Nhật, 24/07. Thế nhưng nhiều căn hộ không đủ điều kiện để đón các vận động viên.
Thông tín viên Martin Bernard tường trình từ Sao Paulo :
” Khu làng Olympic có 31 tòa nhà 17 tầng, tất cả đều vừa được xây xong, với mục tiêu phục vụ Thế Vận Hội. Thế nhưng, khi bước vào căn hộ, một số vận động viên mới nhận ra tình trạng nước rò rỉ, đường điện hay hệ thống bếp ga có vấn đề, thậm chí nhà rất mất vệ sinh. Đoàn thể thao Úc quyết định không lưu lại tại đây và chọn cách ở khách sạn. 
Úc không phải là trường hợp duy nhất. Đội tuyển nữ Thụy Điển cũng chọn khách sạn. Ngược lại, một số đoàn khác, như Mỹ và Ý, thì bỏ tiền túi để thuê thợ sửa đường ống hay thợ điện để các căn hộ nói trên có thể ở được. 
Về phần mình, Ủy Ban Thế Vận Hội đã huy động 500 người, với hy vọng giải quyết toàn bộ các vấn đề từ nay đến thứ năm. Thị trưởng Rio đã cố giảm nhẹ trục trặc nghiêm trọng nói trên bằng một giọng hài hước. Ông Eduardo Paes thậm chí còn gợi ý đưa thêm một con kanguru (đại thử) vào khu làng Thế Vận Hội để người Úc cảm thấy như ở nhà mình.”

Trung Quốc gia tăng kiểm soát internet, gạt bỏ báo chí độc lập

Hôm qua, 25/06/2016, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đã ra lệnh cho nhiều cổng thông tin lớn như Võng Dịch (NetEase), Tân Lãng (Sina), Sưu Hồ (Sohu) phải ngừng hoạt động. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh nhắm thắt chặt kiểm soát thông tin trên internet và gạt bỏ báo chí độc lập.
Theo cơ quan quản lý không gian mạng, được Reutres trích dẫn, các hoạt động báo chí độc lập đã « vi phạm nghiêm trọng các quy định và hoàn toàn gây độc hại ».
Hoàn Cầu Thời Báo còn cho biết là các cổng thông tin điện tử chỉ được phép đăng lại các bài viết về chính trị, xã hội của các cơ quan thông tấn do Nhà nước kiểm soát.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :
« Ô nhiễm công nghiệp, hành xử thô bạo của cảnh sát, các bê bối về an toàn thực phẩm…website Geek News sẽ không đăng các bài viết có chủ đề gây khó chịu như thế nữa – ví dụ vào tháng trước, website này đã tố cáo tình trạng lấy nhiễm hóa chất độc hại trong một trường học ở Bắc Kinh.
Website Lí Xương Bối (Li Chang Bei) cũng phải đóng cửa vì đã đưa tin về việc bắt giữ người thân của một cựu lãnh đạo hiện đang ngồi tù. Website Lộ Tiên (Lu Biao) cũng có số phận tương tự vì đã đăng lời chứng của một gia đình là nạn nhân của việc dùng vac-xin giả.
Máy chém kiểm duyệt đã giáng xuống, chấm dứt tình trạng tương đối tự do thông tin đối với báo chí tư nhân trên mạng, chỉ vì các nhà báo đã dám làm một việc bất khả : đó là hành nghề báo chí.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc giận dữ tuyên bố rằng các website nói trên đã tải về và đăng nhiều thông tin báo chí do chính họ thu thập và soạn lại, và hành động này vi phạm nghiêm trọng các quy định có hiệu lực từ năm 2005.
Tại Trung Quốc, bình thường ra, tất cả các website tư nhân chỉ được phép sử dụng các nội dung đã được các cơ quan truyền thông Nhà nước đăng tải. Hồi tháng Hai vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông phải là tiếng nói của đảng Cộng Sản ».

Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ có dấu hiệu xấu đi trông thấy

Vào hôm qua 25/07/2016, được chính quyền bật đèn xanh, báo chí Trung Quốc đã lớn tiếng đả kích Ấn Độ về việc New Delhi quyết định trục xuất ba nhà báo của Tân Hoa Xã thường trú tại Ấn Độ. Thái độ gây căng thẳng của Trung Quốc, trong bối cảnh hai nước có dấu hiệu tăng cường quân đội đến vùng biên giới trên bộ đã khiến một số nhà quan sát lo ngại về nguy cơ xung đột võ trang lại bùng giữa hai nước đông dân nhất thế giới hiện nay.
Vụ việc bùng lên ngày 24/07 vừa qua khi có thông tin về quyết định của New Delhi là sẽ trục xuất 3 nhà báo thuộc văn phòng Tân Hoa Xã tại Ấn Độ, vì những hoạt động tình nghi làm gián điệp. Theo tình báo Ấn Độ, ba người này, trong đó có trưởng phân xã của Tân Hoa Xã tại New Delhi, đã sử dụng danh tính giả để đi lên vùng có người Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ.
Giới quan sát đặc biệt ghi nhận tính chất nghiêm trọng của quyết định trục xuất kể trên vì Tân Hoa Xã là hãng thông tấn Nhà Nước Trung Quốc, và tại những quốc gia nào không có đại sứ quán Trung Quốc, văn phòng Tân Hoa Xã hầu như đóng vai trò đại diện ngoại giao của Bắc Kinh. Ngoài ra, đây là lần đầu tiên mà New Delhi trục xuất nhà báo Trung Quốc, một sự kiện bất thường có thể gây căng thẳng ngoại giao với Bắc Kinh.
Và gần đúng với dự đoán, Trung Quốc đã có phản ứng, trước hết về mặt báo chí. Đi đầu trong việc công kích Ấn Độ vẫn là tờ Hoàn Cầu Thời Báo, ấn bản phổ thông đại chúng của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Vào hôm qua, tờ báo này đã lên tiếng tố cáo thái độ « đa nghi » của Ấn Độ, đồng thời đe dọa New Delhi về những « hậu quả nghiêm trọng » phải gánh chịu sau vụ này.
Đây không phải là lần đầu tiên mà báo chi Trung Quốc có lời lẽ hung hăng như vậy đối với các láng giềng. Điều đáng quan ngại là phản ứng này được đưa ra vào lúc quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đều đã được tăng cường ở vùng biên giới phân chia hai nước.
Theo nhật báo Mỹ Huffington Post, quân đội Ấn Độ mới đây đã điều động hơn 100 chiến xa T-72 do Nga chế tạo lên Ladakh, một vùng biên giới đang tranh chấp nằm giữa bang Kashmir của Ấn Độ, và vùng Tây Tạng dưới quyền cai trị của Trung Quốc.
Tất nhiên, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Theo các nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã triển khai thêm lực lượng đến khu vực dọc theo biên giới Ấn Độ, như để cho thấy quyết tâm sẵn sàng đáp trả ngay lập tức nếu xẩy ra tình huống xấu.
Theo tờ báo Mỹ, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu quan hệ Ấn Trung xấu đi nhanh chóng. Tranh chấp biên giới trên bộ giữa hai bên là nguyên nhân chính gây căng thẳng, vốn đã từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh cách nay 50 năm. Đàm phàn giải quyết vấn đề này cho đến nay vẫn không có bất kỳ tiến bộ nào.
Bên cạnh đó, quan điểm giữa Trung Quốc và Ấn Độ đối với Tây Tạng rất khác biệt nhau. Trong khi Trung Quốc coi Tây Tạng là một địa phương của mình, Ấn Độ lại nhìn nhận một chính phủ nhà nước Tây Tạng lưu vong.
Ngoài vấn đề biên giới, những hoạt động bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nepal và tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh cũng là đề tài gây căng thẳng. Trung Quốc không che giấu bất bình trước việc Hải Quân Ấn Độ tích cực dấn thân vào Biển Đông, với động thái gần đây nhất là phái ba chiến hạm tới hoạt động trong khu vực, và có kế hoạch tập huấn với Hải Quân Malaysia.
Nhìn chung, giới phân tích đang lo ngại trước khả năng bang giao Ấn – Trung xấu đi, và nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang Ấn-Trung như vào những năm 1960, không thể loại trừ.

Quốc tế kêu gọi

Trung Quốc ngừng phá hủy tu viện Tây Tạng ở Tứ Xuyên

Ngày 26/07/2016, một số tổ chức quốc tế bảo vệ văn hóa của người Tây Tạng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh ngừng chiến dịch phá hủy nhà ở của các tăng ni, thuộc Học viện Phật giáo Tây Tạng Larung Gar, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Theo hiệp hội Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (International Campaign for Tibet – ICT), có trụ sở tại Hoa Kỳ và nhiềuchi nhánh tại châu Âu, kể từ tuần trước, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phá hủy nhiều khu phố thuộc Học viện Phật giáo Larung Gar. Còn theo tổ chức phi chính phủ Free Tibet, vào tháng trước,  khoảng 10.000 nhà tu hành thuộc học viện này đã bị trục xuất.
Chủ tịch Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng tố cáo : các biện pháp phá hủy này nằm trong chính sách đàn áp tự do tôn giáo nói chung của Bắc Kinh, chiến dịch nguy hiểm này cho thế giới bên ngoài thấy rõ quyền tự do tôn giáo tại Trung Quốc đang bị đe dọa đến mức nào.
Tu viện Larung Gar, được thành lập năm 1980 tại một thung lũng hẻo lánh ở độ cao 4.000 mét, đã nhanh chóng trở thành một trong các trung tâm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Hàng ngàn tăng, ni và học viên sống trong những căn nhà nhỏ bằng gỗ trên các quả đồi bao quanh trung tâm.
Trả lời AFP, một giới chức địa phương cho biết từ nay đến tháng 9/2016, chính quyền có kế hoạch phá hủy hơn một trăm ngôi nhà, sau đó các tăng ni có thể được ở tại một số chung cư mới. Cũng theo giới chức này, việc phá hủy nhằm mục tiêu « phòng hỏa hoạn » đã được sư tăng « hợp tác tích cực ».
Tại khu tự trị Tây Tạng Serthar (tỉnh Tứ Xuyên), nơi tọa lạc của tu viện Larung Gar, từng diễn ra nhiều cuộc biểu tình vì tự do tôn giáo hồi đầu năm 2012. Công an Trung Quốc đã nổ súng vào đoàn biểu tình, khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Nhà sư sáng lập tu viện Khenpo Jigme Phuntsok, qua đời năm 2004, vừa duy trì quan hệ tốt với chính quyền, nhưng vẫn gắn bó với Đạt Lai Lạt Ma. Năm 2001, Học viện Phật giáo Larung Gar từng có nguy cơ bị xóa sổ khi cảnh sát dùng vũ lực trục xuất hàng trăm tăng ni, phá hủy hơn 1.000 nơi ở. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc gây áp lực buộc các tu sĩ phải ký giấy tố cáo đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhà sư Phuntsok bị giam cầm trong một năm.

Báo giới,

mục tiêu mới của chiến dịch thanh trừng tại Thổ Nhĩ Kỳ

Hơn mười ngày sau vụ đảo chính bất thành, chiến dịch thanh trừng do tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vẫn đang tiếp diễn. Hai viên tướng cao cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đang thi hành nhiệm vụ tại Afghanistan được đặt dưới sự điều hành của NATO bị bắt giữ. Một ngày trước, Ankara ban hành lệnh truy nã nhắm vào 42 nhà báo. Song song đó, tổng thống Erdogan cam kết soạn thảo một bản Hiến pháp mới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan ngày 25/07/2016 đã có cuộc trao đổi dài 3 giờ với hai lãnh đạo phe đối lập : đảng Cộng hòa Nhân dân CHP (trung tả) và đảng Hành động chủ nghĩa dân tộc MHP (thuộc cánh hữu).
Phát biểu sau cuộc gặp này, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Binali Yildirim cho biết các chính đảng lớn “ sẵn sàng bắt tay làm việc về một Hiến Pháp mới ”. Theo AFP, Hiến pháp hiện nay đã được ban hành sau cú đảo chính năm 1980 và từ lâu chính phủ kêu gọi một sự thay đổi.
Trong khi đó, cuộc đảo chính bất thành hôm 15/07/2016 tiếp tục gây thêm nhiều nạn nhân mới, lần này nhắm vào giới báo chí. Hơn bốn chục nhà báo bị truy nã, trong đó có nhiều gương mặt chỉ trích chính phủ có tiếng. Trước đó, hôm thứ Bảy 23/07/2016, trả lời câu hỏi kênh truyền hình Pháp France 24, tổng thống Erdogan cho biết ông nghi ngờ giới truyền thông đã ủng hộ vụ đảo chính bất thành.
Ông Johann Bihr, phụ trách mảng Đông-Trung Á thuộc tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF trên làn sóng RFI ngày hôm nay (26/07/2016) đã bày tỏ mối quan ngại về vụ trấn áp nhắm vào báo giới :
“ Chúng tôi hiện có rất ít tin tức về 42 lệnh bắt. RSF cố gắng liên lạc với các luật sư để biết thêm thông tin. Năm trong số này đã bị bắt ngay trong ngày. Nhiều người khác có lẽ đã rời lãnh thổ. Điều chắc chắn là trong số 42 lệnh bắt đó có nhiều gương mặt chỉ trích chính phủ nổi tiếng như người dẫn chương trình cô Nazli Ilicak hay như phóng viên Bülent Mumay. 
Sự hiện diện của những người này cho thấy là chính quyền Ankara không đơn giản đang truy bắt những người tham gia đảo chính và các đồng đảng, mà còn nhắm vào các nhà báo có tiếng nói đôí lập.
Cuộc thanh trừng diễn ra từ một tuần nay chỉ là kết quả của những gì quan sát được từ nhiều năm qua : Đó là nhắm vào mọi mối đe dọa từ báo chí chỉ trích, cho dù là những tờ báo của người Kurdistan, hay có thiên tả, nhất là những phương tiện truyền thông bảo thủ thân cận với nhánh Hồi giáo của giáo chủ Gulen. Rõ ràng có một sự trấn áp mạnh mẽ nhắm vào nhiều thể chế tại Thổ Nhĩ Kỳ.”

Pháp :

Hai kẻ khủng bố tấn công nhà thờ gần Rouen và giết hại cha xứ

Sáng ngày 26/07/2016, hai kẻ khủng bố tấn công vào nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray, gần thành phố Rouen, phía tây bắc nước Pháp, bắt giữ con tin và giết hại cha xứ. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự nhận trách nhiệm về vụ này.
Nguồn tin của cảnh sát cho AFP biết, hai kẻ khủng bố đã xông vào nhờ thờ trong lúc cha xứ đang làm lễ. Chúng bắt giữ năm con tin. Khi Lực lượng trùy lùng và can thiệp của cảnh sát –BRI- đến hiện trường, hai kẻ này đã xông ra ngoài, đối mặt với cảnh sát và chúng đã bị bắn hạ.
Trong lúc bắt giữ con tin, hai kẻ khủng bố đã cắt cổ cha Jacques Hamel, 84 tuổi. Một con tin bị thương nặng.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, thông qua hãng thông tấn thân cận là Amaq, thừa nhận là hai chiến binh của tổ chức này đã thực hiện vụ khủng bố.
Tổng thống và bộ trưởng Nội Vụ Pháp đã tới hiện trường. Tại đây, tổng thống François Hollande đã lên án hành động khủng bố ghê rợn và cho biết, hai hung thủ tự nhận là thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh, mối đe dọa khủng bố vẫn rất cao và lại một lần nữa, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tuyên chiến với nước Pháp.
Tối nay, tổng thống Pháp sẽ tiếp tổng giám mục Rouen Dominique Lebrun. Từ Cracovie, Ba Lan, nơi đang diễn ra Ngày Thanh Niên Công Giáo Thế Giới, tổng giám mục vụ Rouen lên án vụ giết hại cha xứ nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray và ngài sẽ trở về Pháp ngay trong chiều nay. Tòa thánh Vatican đã tố cáo hành động « giết người dã man » ngay tại nơi « thiêng liêng ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?