Tin Biển Đông – 26/07/2016
Mỹ ủng hộ Philippines và TQ tái tục đàm phán về biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay, 26/7, cho biết ông hậu thuẫn việc Manila và Bắc Kinh tái tục các cuộc đàm phán song phương về biển Đông, sau phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Trước đó, trong cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại thủ đô Vientiane, Lào, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu ông Kerry ủng hộ việc Philippines và Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết trong một cuộc họp báo: “Bộ trưởng Ngoại giao [Trung Quốc] nói rằng đã đến lúc phải tránh gây căng thẳng công khai, và chúng tôi đồng ý với điều đó. Không một nước tuyên bố chủ quyền nào nên hành động khiêu khích hoặc gây căng thẳng”.
Ông Kerry dự kiến sẽ tới Manila vào cuối ngày 26/7. Ông cho biết sẽ thúc giục Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đối thoại và thương thảo với Trung Quốc khi hai bên gặp nhau ở Manila vào ngày 27/7.
Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng việc Trung Quốc phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài đặt ra một thách thức, trong khi Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế coi quyết định của Tòa ở La Haye, Hà Lan, mang tính cưỡng hành về mặt pháp lý.
Bắc Kinh bấy lâu nay liên tiếp cáo buộc Washington thổi bùng căng thẳng trong khu vực bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, nhưng Mỹ phản bác điều này.
Trong cuộc gặp bên lề hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Lào, ông Vương nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng Bắc Kinh và ASEAN đồng ý với nhau rằng tranh chấp cần phải được giải quyết trực tiếp giữa các quốc gia liên quan” .
Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc “hy vọng Mỹ sẽ có các bước đi thực sự nhằm ủng hộ việc tái tục đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila, cũng như hậu thuẫn nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN nhằm duy trì hòa bình và ổn định”.
Hôm 25/7, Bắc Kinh đã công khai lên tiếng cảm tạ Phnom Penh vì đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về biển Đông, gây mâu thuẫn tại cuộc họp của ASEAN ở Vientiane, Lào.
Không chỉ có Manila mà Việt Nam cũng muốn đưa quyết định của Tòa ở La Haye, Hà Lan, cũng như lời kêu gọi tôn trọng luật biển quốc tế, vào tuyên bố chung.
Theo các nhà ngoại giao, Campuchia đã phản đối việc đưa phán quyết vào tuyên bố, đồng thời bày tỏ hậu thuẫn với Trung Quốc về đàm phán song phương đối với vấn đề biển Đông.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN hôm nay cho biết rằng Manila đã đồng ý từ bỏ yêu cầu phải đưa phán quyết vào tuyên bố chung, nhằm ngăn chặn việc khối 10 quốc gia Đông Nam Á không thể ra tuyên bố chung.
Theo Reuters, AFP, AP, Channel NewsAsia
http://www.voatiengviet.com/a/my-ung-ho-philippines-va-tq-tai-tuc-dam-phan-ve-bien-dong/3435233.html
Tiền của Trung Quốc chưa đủ ‘hấp dẫn’
Đồng tiền và thái độ của Trung Quốc chưa đủ “hấp dẫn” với nhiều quốc gia khác trong khối Asean, nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore nói.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy trả lời BBC Tiếng Việt sáng ngày 26/7, sau Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean tại Lào:
“Sự thân cận của Campuchia với Trung Quốc đã quá nổi tiếng. Nhưng các quốc gia khác rất quan ngại trước hành động đe doạ của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang cố gắng có được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực Asean, nhưng không may việc này lại không xảy ra. Đồng tiền với thái độ của Trung Quốc chưa đủ hấp dẫn. Và vì thế, chúng ta chứng kiến vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc đạt được rất ít thành công với Asean. Trong thực tế, rõ ràng mục đích của Asean phải do các nước Asean thiết lập.”
Nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS nhận định Asean “có động thái cẩn thận” trước vấn đề Biển Đông và “các lãnh đạo chính trị [Asean] khá trưởng thành”, trước việc đã có thể đưa ra tuyên bố chung dù không đề cập đến phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài tại The Hague.
‘Đa dạng hóa’ để giảm phụ thuộc
“Các quốc gia Asean hoàn toàn hiểu sự cần thiết của kinh tế và nhiều nước đang đa dạng hoá quan hệ của họ để có nhiều giải pháp thay thế. Khi vấn đề an ninh và chiến lược vẫn còn đó, sự thực dụng về kinh tế sẽ giúp các quốc gia Asean vẫn đi cùng nhau,” ông Chaturvedy nói.
“Rõ ràng các nước Asean đang lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong quan hệ kinh tế và thương mại. Tôi không kỳ vọng sẽ có thêm thay đổi lớn nào trong cách tiếp cận của Trung Quốc.”
“Tuy nhiên, Asean có thể mở rộng mạng lưới thương mại và kinh tế của họ với các cường quốc khác. Đa dạng hoá trong kinh tế sẽ giúp Asean giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và sẽ giúp tăng cường ổn định và hoà bình trong khu vực.”
“Phán quyết của Toà Trọng tài PCA đã làm rõ rất nhiều thứ trên giấy tờ, nhưng không có gì thay đổi trên thực địa cả. Đừng trông đợi bất cứ thay đổi kịch tính nào trong vấn đề Biển Đông phức tạp.
“Tôi nghĩ, phát triển một khuôn khổ chính trị và có tương tác thường xuyên ở mọi cấp độ sẽ giúp thiết lập lại niềm tin và xây dựng,” nhà nghiên cứu theo dõi vấn đề Biển Đông này cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định: “Các nước Asean có thể trông đợi một sự tự kiềm chế từ Trung Quốc vì Bắc Kinh đã có đủ những thách thức từ trong nội bộ, và Asean cũng nên tránh bất cứ hành động khiêu khích nào.”
Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Asean vừa diễn ra tại Lào, và các quốc gia tham dự cuối cùng cũng ra tuyên bố chung sau nhiều phiên họp khẩn cấp.
Vấn đề Biển Đông có được đề cập đến trong tuyên bố này, nhưng không nhắc gì đến Phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài PCA tại The Hague trong vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines
sẽ áp dụng phán quyết quốc tế về Biển Đông
Trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, Philippines vẫn sẽ viện đến phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực mà Bắc Kinh phủ nhận. Tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức xác định trở lại điều này vào hôm qua, 25/07/2016 tại Manila.
Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội Philippines, tổng thống Duterte cho biết : « Liên quan đến Biển Tây Philippines (tên Manila đặt cho Biển Đông), chúng ta khẳng định mạnh mẽ và tôn trọng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực trong tư cách là một đóng góp quan trọng vào nỗ lực đang thực hiện nhằm xử lý và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ».
Ngày 12/07 vừa qua, Tòa Trọng Tài ở La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc nằm trong đường lưỡi bò bao trùm cả Biển Đông, bị cho là không có cơ sở pháp lý.
Theo phân tích của chuyên gia Ramon Casiple, thuộc Viện Nghiên Cứu Chính Trị ở Manila, thì phát biểu của ông Duterte cho thấy chính quyền Philippines muốn giải quyết tranh chấp với Trung Quốc một cách hòa bình : « Ông (Duterte) sẽ thương lượng và sử dụng phán quyết như một bản hướng dẫn, nhưng sẽ không đòi hỏi là Trung Quốc phải công nhận phán quyết ».
Nhà phân tích này còn lưu ý là vấn đề phán quyết đã được đề cập ngắn gọn trong một phát biểu dài hơn một tiếng đồng hồ. Điều đó cho thấy thái độ thận trọng của Manila không muốn phô bày chiến lược của mình trước công chúng.
Thoạt đầu bị đánh giá là có thái độ mềm yếu hơn người tiền nhiệm Aquino – đã kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế năm 2013 – ông Duterte đã có những tuyên bố cứng rắn hơn, cho thấy là Philippines cũng không khoan nhượng trên vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Tuyên bố chính thức về phán quyết Biển Đông của tân tổng thống Duterte được xem là một tín hiệu tích cực, trước cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã rời Vientiane vào tối nay để đến Manila trong một chuyến công du chớp nhoáng. Ngoại trưởng Mỹ sẽ là quan chức Mỹ cao cấp nhất tiếp xúc với tân tổng thống Philippines từ sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức ngày 30/06 vừa qua.
Biển Đông:
Mỹ, Nhật và Úc kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết PCA
Trước việc ASEAN không ra được tuyên bố ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc vào hôm qua, 25/07/2016, đã công khai lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tôn trọng một phán quyết « chung cuộc và mang tính ràng buộc về pháp lý ». Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đồng thời yêu cầu Bắc Kinh không được xây dựng tiền đồn quân sự và bồi đắp đảo tại vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Sau một cuộc gặp tay ba bên lề các hội nghị của khối ASEAN tại Vientiane (Lào), các ngoại trưởng John Kerry của Mỹ, Fumio Kishida của Nhật và Julie Bishop của Úc đã ra một bản tuyên bố chung, bày tỏ thái độ quan ngại sâu đậm của ba nước trước các tranh chấp trên Biển Đông và « cực lực phản đối mọi hành động đơn phương cưỡng chế có nguy cơ làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng gia tăng ».
Theo hãng tin Mỹ AP, tuyên bố chung của ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc là một hậu thuẫn mạnh mẽ cho các nước Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông, và bổ khuyết vào thiếu sót trong tuyên bố chung của khối ASEAN thông qua trước đó, vì chia rẽ trong nội bộ – đã không thể hiện được lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Thiếu sót đập mắt trong tuyên bố của toàn khối ASEAN là đã không hề đề cập đến phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye PCA, có ý nghĩa quan trọng cho khu vực và cho thế giới, nhưng lại bị Bắc Kinh phủ nhận vì bất lợi cho Trung Quốc.
Phán quyết PCA đã công nhận tính hợp lý của các khiếu nại của Philippines và cho rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn bất hợp pháp. Ý nghĩa tiềm ẩn của phán quyết này là đòi hỏi của Trung Quốc đối với ba nước ASEAN khác là Việt Nam, Malaysia và Brunei, cũng không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, thông qua Cam Bốt, và trong một chừng mực nào đó là Lào, Bắc Kinh đã thành công trong việc bịt miệng ASEAN trên vấn đề phán quyết.
Trong tuyên bố chung của mình, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đã lên tiếng « ủng hộ mạnh mẽ » việc tôn trọng luật pháp, kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết trọng tài vốn có tinh chất « chung cuộc và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên. »
Trong một lời cảnh báo Trung Quốc được hãng AP cho là mạnh nhất và chi tiết nhất, từ lúc Tòa Trọng Tài PCA ra phán quyết đến nay, ba ngoại trưởng Mỹ, Nhật và Úc đã nhấn mạnh rằng « Đây là một cơ hội quan trọng cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế hiện có dựa trên luật pháp và chứng tỏ thái độ tôn trọng luật pháp quốc tế ».
Dù không nêu đích danh thủ phạm là Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Úc rõ ràng là đã lên án Bắc Kinh về những « hành động đơn phương gây ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển … và những hoạt động như khai hoang đất trên quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn quân sự cũng như sử dụng các tiền đồn cho mục đích quân sự. »
Nhận xét
Đăng nhận xét