Tin trong nước – 18/07/2016

Tin trong nước – 18/07/2016

VN bác tin ‘tôn trọng lập trường của TQ’

Thông tấn xã Việt Nam vừa được uỷ quyền bác bỏ thông tin nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam “tôn trọng lập trường của Trung Quốc” về Biển Đông.
Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam nói báo chí Trung Quốc đã nói sai sự thật khi tường thuật về cuộc gặp giữa ông Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (Asem) tại Ulan Bator (Mông Cổ) ngày 14/7/2016.
Các tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Trung Quốc Nhật báo và Nhân dân Nhật báo đều chạy tin nói rằng thủ tướng Việt Nam khẳng định “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài Biển Đông”.
Ông Phúc cũng được báo Trung Quốc dẫn lời nói: “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Theo chính phủ Việt Nam, thông tin này không đúng. Ông Phúc, theo nguồn tin chính phủ Việt Nam, chỉ khẳng định lại “lập trường của Việt Nam đối với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)”.
Cho tới nay, lập trường của Việt Nam chỉ là hoan nghênh việc Tòa PCA đưa ra phán quyết và tiếp tục ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, “bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Chính phủ Việt Nam tuy chưa khẳng định nhưng cũng chưa bao giờ bác bỏ khả năng kiện Trung Quốc ra tòa.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc chuyến thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Asem 11 vào chiều 16/7.

Khi quyền lực không thuộc về nhân dân

Luật sư Ngô Ngọc Traigửi cho BBCVietnamese.com
Báo Thanh Niên mới có bài ‘Miễn xử lý hình sự lãnh đạo Vinaconex vì vi phạm lần đầu’, thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận quần chúng.
Nội dung bài báo cho biết, quá trình điều tra đã xác định ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân – nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT “có dấu hiệu tội phạm nhưng do khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự”.
Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2004, Hội đồng quản trị Vinaconex lúc đó là các ông: Phí Thái Bình – Chủ tịch, Nguyễn Văn Tuân, Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite sợi thủy tinh khi chưa thẩm định; lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực và kinh nghiệm, cung cấp sản phẩm cho dự án không đảm bảo chất lượng nên công trình liên tục bị hư hỏng trong quá trình vận hành, khai thác. Cơ quan tố tụng xác định cả 5 người này đã có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự.
Cũng theo thông tin bài báo thì từ khi công trình đưa vào sử dụng đến khi khởi tố vụ án (tháng 7/2014) đã có 9 lần vỡ ống và đến thời điểm có kết luận điều tra là 14 lần. Việc tuyến ống không đảm bảo chất lượng buộc doanh nghiệp khai thác dự án phải đầu tư thêm số tiền lớn hơn 1.000 tỉ đồng để khẩn cấp xây dựng thêm tuyến ống mới.
Qua điều tra xác định 14 lần vỡ ống đã có 18 ống cốt sợi thủy tinh bị phá hủy, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp quản lý khai thác dự án sau đầu tư là Công ty CP nước sạch Vinaconex. Số tiền doanh nghiệp đã chi để khắc phục, sửa chữa thay thế các lần vỡ tuyến ống là hơn 13,458 tỉ đồng. Ngoài ra, việc tuyến ống liên tục bị vỡ phải dừng cấp nước sinh hoạt đã gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân với lượng nước ngừng cấp hơn 1,5 triệu m3, thời gian ngừng cấp là 343 giờ.
Cho đến nay, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ đến lần thứ 18, lần gần nhất là ngày 11/7.
Ít nghiêm trọng?
Xét về góc độ tâm lý, con số 18 lần vỡ đường ống nước rất trái ngược với yếu tố pháp lý ‘vi phạm lần đầu’ và do vậy công chúng có lý do chính đáng để bất bình phẫn nộ.
Xét ở góc độ pháp lý thì yếu tố vi phạm lần đầu chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nếu nó đi kèm với một yếu tố pháp lý khác đó là tính ít nghiêm trọng. Vì theo điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 thì một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là ‘Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’.
Do vậy nếu phạm tội lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu.
Với các thông tin về hậu quả như hàng chục lần đường ống bị vỡ, hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, hàng chục tỷ đồng khắc phục hậu quả, cả nghìn tỷ đồng phải bỏ ra xây dựng đường ống mới thì thử hỏi nó có thuộc trường hợp gây hậu quả ít nghiêm trọng hay không?
Cho nên việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu trong trường hợp này là không hợp lý, trái luật vì hành vi không thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Các cơ quan đã thiếu tôn trọng hiểu biết của người dân và tự ý làm theo ý mình.
Nhiều việc phi lý
Trong thực tế nhiều trường hợp các cơ quan công quyền làm những việc phi lý trái lẽ.
Ví như có tỉnh lên dự án xây những công trình tượng đài hàng nghìn tỷ đồng, họ nói là do người dân yêu mến Bác Hồ nên cần dựng tượng. Trong khi đó rất nhiều vấn đề dân sinh cấp thiết lại không được giải quyết, ví như trường lớp học của các cháu học sinh thì bỏ bê không xây, cầu đường đi lại thì ghồ ghề không sửa, người dân không có nước sạch để dùng.
Cũng chính những tỉnh muốn xây tượng đài nghìn tỷ lại là địa phương hàng năm phải xin trợ cấp từ ngân sách trung ương (do một số tỉnh có thu nhập lớn nộp về). Tài chính yếu kém là thế nhưng chi tiêu lại vung vãi, bỏ bê không quan tâm đầu tư phát triển kinh tế địa phương để nâng cao mức sống người dân.
Hoặc như có tỉnh vừa mới xin trợ cấp chính phủ phát gạo cứu đói cho dân trong dịp giáp hạt nhưng lại bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bắn pháo hoa ngày lễ tết, họ nói rằng người nghèo cũng muốn xem bắt pháo hoa để có niềm vui tinh thần. Trong khi cái nhu cầu thể xác còn lo chưa xong thì còn mong cái thú vui tinh thần được không?
Còn ở Hà Nội đây mới có thông tin là người ta định lắp đặt điều hòa nhiệt độ cho những nhà vệ sinh công cộng ở những khu vực nhiều khách du lịch trong nội đô, trong khi đó hãy về mà xem những mạn nông thôn như Thạch Thất, Thanh Oai, Chương Mỹ đời sống người dân còn hết sức nhọc nhằn.
Tại sao không dành tiền lo cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng? Hàng vạn hộ dân ven đô nằm ngay trên tuyến đường ống cấp nước từ Sông Đà về Hà Nội song từ bao nhiêu năm nay vẫn phải tự khoan nước để dùng.
Không biết chất lượng nước ra sao và sẽ ảnh hưởng gì đến sự phát triển của sức khỏe trẻ nhỏ, thử hỏi các quan chức rằng đời sống dân sinh của người dân không đáng quan tâm, không đáng được chăm lo hay sao?
Cũng ở Hà Nội, nhiều tuyến đường vỉa hè còn tốt, gạch lát còn nguyên, nhưng rồi cũng bị người ta cày xới lên phá bỏ đi để lát đá mới hết sức lãng phí, thấy thật cay đắng khi nghĩ về những cảnh đời khốn khổ và tình cảnh thiếu thốn công trình nơi thôn quê.
Trên phạm vi cả nước thì biết bao công trình dự án hàng nghìn tỷ đồng bị bỏ hoang đắp chiếu do tính toán sai về tính kinh tế hoặc tính kỹ thuật, mà rồi tiền của công sức của nhân dân đổ sông đổ bể.
Không thuộc nhân dân
Tất cả những việc làm phi lý trái lẽ đã xảy ra đều có chung một nguyên nhân bản chất đó là quyền lực không thuộc về nhân dân.
Vì quyền lực không thuộc về nhân dân nên người ta mới không sợ làm điều ngang ngược, bất chấp cảm nhận suy nghĩ của người dân. Họ không sợ nhân dân vì nhân dân không có khả năng truy cứu trách nhiệm được họ.
Ví như mới đây vị cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị phanh phui trách nhiệm trong việc cất nhắc con trai vào vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc Bộ quản lý, khi xử lý trách nhiệm thì người ta lại bao biện là do cơ sở ở dưới họ yêu cầu.
Hay như vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa bị xóa tư cách Đại biểu Quốc hội do trước đó trong quá trình điều hành doanh nghiệp nhà nước gây thua lỗ thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Với cái thành tích công trạng như vậy mà người ta vẫn được đề bạt thăng chức, và khi xác định trách nhiệm thì lại bảo là đúng quy trình.
Trong những việc làm và phát ngôn kiểu đó người ta không coi nhân dân ra gì cả.
Quyền lực đã không thuộc về nhân dân như đúng ra phải thế.
Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, các đại biểu dân cử thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân đúng là cơ quan nắm thực quyền thì đã không để xảy ra những chính sách trời ơi, những việc làm trái lẽ như vậy.
Nếu quyền lực thuộc về nhân dân, cán bộ công quyền làm sai sẽ bị kỷ luật mất chức, họ sẽ phải cân nhắc làm việc theo pháp luật thay vì dẫm đạp lên nó để làm theo ý mình.
Khi quyền lực thuộc về nhân dân sẽ buộc công quyền phải lắng nghe, cầu thị tiếp thu, thay vì thấy sai không sửa, làm sai làm bậy mà vẫn làm tiếp, hoặc trấn áp bức hại những tiếng nói chính trực.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, giám đốc công ty luật Công Chính ở Hà Nội.

VN tước tư cách dân biểu vì ‘song tịch’

Hội đồng Bầu cử Quốc gia xác nhận việc tước tư cách một nữ dân biểu có hai quốc tịch vì “phạm luật”.
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc được truyền thông tại Việt Nam dẫn lời nói việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) có hai quốc tịch là “hoàn toàn bất ngờ”.
Ông cho biết việc bà Hường có hai quốc tịch được phát hiện là từ “cơ quan chức năng” chứ “chúng tôi không biết”.
Ông Phúc xác nhận với báo giới là bà Nguyệt Hường có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.
Trong khi ông Phúc nói nguyên nhân tước tư cách đối với đại biểu Hường là vì người ta “không trung thực trong kê khai hồ sơ” và “nói dối” thì ông cũng nói rằng Tôi không chắc chị Nguyệt Hường biết mình đăng ký quốc tịch thứ hai là vi phạm pháp luật hay không.
Ông Phúc nói thêm rằng Luật Quốc tịch đã quy định “công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch” và rằng “muốn có quốc tịch thứ hai thì phải xin thôi quốc tịch của mình”.
“Trường hợp một người Việt Nam ra định cư ở nước ngoài, nếu quốc gia sở tại cho phép công dân có nhiều quốc tịch thì đương nhiên người đó có từ hai quốc tịch trở lên.
“Vấn đề ở chỗ, cho dù một người có hai quốc tịch thì khi về Việt Nam chỉ được sử dụng một quốc tịch, chứ không thể cùng lúc hai quốc tịch.”
Được biết Hội đồng Bầu cử Quốc gia sau khi phát hiện ra vi phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ sau phiên họp thứ bảy ngày 15/7 đã họp khẩn cấp phiên thứ tám vào chiều 17/7 để xem xét, biểu quyết tư cách đại biểu Quốc hội khoá 14 của bà.
Chiều 17/7, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa 14.
Được biết cá nhân bà Hường cũng nộp đơn xin rút “vì l‎y do sức khỏe”.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970, quê Nam Định, từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 12, 13; đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13.
Trước khi bị tước tư cách dân biểu, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương Thành phố Hà Nội; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của Thành phố Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, theo truyền thông trong nước.

Làm sao để có quốc tịch Malta?

dânMalta không phải là nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) duy nhất cấp quốc tịch cho nhà đầu tư nào đem vào hòn đảo này 650 nghìn euro và mua bất động sản để cư trú.
Nhưng từ năm 2014, Cộng hòa Malta nhỏ bé (419 nghìn dân, diện tích 316 km2), cải thiện chính sách nhập cư để thu hút nhà đầu từ bằng cách cấp quốc tịch nhanh chóng cho họ.
Tiêu chuẩn nêu trên ngay trang mạng của chính phủ Malta ghi rằng cách thức đầu tư vào hòn đảo nằm ở Địa Trung Hải khá đa dạng: đầu tư trực tiếp bằng tiền, mua trái phiếu, mua bất động sản.
Chương trình ‘Nhà đầu tư cá nhân’ (Individual Investor Program, IIP) của Malta cho đến tháng 5/2015 đã nhận được gần 600 đơn xin nhập tịch dạng đầu từ từ hơn 40 quốc gia, theo một trang mạng tiếng Anh giới thiệu về chương trình này.
Cụ thể là nhà đầu tư cần đem vào khoản tiền ít nhất là 650 nghìn euro, và mua bất động sản cho thời hạn tối thiểu là 5 năm.
Giá hộ chiếu Malta là khoảng 870 nghìn USD
Khoản bất động sản cũng phải trị giá ít nhất 350 nghìn euro.
Nhưng khoản tiền bỏ ra sẽ tăng lên cùng với số người trong gia đình cùng muốn nhập tịch Malta.
Cho vợ hoặc chồng, đó là cái giá 25 nghìn euro; cho con dưới 18 tuổi: 25 nghìn euro, con từ 18-26 tuổi chưa lập gia đình: 50 nghìn euro một người…
Không cần sống ở đó
Nếu mua trái phiếu chính phủ Malta hoặc các dạng trái phiếu được chính quyền công nhận, nhà đầu tư cần bỏ ra ít nhất 150 nghìn euro với cam kết 5 năm trở lên.
Chỉ sau khi có bất động sản và được cấp quyền định cư, nhà đầu tư mới được cấp quốc tịch.
Điều khiến Malta khác với những nước EU còn lại là người đệ đơn không cần phải ở Malta cả 365 ngày để nhận quốc tịch.
Lý do là luật xứ này coi “định cư” là “ý định cư trú trong một năm tài khóa”, chứ không phải một thời hạn cụ thể để chứng tỏ sự gắn bó với quốc gia nhập tịch như nhiều nước EU khác.
Thậm chí nhà đầu tư còn không cần phải ở trong bất cứ nước EU khác nào để có quyền hội tụ đủ thời gian tính vào “thời hạn định cư” tại Malta.
Vì những lý do này, có báo châu Âu viết rằng “Malta bán quốc tịch”.
Trong bài trên BBC News (04/06/2014), Kim Gittleson viết rằng cạnh các nước như Antigua, Barbuda và Grenada thì tại châu Âu có Malta, Hà Lan và Tây Ban Nha “cần tiền nên mở chế độ cho nhà đầu tư giàu có nhập tịch”.
Tuy thế, thủ tục nhập tịch qua chi tiền dễ dàng hơn cả ở EU chỉ có Malta và Cyprus (đảo Síp).
Nhiều người Nga đã trở thành công dân EU tại Cyprus sau khi bỏ khoản tiền 2 triệu euro ‘đầu tư’.
Điều khiến quan chức EU lo ngại là giá để nhận hộ chiếu Cyprus ngày càng giảm, từ 20 triệu euro cho cả nhóm nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án cụ thể, xuống còn 5 triệu và sau là 2 triệu tính đến giữa 2014.
Nhà báo Kim Gittleson còn điểm ra một loạt quốc gia “cấp visa vàng” tức thẻ định cư cho nhà đầu tư.
Đó là Bỉ, Bồ Đào Nha, Anh và Tây Ban Nha ở châu Âu.
Ngoài ra, các nước Mỹ, Úc, Singapore cũng có chế độ tương tự nhưng thủ tục và ‘giá cả’ không giống nhau.
Hưởng các quyền lợi khác
Với công dân các nước ngoài châu Âu, việc nhập tịch ở một đảo quốc như Malta nghiễm nhiên cho ‘tân công dân’ quyền đi lại, cư trú, đầu tư, làm việc trên toàn EU.
Nhưng ngay cả hộ chiếu một hòn đảo ngoài châu Âu như Dominica cũng có sức mạnh đáng kể.
Vì là nước thuộc khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) có liên hệ lịch sử với Anh, hộ chiếu Dominica cho bạn quyền vào Anh và đến 50 quốc gia không cần thị thực nhập cảnh.
Bài trên BBC viết vào thời điểm đó, có dịch vụ cho phép bạn nhận cuốn hộ chiếu Dominica chỉ từ 14 ngày đến sáu tháng.

Việt Nam ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’

sau phán quyết Biển Đông?

Việt Nam vừa có cơ hội vừa ở trong thế nguy hiểm sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo nhận định của truyền thông quốc tế.
Hôm 12/7, Tòa Trọng tài thường trực thuộc Liên Hiệp Quốc đã ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên 90% khu vực Biển Đông, và các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy Việt Nam không phải là một bên trong vụ tranh chấp pháp lý do Philippines khởi xướng, nhưng theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, qua phán quyết của Tòa án La Haye, Hà Nội được “tiếp sức” về mặt ngoại giao và pháp lý trong những nỗ lực chống chọi lại sự xâm lấn của Trung Quốc trong khu vực này.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính trị và ngoại giao của Đại học George Mason, Hoa Kỳ, giải thích thế “lưỡng nan” của Việt Nam:
“Thứ nhất, về cái phán quyết, nó tạo thuận lợi pháp lý về tinh thần cho Việt Nam trong những cuộc điều đình hay đàm phán sắp tới, hay những cố gắng vận động của Việt Nam, thì cái đó rất tốt cho Việt Nam. Nhưng ngược lại có rất nhiều khó khăn và trở ngại vì Việt Nam là nước mà đối với Trung Quốc là quan trọng nhất, thứ hai là [Việt Nam] dễ bị tổn thương và áp lực nhiều nhất, hơn các quốc gia Á châu. Vì thế mọi hành động của Trung Quốc, có rất nhiều cái leverages, khả năng tạo áp lực lên Việt Nam hơn các nước khác. Thành ra, Việt Nam phải đối xử rất khôn khéo. Cơ hội thì có, nhưng có rất nhiều vấn đề khó khăn, phải tính toán nhiều chuyện chứ không phải dễ như người ta nói.”
Việt Nam lâu nay vẫn “đụng độ” Trung Quốc về nhiều vấn đề liên quan đến Biển Đông, trong đó có các vụ ngư dân Việt bị phía Trung Quốc giết hại hay đâm chìm tàu tác nghiệp, vụ Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền… Ngoài ra gần đây Việt Nam cũng gặp phải tình huống bị xem là yếu thế khi phụ thuộc vào nước láng giềng phía Bắc trong việc yêu cầu Bắc Kinh xả nước đập thủy điện Cảnh Hồng để cứu hạn cho các khu vực nông nghiệp của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines được nhiều người Việt Nam tán thành và xem đây cũng là một chiến thắng cho phía Việt Nam, là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hôm qua (17/7), một số người dân và tổ chức No-U ở Hà Nội đã tổ chức một cuộc tuần hành nhỏ bên ngoài Sứ quán Philippines ở Hà Nội để “cám ơn Philippines” và nói “các bạn là một chính phủ can đảm”, theo lời lẽ được ghi trên các biểu ngữ.
Tuy nhiên, cuộc tuần hành đã bị gián đoạn khi các nhân viên an ninh mặc thường phục ngăn chặn. Điều này cho thấy chính quyền Việt Nam chưa sẵn sàng trong việc ra mặt đối đầu với Trung Quốc, theo nhận định của truyền thông quốc tế.
Anh Nguyễn Chí Tuyến, một thành viên của nhóm No-U tham gia tuần hành, bày tỏ cảm tưởng:
“Tôi khá thất vọng. Tôi thất vọng bởi vì như thông báo của No-U ở Hà Nội, chúng tôi muốn đó là cuộc biểu dương thể hiện quan điểm, vị trí của người dân cũng như của những người cầm quyền ở Việt Nam. Nhưng họ đã không lắng nghe và họ không muốn cùng chúng tôi thực hiện việc đó, mà họ ra tay đàn áp, kiềm hãm. Họ cấm chúng tôi nói lên tiếng nói của người dân, thì quan điểm của tôi là một sự thất vọng về quan điểm của nhà nước Việt Nam.”
Ngay sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ và gọi phán quyết này là “không có cơ sở”. Nước này cũng cho biết sẽ không tuân thủ theo phán quyến của tòa án ở La Haye.
Nhưng hôm 14/7, ngay sau khi Tòa đưa ra phán quyết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi người đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hãy cùng với Bắc Kinh bảo đảm sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông. Cuộc gặp của hai nguyên thủ quốc gia diễn ra bên lề Hội nghị Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 ở Mông Cổ.

3 người Việt bị Campuchia bắn chết

Truyền thông Campuchia hôm nay cho biết 3 người Việt vừa bị binh sĩ nước này bắn chết vào cuối tuần qua.
Hai trong số 3 người Việt này bị bắn chết trong một vụ bố ráp các ngư dân Việt tại tỉnh Takeo mà các giới chức Campuchia nói là “đánh cá bất hợp pháp”. Người thứ 3 là một chủ tiệm vàng tại An Giang đã bị một cảnh sát Campuchia bắn chết khi ông này đang trong thời gian nghỉ phép thăm người vợ thứ hai tại Việt Nam.
Cảnh sát trưởng quận Borei Cholsar thuộc tỉnh Takeo, ông Khun Phin, cho hay vụ bắn chết ngư dân Việt ở tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia xảy ra vào đêm thứ Năm khi 2 binh sĩ Campuchia cùng với một giới chức ngư nghiệp của nước này đi tuần tra và đụng độ với khoảng 20 ngư dân Việt trên hàng chục chiếc tàu đánh cá. Cảnh sát trưởng Phin nói “ngư dân Việt đánh cá bất hợp pháp bên trong lãnh thổ Campuchia”, và cáo buộc các ngư dân Việt là “dã man vì họ dùng mái chèo để tấn công vào các giới chức của chúng tôi hòng cướp súng của họ. Đó là lý do tại sao các binh sĩ phải nổ súng”.
Ông Phin nói các ngư dân Việt được vũ trang bằng gươm, giáo và roi điện.
Ông nói ngư dân Việt muốn giết các giới chức Campuchia “vì họ biết các giới chức này sẽ bắt và bỏ tù họ”. Viên chức Campuchia nói “nếu chúng tôi không nổ súng vào những người Việt đó, các giới chức của chúng tôi sẽ bị giết”.
Theo cảnh sát trưởng Phin, binh sĩ Campuchia đã bắn vào chân một ngư dân Việt sau khi các ngư dân khác bỏ chạy và để lại 3 người trên tàu.
Người đàn ông Việt bị thương đã được đưa đến bệnh viên Preah Kossamak ở Phnom Penh, và đã chết hôm Chủ nhật.
Ông Hong Hy, một giới chức của Cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp Campuchia, cho biết chính quyền địa phương của Việt Nam ở khu vực biên giới tiếp giáp với tỉnh Takeo đã gửi báo cáo cho biết ngư dân Việt Nam thứ 2 cũng bị bắn cũng đã chết và hai người khác bị thương.
Ông này nói sau khi một binh sĩ Campuchia nổ súng vào nhóm ngư dân Việt, “họ không những không sợ mà còn xáp lại gần, buộc các binh sĩ phải nổ súng”.
Một tư lệnh khu vực, ông Em Chammab, nói ngư dân Việt thường xuyên đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của Campuchia và có một lịch sử chống đối bằng bạo lực với các giới chức nước này. Ông Chammab nói “Đây là lần đầu tiên các giới chức [Campuchia] thực thi quyền tự vệ và bảo vệ các nguồn lợi thủy sản”.
Trong một diễn biến khác, trung tá cảnh sát Campuchia Lay Bunthy vừa bị bắt tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, vì bắn chết một chủ tiệm vàng tại đây hôm 17/7 trong một buổi nhậu và xảy ra cãi cọ.
Ông Bunthy là Phó đồn cửa khẩu ở huyện Kiri Vong, tỉnh Takeo, Campuchia. Ông này hiện đang trong thời gian nghỉ phép và sang thăm vợ hai ở Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam chưa đưa ra bình luận gì về các vụ việc vừa kể.
Theo Cambodia Daily, Phnom Penh Post, Khmer Times.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù