Vì sao Trung Quốc hung hăng với Philippines nhưng không gây hấn với Việt Nam?

 Lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc - Philippines

Trong khi tranh chấp hàng hải kéo dài giữa Trung Quốc và Philippines đã leo thang đáng kể trong những tháng gần đây với với hàng loạt vụ va chạm tàu trên nhiều khu vực của Biển Đông, chưa có ghi nhận nào về việc Bắc Kinh cản trở hoạt động bồi đắp đảo của Hà Nội tại quần đảo Trường Sa.

Chỉ trong hai tuần cuối tháng 8/2024, đã có ít nhất ba lần tàu Trung Quốc va chạm với tàu Philippines và cả hai bên đều cáo buộc bên kia cố tình đâm vào tàu mình.

Vào ngày 19/8/2024, một số tàu của Trung Quốc và Philippines đã va chạm gần bãi cạn Sa Bin ở quần đảo Trường Sa, điểm nóng mới sau Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough.

Một đợt va chạm thứ hai cũng tại bãi Sa Bin đã diễn ra hôm 25/8, với việc cả hai bên một lần nữa đổ lỗi cho nhau.

Đến ngày 31/8, hải cảnh Trung Quốc tố tàu Philippines cố tình kéo mỏ neo đụng tàu Trung Quốc, trong khi tuần duyên Philippines tố tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu của mình.

Trong khi đó, Việt Nam đã âm thầm đẩy nhanh quá trình bồi đắp đảo trên một số rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với tiền đồn lớn nhất là bãi Thuyền Chài (tên tiếng Anh là Barque Canada) mà Philippines, Malaysia và Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố vào ngày 7/6/2024 cho biết trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã tăng tốc bồi đắp đảo với diện tích gần bằng tổng hai năm trước đó (tức năm 2022 và 2023) cộng lại.

Điều đáng lưu ý là không có những hoạt động cản trở của Trung Quốc đối với Việt Nam được ghi nhận.

Một động thái phản đối hiếm hoi gần đây của Trung Quốc với Việt Nam về vấn đề Biển Đông là khi Hà Nội nộp đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông lên Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2024.

Các nhà quan sát cho biết sự khác biệt về thái độ của Bắc Kinh đối với hai quốc gia Đông Nam Á do nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ chính trị Việt Nam - Trung Quốc và liên minh Philippines - Mỹ.

Ngoài ra, việc giải mã logic đằng sau hành vi của Trung Quốc được cho là cũng giúp các nước liên quan có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của họ ở Biển Đông và xa hơn nữa.

Chụp lại video,Tàu Trung Quốc và tàu Philippines va chạm Tại Bãi Sa Bin

Mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Một trong những lý do mà các học giả nhắc đến đầu tiên là mối quan hệ lâu năm giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill từ trường Đại học De La Salle ở Manila (Philippines) nói với BBC rằng Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc, và rất thận trọng khi hoàn toàn không can thiệp vào hệ thống chính trị của nhau, vì số lượng các đảng cộng sản trên thế giới hiện nay ít hơn nhiều so với khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

"Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gửi những tín hiệu ôn hòa hơn tới Bắc Kinh," ông Gill đánh giá.

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa quan hệ song phương trở thành ưu tiên ngoại giao và cam kết cải thiện lòng tin và hợp tác lẫn nhau.

Tháng trước, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, hai bên đã nhất trí cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua "các cuộc tham vấn hữu nghị" và cho biết đã có sự đồng thuận "cấp cao" về nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Cựu đại tá không quân Raymond M. Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho biết ông không ngạc nhiên khi ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên.

"Trung Quốc vẫn là mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam vì mối liên hệ chặt chẽ giữa hai đảng cộng sản, sự hội nhập kinh tế, sự tương đồng, nhưng chủ yếu là vì mối đe dọa an ninh lớn mà Trung Quốc gây ra," ông giải thích.

Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Tô Lâm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 19/8/2024

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Tập Cận Bình tiếp đón ông Tô Lâm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 19/8/2024

Một lí do khác được nhắc đến là vì Việt Nam cũng khéo léo cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh trong tình hình thế giới hiện nay phức tạp, dần hình thành phe phái.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP HCM, cho rằng Trung Quốc cũng muốn giữ hình ảnh với Việt Nam, khi đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Mỹ.

Dưới góc nhìn cá nhân, ông cũng nhấn mạnh rằng hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, và chỉ bồi đắp trên những thực thể mà Việt Nam đã chiếm giữ từ trước, trong khi Trung Quốc mới là bên bồi đắp nhiều nhất và còn quân sự hóa các thực thể này.

Báo cáo do AMTI công bố tháng 6/2024 so sánh Việt Nam đã bồi đắp diện tích tổng cộng khoảng 2.360 mẫu Anh (tương đương 9,5 km2) ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, tức khoảng 50% so với tổng diện tích mà phía Trung Quốc đã bồi đắp là 4.650 mẫu Anh (tương đương 18,8 km2).

Cũng theo ông Hoàng Việt, Việt Nam có tiềm lực và quyết tâm, nếu thống nhất một lòng thì Trung Quốc cũng phải ngán ngại.

"Trung Quốc từng thử lửa với Việt Nam nhiều lần, trong đó phải nhắc đến sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014, mới dẫn đến mối quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển như hôm nay."

"Bắc Kinh tính toán trong bối cảnh hiện nay, nếu làm căng với Hà Nội thì sẽ đẩy Việt Nam gần hơn với Mỹ, tạo ra những bất lợi cho Trung Quốc về mặt hình ảnh và thế trận chiến lươc," nhà nghiên cứu Biển Đông nói thêm.

Liên minh Mỹ-Philippines

Trong khi Việt Nam theo đuổi chiến lược "ngoại giao không liên kết", và không có bất kỳ hiệp ước liên minh nào, thì nền chính trị và ngoại giao của Philippines đã biến động mạnh trong những năm qua.

Có thể thấy, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (giữ chức từ 2016-2022) được xem là thân Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. cho thấy cách tiếp cận khác biệt rõ rệt.

Kể từ khi ông Marcos Jr. nhậm chức vào tháng 6/2022, ông đã đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm là hạ thấp căng thẳng ở Biển Đông, đổi sang giải quyết vấn đề một cách trực diện.

Trong ASEAN, Philippines đang là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông và cũng đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.

"Với lập trường rõ ràng của Manila hiện nay dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Bắc Kinh muốn đảm bảo rằng họ có thể gây ra nhiều rắc rối và phiền phức cho Philippines đến mức chính phủ tiếp theo sẽ không tránh khỏi việc thay đổi định hướng," nhà phân tích Don McLain Gill nói.

Hơn nữa, Philippines cũng là đồng minh hiệp ước quan trọng của Mỹ, trong khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyền lực gay gắt ở Tây Thái Bình Dương.

"Khi Trung Quốc nhìn vào Philippines, họ luôn thấy Hiệp ước phòng thủ tương hỗ với Mỹ, vì vậy Bắc Kinh hung hăng với Manila ở một mức độ nhất định," ông Powell bình luận.

Ông Marcos Jr. đã tăng số căn cứ mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) từ 5 lên 9 căn cứ.

Nhà lãnh đạo Philippines cũng đã từ chối dừng hoạt động tiếp tế cho con tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây, đồng thời khởi xướng các cuộc tuần tra chung của hải quân và tuần duyên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, có sự tham gia của các tàu chiến từ Nhật Bản và Úc.

Bắc Kinh đã tức giận trước những động thái này và gia tăng các hoạt động chiến thuật vùng xám đối với hải quân và tuần duyên Philippines, bao gồm cả việc cố tình đâm vào tàu và phun vòi rồng vào tàu họ.

Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) tại Singapore cho rằng khi làm như vậy, Trung Quốc đang thử thách quyết tâm của chính quyền Marcos cũng như giới hạn của liên minh Mỹ-Philippines.

Nhưng cũng theo ông, về phía Philippines, vì năng lực yếu kém của lực lượng vũ trang, liên minh với Mỹ là rất quan trọng với nước này.

Ông Marcos Jr. đã mạnh mẽ khẳng định các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, tăng cường liên minh với Mỹ và hợp tác quốc phòng với một loạt các quốc gia khác

Nguồn hình ảnh,Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Ông Marcos Jr. đã mạnh mẽ khẳng định các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016, tăng cường liên minh với Mỹ và hợp tác quốc phòng với một loạt các quốc gia khác

Trung Quốc quá bận rộn với Philippines nên bỏ qua Việt Nam?

Một lý do khác mà các học giả đưa ra để giải mã logic đằng sau thái độ khác biệt của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines là Bắc Kinh không muốn mở quá nhiều mặt trận trên Biển Đông nhằm vào các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Raymond M. Powell nói với BBC rằng có thể là do Trung quốc quá bận rộn với Philippines đến mức không thể tập trung vào Việt Nam trong thời gian này.

“Vì vậy, theo một cách nào đó, Việt Nam đã có cơ hội thuận lợi để tiến hành chiến dịch bồi đắp đảo khi Trung Quốc dồn sự chú ý vào Philippines,” ông Powell cho biết.

Trong tương lai, ông Powell cho rằng nếu tình hình với Philippines ổn định thì Trung Quốc có thể chuyển sự chú ý sang Việt Nam, nhưng cũng theo ông, khi Việt Nam đã hoàn thành nhiều chiến dịch bồi đắp đảo thì sẽ rất khó để Trung Quốc can thiệp sau này.

"Về một số mặt, Việt Nam đã 'đi trước' Trung Quốc theo cách tương tự như Trung Quốc đã 'đi trước' thế giới từ năm 2013-2016 khi thực hiện chiến dịch xây dựng đảo nhân tạo của họ," ông Powell nói.

Tiến sĩ Ian Storey cũng cho rằng Trung Quốc đã quá bận rộn với Philippines và không muốn gây ra một cuộc tranh chấp khác.

Tuy nhiên, ông Storey nhận định điều đó không có nghĩa là Hà Nội thoát khỏi chiến thuật “vùng xám” (grey zone tactics operations), hình thức sử dụng các lực lượng phi chính quy chứ không phải lực lượng vũ trang trực tiếp với quy mô lớn để xung đột không vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng hoặc tiệm cận chiến tranh mà Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều trong những năm qua.

map

Tháng trước, máy bay không người lái WZ-10 của Trung Quốc đã bay gần bờ biển Việt Nam, lần lượt vào các ngày 2/8 và 7/8. Nhiều nhà quan sát theo dõi Biển Đông trong thời gian dài đã xác nhận rằng đây là lần đầu tiên một chuyến bay như vậy được Trung Quốc công khai.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định việc Trung Quốc để lộ rõ thông tin máy bay này một mặt cho thấy họ muốn thử nghiệm uy lực của loại vũ khí này, mặt khác thể hiện thông điệp với các bên liên quan là Bắc Kinh có nhiều con bài trong tay.

Bên cạnh đó, dù không có những va chạm trên thực địa trong thời gian gần đây, như cách mà Trung Quốc và Philippines đang va chạm nhau, Trung Quốc vẫn liên tục có những hoạt động đáng chú ý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 vào tháng 6 năm ngoái.

Ông Powell cho rằng động thái này chứng tỏ Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ tham vọng của mình ở Biển Đông theo yêu sách đường chín đoạn.

"Trong tương lai, chúng ta có thể thấy các cuộc tuần tra xâm nhập trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra và Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển sự chú ý sang Việt Nam, cố gắng làm suy yếu sự kiểm soát của Việt Nam đối với các khu vực ở quần đảo Trường Sa."

"Hà Nội không nên ảo tưởng rằng Trung Quốc sẽ đối xử với họ theo kiểu ít tham vọng hơn so với bất kì nước nào trong khu vực," ông cảnh báo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Tim đập nhanh gấp 3 lần bình thường, người phụ nữ trẻ phải đi cấp cứu