Đọc báo Pháp – 31/07/2017

Đọc báo Pháp – 31/07/2017

Venezuela :

Quốc Hội Lập Hiến, cuộc bầu cử đề tang nền dân chủ

Ngày 30/07/2017, người dân Venezuela được kêu gọi đi bầu Quốc Hội Lập Hiến để thay thế Quốc Hội hiện hành do phe đối lập chiếm đa số. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng đây là “một Quốc Hội Lập Hiến bị phản đối từ mọi phía”. Les Echos đưa tin “Venezuela bầu Quốc Hội Lập Hiến trong bầu không khí nổi dậy”. Libération đánh giá không thương tiếc : “Cuộc bầu cử tang tóc cho nền dân chủ Venezuela”.
Trong bài xã luận, Le Monde đánh giá sự kiện này “giáng thêm một cú vào nền dân chủ Venezuela”. Tổng thống Nicolas Maduro – người thừa kế “cuộc cách mạng Boliva” do người tiền nhiệm Hugo Chavez đứng đầu – được bầu một cách dân chủ vào năm 2013. Quốc Hội hiện tại cũng được bầu một cách dân chủ vào cuối năm 2015 và do phe đối lập chiếm đa số. Vậy phải đánh giá cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến như thế nào khi mục đích là nhằm bãi bỏ Quốc Hội hiện hành?
Theo bài xã luận, đây đúng là thủ thuật để hủy bỏ các cuộc bầu cử tự do và đánh bật các nghị sĩ làm phật lòng chính quyền Maduro để thay thế bằng một đội ngũ tăng cường quyền lực cho tổng thống.
Đây không chỉ là một cú giáng vào nền dân chủ mà còn rất vô lý. Liệu cải cách Hiến Pháp có giúp Venezuela thoát khỏi được tình trạng hỗn loạn và khốn khó? Phe đối lập, rất nhiều nghiệp đoàn và một phần phe ủng hộ Chavez đều chống đối ý tưởng này. Kết quả là Venezuela trải qua một tuần tổng đình công, song bị lực lượng hung hãn của chế độ mạnh tay đàn áp : thêm 7 người chết, chưa kể đến hơn 100 người khác thiệt mạng từ bốn tháng qua. Chính quyền sử dụng tòa án quân sự để xử thường dân bị bắt trong các cuộc biểu tình. Nhiều nhân chứng kể lại tình trạng tra tấn trong tù, lạm dụng tình dục, đánh đập và tra tấn điện.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và nhân đạo của Venezuela không phải do các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng không phải do giá dầu sụt giảm. Từng là một quốc gia giầu có nhất trong vùng, Venezuela đang bên bờ vực thẳm vì sự bất tài và nạn tham nhũng của chế độ theo Chavez. Quốc hữu hóa một phần nền kinh tế đã đặt nền kinh tế phục vụ cho các quan chức cao cấp vừa là những nhà quản lý kém cỏi vừa ít chu đáo. Lạm phát bùng nổ. Các siêu thị trống rỗng. An ninh bất ổn khắp nước.
Venezuela từng là vùng đất tị nạn cho hàng trăm nghìn người Colombia láng giềng, bỏ nước vì bạo lực. Làn sóng tị nạn giờ theo hướng ngược lại, đến mức chính quyền Bogota sợ bị quá tải vì người dân Venezuela nườm nượp bỏ xứ ra đi.
Đối lập Venezuela không yêu cầu điều gì to tát cả : Tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, một năm trước khi ông Maduro hết nhiệm kỳ. Hành động của các tổ chức ở châu Mỹ trở nên vô ích : Mêhicô và Colombia đã thử làm trung gian hòa giải ; Hoa Kỳ đe dọa những biện pháp trừng phạt mới.
Thế nhưng, Maduro vẫn bám quyền và được quân đội hậu thuẫn. Người đứng đầu Venezuela sợ bầu cử tự do nên gian lận cách thức bầu cử truyền thống. Đó là quyết tâm của một chế độ đang từng bước trở thành chế độ độc tài.

Kim Jong Un đặt Donald Trump vào tầm ngắm

Với vụ thử thành công thứ hai tên lửa liên lục địa (ICBM) đêm 28/07/2017, Bình Nhưỡng khiến cả thế giới ngạc nhiên. Chính quyền Bắc Triều Tiên khẳng định đó là lời “cảnh cáo nghiêm khắc” dành cho Hoa Kỳ và quyết tâm trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng của Washington.
Với thành công trên, Le Figaro cho rằng “Kim Jong Un đặt Donald Trump vào tầm ngắm”. Le Monde thận trọng hơn khi dẫn lại tuyên bố của chế độ Kim : “Bình Nhưỡng nói có khả năng tấn công đến tận lãnh thổ Hoa Kỳ”. Còn theo nhật báo công giáo La Croix, “Đằng sau các vụ thử tên lửa, Bắc Triều Tiên muốn được công nhận”.
La Croix nhắc lại một số chuyên gia khoa học và tình báo Mỹ đoán là Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành thử tên lửa vào ngày 27/07, ngày ký thỏa thuận đình chiến 1953 trên bán đảo Triều Tiên. Lời tiên đoán đã diễn ra, ba ngày sau đó.
Thành công của Bình Nhưỡng khiến các cường quốc “giật mình”. Trên Twitter, Trump tấn công thái độ “khoanh tay đứng nhìn” của Bắc Kinh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In, từng kêu gọi chế độ láng giềng đàm phán hòa bình và nhân đạo, buộc phải chuyển sang thế phòng thủ. Theo Le Monde, bốn bệ phóng THAAD, bị đình chỉ từ khi ông nhậm chức, đã được đưa vào lãnh thổ Hàn Quốc sau khi hai bệ phóng khác đã được lắp đặt. Công luận Hàn Quốc thì lại lo ngại bị kẹt trong cuộc chơi giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, dù “Bắc Triều Tiên là mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với ổn định trong vùng”, theo tướng O’Shaughnessy – đứng đầu Không Lực Mỹ tại Thái Bình Dương – được Le Figaro trích dẫn, thì lựa chọn “quân sự” vẫn chưa chắc đã xảy ra vì nguy cơ đáp trả đổ lên Hàn Quốc, theo đánh giá của giáo sư Daniel Pinkston, thuộc đại học Troy.

Bắc Triều Tiên :

Khủng hoảng lương thực trầm trọng vì hạn hán

Đối lập với hình ảnh tự hào về thành công của vụ thử tên lửa xuyên lục địa là thực tế đáng báo động về mặt xã hội tại Bắc Triều Tiên. Nhật báo Le Monde cho biết người dân bị giảm khẩu phần ăn vì “tình trạng hạn hán đang làm cuộc khủng hoảng lương thực thêm trầm trọng”.
Tại Bắc Triều Tiên, trong khi 2 trên 5 người bị thiếu ăn, khẩu phần người dân sẽ bị giảm từ 400 gr xuống còn 300 gr mỗi ngày, chỉ bằng một nửa khẩu phần theo quy định của Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP).
Theo báo cáo công bố ngày 19/07 của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), thu hoạch năm 2017 có thể giảm 30% do lượng mưa ít hơn so với thời điểm tháng 4 – tháng 6 hàng năm. Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 16 năm qua tại Bắc Triều Tiên. Các tỉnh Bắc Pyongan, Nam Pyongan và Hwanghae, được coi là các “vựa lúa” của nước này, bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm cỏ chăn nuôi gia súc cũng khiến tình hình lương thực trở nên xấu đi.
Bắc Triều Tiên chịu khủng hoảng lương thực định kỳ từ khi xảy ra nạn đói vào giữa những năm 1990 khiến khoảng 600.000 đến 1 triệu người chết (trên tổng số 24 triệu dân). Chương Trình Lương Thực Thế Giới (WFP) hỗ trợ 1/3 dân cư. Năm 2016, các vụ mùa đạt được 4,8 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2015, nhưng vẫn còn thiếu 700.000 tấn để đáp ứng nhu cầu của đất nước.
Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc tài trợ cho các dự án của họ ở Bắc Triều Tiên. Mặc dù, trên nguyên tắc, trợ giúp lương thực quốc tế không liên quan đến tình hình chính trị của nước được nhận, nhưng hình ảnh tiêu cực của Bắc Triều Tiên khiến các nước hảo tâm không muốn mở thêm hầu bao. Các nước phản đối gay gắt nhất cho rằng trợ giúp quốc tế càng làm chế độ Bình Nhưỡng phớt lờ nhu cầu của người dân để tập trung nguồn tài chính vào tham vọng hạt nhân và làm giảm hiệu quả của trừng phạt quốc tế.
Dù tình hình kinh tế đã được khôi phục, nhưng ngành nông nghiệp Bắc Triều Tiên vẫn là một lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng. Tại đất nước đồi núi này, nơi chỉ có 30% đất canh tác được và có mùa đông lạnh lẽo và mùa hè nóng nực, ngành nông nghiệp luôn là đối tượng được chú ý đặc biệt của chế độ. Một số tiến bộ được ghi nhận trong lĩnh vực tưới tiêu, cơ khí hoá, chăn nuôi và sản xuất phân bón. Thế nhưng, đất canh tác lại bị xuống cấp vì tình trạng khai thác tăng cường.
Căn cứ vào việc nền kinh tế đang tái khởi động, Bắc Triều Tiên chắc chắn có điều kiện tăng nhập khẩu lương thực. Liệu Bình Nhưỡng có làm hay không? Còn với cộng đồng quốc tế, một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra : Giúp đỡ hay không giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn, những nạn nhân của lệnh trình phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Hoa Kỳ : Tuần lễ đau đầu của Trump

Chỉ trong vài ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump hứng chịu một loạt “lời cự tuyệt thẳng thừng”. Sự việc cho thấy bức xúc bắt đầu tăng lên ngay trong nội bộ phe của tổng thống.
Con rể Jared Kushner phải giải trình trước các Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện và Thượng Viện trong hai ngày 21 và 22/07. Nhờ nhân nhượng của Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, con trai cả Donald Junior được chất vấn kín, tránh ống kính camera. Tổng thống trực tiếp chỉ trích bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions, từng là người ủng hộ ông hết mình trong cuộc vận động tranh cử. Tiếp theo đó là một loạt đơn xin từ chức của nhiều trụ cột trong đảng Cộng Hòa : phát ngôn viên của Nhà Trắng Sean Spicer (21/07), tổng thư ký Nhà Trắng Reince Priebus (28/07).
Công khai ngáng chân tuyên bố của tổng thống Mỹ cấm người chuyển giới được đầu quân, tổng tham mưu trưởng Joseph Dunford thông báo sẽ không có gì thay đổi chừng nào quân nhân chưa được thông báo chính thức, có nghĩa là phủ nhận thông tin trên Twitter của tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ.
Quốc Hội lưỡng viện Mỹ hai lần cản đường Trump, thứ nhất không thông qua dự luật nhằm bãi bỏ luật Obamacare, thứ hai là thông qua dự luật trừng phạt Nga, dù Donald Trump từng muốn xích lại với Matxcơva.
Trong hai bài viết về chủ đề này, nhật báo Le Monde lần lượt nhận định “Trump và phe Cộng Hòa thù nghịch nhau” với “Những phát ngôn tục tĩu và thanh toán nội bộ tại Washington”. Bài xã luận của La Croix đánh giá “Trump là mối đe dọa” vì sau thất bại về cải cách y tế, tổng thống Trump lên giọng, ngay tại Hoa Kỳ và gần như khắp nơi trên thế giới. Còn theo Libération, “đảng Cộng Hòa bước vào thời kỳ phân tán”.

Alibaba của Trung Quốc đẩy mạnh tăng trưởng tại Pháp

Nổi tiếng tại Trung Quốc, trang bán hàng trực tuyến Alibaba lặng lẽ mở rộng thị trường tại Pháp, trước hết là thiết lập mạng lưới vận chuyển nhanh tại Pháp trong vòng 24 giờ, với tên gọi AliExpres, một khi hàng hóa được chuyển từ Trung Quốc đến nước này. Nhật báo Le Monde nhận định : “Alibaba đẩy mạnh tăng trưởng tại Pháp”.
Không nêu con số cụ thể, nhưng theo giám đốc tại Pháp của AliExpress, khách hàng của họ chủ yếu là “rất trẻ và ít ở thành thị”. Họ biết đến Alibaba qua các công cụ tìm kiếm trên internet hay truyền miệng.
Đối với du khách Trung Quốc đến Pháp, Alibaba đã ký thỏa thuận với nhiều thương hiệu lớn như Printemps, Sephora, Citadium để du khách có thể thanh toán hóa đơn tại cửa hàng nhưng thông qua tài khoản Alipay, để tránh tình trạng du khách mang nhiều tiền mặt trên người.
Alibaba cũng nối lại quan hệ đối tác với Air France, công ty đường sắt SNCF hay tập đoàn khách sạn Accor để tạo điều kiện cho du khách Trung Quốc thông qua ứng dụng Alitrip.
Tham vọng của Alibaba là đưa một số thương hiệu nổi tiếng của Pháp lên website của mình. Nhưng hiện tại, cả LVMH (sở hữu Louis Vuitton) hay Dior chưa có ý định được bày bán bên cạnh những vịt quay và tã lót trẻ em.

Trang nhất của các nhật báo

Le Figaro đề cập đến thời sự Pháp với những khó khăn mà tổng thống Macron đang phải đối mặt. Le Monde phản án tinh thần ủ dột của những tân binh trẻ trong quân đội Pháp.
La Croix đưa tin tự do tại Rakka, Syria, còn cần phải được tổ chức. Sau 8 tháng chiến đấu chống Daech, chiến thắng đang cận kề với liên quân, nhưng họ cũng phải vượt qua chia rẽ giữa người Kurdistan và Ả Rập theo hệ phái Suni.
Trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos là hình ảnh của Ghosn, chủ tịch tập đoàn “Renault-Nissan, một hùng ca thế giới”. Libération phản ánh sự “bất khả trừng phạt về thuế” của các tập đoàn thế giới Google, Apple, Facebook, Amazon…

Tin đọc nhanh

(AP) – Philippines: Cảnh sát tăng cường chống ma túy. Lãnh đạo cảnh sát Philippines Ronald dela Rosa, ngày 31/07/2017, cho biết các nhân viên công lực sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tấn công chống lại các đường dây buôn lậu ma túy. Tuyên bố được đưa ra sau vụ cảnh sát bắn hạ thị trưởng thành phố miền nam Ozamiz, ngay tại nhà riêng hôm Chủ nhật, 03/07. Nhân vật nói trên bị nghi ngờ tham gia đường dây ma túy. Ít nhất 14 người bị hạ sát trong cuộc chạm súng với cảnh sát.
(Reuters) – Thái Lan : 80% hệ thống cảnh báo sóng thần cần được bảo dưỡng. Trên đây là nhận định của phó tổng giám đốc cơ quan phòng chống thảm họa của Thái Lan ngày 31/07/2017. Hơn 5.000 người trong đó có nhiều du khách bị thiệt mạng tại Thái Lan do trận sóng thần ngày 26/12/2004. Bảo đảm an toàn cho du khách giúp Thái Lan duy trì được các hoạt động du lịch. Ngành này chiếm tới 12% GDP Thái Lan.
(Reuters ) –Trung Quốc :Chủ nhiệm úy ban an toàn lao động bị hạ tầng công tác. Ngày30/07/2017, theo thuật ngữ chính thức, Dương Hoàn Ninh bị buộc tội vi phạm « kỷ luật đảng, đi sai đường lối đảng, lạm vụ chức quyền để phục vụ lợi ích cá nhân ». Người tiền nhiệm của Dương Hoàn Ninh bị tống giam với bản án 15 năm tù sau vụ nổ hóa chất trong một kho hàng ở cảng Thiên Tân vào năm 2015. Vụ nổ đã giết chết 170 người trong đó có hàng chục nhân viên cứu hỏa thiếu kinh nghiệm.
(AFP) - Seoul xét lại thỏa thuận « gái giải sầu » ký với Tokyo thời Park Geun Hye. Ngày 31/07/2017, thực hiện lời hứa lúc tranh cử của tổng thống Moon Jea In, một ủy ban xét lại thỏa thuận bồi thường các phụ nữ bị quân đội Thiên Hoàng bắt làm nô lệ bắt đầu làm việc. Oh Tai Kyu, chủ tịch ủy ban 9 người, trong cuộc họp báo tại Seoul cho biết sẽ xem lại từ đầu đến cuối văn kiện để xem thỏa thuận này có phản ảnh đúng ý kiến của nạn nhân hay không. Một phần công luận Hàn Quốc cho rằng Tokyo không nhận hết trách nhiệm lịch sử lạm dụng phụ nữ Triều Tiên.
(AFP) – Nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Âu bị cháy. Đêm hôm thứ Bảy qua ngày Chủ nhật 30/07/2017, cơ sở lọc dầu của tập đoàn Shell Pernis tại thành phố cảng Rotterdam, Hà Lan, với khoảng 60 nhà máy, phải ngừng hoạt động do hỏa hoạn. Theo truyền thông Hà Lan, nguyên nhân cháy có thể là do chập điện. Hỏa hoạn về cơ bản được khống chế vào lúc 6 giờ sáng, giờ địa phương. Người phát ngôn của công ty cho biết các nhà máy sẽ không hoạt động trong nhiều ngày, tuy nhiên, tai nạn này không ảnh hưởng đến giá xăng dầu.
(AFP) – Ấn Độ : Lũ lớn khiến gần 700 người chết. Khoảng 20 bang Ấn Độ bị ảnh hưởng, hàng triệu người phải sơ tán. Chỉ riêng bang Gujarat (miền tây) ít nhất 231 người thiệt mạng. Trận lũ lớn này do đợt mưa dữ dội hồi tháng 6 gây ra.
(AFP) – Úc tăng cường an ninh sân bay. Sau khi phá vỡ được âm mưu tấn công máy bay tại Sydney, cảnh sát Úc, hôm nay 31/07 đã tích cực siết chặt an ninh hàng không. Bộ trưởng bộ Di Trú Úc Peter Dutton cho biết, tất cả các sân bay quốc gia đều được chú ý tới, kể cả các chuyến bay nội địa. Thời gian rà soát hành lý lâu hơn tại các sân bay lớn và việc tăng cường an ninh này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
(AFP) – Zambia bắt giữ ba người Trung Quốc tàng trữ sừng tê giác. Ngày 30/07/2017 nhà chức trách Zambia tuyên bố đã bắt giữ, nhóm ba người Trung Quốc cùng hai người Zambia, trong khu vực gần biên giới với Mozambic, vì đã tàng trữ 32,2 kilogram sừng tê giác chưa rõ nguồn gốc. Trước năm 1988, Zambia có tới gần 12.000 con tê giác nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 50 con. Sừng tê giác được cung cấp chủ yếu cho thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, có thể lên tới 60 nghìn đô la/kg tại các chợ đen.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?