Tin Biển Đông – 29/07/2017
Ông Tập ‘chỉ đạo bồi đắp đảo ở Biển Đông’
Chủ tịch Tập Cận Bình là người trực tiếp đứng sau quyết định của Bắc Kinh trong cách tiếp cận tới các tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, một tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ.
Trong bài xã luận đăng hôm thứ Sáu trên Thời báo Nghiên cứu (Study Times) của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập được ca tụng là đã có quan điểm cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng ở Á châu, tờ South China Morning Post phát hành tại Hong Kong nói.
“Cá nhân [Chủ tịch Tập] chèo lái một loạt các biện pháp nhằm mở rộng lợi thế chiến lược và bảo vệ các lợi ích quốc gia [của Trung Quốc],” South China Morning Post trích nội dung bài xã luận.
“Trong vấn đề Biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), cá nhân [ông Tập] đã ra các quyết định xây dựng các đảo, củng cố các bãi đá, và thành lập thành phố Tam Sa. [Những quyết định này] đã làm thay đổi căn bản tình thế chiến lược tại Biển Nam Hải.”
Hồi 2015, BBC đã nhìn thấy một đường băng mới của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn
Hoa Kỳ ước tính Bắc Kinh đã mở rộng thêm 1.300 ha đất tại bảy địa điểm trên Biển Đông trong thời gian ba năm qua, xây dựng các đường băng, cảng, bãi đỗ, nhà chứa máy bay và lắp đặt các thiết bị viễn thông trên đó, theo Reuters.
Các nhà phân tích đánh giá rằng bài xã luận cho thấy ông Tập đã giữ một mức độ tập trung hóa quyền lực và quyền kiểm soát nhất định đối với chính sách ngoại giao của Trung Quốc, và điều đó khiến ông trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, báo South China Morning Post bình luận.
Bài xã luận được đưa ra vào lúc truyền thông Trung Quốc đang ca tụng vai trò của ông Tập, trước khi nước này chuẩn bị có kỳ Đại hội Đảng vào mùa thu, là sự kiện mà danh tính những người được cho là kế vị chức chủ tịch và thủ tướng đương nhiệm – theo kế hoạch sẽ từ chức năm 2022 sau 10 năm cầm quyền – sẽ được tiết lộ.
Việt Nam nói có quyền khoan dầu ở Biển Đông
Việt Nam hôm thứ Sáu nói rằng các nước khác nên tôn trọng quyền hợp pháp của Việt Nam được khoan dầu trong vùng biển của mình trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc liên quan đến việc phát triển năng lượng ở Biển Đông.
“Các hoạt động liên quan đến dầu khí của Việt Nam diễn ra trên biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập theo luật pháp quốc tế,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một thông cáo gửi cho hãng tin Reuters.
“Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam,” thông cáo nói tiếp.
Hoạt động khoan dầu bắt đầu vào giữa tháng 6 tại Lô 136/3 của Việt Nam, được cấp phép thực hiện bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha và công ty Mubedala Development của Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả-rập.
Lô này nằm bên trong đường “chín đoạn” hình chữ U đánh dấu vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và chồng lấn với khu vực mà họ nói họ có quyền khai thác dầu.
Trung Quốc hôm thứ Ba kêu gọi ngừng hoạt động khoan dầu.
Tuần này, đài BBC loan tin rằng Việt Nam đã ngừng việc khoan dầu ở đó sau khi có những đe doạ từ Trung Quốc, nhưng chưa có xác nhận độc lập và không có quan chức Việt Nam hay quan chức Repsol nào đưa ra bình luận gì về tin tức này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông giàu năng lượng mà hàng năm khoảng 5 ngàn tỉ đôla gía trị thương mại được vận chuyển qua đó. Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền.
TQ khánh thành rạp phim ở Tam Sa thuộc Hoàng Sa
Mục ‘News from Elsewhere’……dựa trên thu thập của BBC Monitoring
Dù ở đâu, mọi người cũng có nhu cầu giải trí – kể cả khi bạn đang ở một hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông.
Trung Quốc khai trương rạp chiếu phim hiện đại tại Tam Sa, một thành phố do nước này xây dựng, quản lý và đặt căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Hoàng Sa (tên Trung Quốc là Tây Sa) đang có tranh chấp.
Rạp chiếu phim Ân Long Tam Sa đã trình chiếu bộ phim Sự bất tử của Giao Ngọc Lã (The Eternity of Jiao Yulu) cho hơn 200 cư dân và binh sỹ ngay trong ngày đầu mở cửa, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tân Hoa Xã cho biết rạp chiếu phim này sẽ chiếu ít nhất một lần mỗi ngày để dân cư được ước tính là khoảng 2000 người đang sinh sống trên đảo “có thể thưởng thức cùng lúc với khán giả trên cả nước”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết thêm Trung Quốc có kế hoạch chiếu phim miễn phí tại các đảo khác trong quần đảo này với các máy chiếu di động
Bill Hayton: Việt Nam đang ‘thân cô, thế cô’
Việt Nam đang ở trong thế ‘chỉ có một mình’ khi đương đầu với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đồng thời là phóng viên của BBC nói với Bàn tròn thứ Năm tuần này.
Trao đổi tại cuộc Tọa đàm hôm 27/7/2017, khi đưa ra thông tin bình luận có tính tham khảo về tình huống hiện nay của Việt Nam ở trong khu vực trong lúc có những thông tin khác nhau và quan tâm của dư luận về việc khai dầu, khí của Việt Nam ở khu vực Lô 136-03, ông Bill Hayton nói:
“Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người (Bộ Chính trị ĐCSVN) là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện (nếu Hoa Kỳ) dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất,” khách mời này nói với BBC Tiếng Việt.
Thông tin của tôi đến từ ngành công nghiệp năng lượng, không đến từ chính phủ Việt Nam, là tàu khoan đã phát hiện quy mô của một mỏ khí đốt ở khu vực đó. Vì họ đã khoan thấy khí đốt, họ không thể đơn giản là dừng việc khoan lại và rời điBill Hayton, BBC News
Sau đây là toàn bộ nội dung ý kiến mà ông Bill Hayton đưa ra tại Bàn tròn thứ Năm:
BBC: Hãng tin Reuters của Anh tuần này, hôm 25/7, nói rằng BBC đưa tin Việt Nam đã dừng khoan dầu ở khu vực sau khi có các đe dọa của Trung Quốc, nhưng không có nguồn tin khẳng định độc lập trong lúc cả giới chức Việt Nam lẫn hãng Repsol đều chưa đưa ra bình luận nào về tin trên. Với tư cách là tác giả bài báo, ông có ý kiến gì?
Bill Hayton: Tôi nghĩ mọi người hiện đều đang ở trong tình huống rất khó. Không ai muốn khẳng định điều này, và điều đó có thể làm người dân ở Việt Nam bối rối, không hài lòng. Đồng thời, cũng có những thu xếp về thương mại ở đây. Hãng Repsol đã bỏ ra hàng chục, có thể là hàng trăm triệu đô-la để khoan tìm khí ở địa điểm đó. Ai sẽ trả cho những khoản chi phí đó?
Thông tin của tôi đến từ ngành công nghiệp năng lượng, không đến từ chính phủ Việt Nam, là tàu khoan đã phát hiện ra một mỏ khí đốt khá quy mô ở khu vực đó. Vì đã tìm thấy khí đốt, họ không thể đơn giản là dừng việc khoan lại và rời đi, bởi vì nó có thể bị nổ. Họ phải làm một số công việc kỹ thuật để dừng, mà theo nghĩa đen là đổ xi-măng vào giếng khoan trước khi có thể rời đi.
BBC: Khi nói rằng Việt Nam đã dừng khoan dầu sau các đe dọa của Trung Quốc, ông đã hỏi chính phủ Việt Nam, chính phủ Trung Quốc, hay các bên liên quan, như hãng Repsol hay chưa?
Bill Hayton: Như đã chỉ ra, cho đến hôm nay, chưa có tuyên bố từ phía giới chức Việt Nam, họp báo (của Bộ Ngoại giao) chưa được tổ chức ngày hôm nay, Repsol không phát biểu gì, công ty khoan dầu ở giếng dầu, khí không phát biểu gì và chỉ có phát biểu ngắn của chính phủ Trung Quốc.
Hệ quả nghiêm trọng?
Ở đây gọi là những giếng khoan thăm dò, nơi mà các công ty chỉ tìm hiểu xem có bao nhiêu khí đốt ở đó. Nhưng nếu họ (Việt Nam) hứa là sẽ không bao giờ khoan nữa trong tương lai, thì đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiềuBill Hayton, BBC News
BBC:Nếu thực sự diễn ra những gì như thông tin ông đưa, mà theo đó do có các đe dọa của Trung Quốc mà Việt Nam chấm dứt việc khoan dầu, thì điều này ảnh hưởng thế nào tới vị thế của Việt Nam, tới uy tín của Việt Nam trong mắt của các đối tác, các nhà thầu, các hàng thăm dò, khai thác dầu khí đã đang hợp tác với Việt Nam ở khu vực? Có nghiêm trọng không?
Bill Hayton: Tôi nghĩ có hai điểm ở đây. Thứ nhất, việc khoan hiện nay có vẻ như đã dừng lại. Tuy nhiên, có một điểm nghiêm trọng hơn, đó là tôi nghe thấy rằng Việt Nam đã hứa sẽ không bao giờ khoan dầu, khí ở vùng biển này nữa.
Và đó là vấn đề nghiêm trọng hơn vì ở đây gọi là những giếng khoan thăm dò, nơi mà các công ty chỉ tìm hiểu xem có bao nhiêu khí đốt ở đó. Nhưng nếu họ (Việt Nam) hứa là sẽ không bao giờ khoan nữa trong tương lai, thì đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.
BBC:Có thông tin nói Trung Quốc không chỉ ‘đe dọa’, mà thậm chí đã có ‘tấn công’ thực sự vào một số cơ sở của Việt Nam ở khu vực khoan dầu, ông có bình luận gì về thông tin đó?
Bill Hayton: Tôi không nghe thấy gì về chuyện đó. Tôi có nghe được cùng một thông tin mà quý vị đã nghe, là đã có một biến cố nào đó, nhưng không phải là một sự cố lớn. Do đó, nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ nó có thể chỉ có tính chất biểu tượng.
Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan dầu, nhưng hai (ủy viên) thì không. Và hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân LịchBill Hayton, BBC News
Điều mà tôi nghe được, nhưng trước hết tôi muốn nói là mọi người, tất cả các quý vị khán giả, thính giả đều hiểu là chúng ta không bao giờ biết chắc về điều gì đã xảy ra trong nội bộ chính trị Việt Nam. Có rất nhiều tin đồn, cho nên tôi phải nói trước như vậy, trước khi bàn tới chuyện này. Đó là tôi có nghe một tin đồn mà có thể là thú vị.
Điều mà tôi nghe được nhưng tôi không có cách nào biết được có đúng hay không, là khi Bộ Chính trị bàn luận về sự việc, thì 17/19 (?) ủy viên đã muốn tiếp tục tiến hành khoan tìm dầu, nhưng có hai (ủy viên) thì không. Hai người đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Tôi không có cách nào biết được việc đó là chân thực hay không, vì có các viết lách khác nhau từ mọi người. Nhưng tôi nghĩ người ta đã nhắc đến rằng những người thực sự quyết định việc này là Tổng Bí thư và Bộ trưởng Quốc phòng.
‘Thân cô, thế cô’?
BBC:Có gợi ý cho rằng việc thay đổi về hoạt động khoan thăm dò dầu, khí ở Biển Đông của Việt Nam vừa rồi, nếu có, là do lý do thời tiết, bão lớn, mà không phải là vì lý do chính trị nào. Ngoài ra, cũng có ý kiến nói lô dầu, khí (136-03) được đề cập trong bài báo của tác giả Bill Hayton là không chuẩn xác, không phải là lô đố. Ông có bình luận gì?
Bill Hayton: Về điểm thứ hai, tôi muốn nói là Repsol có một số hoạt động ở ngoài khơi Việt Nam. Họ đã mua Talisman-Vietnam, một hãng của Canada vào năm 2015, do đó họ có các hoạt động ở các lô khác nhau, chẳng hạn có lô 07-03, ở rất gần, ngay bên cạnh Lô 136-03, là lô mà tôi nói tới. Chắc chắng Lô 136-03 là lô gây ra vấn đề hiện nay.
Tôi tin chắc rằng đây đúng là giếng khoan và tôi được nghe rằng chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Repsol đưa ra lý do kỹ thuật để dừng sớm việc khoan tìm dầu. Họ cần có một lý do nào đó để tuyên bố vì lý do kỹ thuật hoặc do thời tiết xấu mà người ta đã phải ngừng việc khoan thăm dò ở đây. Nhưng Repsol đã từ chối.
Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump không thể tin cậy để giúp Việt Nam trong tình hình này… Do đó, VN sẽ phải đối diện với Trung Quốc chỉ có một mình, tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhấtBill Hayton, BBC News
BBC:Nếu quả thực có việc vì chính quyền Việt Nam yêu cầu dừng, mà Repsol phải ngừng việc khai thác ở đó, thì chính phủ Việt Nam có phải bồi thường hay không, bồi thường thế nào? Có thông tin nói Repsol đã đầu tư, chi phí hàng trăm triệu đô la và có thông tin nói khoản bồi thường đó có thể lên tới khoảng 1 tỷ đô-la, ông có ý kiến gì?
Bill Hayton: Tôi được nghe rằng giá trị khí đốt ở mỏ khí đốt có trữ lượng khá lớn, khiến cho Repsol khá vui vì đã giành được quyền khai thác. Tôi muốn nói là rõ ràng sẽ có những bàn luận về việc bồi thường, Repsol có các hoạt động khác ở Việt Nam, do đó sẽ có thể có các điều chỉnh, cân bằng về chi phí của họ. Nhưng chúng ta phải nhìn vào các chi tiết của hợp đồng. (Một tỷ) là con số khoảng chừng mà tôi đã nghe được về giá trị của khí ở lô đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào chi tiết của hợp đồng mới biết được là ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho các chi phí.
BBC:Thông tin ông nói về một ‘quyết định’ ở cấp Bộ Chính trị ĐCSVN về việc ‘ngừng khoan tìm dầu’ trong diễn biến này là điều khá đáng quan tâm. Nếu thực sự có quyết định đó, thì làm thế nào ý kiến của một thiểu số (hai phiếu, hay hai ý kiến) lại có thể chống lại được quyết định của đa số trong Bộ Chính trị được?
Bill Hayton: Tôi được cho biết rằng luận điểm đã thuyết phục tất cả mọi người là không thể tin cậy vào Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump trong việc giúp Việt Nam trong tình hình này, ngược với chuyện (nếu Hoa Kỳ) dưới lãnh đạo của bà Hillary Clinton thì có lẽ Việt Nam sẽ nhận được nhiều hậu thuẫn hơn từ Hoa Kỳ. Do đó, Việt Nam sẽ phải một mình đối diện với Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là lập luận quan trọng nhất,
Mời quý vị bấm vào các đường link sau đây để tham khảo và theo dõi các ý kiến phản hồi, bình luận từ các nhà quan sát, nghiên cứu, hay phân tích khác về ý kiến của ông Bill Hayton mà BBC Việt ngữ đã thực hiện sau Bàn tròn ngày 27/7/2017 về khoan dầu ở Biển Đông.
Nhận xét
Đăng nhận xét