Tưởng Niệm Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn
Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn
MỘT
Năm 1967, lúc đó tôi đang vận động Chương Trình Lập Ấp Kiểu Mẫu Thạnh Đức cho đồng bào thiểu số Miền Bắc di cư vùng Cao Nguyên Tuyên Đức/Đà Lạt. Nhân dịp về Sài Gòn, tôi có ghé nhà anh Trần Dạ Từ và trình bày cho anh về chương trình này (Anh Từ là bạn nối khố của anh ruột tôi từ lúc còn học trường Trung Học Kiến An năm 1952. Nên anh coi tôi như em ruột). Lúc đó anh Trần Dạ Từ đang làm ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Anh cho tôi được lên Đài phát biểu 15 phút trong chương trình “Tiếng Chuông Tự Do” do anh phụ trách. Ngày hôm sau anh dẫn tôi đi gặp Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà ở hẻm Nguyễn Cư Trinh, Gần ngã tư Phú Nhuận. Sau khi nghe tôi trình bày hết chương trình, rất may mắn anh vui vẻ nhận lời ủng hộ chương trình cùa tôi ngay. Lúc đó anh Côn đang viết một số lý thuyết cho Ông Nguyễn Cao Kỳ, hiện là “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương” tức Thủ Tướng. Anh hẹn sáng hôm sau sẽ dẫn tôi và anh Từ vào gặp Ông Đào Xuân Dung bạn thân của anh hiện đương là Phó Đổng Lý Văn Phòng Phủ Chủ Tịch đặc trách Đất Đai toàn Quốc. Anh đề nghị chúng tôi nên có thêm một người nữa cho thêm phần hùng hậu. Anh Trần Dạ Từ quyết định rủ G.S Phan Văn Phùng, Tổng Thư Ký CPS viết tắt của chữ “Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường “Nhóm này gồm “Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Đỗ Qúi Toàn, Hà tường Cát, Trần Đại Lộc, Phạm phú Minh. Sau năm 1975 qua Mỹ đều làm ở tờ Nhật Báo NGƯỜI VIỆT. Như đã hẹn chúng tôi đợi ở cánh trái Dinh Độc Lập Đường Nguyễn Du, đợi chừng 5 phút, chưa được vào, anh Côn có vẻ khó chịu, anh yêu cầu người gác cổng gọi điện vào văn phòng cho anh trực tiếp nói chuyện với Ông Đào Xuân Dung. Có lẽ người gác cổng thấy anh thường ra vào Phủ Chủ Tịch, cũng đồng ý cho anh nói chuyện trực tiếp. Anh cầm máy nói lớn tiếng tỏ vẻ rất giận dữ “Sao, mày có tiếp không? tao chờ gần 10 phút rồi đấy, nếu bận thì chúng tao đi về, chứ mày để tao chờ lâu thế này à.” Nói xong anh bỏ điện thoại xuống nói với chúng tôi “Từ trước tới giờ chưa bao giờ tôi đợi qúa 5 phút, kể cả gặp Nguyễn Cao Kỳ, sau 5 phút không tiếp là “Moi” (Anh Côn thường dùng moi, toi, để nói chuyện) đi ngay. Sau đó ít phút thì Cảnh Sát gác cổng cho biết là ông Phó Đổng Lý mời chúng tôi vào văn phòng để tiếp kiến.
Năm 1967, lúc đó tôi đang vận động Chương Trình Lập Ấp Kiểu Mẫu Thạnh Đức cho đồng bào thiểu số Miền Bắc di cư vùng Cao Nguyên Tuyên Đức/Đà Lạt. Nhân dịp về Sài Gòn, tôi có ghé nhà anh Trần Dạ Từ và trình bày cho anh về chương trình này (Anh Từ là bạn nối khố của anh ruột tôi từ lúc còn học trường Trung Học Kiến An năm 1952. Nên anh coi tôi như em ruột). Lúc đó anh Trần Dạ Từ đang làm ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Anh cho tôi được lên Đài phát biểu 15 phút trong chương trình “Tiếng Chuông Tự Do” do anh phụ trách. Ngày hôm sau anh dẫn tôi đi gặp Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà ở hẻm Nguyễn Cư Trinh, Gần ngã tư Phú Nhuận. Sau khi nghe tôi trình bày hết chương trình, rất may mắn anh vui vẻ nhận lời ủng hộ chương trình cùa tôi ngay. Lúc đó anh Côn đang viết một số lý thuyết cho Ông Nguyễn Cao Kỳ, hiện là “Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương” tức Thủ Tướng. Anh hẹn sáng hôm sau sẽ dẫn tôi và anh Từ vào gặp Ông Đào Xuân Dung bạn thân của anh hiện đương là Phó Đổng Lý Văn Phòng Phủ Chủ Tịch đặc trách Đất Đai toàn Quốc. Anh đề nghị chúng tôi nên có thêm một người nữa cho thêm phần hùng hậu. Anh Trần Dạ Từ quyết định rủ G.S Phan Văn Phùng, Tổng Thư Ký CPS viết tắt của chữ “Chương Trình Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường “Nhóm này gồm “Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Đỗ Qúi Toàn, Hà tường Cát, Trần Đại Lộc, Phạm phú Minh. Sau năm 1975 qua Mỹ đều làm ở tờ Nhật Báo NGƯỜI VIỆT. Như đã hẹn chúng tôi đợi ở cánh trái Dinh Độc Lập Đường Nguyễn Du, đợi chừng 5 phút, chưa được vào, anh Côn có vẻ khó chịu, anh yêu cầu người gác cổng gọi điện vào văn phòng cho anh trực tiếp nói chuyện với Ông Đào Xuân Dung. Có lẽ người gác cổng thấy anh thường ra vào Phủ Chủ Tịch, cũng đồng ý cho anh nói chuyện trực tiếp. Anh cầm máy nói lớn tiếng tỏ vẻ rất giận dữ “Sao, mày có tiếp không? tao chờ gần 10 phút rồi đấy, nếu bận thì chúng tao đi về, chứ mày để tao chờ lâu thế này à.” Nói xong anh bỏ điện thoại xuống nói với chúng tôi “Từ trước tới giờ chưa bao giờ tôi đợi qúa 5 phút, kể cả gặp Nguyễn Cao Kỳ, sau 5 phút không tiếp là “Moi” (Anh Côn thường dùng moi, toi, để nói chuyện) đi ngay. Sau đó ít phút thì Cảnh Sát gác cổng cho biết là ông Phó Đổng Lý mời chúng tôi vào văn phòng để tiếp kiến.
HAI
Khi vào đến văn phòng, sau khi anh Nguyễn Mạnh Côn giới thiệu chúng tôi và ông Đào xuân Dung mời chúng tôi an tọa, tôi trình bày sơ lược về kế hoạch và chương trình chúng tôi dự định thực hiện trên vùng cao nguyên Tuyên Đức. Sau khi nghe xong, không biết có phải nhờ sự giới thiệu của anh Côn hay không? Nhưng Ông Đào Xuân Dung vui vẻ nhận lời giúp đỡ ngay. Nhưng ông cho biết rằng, tất cả các dự án, trước khi chuyển đến văn phòng ông, phải được địa phương thông qua. Vì thế chúng tôi vận động thông qua được Tỉnh, khi chuyển đến văn phòng, ông sẽ phê duyệt ngay. Đây là lần đầu tiên tôi gặp anh qua sự giới thiệu của anh Trần Dạ Từ, với sự sốt sắng vô vụ lợi, dù lúc đó tôi còn rất trẻ, vô danh tiểu tốt. Tôi không muốn viết nhiều về chương trình này, vì đó không phải là mục đích của bài viết. Trong thời gian ở Sài Gòn, anh Trần Dạ Từ giao cho tôi trông coi hai nhà Xuất Bản “Thương Yêu và Hải Âu” nằm trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Thỉnh thoảng anh Từ có chở tôi lại thăm anh vài lần, có lần gặp nhạc sĩ Phạm Duy nhờ anh sửa giúp lời bài ca chuyển qua tiếng Pháp (Anh Nguyễn Mạnh Côn rất giỏi Pháp Văn). Anh nói với anh Phạm Duy để đó về đi, khi nào xong anh sẽ cho người mang qua. Tôi đâu có thể làm nhanh như ông được. Sau đó tôi thấy anh Phạm Duy ra về. Một lần khác đến gặp anh, thấy anh Đỗ Ngọc Yến ̣(Sau này là Chủ Nhiệm nhật báo Người Việt ở Cali) đang ngồi nói chuyện, thấy chúng tôi đến anh cáo từ ra về, vì anh ta nói đã nói chuyện với anh Côn lâu rồi. Khi chúng tôi đã ngồi xuống, anh bắt đầu nói là anh đang viết cuốn “Hòa Bình, Làm Gì, Nghĩ Gì”, đã viết được hơn 100 trang, Anh Côn không viết văn bằng máy chữ như nhiều nhà văn khác, anh viết bằng bút máy trên giấy perlure khổ dài, rất đều và đẹp, anh nói hôm nọ Hoàng Hải Thủy đến đây đọc và có phê bình một vài đoạn, moi (anh Côn thường dùng từ moi, toi, để nói chuyện với những người quen) thấy đúng nên đã xé đi viết lại từ đầu. Hôm nay Đỗ Ngọc Yến cũng vừa phê bình một vài chỗ, để moi nghĩ, nếu đúng moi sẽ xé đi viết lại từ đầu. Tôi hỏi “Sao anh không chỉ sửa phần sai thôi?” anh nói không muốn thế. Có lần anh Từ bệnh nặng, vừa khỏi thì anh Nguyễn Mạnh Côn đến thăm. Lúc ấy nhà anh Từ ở trong con hẻm gần nhà thờ Ba Chuông. Anh Từ đọc cho anh Côn nghe bài thơ anh vừa sáng tác sau khi ốm dậy. Anh cười nói “Moi chắc toi vừa khám phá ra điều gì đó”. Lúc đó anh Côn vừa xuất bản xong cuốn sách “TÌNH CAO THƯỢNG” rất thành công. Hình như anh Côn có tặng cho anh Từ chút ít tiền thì phải, tôi nhớ không chắc lắm.
BA
Thế rồi thời gian lặng lẽ trôi, cho đến ngày định mệnh của dân tộc. 30 tháng 4 năm 1975, ngày Miền Nam VNCH sụp đổ. Sau khi Nhà cầm quyền Cộng Sản VN đã lừa được các Quân, Cán, Chính của VNCH vào “trại tập trung”. Ngày 1 tháng 4 năm 1976, bọn cộng sản vn mở chiến dich càn quyét toàn bộ văn nghệ sỹ, trí thức Miền Nam. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn bị bắt ngày 2 tháng 3 năm 1976. Chúng tôi toàn bộ gia đình 4 người gồm “Anh Trần Dạ Từ, Nhà văn Nhã Ca, anh tôi Đặng Hải Sơn và tôi, Đặng Hoàng Hà”, lúc đó chị Nhã Ca có cháu út “cu Toe” chưa đầy 1 tuổi, và bé “Long Nghi” con gái đầu lòng của anh Sơn vừa đầy tháng còn đỏ hỏn. Sau khi khám nhà và đọc án lệnh chúng tôi can tội “Tuyên Truyền Phản Động”, lúc ấy đang ở tại số nhà 155 Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Họ chở chúng tôi đến trụ sở “An Ninh Nội Chính” (Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ). Trong 4 người thì có 2 người bị nhốt vào cachot (phòng biệt giam), tôi và chị Nhã Ca. Sau vài tuần hỏi cung xong, chúng chuyển tôi ra phòng Tập Thể 2. Bất ngờ tôi lại gặp anh Nguyễn Mạnh Côn và anh Trần Dạ Từ cùng buồng. Anh Côn mặc bộ bà ba nâu, đeo cặp kính trắng gọng lớn, tối đó tôi và anh cũng nói chuyện rất nhiều, anh kể người chấp pháp có hỏi thời kỳ anh học với các ông Võ Nguyên Giáp và Đặng Thái Mai ở trường “Thăng Long” Hà Nội, Anh nói “Họ biết tôi là đệ tử của nàng tiên nâu, nên trong thời gian làm việc (tức hỏi cung) để tôi có đủ sức khỏe, họ sẽ cung cấp thuốc và cho tôi được hút.” nhưng tôi đã từ chối đặc ân đó. Rồi bỗng nhiên anh hỏi tôi “Trong nhóm” toi”,ý nói (Anh Trần Dạ Từ, Chị Nhã Ca, Anh Đặng Hải Sơn và tôi) Cộng Sản nó sợ nhất là ai không? Tôi nói có lẽ là anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca, vì cuốn “GIẢI KHĂN SÔ CHO HUẾ” của chị đã được giải “Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc” có ảnh hưởng rất lớn, Tôi nói với anh “Lúc em bị hỏi cung, họ cũng hỏi em về tác phẩm này, vì em đã ở trong nhà anh chị Từ, Nhã một thời gian dài, từ lúc còn ở nhà số “99/1B Ấp Tân Canh Gia Định” cho đến khi chuyển về Nhà số “155 Hoàng Hoa Thám Gia Định” nên họ hỏi có biết nguyên nhân nào chị Nhã Ca đã viết tác phẩm trên Em đã nói với tên chấp pháp rằng: “Áp tết Mậu Thân, chị Nhã Ca nhận được điện tín của gia đinh từ Huế điện vào cho biết ba chị bệnh nặng nói chị về gấp. Lẽ ra anh Trần Dạ Từ lúc đó cũng phải đi nhưng vì đang bệnh nặng, không thể đi được, vì thế chị Nhã Ca đành đi một mình. Khi về đến Huế thì ba chị mất, vì phải ở lại chịu tang, thì xảy ra vụ tổng tấn công tết Mậu Thân nên chị bị kẹt lại Huế hơn 1 tháng, chứng kiến toàn bộ những gì đã xảy ra, chị chỉ viết những sự thực mà chị đã nhìn thấy, Chị là chứng nhân của lịch sử. Tên chấp pháp này sừng sộ với em, hắn nói: “Thế cách mạng làm bao nhiêu điều tốt đẹp sao chị ấy không viết? Chị viết như vậy khiến mọi người trên thế giới lầm tưởng Cách mạng chỉ có biết chém giết, tàn ác.” Em nói điều đó ông nên hỏi chị ấy, vì chị Nhã Ca cũng bị các ông giam tại đây. Sau khi tôi nói xong, anh Nguyễn Mạnh Côn lắc đầu nhìn thẳng vào mặt tôi nói “Trong nhóm của cậu cộng sản nó sợ nhất là “toi” đấy”. Tôi hơi khựng và ngạc nhiên không hiểu anh căn cứ vào đâu mà nói như vậy, vì đang trong tù, có nhiều vấn đề không nên đào sâu. Chuyện vãn một hồi chúng tôi nằm nghỉ, vì trong tù mọi người không được nói chuyện sau 10 giờ đêm. Tôi, anh Côn và anh Từ chỉ ở với nhau được một đêm, sáng hôm sau họ đọc tên một số người phải chuyển trại, trong số đó có anh Nguyễn Mạnh Côn và anh Trần Dạ Từ. Sau đó nghe nói là các anh đã chuyển về “Đề Lao Gia Định” ở số 4 Phan Đăng Lưu. Tôi nằm ở “An Ninh Nội Chính” (Sau này là Sở Công An Thành Phố). Rồi sau đó họ cũng chuyển tôi về trại T20 số 4 Phan Đăng Lưu, khu C2 phòng 7, tại đây tôi ở chung với các anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (Cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, G.S Đại học Vạn Hạnh). Nhà văn Lê Xuyên thường gọi đùa là “Chú Tư Cầu”. Tác phẩm nổi tiếng của anh, Kịch tác gia Lê Văn Vũ Bắc Tiến, ký giả Đoàn Kế Tường (Sau này ra tù Tường đã cộng tác với Huỳnh Bá Thành Phó Giám Đốc Công An Thành Hồ, viết cho tờ Công An Thành Phố ký tên Đoàn Thạch Hãn, Đã qua đời). Trong đó còn có ông Nguyễn Văn Trương, chủ nhà sách và nhà xuất bản “Khai Trí” nằm trên đường Lê Lợi Q.1 S.G lừng danh, cả Miền Nam ai cũng biết. Vừa vào trong phòng thì anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh kéo tôi đến bên anh chỉ chỗ năm bên cạnh, anh nói tôi và anh sẽ ăn chung, phong ngay tôi làm thư ký buồng vì anh đương là Trưởng Buồng chưa có thư ký. Anh Trần Dạ Từ ở cạnh buồng tôi, Anh Nguyễn Mạnh Côn và chị Nhã Ca lúc đó ở Khu B. Đến đầu năm 1978 thì chúng tôi lưu lạc tứ tán, họ chuyển tôi về khám “Chí Hòa” Khu AH, các anh Trần Dạ Từ và anh Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã bị chuyển đi “Lao Động Khổ Sai” ở trại Gia Trung, trên cao nguyên trung phần. Ở Khu AH một thời gian, trước khi đi “Lao Động Khổ Sai” chúng chuyển tôi về khu FG, tại đây tôi lại gặp anh Nguyễn Mạnh Côn, đúng là định mệnh trớ trêu, gặp anh trong hoàn cảnh nghiệt ngã, không mong đợi. Trong chuyến đi “Lao Cải” kỳ này, ngoài anh Côn Còn có anh ruột tôi Đặng Hải Sơn, nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long, Họa sĩ Đằng Giao Trần Duy Cát (Nguyên Tổng Thư Ký Nhật Báo SỐNG của nhà văn Chu Tử, anh cũng là con rể của nhà văn này). Chúng tôi được chở bằng xe bít bùng, còng tay hai người làm một. Chuyến đi đó vào khoảng 100 người lâu quá không nhớ chắc chắn. Đến Trại “XUYÊN MỘC” Khu A vào lúc xế chiều, trại trưởng, (thường gọi là Ban Giám Thị) lúc đó tên Bến, hắn nói với chúng tôi tổng quát về “20 Điều nội qui, 38 Điều nếp sống văn hóa mới Và 4 Tiêu chuẩn cải tạo”. Chúng tôi đi đường xa mệt mỏi, ngồi trong xe chật chội, đói khát, tinh thần đâu để nghe hắn ta nói tràng giang đại hải như vậy. Cho nên hắn ta cứ nói, chúng tôi chẳng ai quan tâm Sau khi tên thiếu tá công an Bến trưởng trại cải tạo “Xuyên Mộc” nói xong, họ chuyển chúng tôi vào ở chung buồng với những anh em cải tạo khác, trong buồng đủ mọi thành phần sỹ quan, công chức cao cấp chế độ cũ như “Thẩm Phán, Chánh Án, Đại Học Quốc Gia Hành Chánh, như: Phó Quận, Phó Tỉnh, các Trưởng Phó Ty, Sở vân….vân… Lẽ ra chúng tôi sẽ ở lại Khu đó để chuẩn bị lao động, nhưng biến cố bất ngờ xảy ra chiều hôm đó là có 3 sỹ quan trại viên trốn trại. Mặc dù chúng tôi vừa chân ướt chân ráo mới tới chẳng biết ất giáp gì. Nhưng tất cả mọi người trong trại đêm đó đều phải họp kiểm điểm, lên án 3 người vừa trốn trại thành công. Sáng hôm sau, toàn thể anh em chúng tôi tất cả gồm 82 người lại được lệnh lếch thếch chuyển trại vào Khu B vừa đang xây dựng. Từ Khu A vào Khu B tuy chỉ khoảng 2 Km 5, nhưng không có đường, toàn phải đi bộ băng rừng rất vất vả. Khu này lúc đó Ban Giám Thị là Thượng úy công an tên Hiểu. Chúng chia (họ gọi là biên chế.) tất cả chúng tôi thành 3 đội, 12, 13 và 14. Duyên Anh ở đội 12 được cử làm đội trưởng. Tôi, Anh Đặng Hải Sơn (Anh Sơn nguyên là Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Tuyên Đức kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Thanh Niên Tuyên Đức/Đà Lạt năm 1970-1971, Năm 1974 về làm chuyên viên cho Bộ Trưởng Kinh Tế Nguyễn Đức Cường, Chức vụ sau cùng năm 1975 là Giám Đốc Bộ Kinh Tế cho đến ngày đứt phim, chức này do anh Trần Dạ Từ vận động), và anh Nguyễn Mạnh Côn, họ tống chúng tôi vào đội 14 do Họa Sỹ Đằng Giao Trần Duy Cát làm đội trưởng. Mỗi buồng ở đây chứa khoảng 4 hoặc 5 đội, mỗi đội trên dưới 40 người.Trong buồng có 2 tầng, Tôi, Anh Côn và anh Sơn ngủ sát vách tầng dưới ở ngay cửa buồng bước vào. Vậy là số phận của tôi và anh Nguyễn Mạnh Côn có lẽ do trời xếp đặt phải ở cạnh nhau. Hàng ngày hai buổi sáng, chiều chúng tôi phải đi “Lao động Vinh Quang”, thứ bảy phải “Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa”. Riêng anh Côn được trại đặc ân khỏi đi lao động vì tuổi già sức yếu. Chúng tôi nằm tầng dưới, Duyên Anh và Đằng Giao nằm tầng trên. Anh Côn ăn chung với hai anh em tôi, Duyên Anh và Đằng Giao là một cặp. Anh Côn ăn xong thường không rửa chén dù chỉ có 1 cái duy nhất, tôi đòi rửa cho anh thì anh không chịu, anh nói “Rửa làm gì cho mất công, để đó chiều ăn tiếp.” Thỉnh thoảng tối đến. Chúng đã khóa chúng tôi trong buồng anh thường kể những chuyện vui buồn của đời anh đã trải qua.
BỐN
Thời gian gần đến tháng 4 năm 1979, tức gần đủ 3 năm như Bản Án cải tạo chế độ cộng sản đã đọc cho chúng tôi nghe trước khi lên trại. Những đêm đó anh thường tâm sự với tôi. Anh nói “Chúng ta phải làm gì khi đủ 3 năm chứ? Không lẽ để họ giam mình suốt đời sao?” Anh cũng chỉ tâm sự đến đó, không nói sẽ làm thế nào?l úc nào sẽ hành động? Tôi cũng không dám đi sâu vào vấn đề, vì tai mắt của bọn “An Ten” ở trong phòng, mà chúng tôi là những thành phần chúng luôn theo dõi. Thế rồi việc gì đến phải đến. Như thường lệ, sáng ngày 2 tháng 4 năm 1979. Khi tiếng kẻng vang lên để báo cho mọi người trong trại chuẩn bị ra sân xếp hàng đi lao động như thường lệ. Chúng tôi đang sắp đi thì bất ngờ anh Nguyễn Mạnh Côn cũng đòi đi theo ra xếp hàng để đi lao động, nên nhớ trong trại đi lao động là cưỡng bách, muốn khai bệnh để nghỉ 1 ngày cũng rất khó, huống chi anh được trại cho miễn lao động là một đặc ân không ai có được. Tôi, anh Sơn, anh Đằng Giao Trần Duy Cát nghĩ là anh Côn hôm nay muốn đi lao động để cho biết thế nào là “Lao Động Khổ Sai” chăng? Nên hết mực khuyên anh ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, ra hiện trường cuốc đất nắng nôi vất vả lắm. Nhưng anh nhất định không nghe. Anh cương quyết ra đi xếp hàng.Tuy gọi là xếp hàng, nhưng tất cả mọi người đều phải ngồi theo đội. Khi nào cán bộ trực trại gọi đến đội nào thì đội đó mới đứng dậy, đội trưởng báo cáo tổng số người trong đội, bệnh mấy người, bao nhiêu người lao động, rồi mới xuất trại đi làm. Vì cùng đội nên hôm đó anh Nguyễn Mạnh Côn xếp hàng sau tôi, ngồi hàng cuối cùng của đội. Trong khi toàn trại đã ngồi vào hàng đầy đủ, chờ cán bộ trực trại gọi từng đội để đi lao động. Bỗng nhiên anh Nguyễn Mạnh Côn đứng lên giữa trại nói lớn: “Tôi Nguyễn Mạnh Côn, Nhà văn Chế Độ Cũ, lãnh án 3 năm tập trung cải tạo. Hôm nay ngày 2 tháng 4 năm 1979 đã thụ án đủ 3 năm. Tôi yêu cầu Ban Giám Thị viết giấy ra trại trả tự do cho tôi, để tôi về với gia đình. Kể từ hôm nay tôi không còn là người tù. Tôi sẽ không ăn cơm của trại nữa”. Anh vừa nói xong, toàn thể hàng ngàn tù nhân và công an trại giam im phăng phắc, không một tiếng động. Bỗng tên công an quản chế (lâu quá quên mất tên) hai hàm răng rít lại nói: “Anh Nguyễn Mạnh Côn ra gốc cây phía sau ngồi chờ. Sự việc xảy ra sáng hôm đó, đã làm rúng động toàn trại, không những cho các tù nhân mà còn cho cả bon công an trại giam từ Giám Thị trại cho đến bọn công an tép riu. Lúc đầu chúng đối xử mềm mỏng, như là nhượng bộ những đòi hỏi của anh. Họ yêu cầu anh đừng tuyệt thực, hãy ăn uống bình thường, họ cung cấp thịt cá cho anh ăn hàng ngày, trong khi chờ đợi họ gửi hồ sơ của anh về bộ để cứu xét thả, vì ở trại chỉ có quyền giữ, không có quyền thả. Anh Nguyễn Mạnh Côn cương quyết không chịu, yêu cầu họ phải thả ngay tức thì, vì anh đã thụ án cải tạo 3 năm tròn đầy đủ. Không thể viện bất cứ lý do gì để giam anh. Chúng thấy mua chuộc cho ăn thịt cá (Tù đến muối cũng không có mà ăn, đừng mơ đến cá thịt) không xong. Chúng lên kế hoạch sắt máu. Vỗ về, nhượng bộ không hiệu quả. Lúc đầu anh còn ở trong phòng bên cạnh tôi, vẫn nói cười vui vẻ. Những điều tôi vừa kể là do chính miệng anh nói với tôi. Vài hôm sau, khi chúng tôi đi lao động về thì thấy anh không còn ở trong phòng nữa,họ đã chuyển anh sang phòng khác. Phòng này cách phòng tôi không xa, mới làm xong chưa có người ở. Chúng nhốt anh một mình ở đó, công an canh gác ngày đêm không cho ai đến gần. Chúng tôi mỗi lần đi lao động về có nhìn từ xa vào, nhưng không thấy gì nên không biết tình trạng của anh ra sao? Hỏi trật tự trại cũng không biết rõ, vì họ cũng không được đến gầ̀n. Vài hôm sau vào những buổi chiều khi đi lao động về. Nghe tiếng anh kêu rống lên thảm thiết “Khát quá, khát quá “. Thì ra bọn cộng sản thật dã man, thấy anh tuyệt thực, chúng không cho anh uống nước luôn. Tức là vừa đói vừa khát. Chúng ta có thể nhịn đói 1, 2 tuần không sao, miễn là vẫn uống nước đầy đủ. Tôi đã từng quen những người vì nhu cầu chữa bệnh có khi phải nhịn đến thất tuần, tức 7 nhân 7 là 49 ngày. Anh bị bỏ đói bỏ khát, mặc cho anh kêu gào ngày đêm cho đến lúc suy kiệt. Chúng tôi không thể nào giúp gì cho anh được, tuy cách không xa. Tiếng kêu rên của anh nghe rất rõ. Nhưng vì bọn công an bảo vệ canh gác rất nghiêm ngặt. Không cách tiếp tế nước uống cho anh được. Sau một thời gian khoảng một tháng, không biết bọn cộng sản trại giam, dụ dỗ, uy hiếp bằng cách nào? Chúng đã bắt anh phải khuất phục và hạ nhục anh bằng cách bắt anh phải ra đứng trước toàn trại, đọc bản kiểm điểm nhận lỗi. Hôm đó tôi thấy anh như người mất hồn, không còn chút sinh khí. Lúc đó có nhiều người cho anh như vậy là hèn hạ, không xứng danh bản lãnh của một kẻ sỹ, trong số đó có nhà văn Duyên Anh, một đàn em của anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh Côn là người đã nâng đỡ Duyên Anh từ một người vô danh cho đến khi trở thành nhà văn nổi tiếng. Từ truyện ngắn đầu tiên “Con Sáo Của Em Tôi “đăng trên tờ “CHỈ ĐẠO” do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút. Trong suốt thời gian dài ở trại Xuyên Mộc, Duyên Anh nhà giàu, thăm nuôi đều đặn và rất khẳm. Anh Côn không bao giờ có thăm nuôi, nhưng không bao giờ Duyên Anh chia xẻ cho anh bất cứ thứ gì, dù chỉ là tán đường hay hạt muối, trong khi Duyên Anh đã dùng những thứ đó cho tù hình sự để sai khiến chúng lấy nước, lấy củi v…v… Nhưng tôi thấy anh Côn vẫn vui vẻ không hề phiền trách. Chúng tôi lúc đó rất nghèo, chỉ có thể chia xẻ với anh chút muối đậu. Vì cả nhà chúng tôi 4 cột trụ gia đình đều bị bắt. Anh Trần Dạ Từ và tôi mỗi người đều đang là Chủ Nhiệm của một Hợp Tác Xã Ván Sàn Xuất Khẩu, chị Nhã Ca có chung với chị Như Hảo vợ G.S kiêm Nhạc Sỹ Phạm Mạnh Cương một quầy bán quần áo trên lầu thương xá TAM ĐA S.G. Anh Đặng Hải Sơn chuyên nhuộm vải cho cửa hàng của chị Nhã Ca. Cho nên khi công an cộng sản vào bắt 4 người chúng tôi, toàn bộ cột trụ gia đình bị gãy. Ở nhà lúc đó chỉ còn lại toàn đàn bà con nít. Mẹ chị Nhã, đã ngoài sáu mươi lo cho một đàn cháu, đứa con gái đầu lòng của anh chị Từ Nhã, bé NANA, Lê thị Sớm Mai mới 13 tuổi, Hono, Lê phương Đông 10, Nina Lê thị Hòa Bình 6, Lulu, Lê Thị Sông Văn 5, Tina Lê thị Vành Khuyên 3 và cu Toe Lê Hưng Chấn chưa được 1 tuổi. Vợ anh Sơn, Trần Thị Thu Hà em ruột chị Nhã Ca vừa tốt nghiệp ngành Kinh Thương, Trường Đại Học Minh Đức S.G. mới sinh con đầu lòng bé Long Nghi vừa tròn thôi nôi. Khi chúng tôi bị bắt ít lâu sau đó thì căn nhà 155 Hoàng Hoa Thám G.Đ bị chúng tịch thu làm hợp tác xã mây tre xuất khẩu. Trong tình cảnh như vậy. Cửa nát nhà tan. Bên ngoài bương chải để lo cho lũ trẻ còn hụt hơi, làm sao có thể lo cho 4 mạng ở trong tù được. Do đó chúng tôi không có gì ngoài muối đậu. Anh Côn đã sống với chúng tôi trong hoàn cảnh như thế. Khi bọn chúng đã làm nhục anh trước toàn thể tù nhân và công an trại giam xong. Chúng đưa anh đến ở chung trong buồng giam hình sự, tức ở chung với bọn côn đồ, trộm cướp, hiếp dâm không cho anh trở về ở chung với chúng tôi nữa. Xin nhớ trong trại cải tạo, các buồng không được liên lạc với nhau, nếu bắt gặp sẽ bị kỷ luật, nhẹ thì cảnh cáo cắt thăm gặp, nặng thì cùm tay chân, cắt tiêu chuẩn ăn còn 9kg, tức chỉ húp cháo loãng cầm hơi. Do vậy, chỉ biết anh Côn đang ở buồng đó, nhưng hoàn toàn biệt vô âm tín. Cho đến một buổi sáng ngày 1 tháng 6 năm 1979 thì chúng tôi nhận được tin anh qua đời. Sáng hôm đó trời mưa, nên chúng tôi không phải đi lao động. Tôi nhìn qua song cửa, thấy mấy người tù hình sự chở quan tài của anh trên xe cải tiến, mang ra ngoài nghĩa địa ở bìa rừng để chôn. Trời có lẽ cũng khóc tiếc thương cho một nhân tài, một nhà văn lớn của đất nước đã vĩnh viễn ra đi.
Thưa anh Nguyễn Mạnh Côn, không biết hậu thế sẽ đánh giá anh thế nào? Riêng em, anh là một đàn anh em luôn luôn kính trọng. Anh đã từng hỗ trợ và nâng đỡ rất nhiều người dù không quen biết, trong đó có em. Anh đã làm một việc mà tất cả hàng triệu người tù lúc đó không ai dám làm, dám nói. Bọn cộng sản lúc đó chỉ kêu gọi đi học tập 10 ngày, 1 tháng. Nhưng đã ai có can đảm dám đứng trước toàn trại dõng dạc tuyên bố như anh? Nếu lúc đó toàn thể mọi người đều đồng loạt đứng lên hưởng ứng lời tuyên bố của anh, có thể tình hình đã đổi khác. Đây là định mệnh, Anh là anh hùng cô đơn giữa bầy lang sói, chúng sẵn sàng lóc da xẻ thịt, hạ nhục anh. Anh đã bắn phát súng đầu tiên vào sự dối trá và bịp bợm của bọn cộng sản gọi là 3 năm cải tạo. Nhưng đúng hạn, chúng chẳng thả ai cả, chẳng ai dám lên tiếng ngoài anh. Như vậy anh không xứng đáng là anh hùng sao? Định mệnh đã cho em có cơ hội quen biết anh, ở tù cùng phòng. Đã cùng đôi, cùng buồng, nằm cạnh nhau ở trại giam XUYÊN MỘC. Chứng kiến tận mắt anh hiên ngang dõng dạc tuyên bố đòi bọn cộng sản phải thả anh đúng như mức án chúng đã tuyên đọc. Anh đã ra đi nhưng khí phách của anh, mãi mãi vẫn còn đọng lại trong tim của em.
Vĩnh biệt anh Một Nhà Văn Lớn, một tù nhân lương tâm bất khuất, một kẻ sỹ thời đại. Trước vong linh, em kính xin được khóc thắp nén nhang tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng.
Vĩnh biệt anh Một Nhà Văn Lớn, một tù nhân lương tâm bất khuất, một kẻ sỹ thời đại. Trước vong linh, em kính xin được khóc thắp nén nhang tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng.
Philadelphia, ngày 23 tháng 7 năm 2017ĐẶNG HÀ
Nhận xét
Đăng nhận xét