Tin khắp nơi – 29/07/2017


Tin khắp nơi – 29/07/2017

Bắc Hàn: Toàn bộ Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn tên lửa

Bắc Hàn tuyên bố cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên châu lục đêm 28/7 đã thành công, và là “một cảnh cáo nghiêm khắc” cho Hoa Kỳ.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un “tự hào nói rằng vụ phóng thử cũng xác nhận tất cả đất liền của Hoa Kỳ đều nằm trong tầm tấn công,” Korean Central News Agency cho biết.
Vụ phóng thử thứ hai diễn ra ba tuần sau khi Bắc Hàn lần đầu bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên châu lục (ICBM).
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói đây là “đây là hành động liều lĩnh và nguy hiểm nhất của chính quyền Bắc Hàn”.
Bắc Hàn nói tên lửa đã bay 47 phút và đạt độ cao 3.724km.
Bình Nhưỡng nói rằng vụ phóng đã “thử nghiệm thành công khả năng tái xâm nhập” của tên lửa.
Thông cáo cho thấy tên lửa được phóng là Hwasong-14, cùng loại với một tên lửa Bắc Hàn bắn thử hồi hôm 3/7.
Các báo cáo cho thấy tên lửa phóng hôm 28/7 đã rơi xuống bờ biển phía Bắc Nhật Bản.
Lầu Năm góc nói tên lửa được phóng vào lúc 23:41 giờ địa phương từ một cơ sở vũ khí ở tỉnh Jagang phía bắc Bắc Hàn.
Khá là bất thường khi Bắc Hàn bắn thử tên lửa vào buổi đêm. Và trước đó chưa có tên lửa nào được phóng từ Jagang, cho thấy có một cơ sở phóng tên lửa chưa được biết đến đang hoạt động.
Hệ thống ICBM có thể đạt độ cao trên mức khí quyển của Trái Đất. Sử dụng đường đạn sắc nhọn với độ cao lớn giúp Bắc Hàn có thể tránh bắn vào các nước lân cận.
Phân tích: New York có thể trong tầm bắn
Phân tích từ Melissa Hanham, Trung tâm James Martin cho Nghiên cứu Chống gia tăng hạt nhân
Cuộc bắn thử ICBM mới đây nhất của Bắc Hàn đi xa hơn và cao hơn cuộc bắn thử vào 3/7, có nghĩa rằng họ có thể tấn công sâu hơn vào trung tâm đất liền của Hoa Kỳ so với đánh giá ban đầu.
Các số liệu ban đầu về tên lửa cho thấy nó có tầm bao phủ khoảng 10.400km. Và vì được phóng từ bệ phóng di động, nếu tên lửa phóng từ thành phố đông bắc Rason thì New York sẽ nằm trong tầm ngắm của ICBM.

Trump sẽ ký luật chế tài Nga

được Quốc hội đồng lòng ủng hộ

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký luật áp đặt những chế tài lên Nga, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Sáu, sau khi Moscow yêu cầu Mỹ phải cắt giảm hàng trăm nhân viên ngoại giao và tuyên bố họ sẽ tịch thu hai cơ sở ngoại giao để trả đũa dự luật này.
Thượng viện Mỹ đã biểu quyết với tỉ lệ gần tuyệt đối hôm thứ Năm để áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, buộc ông Trump phải lựa chọn một lập trường cứng rắn với Moscow và trên thực tế làm tiêu tan hy vọng của ông về mối quan hệ nồng ấm hơn với đất nước này, hoặc là phủ quyết dự luật giữa lúc đang có những cuộc điều tra về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông với Nga.
Bằng việc ký ban hành luật này, ông Trump không thể giảm nhẹ những chế tài nhắm vào Nga trừ phi ông có được sự chấp thuận của Quốc hội.
Quyết định trả đũa của Moscow, được Bộ Ngoại giao loan báo hôm thứ Sáu, gợi nhớ tới thời Chiến tranh Lạnh. Nếu hành động của Nga được xác nhận là sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nhân viên Đại sứ quán Mỹ thì sự trả đũa này sẽ nặng hơn việc chính quyền Obama trục xuất 35 người Nga vào tháng 12 năm ngoái.
Luật này một phần là phản ứng trước kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, và là để tiếp tục trừng phạt Nga về việc sát nhập Crimea vào năm 2014.
Cuối ngày thứ Sáu, Nhà Trắng ra thông cáo nói rằng ông Trump sẽ ký dự luật này sau khi xem qua phiên bản cuối cùng. Thông cáo không nhắc tới các biện pháp trả đũa của Nga.
Nga đã đe dọa trả đũa từ mấy tuần qua. Phản ứng của Nga cho thấy họ đã gạt qua một bên những hy vọng ban đầu về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington dưới thời Trump, điều mà nhà lãnh đạo Mỹ, trước khi đắc cử, đã nói ông mong muốn đạt được.
Quan hệ Mỹ-Nga đã suy giảm xuống mức thấp thời hậu Chiến tranh Lạnh do những cáo buộc rằng Nga tấn công tin tặc trong cuộc bầu cử ở Mỹ nhằm thúc đẩy cơ may của ông Trump, điều mà Moscow một mực phủ nhận. Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng giữa ban vận động của ông với các quan chức Nga.

Sri Lanka cho TQ kiểm soát cảng biển quan trọng

Sri Lanka vừa ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ đô la, theo đó trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát và phát triển cảng biển nước sâu ở Hambantota.
Thỏa thuận đã bị trì hoãn vài tháng do có các quan ngại về việc quân đội Trung Quốc có thể sử dụng cảng.
Chính phủ nay đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ chỉ tiến hành các hoạt động thương mại ở đây, là cảng chính trong tuyến đường biển qua lại giữa châu Á và châu Âu.
Chính phủ Sri Lanka nói rằng số tiền có được từ thỏa thuận sẽ giúp trả nợ các khoản vay nước ngoài.
Theo đề án, một công ty quốc doanh của Trung Quốc sẽ được trao hợp đồng thuê với thời hạn 99 năm trên diện tích 15.000 acres ở gần đó để đặt một khu công nghiệp.
Đề án sẽ dẫn đến chuyện hàng ngàn dân làng sẽ phải rời đi nơi khác, nhưng chính phủ nói họ sẽ được cấp đất mới.
Trung Quốc đã đổ hàng triệu đô la vào các cơ sở hạ tầng của Sri Lanka kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 26 năm ở nước này, hồi 2009.
Các cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận nổ ra trên đường phố tại Hambantota hôm thứ Bảy.
Một chiếc quan tài được đưa đi diễu phố trước khi những tấm carton vẽ hình Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremasinghe của nước này bị châm lửa đốt.
Cảng Hambantota nhìn ra Ấn Độ Dương và được trông đợi là sẽ đóng vai trò then chốt trong sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”, hay còn được biết đến với tên gọi Con đường Tơ lụa mới, nối liền các cảng và các con đường qua lại từ Trung Quốc tới Châu Âu.
Sáng kiến này đang được các đối thủ thương mại trong khu vực, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản, theo dõi sát sao.
Những người phản đối dự án nói họ lo sợ rằng khu vực đang bị biến thành thuộc địa của Trung Quốc. Họ cũng quan ngại rằng hải quân Trung Quốc có thể dùng cảng này làm căn cứ để triển khai các hoạt động.
Để làm giảm bớt các quan ngại trên, chính phủ Sri Lanka tuyên bố một thỏa thuận đã điều chỉnh, nhằm giảm cổ phần của hãng Trung Quốc xuống còn 70%. Giới chức cũng đảm bảo rằng quân đội Trung Quốc sẽ không sử dụng cảng.

Trump bổ nhiệm chánh văn phòng mới

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo ông sẽ bổ nhiệm Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly làm chánh văn phòng Nhà Trắng, chấm dứt nhiệm kỳ phục vụ sáu tháng đầy biến động của ông Reince Priebus.
Sau nhiều tháng đồn đoán về số phận của ông Priebus, ông Trump đăng lên Twitter quyết định ngay khi ông đáp máy bay xuống Washington sau một sự kiện ở New York, trong đó ông hết lời ca ngợi thành tích của ông Kelly ở Bộ An ninh Nội địa.
Ông Priebus, cựu Chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc, thường là mục tiêu của những tin đồn về việc chức vụ của ông bị lung lay, và mới đây là nạn nhân của những lời chửi bới nhục mạ công khai trong tuần này của giám đốc truyền thông Nhà Trắng mới.
Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi vui mừng thông báo với quý vị rằng tôi vừa mới chỉ định Tướng/Bộ trưởng John F Kelly là Chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông ấy là một Người Mỹ Vĩ đại và là một Nhà lãnh đạo Vĩ đại. John cũng đã xuất sắc làm nhiệm vụ của mình tại Bộ An ninh Nội địa. Ông ấy là ngôi sao thực sự của Chính quyền của tôi. “
Ông Trump cũng cảm ơn ông Priebus, chánh văn phòng mà ông buộc phải từ chức.
“Tôi muốn cảm ơn Reince Priebus về sự phục vụ và cống hiến của ông ấy cho đất nước của ông. Chúng tôi đã hoàn thành rất nhiều thứ cùng nhau và tôi tự hào về ông ấy!”
Nói với các phóng viên trên đường băng ở Căn cứ Hỗn hợp Andrews bên ngoài Washington, ông Trump nói: “Reince là một người đàn ông tốt. John Kelly sẽ làm nhiệm vụ một cách xuất sắc.”
Ông Kelly là một tướng bốn sao đã về hưu.
Ông Priebus không bao giờ có thể mang lại vẻ ngoài trật tự cho một đội ngũ nhân viên đấu đá nội bộ quyết liệt ở Cánh Tây Nhà Trắng, và nghi vấn về tương lai của ông từ lâu đã được nhiều người rỉ tai nhau. Nghi vấn tăng mạnh trong tuần này với sự xuất hiện của Anthony Scaramucci, giám đốc truyền thông mới mà ông Trump đưa vào bất chấp sự phản đối của ông Priebus.
Mối quan hệ căng thẳng giữa ông Priebus và ông Scaramucci trở nên tồi tệ hơn trong hai ngày qua khi giám đốc truyền thông gợi ý trong một dòng tweet tối muộn rằng ông Priebus là một trong những “người rò rỉ tin tức” mà Trump đã đả kích. Tạp chí The New Yorker đăng một cuộc phỏng vấn vào ngày thứ Năm mà trong đó ông Scaramucci chửi bới ông Priebus bằng những từ ngữ tục tĩu, và gọi ông là “thằng tâm thần hoang tưởng.”

Kinh tế Mỹ lấy đà

Nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong tháng Tư, Năm và Sáu, theo tỷ lệ hàng năm là 2,6%, theo phúc trình của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Dựa trên các dữ liệu GDP công bố hôm 28/7, chi tiêu của giới tiêu thụ và doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh đà tăng trưởng.
Kinh tế gia Sara Johnson của IHS Markit nói đà tăng của nền kinh tế toàn cầu cũng giúp đẩy nhanh phát triển kinh tế tại Hoa Kỳ.
GDP, tổng sản phẩm nội địa, được coi là chỉ dấu tổng quát của sức mạnh kinh tế của một nước.
Phúc trình này chủ yếu dựa trên các dữ kiện sơ khởi, và có thể được duyệt lại khi nào có những thông tin đầy đủ hơn. Chẳng hạn, mức tăng GDP trong tháng Một, Hai và Ba năm nay đã được điều chỉnh, cho thấy mức tăng trưởng vào lúc đó chậm hơn người ta nghĩ lúc ban đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã vận động tranh cử với hứa hẹn sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế lên tới mức 3% và cao hơn nữa bằng cách giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm thuế và cắt giảm chi tiêu cho hệ thống chăm sóc y tế trong khi đẩy mạnh chi tiêu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trong khi ông Trump đã giảm bớt các thủ tục và quy định, phần lớn nghị trình kinh tế của ông đã dậm chân tại chỗ ở quốc hội, dù cho cả lưỡng viện quốc hội đều do Đảng Cộng hoà của ông kiểm soát.
Một cuộc khảo sát riêng rẽ do Đại học Michigan thực hiện nói mức độ tự tin của giới tiêu thụ đã giảm trong tháng Bảy, tuy vẫn được duy trì ở mức tương đối “tích cực”.
Các nhà kinh tế vẫn theo sát thái độ của giới tiêu thụ bởi vì chi tiêu của thành phần này là nhân tố quyết định trong các hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ.

Mỹ, Anh, Pháp, Đức lên án Iran về vụ phóng hỏa tiễn

Mỹ, Anh, Pháp và Đức ra một thông cáo chung lên án vụ phóng hỏa tiễn mới đây của Iran. “Chương trình phát triển phi đạn đạn đạo của Iran có tác động gây bất ổn trong khu vực,” thông cáo nói. “Chúng tôi kêu gọi Iran không tiến hành thêm bất kỳ vụ phóng phi đạn đạn đạo nào và các hoạt động liên quan.”
Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nói trong một thông cáo: “Chúng tôi sẽ không đơn thuần tin lời của Iran rằng họ đang chấp hành các nghĩa vụ quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt những hệ quả cho đến khi Iran ngừng các hành động khiêu khích của mình và chấp hành đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.”
Iran cho biết họ đã phóng thành công một hỏa tiễn chở theo một vệ tinh vào không gian hôm thứ Năm.
Truyền hình nhà nước Iran nói hỏa tiễn “Simorgh,” nghĩa là phượng hoàng trong tiếng Farsi, có khả năng chở một vệ tinh 250 kilômét bay xa tới 500 kilômét bên trên Trái đất, nhưng không nói rõ đó là vệ tinh gì.
“Trung tâm Không gian Imam Khomeini đã chính thức khai trương với cuộc thử nghiệm thành công phương tiện phóng không gian Simorgh,” đài truyền hình nhà nước đưa tin.
Vụ phóng hỏa tiễn này diễn ra sau khi Mỹ hồi đầu tháng này gia tăng chế tài kinh tế đối với Iran về chương trình phi đạn đạn đạo của nước này.
Vụ phóng hôm thứ Năm không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được ký bởi Iran và nhóm các cường quốc thế giới P5+1, mặc dù Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng công nghệ phi đạn đang được Iran phát triển có thể sẽ được điều chỉnh thành phi đạn tầm xa.

Iran tiếp tục chương trình tên lửa

bất chấp trừng phạt của Âu, Mỹ

Ngày 28/07/2017, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Iran, ông Bahram Ghassemi, tuyên bố Teheran sẽ tiếp tục phát triển các chương trình tên lửa “bằng tất cả sức mạnh của mình”, bất chấp lệnh trừng phạt mới của quốc tế.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với Iran, một ngày sau khi Teheran phóng thành công tên lửa Simorgh, là một hành động “thù địch” và “không thể chấp nhận”.Ông cũng cho rằng các biện pháp trên “chỉ nhằm làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân” mà Iran đã ký vào tháng 07/2015 với 5 nước Hội Đồng Bảo An cùng với Đức.
Hãng tin AFP nhắc lại, Quốc Hội Mỹ đã thông qua ngày 27/07 một dự luật trừng phạt Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Đối với Iran, các biện pháp trừng phạt nhắm vào các chương trình tên lửa đạn đạo, vấn đề nhân quyền và việc Tehran hỗ trợ cho các tổ chức bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Các biện pháp trừng phạt mới đã được Quốc Hội lưỡng viện thông qua, nhưng còn chờ tổng thống Donald Trump phê chuẩn.
Châu Âu ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Iran. Trong thông cáo ngày 29/07, Washington, Paris, Luân Đôn và Berlin cùng “lên án” Teheran đã thử nghiệm tên lửa đẩy vệ tinh và kêu gọi chính quyền Iran chấm dứt các chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Theo quan điểm của các nước phương Tây, các vụ thử nghiệm đó “không phù hợp với nghị quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và gây bất ổn trong khu vực”.

Brazil : Rio huy động hàng ngàn binh lính

tái lập trật tự thành phố

Sau nhiều đợt bùng phát bạo động nghiêm trọng tại Rio, ngày 28/07/2017, một lực lượng 10.000 người, trong đó có 8.500 binh lính, đã được tổng thống Brazil huy động để lập lại an ninh tại thủ đô. Nhiều xe tăng quân đội cũng được triển khai tại trung tâm thành phố Rio, sân bay Santos Dumont và gần bãi biển Botafogo.
Các vụ bạo động xảy ra do hậu quả của suy thoái kinh tế, nạn buôn bán ma túy tràn lan và sự gia tăng của các tổ chức tội phạm có vũ trang. Khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đang diễn ra tại Rio, thành phố không còn khả năng thanh toán lương đúng hạn cho công chức, kể cả nhân viên cảnh sát. Điều này khiến nạn tham nhũng càng thêm trầm trọng. Cuối tháng 06/2017, một trăm nhân viên cảnh sát đã bị bắt vì tham gia các hoạt động buôn bán với các băng đảng ma túy.
Một năm sau khi tổ chức Olympic, Rio đang thực sự trải qua một cơn ác mộng bạo lực, trung bình một ngày có ba người bị thương do súng đạn, đặc biệt là trong các cuộc đấu súng giữa cảnh sát và những nhóm buôn lậu ma túy có vũ trang. Ở các khu ổ chuột, nơi sinh sống của gần một phần tư dân số thành phố Rio, cứ ba ngày lại có một người chết.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng, lệnh điều động binh lính tại Rio sẽ có hiệu lực cho đến cuối năm 2018, có nghĩa là tới hết nhiệm kỳ của của tổng thống Temer, hiện đang vướng vào những nghi vấn về vụ tham nhũng với tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Đức : Thủ phạm tấn công tại Hamburg

thuộc thành phần Hồi Giáo cực đoan

Chiều 28/07/2017, một thanh niên 26 tuổi, người Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đang xin tị nạn tại Đức, đã dùng dao đâm chết một người, làm 6 người bị thương tại Hamburg, miền bắc nước Đức. Vụ việc làm dấy lên tranh cãi chung quanh chính sách đón nhận người nhập cư của Berlin.
Hãng tin Pháp AFP, trích lời lãnh đạo cơ quan an ninh của thành phố, ông Andy Grote, trong buổi họp báo sáng 29/07/2017, cho biết hung thủ là một người Hồi Giáo cực đoan, nhưng không nằm trong danh sách các thành phần thánh chiến Hồi Giáo của cảnh sát Đức. Tuy nhiên, theo quan chức này, thủ phạm hiện đang trong “trạng thái bất an về mặt tâm lý”.
Vào lúc 15 giờ 10 phút chiều 28/07, hung thủ đã dùng dao đâm chết một người đàn ông 50 tuổi và làm nhiều người khác bị thương trong một siêu thị tại khu Barmbek, phía bắc thành phố. Nhiều nhân chứng cho biết, trước khi ra tay, hung thủ hô to “Allah Akbar – Thượng Đế Vĩ đại”.
Tờ báo bình dân Bild đề cập tới liên hệ giữa hung thủ và các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Tờ Der Spiegel thận trọng hơn, cho rằng thủ phạm đang được điều trị về bệnh tâm thần. Trước mắt, cảnh sát Đức cho biết đang tiến hành điều tra theo “tất cả mọi hướng”. Theo kết quả điều tra ban đầu, đương sự đã bị bác đơn xin tị nạn tại Đức. Yếu tố này khiến công luận Đức liên tưởng tới trường hợp của Anis Amiri, người Tunisia xin tị nạn tại Đức, đã lao xe tại vào một khu chợ Noel ở thủ đô Berlin hồi tháng 12/2016, làm 12 người thiệt mạng.
Vụ tấn công tại Hamburg lại làm dấy lên tranh cãi về chính sách đón nhận người nhập cư của chính quyền Đức, hai tháng trước bầu cử Quốc Hội. Chính sách mở rộng vòng tay đón nhận người nhập cư của thủ tướng Merkel hồi năm 2015 đã bị một phần công luận Đức phản đối mạnh mẽ.Trong một năm qua, Berlin đã liên tục siết lại các quy chế đón nhận người tị nạn.

Nam Hàn thúc hối

Hoa Kỳ trở lại lắp đặt 4 hoả tiễn phòng thủ THAAD

Seoul, Nam Hàn. (Reuters)- Hôm nay 29/07, ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-Wha đã mở cuộc họp khẩn cấp, sau khi điện đàm với các ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản về vụ Bắc Hàn bắn hoả tiễn mới đây.
Bà Kang cho hay sẽ thảo luận về việc áp dụng các biện pháp trả đũa thái độ khiêu khích của Bắc Hàn tại các cuộc họp của Diễn đàn Khu Vực Đông Nam Á vào tuần tới, và bày tỏ sự lo ngại về sự tiến bộ của kỹ thuật chế tạo hoả tiễn của Bắc Hàn.
Cuộc họp giữa bà Kang và ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho được mong chờ nhiều nhất, theo dự tính sẽ diễn ra xen kẽ giữa các cuộc họp của ASEAN tại Manila, Philippines.
Tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng an ninh Quốc gia, phụ tá của tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in hôm 29/07 nói họ sẽ áp dụng các biện pháp riêng để cấm vận Bắc Hàn. Ông Moon cũng đã trực tiếp thảo luận với Hoa Kỳ về phương cách tăng cường khả năng quốc phòng để chống lại Bắc Hàn, trong đó có việc lắp đặt sớm bệ phóng hoả tiễn phòng thủ THAAD. Vụ lắp đặt 4 hoả tiễn THAAD tại Nam Hàn đã bị trì hoãn, sau khi tổng thống Moon ra lệnh thẩm định tác động môi sinh.
Hôm nay 29/07, Bắc Hàn nói đã thực hiện thành công thêm lần bắn thử nghiệm hoả tiễn đạn đạo liên lục địa ICBM, để chứng minh khả năng tấn công tất cả các vùng lãnh thổ Hoa Kỳ. Các đoạn phim của đài truyền hình nhà nước Bắc Hàn chiếu hôm nay cho thấy cư dân Bình Nhưỡng hoan nghênh vụ phóng thử hoả tiễn ICBM này. (Song Châu)

Reince Priebus:

tự đề nghị từ chức, không bị yêu cầu từ chức

Washington DC. (Reuters) – Cựu Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus cho biết ông tự đề nghị từ chức, chứ không bị yêu cầu từ chức.
Ông Priebus đưa ra xác nhận trên trong chương trình “Hannity” của Fox News Channel phát sóng hôm qua 28/07, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo thay ông Priebus bằng tướng nghỉ hưu John Kelly, trong loạt thay đổi nhân sự to lớn của tuần này. Trước đó là cựu phát ngôn viên Sean Spicer từ chức, được cho là vì không đồng ý quyết định của tổng thống đưa Anthony Scaramucci vào làm giám đốc truyền thông.
Việc ông Priebus từ chức được cho là vì bị ông Scaramucci buộc tội rò rỉ thông tin, qua bài diễn văn có xử dụng một số từ ngữ thô tục trước giới báo chí.
Ông Kelly 67 tuổi, đại tướng thủy quân lục chiến nghỉ hưu, hiện nay giữ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Nội An. Ông Kelly sẽ đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc kể từ thứ Hai. Theo một viên chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc, ông Kelly được tuyển dụng với mục đích đưa thêm kỷ luật thép vào Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump ban hành quyết định trên sau chuyến thăm Long Island để chống băng đảng tội phạm, vài giờ sau khi ông nhận được tin nỗ lực “xóa bỏ Obamacare” của đảng Cộng Hòa bị thất bại ở Thượng Viện. Ông Priebus cũng có mặt trên phi cơ với tổng thống.
Giới phóng viên nhận thấy ông Priebus không hề có dấu hiệu căng thẳng trong suốt ngày hôm qua. Ông cho biết có nói với tổng thống về chuyện rời khỏi Tòa Bạch Ốc, và trở thành người mới nhất từ nhiệm, trong một chính phủ xáo trộn vào bậc nhất của lịch sử Hoa Kỳ chỉ trong vòng 6 tháng. (Mai Đức)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?